.

Cải cách chính sách tiền lương để tạo động lực mới

Cập nhật: 15:51, 02/08/2018 (GMT+7)

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, có quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội, liên quan và tác động trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, thị trường lao động, đời sống người hưởng lương…

Công chức trẻ Cục Thuế tỉnh làm thêm vào ngày cuối tuần trong chương trình “Ngày thứ Bảy tình nguyện”.  ẢNH: MINH NHÂN.
Công chức trẻ Cục Thuế tỉnh làm thêm vào ngày cuối tuần trong chương trình “Ngày thứ Bảy tình nguyện”. ẢNH: MINH NHÂN.

Với 4 lần cải cách tiền lương kể từ năm 1960 cho đến nay và 11 lần tăng lương kể từ năm 2003, đời sống của những người làm việc trong khu vực công từng bước được cải thiện. Riêng trong DN, tiền lương đã có nhiều chuyển đổi theo quy luật khách quan của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, chính sách tiền lương còn nhiều hạn chế và bất cập. Tiền lương chưa trả theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Nguyên tắc thu nhập từ lương phải là nguồn chính để nuôi sống cán bộ, công chức, viên chức, nhưng ở nước ta, các khoản thu nhập ngoài lương, phụ cấp lại cao hơn cả tiền lương. Thực tế đó đã và đang làm méo mó tiền lương và Nhà nước không kiểm soát hết nguồn thu nhập ngoài lương của người lao động. Chính sách tiền lương không chỉ đang ở trong tình trạng cào bằng, mang nặng tính bình quân chủ nghĩa, mà còn thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu sống của người lao động. Một cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy, chỉ hơn 17% số người lao động được hỏi trả lời rằng họ hài lòng với mức thu nhập hiện tại. Chính sách tiền lương như vậy chưa tạo được động lực để gắn bó người lao động với công việc, chưa nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác, học tập, lao động sản xuất, kinh doanh và chiến đấu, đồng thời chưa thu hút có hiệu quả nguồn lực nhân tài cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương Khóa XII đã nhìn nhận đầy đủ, sâu sắc về những mặt hạn chế của chính sách tiền lương hiện hành và đã quyết định cải cách chính sách tiền lương mang tính căn bản, khoa học. BCH Trung ương khẳng định rõ quan điểm: “Tiền lương phải thật sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; Thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững”. Nếu như năm 1993, chúng ta có 25 bảng lương, năm 2004 giảm xuống còn 11 bảng lương, thì đến năm 2021 khi thực hiện chính sách tiền lương mới, chỉ còn 5 bảng lương. Việc trả lương cho người lao động sẽ tuân thủ đúng nguyên tắc phân phối theo lao động và quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Nhà nước sẽ trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước, nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động. Nhà nước sẽ có chính sách đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động của cán bộ, công chức, viên chức. Trong khu vực DN, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động theo cơ chế thị trường, nhưng Nhà nước sẽ quy định tiền lương tối thiểu để bảo vệ người lao động yếu thế, đồng thời là một trong những căn cứ để thỏa thuận tiền lương của người lao động.

Bắt đầu từ năm 2021, khi thực hiện chính sách tiền lương mới thì tiền lương sẽ được trả tương xứng với sự cống hiến sức lực, trí tuệ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Tiền lương không chỉ đủ nuôi sống bản thân và gia đình của họ, mà còn dần được cải thiện ở mức cao hơn theo mức tăng trưởng của nền kinh tế đất nước. Với chế độ tiền lương đó, chắc chắn sẽ bắt buộc người lao động phải tự nâng cao tinh thần trách nhiệm với chính bản thân mình và với xã hội. Nhưng điều quan trọng nhất chính là, nguồn thu nhập xứng đáng, thỏa mãn nhu cầu sống của người lao động và gia đình họ sẽ kích thích tinh thần làm việc say mê, gắn bó với công việc được giao. Người lao động nói chung, cán bộ, công chức, viên chức nói riêng sẽ cống hiến hết khả năng của mình trên tinh thần tự nguyện, chủ động, sáng tạo cao nhất. Đó chính là nền tảng, cơ sở vững chắc cho tăng năng suất lao động nhằm mang lại hiệu quả ngày càng cao trên mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Nhìn rộng ra, chính sách tiền lương mới sẽ tạo sự công bằng, nhận được sự đồng thuận cao của người lao động và toàn xã hội. Khi tiền lương bảo đảm được cuộc sống, sẽ  thu hút được người hiền tài, khuyến khích tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, làm tăng ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ngăn chặn có hiệu quả hành vi tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Chủ trương cải cách chính sách tiền lương của Đảng đang nhận được sự chú ý và thống nhất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cả nước. Nhưng để chính sách tiền lương có thể được thực hiện và sớm đi vào cuộc sống lại đòi hỏi nền kinh tế phát triển, nguồn ngân sách của Nhà nước phải đủ mạnh. Để có điều đó, phải nhanh chóng cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu tăng trưởng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; Kiên quyết xây dựng bộ máy hệ thống chính trị gọn nhẹ, tinh giản biên chế; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Thực hiện chính sách tiền lương mới đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các DN phải không ngừng rèn luyện, học tập, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm việc để có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm ngày càng cao trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

NGUYỄN QUANG PHI

 
.
.
.