Giọt mặn hạnh phúc

Thứ Sáu, 09/05/2025, 15:55 [GMT+7]
In bài này
.

Nhà hát Hòa Bình hôm nay đông nghẹt người, ai cũng hân hoan ra mặt, trên tay hầu như ai cũng có một bó hoa hay một món quà. Chị ôm bó hoa nhanh nhẹn hướng về cửa kiểm soát đưa giấy mời rồi đi nhanh vào hội trường. Còn vắng, chị chọn cho mình chỗ ngồi gần nhất, dễ nhìn sân khấu nhất. Chị muốn được ngắm kĩ hình ảnh hai con trai chị trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp cử nhân.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Vẫn chưa đến giờ làm lễ. Chị ngồi yên lặng ngắm nhìn quang cảnh chung quanh. Nhà hát chia làm hai phần. Phía dưới lầu là nơi dành cho tân cử nhân. Các em mặc lễ phục xanh có viền đỏ, chiếc mũ xếp được nhiều bạn nữ kết thêm những chiếc nơ xinh xắn. Khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, tươi tắn. Trên lầu là nơi dành cho cha mẹ, người thân của các tân cử nhân.

Lúc này các ghế chung quanh chị đã kín hết chỗ, giống như chị, tất cả đều im lặng. Ai cũng có chung cảm xúc nôn nao hiện rõ lên nét mặt. Chị cố gắng tìm bóng dáng của các con nhưng vì giống nhau quá nên nhìn mãi vẫn không thấy. Dựa lưng vào ghế thả lỏng cơ thể, cảm giác thư thái. Vậy là các con cũng đã lớn, còn những chặng đường tiếp theo là của người trưởng thành chị tin các con cũng sẽ vượt qua thôi…

***

Anh chị kết hôn khi tuổi anh đã cao nên dự tính sẽ sinh hai con gần nhau kẻo mai sau cha già con cọc. Vậy mà khi con gái lên bảy tuổi, khó khăn lắm mới có thêm một lần mang bầu, kết quả song thai. Chưa kịp mừng chị đã phải khóc vì lo lắng (thời điểm ấy Bệnh viện Việt Đức nóng hổi tin mổ tách ca sinh đôi đặt tên Việt Đức). Sức khỏe chị đã yếu lại mang bầu song thai nên phải nghỉ làm. Anh một mình vừa lo kinh tế vừa mỗi ngày chăm chị, động viên để chị phấn chấn vui vẻ hơn.

Ngày chị sinh con, bác sĩ lo lắng báo tin cho anh về việc chị không thể sinh tự nhiên do hai đứa trẻ ôm chặt nhau, thai không thuận, sức khỏe thai phụ không tốt và chẩn đoán là ca sinh khó nên yêu cầu phẫu thuật sớm để an toàn hơn cho mẹ và con. Anh nhìn chị không giấu được vẻ lo lắng, tay run bật lên khi đặt bút ký cam kết yêu cầu phẫu thuật. Chị ngồi bên cạnh run rẩy ôm chặt bụng như muốn bảo vệ thật kỹ con mình. Băng ca đẩy chị lên phòng mổ hôm ấy là hai hàng hơn chục bác sĩ, y tá và hộ lý. Chị nhìn thấy người thân chạy theo băng ca nước mắt ai cũng vòng quanh. Toàn thân chị đông cứng lại, anh chạy bên cạnh băng ca nắm chặt tay chị không rời. Tới phòng phẫu thuật, trước khi cánh cửa phòng mổ khép chặt chị còn nhìn thấy môi anh mấp máy nói với theo: Cố lên em!

Phòng mổ trắng toát, trắng tường nhà, trắng màu dụng cụ, trắng màu áo của bác sĩ và y tá. Mặt chị cũng trắng bệch vì lo sợ. Bác sĩ gây mê nắm lấy bàn tay chị đang run rẩy nhẹ nhàng hỏi chuyện. Giọng cô ấy ấm quá, tay cô ấy qua lớp bao tay vẫn rất ấm. Chị nắm chặt tay cô như tìm cái phao giữa dòng nước xiết, cô ấy vẫn nhẹ nhàng, dịu dàng vỗ về và chị dần dần chìm vào cơn mê, bắt đầu một hành trình vượt cạn trong vô thức.

Chị tỉnh lại sau 8 tiếng đồng hồ hôn mê, người đau nhức, tay chân nặng trịch. Thấy chị tỉnh, cô y tá đến gần báo tin: “Chị sinh đôi hai bé trai dễ thương lắm. Cả tập thể y bác sĩ và nhân viên khoa sản bệnh viện chúc mừng gia đình chị đấy”. Gương mặt mệt mỏi của chị thoáng nụ cười rồi lại thiếp đi.

Cũng như bao đứa trẻ khác các con chị dần lớn lên, có lúc khỏe, lúc bệnh, nhưng xinh xắn đáng yêu. Điều mà anh chị hài lòng nhất chính là sự ngoan ngoãn, dễ bảo và đoàn kết của ba chị em là động lực lớn lao giúp ba mẹ vượt qua mọi khó khăn. Suốt chặng đường dài ba mươi năm qua, anh giống như chú “ong thợ” mang trên mình trọng trách lo cơm áo. Chị trong vai “ong chúa” cần mẫn với bếp núc, sách vở, đón đưa. Các con đi học chị cũng học, mỗi lần con thi chuyển cấp chị đều thức cùng con, động viên nhẹ nhàng để con không bị áp lực. Bao năm các con đi học là bấy nhiêu năm chị tham gia vào hội cha mẹ học sinh. Muốn theo sát các con nên chị không nề hà từ chối khi được các thầy cô giao phó. Từng chặng một qua dần và khi con gái lớn nhận bằng tốt nghiệp đại học cũng là lúc hai cậu trai sinh đôi bước vào năm thứ nhất giảng đường.

Các con vào đại học đúng mùa COVID-19 hoành hành. Khắc khoải ngập lòng khi nghe tin hai anh em bị bệnh phải tự nương tựa nhau, cố gắng cùng nhau vượt qua ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Nhưng cũng từ khó khăn ấy các con của chị trưởng thành hơn, hiểu chuyện hơn…

***

Tiếng loa vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ đưa chị về hiện tại. Chị nhìn xuống sân khấu chăm chú lắng nghe từng lời thầy cô, từng lời các bạn sinh viên chia sẻ. Lòng ngập tràn xúc động, lệ dâng tràn khóe mắt lã chã rơi vương đầy trên má, trên môi.

Lời thầy ấm áp vang lên: “Các em hãy bật những cây bút dạ quang trên tay lên thành ngọn đèn nhấp nháy như những ngôi sao hướng về phía cha mẹ. Hãy dành những thành tích mà hôm nay các em có tri ân cha mẹ mình bằng tất cả trái tim”...

Bản nhạc không lời ngân lên. Đèn hội trường tắt lịm. Chị nhìn xuống phía hai con, một đứa khoa CNTT, một đứa khoa NNA... góc nào cũng sáng ánh sao được các con vẽ vòng theo tiếng nhạc. Chị không thể nhận ra đâu là ngôi sao của con mình. Nhưng chị hãnh diện và cảm động sâu sắc khi biết các con đang đứng đó, biết ơn và dồn tất cả cảm xúc mình vào ánh đèn hướng về phía chị. Niềm tự hào dâng lên chất ngất. Có sự tri ân nào lớn hơn, thật hơn như lúc này?

Nước mắt ầng ậc trào ra, dồn lên đầy mãi, nghẹn cứng trong lồng ngực. Chị mỉm cười để mặc cảm xúc dàn trải an nhiên, muốn khóc cứ mặc nhiên khóc, mặc nhiên thổn thức trong niềm tự hào của riêng mình. Bao vất vả đêm hôm, bao nỗi lo ngày cũ lại hiện về. Có chút tủi thân, có cả hân hoan khiến chị tròng trành như mơ, như thực. Chị nuốt mạnh vào cổ họng những giọt nước mắt vừa tràn qua môi. Ồ... nước mắt muôn đời mặn. Sao lúc này vị mặn của nước mắt lại khiến chị hạnh phúc đến thế... chị lẩm bẩm nói với chính mình: “Cảm ơn các con đã đến với cuộc đời này và đã chọn làm con của mẹ...”.

Một bàn tay nhẹ lay vai chị. Các con đã đến bên chị từ lúc nào. Cậu lớn chụp chiếc mũ cử nhân lên đầu mẹ cười tít mắt. Cậu út nhìn vào mắt mẹ đang đỏ lên như muốn hỏi. Chị cười xòa trịnh trọng tặng hoa cho các con: “Tặng hai đứa. Cảm ơn các con đã cố gắng! Còn bây giờ đi ăn món ngon nhé. Mẹ chiêu đãi!”

Ba mẹ con cười vang. Tiếng cười hòa lẫn trong vạn tiếng cười của bao người có mặt nơi đó mà sao chị thấy nó vang vọng và chạm thật sâu vào trái tim mình. Ngước mắt nhìn lên bầu trời trong veo màu nắng, nắm nhẹ tay con, chị mỉm cười: "Đi nào!".

Truyện ngắn của: TRẦN BÍCH HƯỜNG

;
.