Thanh niên vẫn khó tiếp cận vốn ưu đãi
Thời gian qua, các nguồn vốn vay ưu đãi từ “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh; “Quỹ quốc gia về việc làm” của Trung ương Đoàn; nguồn vốn vay do Ngân hàng CSXH ủy thác qua tổ chức Đoàn, Hội đã giúp không ít đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, không phải ĐVTN nào cần vốn làm ăn cũng được tiếp cận các nguồn vốn này.
Nhờ được vay 50 triệu đồng từ “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, anh Mai Quốc Cường (ấp Phước Trung, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) xây dựng được mô hình nuôi bò sinh sản cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. |
Theo thống kê của Tỉnh Đoàn, tính đến nay, các cơ sở Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh cho 7.004 ĐVTN vay 182,5 tỷ đồng; “Quỹ quốc gia về việc làm” của Trung ương Đoàn đã hỗ trợ 3 dự án của ĐVTN với tổng số tiền 220 triệu đồng; “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh hỗ trợ cho cho 7 ĐVTN với số tiền 50-100 triệu đồng/người.
Các nguồn vốn này đã góp phần tiếp sức để tuổi trẻ địa phương nuôi ước mơ làm giàu trên quê hương mình. Chỉ tiếc là, nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ ĐVTN khởi nghiệp, lập nghiệp vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu và đối tượng được tiếp cận với các nguồn vốn nói trên vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này làm cho nhiều bạn trẻ dù có những kế hoạch lập nghiệp tiềm năng và mới mẻ nhưng lại khó xoay xở về vốn.
Chẳng hạn như chị Đào Thị Hồng Duyên (thôn Hiệp Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) - sau khi tham gia lớp tập huấn “Những kiến thức cơ bản giúp ĐVTN vươn lên làm giàu bằng nghề nông” và thăm một số mô hình làm kinh tế giỏi do Huyện Đoàn Châu Đức tổ chức - chị muốn xây dựng mô hình nuôi dê kết hợp trồng tiêu trên đất của gia đình với số vốn khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tiếp cận với vốn vay ưu đãi, chị Duyên gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lâu nay, các nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH chủ yếu dành cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, còn hỗ trợ ĐVTN rất hạn chế. Hơn nữa, thông qua tổ chức Đoàn, Ngân hành CSXH chỉ cho ĐVTN vay tối đa 30 triệu đồng/người. “Với 30 triệu đồng vay được cũng chỉ đáp ứng gần một nửa số vốn theo tính toán đầu tư, tôi rất muốn vay thêm nhưng không có tài sản thế chấp nên đành chịu, đó là một cản trở lớn với ý tưởng phát triển mô hình nuôi dê của tôi”, chị Duyên chia sẻ.
Muốn vay vốn từ 50 triệu đồng trở lên, ĐVTN phải chứng minh được tính khả quan từ mô hình kinh tế của mình, có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận trang trại hoặc phải có tài sản bảo đảm thế chấp. Trong khi đa số ĐVTN còn sống phụ thuộc vào gia đình, một số trường hợp tách hộ khẩu ra ở riêng, tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp nên không có tài sản để thế chấp. Vì vậy, nhiều thanh niên dù “khát vốn” nhưng không thể vay.
Kênh vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm (Chương trình 120) của Trung ương Đoàn lại chỉ tập trung cho hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh chứ không giải ngân cho các dự án trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ của ĐVTN nông thôn. Riêng nguồn vốn từ “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, muốn tiếp cận được, ĐVTN phải chứng minh được tính hiệu quả của mô hình mà mình muốn triển khai. Đây là những trở ngại đối với ĐVTN khi muốn vay vốn để khởi nghiệp. Do đó, nhiều bạn trẻ phải chấp nhận phương án làm ăn nhỏ, khả năng tới đâu làm tới đó, điều này làm ảnh hưởng đến việc thành lập mô hình mới, mở rộng quy mô, hạn chế hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Để tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn cho ĐVTN lập thân, lập nghiệp, thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tăng cường tập huấn, hỗ trợ thanh niên trong việc xây dựng các dự án khởi nghiệp; hỗ trợ thanh niên về thông tin các nguồn vốn vay, phương pháp để tiếp cận với các nguồn vốn, nhất là vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh; phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh vận động các đơn vị, DN sử dụng vốn nhàn rỗi của để tạo thuận lợi cho ĐVTN vững bước lập nghiệp trên quê hương.
Bài, ảnh: MINH NHÂN