.

Huyện Côn Đảo: Đối mặt với thiếu phòng học

Cập nhật: 14:26, 23/08/2018 (GMT+7)

Do dân số cơ học tăng nhanh nên năm học này, ngành giáo dục huyện Côn Đảo tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu phòng học dù Trường THCS Lê Hồng Phong mới được thành lập. Ở một địa bàn biệt lập đặc thù như Côn Đảo, tình trạng này khiến cho áp lực dạy và học trở nên rất căng thẳng. 

Một tiết học tại Trường MN Hướng Dương (huyện Côn Đảo).
Một tiết học tại Trường MN Hướng Dương (huyện Côn Đảo).

THIẾU GIÁO VIÊN, PHÒNG HỌC

Năm học 2018-2019, huyện Côn Đảo có 2.434 HS (MN có 910 HS, TH có 804 HS, THCS có 486 HS và THPT có 234 HS). Về cơ sở vật chất, huyện có 5 trường học từ cấp MN đến THPT (gồm 2 trường MN, 1 trường TH, 1 trường THCS và 1 trường THPT), tăng 1 trường THCS so với những năm học trước. Đây cũng là năm học đầu tiên huyện có trường học ở bậc THCS do Trường THCS Lê Hồng Phong được thành lập mới từ nguồn vốn đầu tư 154 tỷ đồng của UBND tỉnh và UBND TP.Hồ Chí Minh. Trường THCS Lê Hồng Phong có diện tích hơn 19 ngàn m2. Trong đó ngoài khối phòng học có diện tích sàn hơn 2.000m2 với 16 phòng học, 1 phòng hỗ trợ giáo dục học sinh khuyết tật, Trường THCS Lê Hồng Phong còn có Khối phòng thí nghiệm, Khối thực hành, Khối hội trường và thư viện cùng Nhà luyện tập thể dục thể thao đa năng với diện tích gần 600m2... Để chuẩn bị cho năm học này, bên cạnh việc tăng trường để giảm tải áp lực trường lớp, UBND huyện Côn Đảo còn đầu tư 6,8 tỷ đồng để sửa chữa nhỏ, cải tạo chống xuống cấp, sửa chữa nhà vệ sinh tại tất cả các trường học. Vì vậy, nhìn chung cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục khá khang trang, trang thiết bị hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi kể trên, năm học này, ngành giáo dục huyện Côn Đảo tiếp tục đối mặt khó khăn trước áp lực gia tăng dân số cơ học. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo cho hay, do số HS gia tăng cơ học ngày càng nhanh, dẫn tới tình trạng cơ sở vật chất ở các cấp học từ MN tới THCS không đáp ứng được.

Trao đổi với chúng tôi, cô Cao Thị Hải, Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Thơ cho biết, năm học này, nhà trường có 18 phòng học với 39 GV. Chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 530 HS, thiếu 3 phòng học và 11 GV. “Tình trạng thiếu thốn này đã bắt đầu từ năm học 2017-2018 và tiếp tục căng thẳng hơn trong năm học này khiến đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên nhà trường cảm thấy vô cùng áp lực”, cô Hải nhấn mạnh.

Cũng trong tình trạng tương tự, tại Trường TH Cao Văn Ngọc năm học này có 24 lớp nhưng chỉ có 18 phòng học. Về biên chế, nhà trường được giao 43 chỉ tiêu, trong đó có 33 GV nhưng thực tế chỉ có 29 người do đang chờ tuyển dụng. Cô Phạm Phương Mai cho biết thêm, tình trạng trường lớp quá tải đã kéo dài khoảng 3-4 năm nay và sẽ tiếp tục “nóng” hơn trong năm học tới khi số HS lớp 1 dự kiến tăng lên 250 HS. 

SĨ SỐ LÊN TỚI... 44 HS/LỚP

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Côn Đảo, tình trạng thiếu GV, thiếu phòng học khiến các nhà trường phải dồn lớp để bảo đảm tổ chức giảng dạy. Tuy vậy, sau khi dồn lớp, GV vẫn tiếp tục thiếu, áp lực đối với các nhà trường cũng không hề giảm xuống. Tại Trường THCS Lê Hồng Phong, nhà trường hầu như không tuyển thêm các vị trí việc làm khác để ưu tiên biên chế cho GV, thực hiện kiêm nhiệm, đồng thời dồn lớp, từ 16 lớp giảm xuống còn 13 lớp mới có đủ GV giảng dạy. Hiện nay, sĩ số HS của trường trung bình khoảng 37 em/lớp. Riêng khối lớp 7, sĩ số HS lên tới... 43-44 em/lớp. 

Tương tự, Trường TH Cao Văn Ngọc cũng đang trong tình trạng quá tải. Do diện tích phòng học chật hẹp, chỉ có 48m2 nên việc dồn lớp gây ra rất nhiều khó khăn cho việc dạy và học. Nhà trường cũng đã phải chuyển phòng chức năng, phòng hành chính, phòng truyền thống... thành các phòng học để bố trí đủ lớp cho HS. Được biết, đến thời điểm này, tại Trường TH Cao Văn Ngọc, riêng khối lớp 1, sĩ số HS khoảng 30 em/lớp, còn các khối lớp khác, sĩ số HS đều lên tới 37-38 HS/lớp. Để giải quyết tình trạng thiếu GV, nhà trường phải huy động GV dạy tăng tiết, đồng thời hợp đồng 4 GV còn thiếu trong biên chế được giao. Do không được rót kinh phí chi trả cho GV hợp đồng nên 4 GV này đang giảng dạy không lương.

Riêng ở bậc MN, việc thiếu GV không chỉ tạo áp lực trong giảng dạy mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ. Trên địa bàn năm học này có tới gần 1.000 trẻ ở độ tuổi ra lớp, chỉ tiêu tuyển sinh toàn huyện là 910 trẻ. Trong khi đó, số GV hiện có chỉ có thể đáp ứng nhu cầu ra lớp của 660 trẻ. Dù đã tìm mọi giải pháp nhưng không “gồng gánh” được nên các trường MN trên địa bàn huyện phải tuyển sinh cầm chừng, chưa đạt chỉ tiêu giao. Cô Cao Thị Hải, Hiệu trưởng Trường MN Tuổi Thơ cho hay, năm học 2018-2019, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 530 trẻ. Nhưng đến nay nhà trường mới nhận hồ sơ của khoảng 500 trẻ. Để có đủ GV đứng lớp, nhà trường đã thực hiện dồn 21 lớp xuống còn 18 lớp.

Trước những khó khăn trên, ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết, việc xây dựng thêm 2 điểm trường tại khu vực Bến Đầm, khu dân cư số 9 và xây dựng thêm trường TH mới để giải quyết tình trạng quá tải trường lớp, bảo đảm chất lượng giáo dục là yêu cầu đặt ra cấp bách với Côn Đảo. Về việc thiếu GV, huyện đã đề xuất Sở Nội vụ bổ sung 21 biên chế GV, gồm 16 GV MN và 5 GV TH để kịp thời đáp ứng yêu cầu của năm học mới. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT đã liên hệ với Trường CĐ Sư phạm tỉnh, các phòng GD-ĐT trên địa bàn tỉnh để tìm nguồn GV hợp đồng. Khi có đủ GV sẽ tiếp tục nhận số trẻ còn lại ra lớp.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

.
.
.