.

Đừng mua sắm vô tội vạ!

Cập nhật: 08:28, 24/08/2018 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu tâm lý cho rằng, đã có tâm lý phổ biến là ngày càng nhiều phụ nữ thích mua sắm đến mức độ “nghiện”. Hiện tượng này khiến nhiều đức lang quân kêu trời không thấu! 

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Trong các siêu thị, nếu quan sát những người đi mua sắm, ta có thể thấy rõ một hình ảnh khá phổ biến. Với phụ nữ, nếu đi chung với bạn bè hoặc chồng con gia đình, ta có cảm giác họ đi dạo trong công viên: Thư thái khoan thai, không vội vàng. Phong cách mua hàng đó khiến ta có cảm giác họ đang tận hưởng những niềm vui đang có. Ban đầu, có thể họ không có nhu cầu mua gì mà chỉ bước vào đó “xem cho biết” như một cách thư giãn nhẹ nhàng khi có thời gian rảnh rỗi. 

Thế nhưng, đứng trước bao nhiêu thứ hàng hóa, nào mẫu mã mới, nào model vừa ra đời… một cảm giác tự nhiên trỗi dậy là họ lại muốn mua. Mua cho biết chứ chưa chắc vì nhu cầu sử dụng. Rồi lại nhẩn nha, thích thú xem cái này, sờ cái nọ.

Đứng trước món hàng này, dù không mua nhưng họ cũng cầm lên, săm soi, ngắm nghía, bình phẩm, thỉnh thoảng phá lên cười vui vẻ rồi đặt lại vị trí cũ; qua món hàng kia, thích quá nên họ mất thời gian chọn tới lựa lui, thật ưng ý rồi mới đặt vào xe đẩy; đến món hàng nọ dù trong nhà đã có rồi, nhưng thấy mẫu mã mới, đẹp, tiện ích hơn là họ cũng chọn luôn…

Vì lẽ đó, mỗi lần “tháp tùng” theo vợ/người yêu vào siêu thị, người đàn ông luôn cảm thấy đau khổ nhất trên đời. “Mua gì thì mua cho nhanh rồi về”. Câu nói đó hoàn toàn không có trong suy nghĩ của người phụ nữ. Còn đàn ông lại khác, chỉ mua những cái gì cần. Dù cần, nhưng vẫn ưu tiên cho cái cần nhất rồi “đánh nhanh, rút gọn”. Không rề rà ở đó làm gì, mất thời gian. Phụ nữ chưa chắc mua vì cần, họ mua vì thích.

Thích và cần có khoảng cách xa nhau lắm. Khoảng cách ấy xa đến độ có lúc trong đầu người đàn ông chưa hề nghĩ đến. Cứ nhìn vào tủ lạnh thì biết. Đã không còn chỗ đặt thêm thực phẩm, rau củ quả gì nữa, vậy lần nào vào siêu thị họ cũng “vác” về bao nhiêu thứ khác nữa. Cứ nhìn tủ quần áo, giày dép, túi xách, vật dụng trang điểm thì rõ. Thích là mua, dù có khi cả năm không hề đụng tới. Không ít ông chồng nhìn vào những gì vợ đã mua sắm chỉ thở dài sườn sượt. 

Với người phụ nữ, khi mua sắm không phải lúc phung phí, vung tay quá trán, ném tiền qua cửa sổ mà mua mọi thứ cần dùng. Đâu chỉ cho riêng mình mà còn vì chồng con nữa. Đúng quá! Có điều sự mua sắm ấy thừa thãi quá mức đã khiến nhiều ông chồng phải kêu trời nho nhỏ trong cuống họng, chứ nào dám há miệng cằn nhằn. Cằn nhằn thế nào được? 

“Mua là mua cho cả nhà chứ nào phải riêng em đâu”, vợ giải thích. Nghe vậy, chồng cãi: “Này em, nhưng cái này nhà mình đã có rồi”. “Thì có sao không anh? Mua thêm để đó chứ nó có mọc cánh bay lên trời đâu mà lo?”. Nghe lời ngọt ngào, thầm thì ấy dù hơi xiêu long, anh chồng cũng cố vớt vát: “Mà cái này nhà mình chưa cần phải dùng tới em à!”. “Ô hay! Mua trước khỏi mua sau, khi cần có ngay. Đằng nào cũng mua mà anh yêu?”. Thấy chồng cũng chưa “tâm phục khẩu phục”, cô vợ thêm luôn: “Hơn nữa mẫu mã này đẹp. Anh cũng thích mà. Mình mua ngay đi anh, em sợ khi cần mua lại không còn thì tiếc lắm”. Tự nhiên, lại lôi chồng đứng chung với mình về sở thích nữa? Hay thật. Vậy đó, đố ai có thể cãi tiếp?

Lại nữa, nhiều chị có “triệu chứng” không chỉ mua sắm vì thích mà còn do tò mò. Nghe nói nhà cô bạn vừa sắm máy tập thể dục, máy hút bụi đời mới, dù không có nhu cầu nhưng cũng phải tạt vào siêu thị xem sao. À giá cũng phải chăng. Thế là khệ kệ vác luôn về nhà cho “bằng chị bằng em”. Có như thế, sau đó mới có thể “tám” với nhau chứng tỏ mình “sành điệu” không kém. Rồi, ngày kia thấy chị trưởng phòng mặc cái váy mới màu sắc nền nã quá, cô vợ bèn hỏi chỗ bán rồi sắm cho mình một cái dù sau đó nó chỉ… nằm trong tủ quần áo! 

Có nhiều anh chồng không hiểu tâm lý này nên “méo mặt” ngậm bồ hòn làm ngọt. Ngày nọ, sau khi cơm nước xong vợ chồng ngồi xem ti vi, thoáng thấy cô diễn viên diện túi xách cũng “hay hay” nên buột miệng khen lấy khen để. Vài ngày sau, bỗng dưng thấy cô vợ sắm một cái y chang. “Vì anh khen đẹp nên em mua đó anh”. Hỏi ra mới biết, nửa tháng lương đã… bay vèo! 

Mua sắm vô tội vạ, không cần phân tích thêm, có lẽ ai ai cũng biết là chớ nên. Nhưng vấn đề là làm sao để từ bỏ được? Nhiều quý bà đã từng có tâm lý này, sau khi “tỉnh ngộ” vì đã mua bừa bãi, tùy hứng đến nỗi thừa thãi đã bảo với tôi: “Kinh nghiệm tốt nhất để cắt cơn nghiện mua sắm chẳng theo kế hoạch, mà tùy hứng là nhũng lúc ấy nên nhớ lại những vật dụng còn chất đầy trong nhà, chưa sử dụng đến ắt… cụt hứng ngay”. 

Bí kíp này, theo tôi cũng hiệu quả lắm đây.

LÊ MINH QUỐC

.
.
.