TẢN VĂN

Chuyển động quà sáng

Thứ Sáu, 11/04/2025, 17:35 [GMT+7]
In bài này
.

Đã khăn trùm đầu lại còn đội nón lá, khẩu trang che kín mặt. Xe đạp rách. Thúng xôi đậy vỉ buồm (thời này ở thành phố miền Nam mà vẫn có được mảnh vỉ buồm đan bằng cói dùng để đậy điệm thì cũng lạ). Xôi lạc, xôi đậu xanh, xôi trắng để chung.

Mình mua hai gói, bà hàng xôi hỏi:

- Hai gói, mỗi gói 15 ngàn hay 15 ngàn cả hai?

- Mỗi gói 15 - Nhìn cái tay đơm xôi thoăn thoắt, tiện mồm mình hỏi thêm - Bà bán rẻ thế, có lãi không?

- Em lãi của anh được 5 ngàn. Hì hì.

- Tôi thấy bà mới ra đứng chỗ này?

- Úi! Mấy chục năm rồi anh.

- Bà nói thế nào! Trước COVID-19 là cùng. Lúc dịch căng lại biến mất.

- Không dám ạ. Em đứng ở đây từ lúc chưa có công chứng cơ. Sau công chứng đi, em vẫn đứng…

À, nói vậy thì tin được. Mấy chục năm trước, tòa nhà sau lưng bà từng là trụ sở phòng công chứng. Trước nữa, là cửa hàng bán đồ sứ. Nghe nói tòa nhà này có cái “dớp” xúi quẩy, mở cửa hàng cửa hiệu gì ở đây cũng thất bại. Vậy mà bà hàng xôi vẫn trụ lại.

Mấy chục năm trôi qua.

Mấy chục năm không đổi nghề, không đổi địa điểm.

                                                            * * *

Bà lão bán bánh tét ngồi góc hè phố. Thỉnh thoảng mình vẫn đến mua bánh của bà. Có 10 ngàn một đòn bánh tét nhà làm, vừa ngon vừa lành. Yên tâm nhất là lành. Cả chục năm nay bà ngồi đó, góc vỉa hè, cạnh ngã tư có hai con phố nhỏ giao nhau. Và bánh tét vẫn giá đó, vẫn hôi hổi nóng mỗi ngày.

Nhưng sáng nay, bỗng thấy bên cạnh loại bánh mọi khi, còn có loại khác lớn hơn.

- Bà bán cho 2 cái - Mình xuống xe, hỏi mua.

- Bác lấy “sai” nào?

Ái chà! Suýt bật cười nhưng kìm được. Chắc có ai đó phàn nàn loại bánh 10 ngàn hơi nhỏ, nên bà lão quyết định làm thêm loại lớn hơn. Thời thế thay đổi chóng mặt, chả nhẽ bánh tét bình chân như vại? Chả nhẽ bánh mới, ngôn ngữ không cập nhật cho tương xứng? Đã thế, mình mua thử “sai” lớn. Còn mua thêm một đôi bánh tằm, một đôi bánh cam cho bà lão vui.

                                                          * * *

Đầu tuần. Buổi sáng ra đường bị cuốn vào cái nhịp sống gấp gáp, hối hả của đám đông. Xe cộ phóng ào ào. Chạy xe ẩu nhất là đám học trò với mấy anh shipper. Học trò thì đứa nào cũng như bị muộn giờ. Còn nhân viên giao hàng, với thùng hàng cồng kềnh ngất nghểu sau xe, bất kể phải trái, vụt qua mình như một quả tên lửa Tô-ma-hôc.

Dạt vào vỉa hè, và đây là đoạn đối thoại giữa mình với chị hàng cháo:

- Tết mở hàng hôm nào thế?

- Năm nay em bán từ mùng bốn, sớm hơn mọi năm.

- Chọn ngày tốt à?

- Dạ không. Tại năm nay không về quê. Chứ mọi năm thì có khi phải sau mùng mười...

- Ở ngoài đó chị quê tỉnh nào?

- Thái Lọ - Cười - Nhà máy cháo. Bác tỉnh nào?

- Cầu Tõm. Thái Lọ, Ninh Buồn, Cầu Tõm. Anh em với nhau cả. Mà sao năm nay không về?

- Tốn kém, vất vả lắm bác. Em ở Thái Bình, nhà em mãi trên Hà Giang. Một chốn đôi quê. Về quê mình không lẽ bỏ quê chồng?

- Rủ ông ấy về cùng cho vui chứ?

- Ôi dào! Lười chảy thây chảy xác ra í. Suốt ngày mê mệt phim ảnh, ti vi ti vót.

Mình sực nhớ ra cái cảnh anh chồng nhà này nằm dạng cẳng trên ghế bố, cạnh ấm trà pha sẵn đặt dưới đất, mồm ngậm điếu thuốc, trong khi chị vợ mướt mồ hôi quấy cháo, múc cháo vào hộp nhựa cho khách. Cháo ngon nên khách đông, có bận phải xếp hàng vòng qua cả ghế bố. Anh chàng tỉnh bơ như chỗ không người. Có lúc buột miệng nói vu vơ: “Không biết tối nay thằng Thép xanh đá với thằng nào nhỉ?”…

- Ai bảo lấy chồng xa? - Mình đùa.

- Cái số em nó thế, không tránh được bác ạ.

Chị hàng cháo thở dài, lau mồ hôi rồi kêu lên:

- Thôi chết! Em quên… Lại lỡ tay rắc tiêu vào cháo của bác rồi.

- Không sao - Mình đưa tờ bạc trả tiền hộp cháo - Cái số tôi nó thế. Đau dạ dày nhưng vẫn phải ăn tiêu…

                                                           * * *

Hôm nào không tự nấu, ra phố kiếm đồ ăn sáng, mình rất chú ý đổi món. Không nhất thiết phải bún hay phở. Bánh cuốn, bánh mì, hủ tiếu, xôi, bánh tét… cũng rất ngon. Một dạo, cuối kỳ COVID-19, mình rất hay mua bánh chưng của một bà người bắc đứng bán vỉa hè. Bánh chưng nhân nhiều, gói chặt tay, giá mềm. Mua bánh chưng, thuận tay mua thêm mấy cái giầy đậu, dù bữa sáng thế là hơi nhiều. Vậy mà khi COVID-19 cuốn xéo, trở lại cuộc sống bình thường mới, bà bánh chưng đã bỏ miền đất hứa, quay về cố hương.

Hàng phở Thìn rời chỗ cũ, phải loay hoay phóng xe đi tìm. Chỗ mới xa quá, chắc từ nay đành tạm biệt phở bò tái lăn.

Một hôm khai trương cháo lươn, miến lươn, đảm bảo lươn Nghệ An, Hà Tĩnh chuyển vào.

Một hôm mở tiệm hủ tiếu bò kho.

Một hôm khai trương bún chả…

Rồi một hôm cháo lươn, bún chả, bò kho… bỗng dưng biến mất như chưa từng có mặt trên đời.

Sáng sớm, đứng tập thể dục nhìn ra đường, thấy nhiều xe máy tàng tàng hối hả qua lại. Sau xe là bao tải, cần xé, đùm bọc các kiểu, chất ngất, lủng củng lỉnh kỉnh. Máy nổ. Khói phun. Mưu sinh quay cuồng. Ai thất bại? Ai thành đạt? Mình vừa phát hiện “Bánh cuốn làng Giáng” mấy năm trước vợ chồng trẻ chủ quán ế khách ngồi ngáp ruồi, giờ đã đàng hoàng tiệm lớn mặt tiền một con đường buôn bán khá sầm uất…

Bà bán xôi cố thủ nhiều năm trên vỉa hè trước ngôi nhà có “dớp”.

Bà hàng bánh tét có “sai” lớn “sai” nhỏ vẫn yên vị góc phố cũ.

Cô bánh giầy giò chả nhanh chân nhẹ miệng trụ vững ngã tư.

Mấy hôm rồi đầu phố gần nhà xuất hiện phở gà Hà Nội. Gà mềm, nước trong, vị ngọt thanh, lá chanh thái chỉ… Khách đến ăn sáng ngồi kín chỗ. Một chị sồn sồn, mặt láng, đầm sát nách, có vẻ khách sành ăn, hỏi ông chủ: bán lại từ bao giờ? Chủ: mới tuần nay. Đầm sát nách: bà xã đâu? Vợ ông chủ nghe tiếng, cười toe từ gian trong chạy ra. Hóa ra quán này từ trước ít nhiều đã có tiếng, có khách quen. Giờ chuyển chỗ mới, người ta tìm đến.

Chuyển chỗ, mọc lên, biến mất... Chuyện ăn sáng, quà sáng, sinh động phải biết.

TRẦN ĐỨC TIẾN

 
;
.