Áp lực về trường, lớp trước thềm năm học mới
Ngay trong hè, các địa phương đã chủ động sửa sang, nâng cấp cơ sở vật chất trường học để chuẩn bị cho năm học mới. Tuy nhiên, năm học này, ngành giáo dục đứng trước không ít khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn.
Một số trường có sĩ số HS quá đông gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Trong ảnh: Một tiết học tiếng Anh tại Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu).
|
232 TỶ ĐỒNG ĐỂ NÂNG CẤP CƠ SỞ VẬT CHẤT
Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay trong dịp hè, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sửa chữa nhỏ, cải tạo, chống xuống cấp. Có mặt tại trường TH Phước Thắng (TP.Vũng Tàu), chúng tôi khá bất ngờ vì ngôi trường được khoác lên mình chiếc áo mới để chào đón năm học 2018-2019. Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường TH Phước Thắng cho biết, để chuẩn bị cho năm học mới, UBND thành phố đã đầu tư 12,6 tỷ đồng để nhà trường sửa chữa, nâng cấp hàng loạt hạng mục: sơn lại toàn bộ trường, cánh cửa, lan can, thay tay vịn cầu thang bằng gỗ, xây mới cổng trường, khu nhà ăn, lát gạch sân trường, cắt tỉa cây xanh, trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại... Hầu hết các hạng mục đều được thực hiện trong hè, nhưng cũng có những hạng mục được thực hiện ngay trong năm học để bảo đảm tiến độ cho năm học mới. Bên cạnh đó, nhà trường còn quy hoạch lại không gian sân trường để tạo nên các sân bóng đá, bóng rổ, cầu lông, đá cầu,... và mua sắm đầy đủ dụng cụ cho những môn thể thao này.
Không chỉ nâng cấp, nhiều địa phương còn xây mới, thành lập mới nhiều trường học để đưa vào hoạt động từ năm học 2018-2019 nhằm đáp ứng nhu cầu ra lớp của HS cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động dạy và học. Đơn cử như Trường TH Lê Hồng Phong (huyện Châu Đức), được đầu tư xây dựng mới trên diện tích 2.000m2, vốn đầu tư gần 45 tỷ đồng. Cơ sở vật chất của trường được đầu tư quy mô và hiện đại, gồm 12 phòng học, 10 phòng làm việc, 9 phòng chức năng, tất cả các phòng học đều được trang bị máy chiếu để giảng dạy...
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 443 trường. Trong đó, có 170 trường MN, 89 trường THCS, 34 trường THPT và 9 Trung tâm GDTX. Được sự quan tâm của UBND tỉnh và các địa phương nên đến nay, việc chuẩn bị trường lớp để huy động HS ra lớp cơ bản đã hoàn thành. Chỉ tính riêng kinh phí đầu tư sửa chữa và mua sắm thiết bị cho các cơ sở trường học là hơn 232 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sửa chữa tại các trường học khoảng 194,6 tỷ đồng; kinh phí mua sắm trang thiết bị bổ sung cho năm học mới khoảng 37,6 tỷ đồng.
Trường THCS Kim Đồng (TP.Bà Rịa) sửa chữa, chống xuống cấp để chuẩn bị cho năm học mới.
|
Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất để chuẩn bị cho năm học mới. |
CHƯA HẾT KHÓ KHĂN
Ông Nguyễn Thanh Giang cho biết thêm, dù đã hết sức nỗ lực nhưng trước thềm năm học mới, ngành giáo dục vẫn tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Một số địa bàn như TP.Vũng Tàu, TX.Phú Mỹ, HS ra lớp của khối lớp 1 tăng cao dẫn đến tình trạng quá tải (sĩ số HS/lớp tăng lên từ 38-52 em, vượt quá quy chuẩn 35 HS/lớp) nên cơ sở vật chất khó đáp ứng nhu cầu dạy và học. Một số địa phương như huyện Xuyên Mộc, Long Điền, hệ thống phòng máy vi tính để thực hành ở cấp TH, THCS còn thiếu hoặc đã xuống cấp nên không sử dụng được nhưng đến nay chưa được bổ sung kịp thời.
Theo ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu, năm học 2018-2019, trên địa bàn thành phố, dự kiến bậc TH có 32.000 HS. Trong đó, hệ thống trường TH công lập “gánh” khoảng 30.500 HS, còn lại là các trường ngoài công lập. Hiện nay, các trường TH trên địa bàn phường 10, 11, 12 đang rơi vào tình trạng quá tải, có lớp sĩ số HS lên tới 47 em. Một số trường phải gồng gánh số lớp khổng lồ, bằng hai trường khác gộp lại. Điển hình là Trường TH Phước Thắng (73 lớp), TH Nguyễn Viết Xuân (68 lớp), TH Chí Linh (58 lớp)... Cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường TH Phước Thắng chia sẻ, năm học này, nhà trường có 73 lớp với tổng số 2.970 HS. Riêng khối lớp 1 có tới 15 lớp, với 690 HS, vượt chỉ tiêu khoảng 140 em. Do chỉ có 36 phòng học nên nhà trường phải biến 12 phòng ngủ bán trú, tất cả các phòng chức năng, phòng truyền thống thành phòng học mới đáp ứng đủ số lượng. Tuy vậy, do diện tích phòng tương đối nhỏ, khuôn viên trường có hạn nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoạt động dạy học.
Tại huyện Xuyên Mộc, ông Nguyễn Tấn Hậu, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết, về cơ sở vật chất, đến thời điểm này, trường gặp nhiều khó khăn nhất là TH Hồ Tràm. Do đang trong thời gian xây dựng cơ sở mới nên trường này phải “mượn” cơ sở của trường MN Hướng Dương để giảng dạy. Theo tiến độ, đến năm 2019 công trình mới hoàn thành. Về trang thiết bị, để chuẩn bị cho năm học tới, huyện Xuyên Mộc có kế hoạch trang bị 11 phòng máy vi tính, mỗi phòng 25 máy cho các trường TH, THCS với tổng kinh phí hơn 3,6 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công. Tuy nhiên, do quy trình thực hiện mua sắm kéo dài nên không kịp trang bị cho các trường trước khi bước vào năm học mới.
Tương tự, huyện Long Điền cũng bố trí kinh phí mua sắm 148 máy vi tính cho 8 phòng tin học nhưng vẫn chờ quy trình thực hiện mua sắm nên chưa trang bị cho các trường được.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cũng cho biết, hiện Trường THCS-THPT Võ Thị Sáu đang rơi vào tình trạng quá tải. Cơ sở vật chất hiện tại khó có thể đáp ứng được gần 800 HS với 23 lớp ở cả 2 bậc học.
CẦN ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA
Trước những khó khăn về cơ sở vật chất, ông Phạm Văn Ngọc, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Vũng Tàu đề nghị thời gian tới cần có chủ trương, chính sách để thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể, có thể triển khai xây dựng trường tự chủ (trước hết là tự chủ tài chính) bằng mô hình trường chất lượng cao; thực hiện mô hình liên kết công-tư trong phát triển giáo dục bằng cách cho thuê tài sản công để các nhà đầu tư có năng lực tham gia; Rà soát quỹ đất công để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng trường học mới. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch xây dựng trường lớp, củng cố cơ sở vật chất để tách trường, tăng trường nhằm giảm tải cho những địa bàn đang gặp áp lực về tuyển sinh.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT, các nhà trường cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Bên cạnh đó, các nhà trường, Phòng GD-ĐT và các địa phương cần rà soát lại tình hình cơ sở vật chất tại các trường sớm để lên kế hoạch sửa chữa, mua sắm kịp thời nhằm đáp ứng cơ sở vật chất cho năm học mới.
Bài, ảnh: KHÁNH CHI