Nhạc sĩ Trần Quang Lộc: Lá rơi vàng tiếng gọi

Thứ Hai, 08/06/2020, 14:49 [GMT+7]
In bài này
.

Công chúng yêu nhạc Việt đau buồn khi biết tin: Nhạc sĩ Trần Quang Lộc, tác giả các ca khúc nổi tiếng như Có phải em mùa thu Hà Nội, Về đây nghe em, Chợt nghe em hát, Ngủ ngoan nhé ngày xưa... đã qua đời tại nhà riêng ở TP.Bà Rịa lúc 17 giờ 45 phút ngày 7/6, thọ 71 tuổi. Thế là sau bao năm chống chọi với căn bệnh ung thư, người nhạc sĩ tài hoa sinh sống tại vùng đất BR-VT đã từ giã chúng ta để về với “mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi”.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc với những ca khúc nổi tiếng
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc với những ca khúc nổi tiếng và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người yêu nhạc đã qua đời chiều tối qua, tại nhà riêng. 

DUYÊN NỢ VỚI MÙA THU HÀ NỘI

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sinh năm 1949 tại Gio Linh, Quảng Trị. Năm 20 tuổi, ông học tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế, bắt đầu sáng tác nhạc vào cuối thập niên 1960. Nhạc sỹ Trần Quang Lộc có tuyển tập đầu tiên là Hát trong dòng sông xưa - được xuất bản năm 1970.

Trong suốt cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã sáng tác khoảng  600 ca khúc, những bài được công chúng biết đến như: Về đây nghe em, Em còn nhớ Huế không, Chợt nghe em hát, Có những chiều nghe rất lạ, Ngủ ngoan nhé ngày xưa, Đôi dép, Mùa hoa cải... nhưng nổi bật nhất là các ca khúc Có phải em mùa thu Hà Nội - Ca khúc được ông phổ nhạc năm 1972, từ bài thơ của người bạn - cố thi sỹ Tô Như Châu. Đến nay, Có phải em mùa thu Hà Nội đã giúp tên tuổi của Thu Phương vụt sáng trong làng nhạc vào cuối thập niên 1990 và ca khúc được xếp vào top 10 ca khúc hay nhất viết về Hà Nội và từng được Hội nhạc sĩ Việt Nam trao giải A cho ca khúc viết về Hà Nội hay nhất, năm 1997.

Điều đặc bất ngờ thú vị là ngày ấy, cả nhà thơ Tô Như Châu và nhạc sĩ chưa ai từng đặt chân đến Hà Nội. Theo lời bộc bạch của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, thời ấy trong xóm nhà ông bên bờ biển Sơn Trà, Đà Nẵng có nhiều thiếu nữ Hà Nội di cư. Các chàng trai mới lớn như Tô Như Châu và Trần Quang Lộc vì hâm mộ các giai nhân nói giọng Hà Nội mà mơ tưởng đến thủ đô ngàn năm văn hiến: “Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?/Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/ phải em là mùa thu Hà Nội/Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm/Có phải em mùa thu xưa?/Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn/Một ngày về xuôi chợt ghé Thăng Long buồn/Có phải em là mùa thu Hà Nội/Ngày sang thu anh lót lá em nằm/Bên trời xa sương tóc bay…”. Các sáng tác của nhạc sĩ cũng được trình bày qua những giọng ca nổi tiếng khác như Hồng Nhung, Quang Dũng, Hương Lan...

Về đây nghe em phổ nhạc từ bài thơ của thi sĩ A Khuê cũng là nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Tác phẩm này ra đời năm 1967 nhưng đến năm 1990 mới được nhiểu người biết đến. Lời hát nghe mộc mạc, tha thiết, gần gũi với những ai đã sinh ra trên quê hương đất Việt: “Về đây nghe em, về đây nghe em/Về đây mặc áo the, đi guốc mộc/Kể chuyện tình bằng lời ca dao/Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai/Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới/Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu” Bài hát này được người Việt trong nước lẫn hải ngoại yêu thích và cũng được rất nhiều ca sĩ tên tuổi của Việt Nam trình diễn.

Bên cạnh các bản nhạc tình, nhạc quê hương, nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng có nhiều sáng tác Thánh ca như Về bên Chúa, Lời nguyện cầu đêm Noel...

VŨNG TÀU LÀ QUÊ HƯƠNG THỨ HAI

Sau ngày 30/4/1975, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã chuyển về sinh sống và làm việc tại TP.Bà Rịa và sinh hoạt tại hội VHNT tỉnh cho đến khi ông qua đời. Nhà báo Hoàng Hữu Quyết đã lặn lội về tận Thành phố Bà Rịa để thăm nhạc sĩ Trần Quang Lộc kể rằng: Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sống nhẹ nhàng và lặng lẽ như một ẩn sĩ với người bạn đời cũng lặng lẽ nhẹ nhàng trong tư gia của mình tại Bà Rịa Vũng Tàu. Căn nhà nhỏ với những cây guitar treo dọc tường và những giá để nhạc đủ tạo ra bầu không khí văn nghệ. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc mở lớp dạy đàn cho bọn trẻ tại địa phương. Những đứa nhỏ đến học và chơi đùa với "thầy Lộc" có lẽ không biết, không ngờ những tác phẩm của thầy đã được hát và được yêu thích hàng chục năm qua, từ trong nước đến hải ngoại. Cuối phòng khách là một bàn mix và ô cửa kính ngăn một phòng thu nhỏ xíu. Nhạc sĩ giải thích về cái studio tí hon này là "Để lâu lâu thu chơi vài bài cho vui!”. Trần Quang Lộc là một trong số ít nhạc sĩ có thể hát rất hay những bài hát của mình.

Nhạc sĩ Trần Quang Lộc điều trị ung thư 5 năm qua. Sau phẫu thuật cắt bỏ bàng quang, ông bị chẩn đoán thêm ung thư phổi. Bệnh gây ảnh hưởng lên dây thần kinh, khiến một bên mắt ông bị hỏng. Ông từng nhiều năm điều trị ở Bệnh viện Bình dân (TP.HCM). Đầu tháng 5, các bác sĩ cho ông về nhà ở TP.Bà Rịa sau ba năm điều trị. Dù đã dự báo trước nhưng sự ra đi của ông thật sự là một mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam và khán giả. Mùa thu đã đón ông về cùng với những chiếc lá vàng êm ả, để lại những giai điệu không bao giờ quên trong lòng những người ái mộ: “Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi/Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm/Có phải em là mùa thu Hà Nội/Nghìn năm sau ta níu bóng quay về…”

VŨ THANH HOA

 

 

;
.