.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp

Cập nhật: 18:42, 02/01/2018 (GMT+7)

Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh Phấn đấu thành lập mới 135 ngàn doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Chính phủ yêu cầu, năm 2018, các ngành, địa phương quyết liệt cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Trong ảnh: Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận “một cửa” tập trung cấp tỉnh. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Chính phủ yêu cầu, năm 2018, các ngành, địa phương quyết liệt cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và DN.
Trong ảnh: Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận “một cửa” tập trung cấp tỉnh. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

Căn cứ mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực công tác được giao; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể, điều hành đồng bộ các chính sách vĩ mô, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng với chính sách tài khóa chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương và các chính sách khác; phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công, lý lịch tư pháp, hộ tịch..., giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tổ chức phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nhiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo các nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, đúng pháp luật và đảm bảo lợi ích cao nhất của Nhà nước. Cơ bản hoàn thành sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm trường theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu thành lập mới 135 nghìn doanh nghiệp trong năm 2018. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; tăng quyền tự chủ và thúc đẩy xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quản lý chặt chẽ số lượng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp. Dừng việc giao bổ sung biên chế. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế vượt quá số đã được cấp có thẩm quyền giao; có kế hoạch và giải pháp để giải quyết dứt điểm số biên chế vượt quá số biên chế được giao. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm phù hợp. Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

Kiên quyết xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tội phạm, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật các tội phạm nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, chống người thi hành công vụ; triển khai tốt lực lượng và cơ sở vật chất sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả các sự cố, rủi ro thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp hiệu quả bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ; chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, nút giao thông quan trọng; giám sát và quản lý tốt vận tải, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ về giao thông thông minh trong quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng, phấn đấu giảm đáng kể tình hình tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2017.

VGP

Các ngành, các cấp, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Cụ thể, đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật; hoàn thiện thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả…

 

.
.
.