.

Khó thu hút trẻ em nông thôn tham gia sinh hoạt hè

Cập nhật: 16:18, 17/07/2018 (GMT+7)

Ghi nhận tại các xã cho thấy, việc thu hút trẻ em tham gia sinh hoạt hè đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do trẻ phải giúp cha mẹ đi làm rẫy, chăn bò hoặc làm việc nhà nên không có thời gian rảnh. Cùng với đó, các hoạt động hè tại một số địa phương chưa hấp dẫn, cơ sở vật chất tại các trung tâm văn hóa, thể thao ở xã, ấp còn thiếu thốn, xuống cấp… nên chưa thu hút được nhiều trẻ em đến vui chơi trong dịp hè.

THƯA VẮNG TRẺ THAM GIA SINH HOẠT HÈ

Trẻ em xã Kim Long (huyện Châu Đức) chơi trò chơi tại một buổi sinh hoạt hè. 
Trẻ em xã Kim Long (huyện Châu Đức) chơi trò chơi tại một buổi sinh hoạt hè. 

Chúng tôi đến nhà em Nguyễn Công Cảm, HS lớp 9, Trường THCS Hòa Hưng (xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc) vào một buổi chiều giữa tháng 7, đúng lúc em đang chuẩn bị thùng nhựa để sớm mai đi trút mủ cao su thuê tại khu vực núi Mây Tàu (vùng đất giáp ranh với huyện Xuân Lộc, Đồng Nai). Hàng ngày, cha mẹ Cảm đi làm thuê từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối để lo cho cả gia đình 6 miệng ăn. Thương cha mẹ, dịp nghỉ hè, Cảm tranh thủ đi làm thuê cho các chủ vườn cao su. Tiền công kiếm được, em gửi cha mẹ để mua tập vở, quần áo cho năm học mới. Cảm nói: “Mỗi ngày công cạo mủ của em được 150.000 đồng. 2 đứa em của em cũng phụ ngoại việc nhà, chăn bò. Nếu không có việc, em chơi đá bóng với các bạn trong xã. Tụi em không có điều kiện tham gia sinh hoạt hè”.

Hoàn cảnh của Cảm khá phổ biến ở khu vực nông thôn. Chị Lê Thụy Anh Thy, Phó Bí thư Đoàn xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) cho biết, trong dịp hè, vào thứ Năm hàng tuần, xã đều tổ chức cho trẻ em sinh hoạt tại 3 điểm trường TH: Nghĩa Thành, Trần Quốc Toản và Sông Cầu. Tuy nhiên, mỗi buổi sinh hoạt chỉ thu hút được 20-25 em/điểm. Nguyên nhân là do nhiều em nhà ở xa, lại phải lo phụ giúp ba mẹ việc nhà nên ít tham gia sinh hoạt .

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại các Trung tâm văn hóa - thể thao - học tập cộng đồng xã (TTVH-TTHTCĐ), trung tâm văn hóa thôn (TTVH) thiếu thốn, xuống cấp cũng là lý do không thu hút được trẻ em đến vui chơi. Khảo sát một số TTVH-TTHTCĐ xã, chúng tôi ghi nhận, nhiều trung tâm có khu vui chơi ngoài trời dành cho trẻ nhưng thiết bị đã gỉ sét, hư hỏng, thiếu an toàn hoặc quá cũ nên không thu hút trẻ em. Em Ngọc Như (HS lớp 5, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) cho biết, trước đây em còn ra TTVH-TTHCCĐ xã chơi, nhưng 3 năm nay, xích đu, cầu tuột ở đây đã hư hết. Mấy cuốn truyện cũ ở thư viện của trung tâm thì em đã đọc nhiều lần nên cũng không còn hấp dẫn. Vì vậy, em không tới trung tâm nữa. “Hè này, con mới tham gia sinh hoạt hè một lần tại TTVH-TTHCCĐ, được học nhảy dân vũ, chơi trò chơi tập thể rất vui. Con muốn được đi chơi nhà phao, nhà banh hay hồ bơi trong dịp hè nhưng ba mẹ bận đi làm, không đưa con đi được. Hơn nữa, con còn phải ở nhà giữ em nên không tham gia được nhiều. Vì vậy, con chỉ chơi nhảy dây, chơi chuyền… với các bạn trong xóm”, Như cho hay.

Thiếu sân chơi hè cho trẻ cũng là nỗi băn khoăn của các bậc phụ huynh. Chị Ngọc Ngân (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) cho biết: “Gia đình tôi có 3 con đang ở lứa tuổi HS tiểu học và THCS. Hè này tôi phải gửi các con đi học thêm bán trú ở nhà cô giáo. Bởi khi vợ chồng tôi đi làm, để các cháu ở nhà không yên tâm chút nào. Nếu không xem tivi cả ngày thì các cháu lại ra đường chạy nhảy, lỡ xui rủi gặp tai nạn hay té ao, hồ rất nguy hiểm. Thỉnh thoảng, tôi cho các con đi coi phim ở TP.Bà Rịa hoặc đến Trung tâm VH-TT huyện bơi lội. Tôi rất mong có nhiều sân chơi cho trẻ ở nông thôn để các cháu đỡ thiệt thòi”.

CẦN ĐỔI MỚI CÁCH TỔ CHỨC SINH HOẠT HÈ

Em Nguyễn Thị Xuân (HS lớp 8, trường THCS Nguyễn Trung Trực, xã Suối Rao, Châu Đức) phải phụ cha mẹ việc nhà nên ít có thời gian tham gia sinh hoạt hè. 
Em Nguyễn Thị Xuân (HS lớp 8, trường THCS Nguyễn Trung Trực, xã Suối Rao, huyện Châu Đức) phải phụ cha mẹ việc nhà nên ít có thời gian tham gia sinh hoạt hè. 

Để giảm bớt thiệt thòi cho trẻ em nông thôn, vào dịp hè, cùng với Tỉnh Đoàn, các cơ sở Đoàn đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, TTVH-TTHTCĐ tại địa phương tổ chức sân chơi hè cho các em. Tuy nhiên, bên cạnh những em được cha mẹ tạo điều kiện tham gia sinh hoạt hè, nhiều em nhỏ sau vài buổi vui chơi, lại phải trở về với nhịp sống cũ, phụ ba mẹ việc nhà hoặc làm thêm kiếm tiền để phụ mua tập vở, đồng phục cho năm học mới. Ngoài ra, lý do nữa là nhiều TTVH-TTHTCĐ ở xa khu dân cư, cha mẹ chưa có thói quen chở con đi sinh hoạt.

Theo anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Ban Chỉ đạo hè tỉnh, năm nay, Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cán bộ đoàn cơ sở tổ chức sinh hoạt cho trẻ em ngay tại nhà văn hóa hoặc sân chơi của thôn, ấp. “Ở một số xã của huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, TX.Phú Mỹ, do địa bàn dân cư trải rộng nên khó thu hút các em tham gia sinh hoạt. Nhiều hoạt động được các Xã Đoàn tổ chức nhưng chỉ thu hút 20-30 thiếu nhi đến sinh hoạt mỗi lần là không hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những xã, thị trấn làm tốt việc tổ chức sân chơi, thu hút được nhiều trẻ em đến tham gia sinh hoạt như: xã Kim Long (huyện Châu Đức), thị trấn Long Điền, xã An Ngãi (huyện Long Điền), xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ)… Điều này cho thấy, nếu cách tổ chức hợp lý, hấp dẫn, các sân chơi hè ở nông thôn vẫn thu hút được trẻ em tham gia”, anh Lê Văn Minh nhận định.

Theo anh La Minh Hoàng, Bí thư Xã Đoàn An Ngãi, (huyện Long Điền) vào các ngày thứ Năm mỗi tuần, Xã Đoàn tổ chức buổi sinh hoạt hè cho trẻ em. Năm nay, Xã Đoàn chú trọng các hoạt động: trò chơi dân gian, trại hè, teambuilding, phục vụ tủ sách lưu động… nên các em rất hào hứng và thích thú tham gia. Mỗi hoạt động đều được lên kế hoạch cụ thể, có kịch bản và quản trò dẫn chương trình. Vì vậy, mỗi sân chơi thu hút từ 150-200 em thiếu nhi.

Trẻ em xã Kim Long (huyện Châu Đức) chơi trò chơi tại một buổi sinh hoạt hè.
Trẻ em xã Kim Long (huyện Châu Đức) vui chơi tại một buổi sinh hoạt hè. Ảnh: THANH HÙNG

Tương tự, chị Phan Thị Phúc, Bí thư Xã Đoàn Kim Long (huyện Châu Đức) cũng cho biết, hàng tuần, chị cùng các ĐVTN của xã tham khảo trên mạng internet để tìm ra chủ đề, cách thức xây dựng các buổi sinh hoạt hè cho trẻ em. “Hè này, chúng tôi tổ chức thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ; Trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước, phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng hoạt động nhóm… Các em được chơi mà học thông qua các trò teambuilding, nhảy dân vũ, vẽ tranh, thảo luận nhóm, múa hát tập thể nên không cảm thấy nhàm chán mà trái lại luôn có những ý tưởng hay, mới lạ. Do đó, mỗi buổi sinh hoạt hè thu hút từ 200-300 em tham gia”, chị Phúc chia sẻ.

Có môi trường vui chơi lành mạnh, sân chơi an toàn để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và kỹ năng sống là nhu cầu thực tế của trẻ em và phụ huynh. Tạo sân chơi cho thanh, thiếu nhi, nhất là vào dịp hè là một bài toán khó. Nhưng nếu có phương pháp và cách làm phù hợp từng địa phương thì hiệu quả đạt được vẫn rất cao, vừa ý nghĩa, thiết thực, vừa mang đến cho trẻ một mùa hè bổ ích, an toàn, giúp trẻ phát triển toàn diện.

Bài, ảnh: MINH QUANG - ĐINH HÙNG

Mỗi dịp hè, Tỉnh Đoàn đều triển khai các hoạt động hè, tổ chức các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT nhằm thu hút đội viên, đoàn viên, thanh niên. Tuy nhiên, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, nghỉ hè phải đi làm thêm phụ giúp gia đình nên việc tập trung được nhiều em tham gia cũng không đơn giản. Hơn nữa, kinh phí hoạt động còn eo hẹp nên để có những hoạt động hay, hấp dẫn trẻ, cần sự sáng tạo và cách làm phù hợp của từng đơn vị cơ sở.

(Anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Ban Chỉ đạo hè tỉnh)

 

.
.
.