Con Vàng ư ử lăng xăng như đứa con nít quấn lấy chân, bà Ngữ mắng yêu, đứng yên một chỗ hử coi, thiệt tình!
![]() |
Minh họa của MINH SƠN |
Con Vàng ngồi bệt xuống bên cạnh, vẫy đuôi rối rít.
Bà Ngữ thong thả lấy xẻng nhựa xúc đất đắp lên hai chân. Tới khỏi đầu gối thì ngưng tay, bỏ xẻng qua bên, đưa cái ca nhựa cho con Vàng, bảo múc nước giúp.
Con chó hiểu ý chủ, ngoan ngoãn ngoạm lấy chạy tút ra phía sóng, vục mặt một cái xong chạy về, bà mừng rỡ đón lấy tưới lên ụn cát. Con chó rũ mình mấy cái, nước văng tung tóe, bà mắng, ướt hết bà chừ!
Con Vàng chúi đầu vào người bà, lúc lắc hai cái tai, lè chiếc lưỡi có đốm đen liếm khắp mặt, khắp tay bà.
Mấy người chạy bộ lướt qua, đôi trẻ vừa đi vừa giỡn sóng. Lại một toán nữa cười nói râm ran. Trên tay mỗi người là xô chậu, xẻng loại cán dài có lưỡi bằng sắt, cả khăn trùm mặt và mũ đội đầu. Họ hì hục đào những chiếc hố nhỏ, vừa một chỗ nằm, rồi từ từ lấp kín thân thể, chừa lại mỗi cái đầu. Từng dãy dài những hố, những ụn, lớp này đến lớp khác.
Nghe ai đó bày chôn mình dưới cát chữa được bách bệnh, thế là cả làng, à không, cả huyện, hay nhiều hơn không biết. Bà Ngữ không biết họ đến từ đâu. Từng đoàn ô tô nối dài, xe máy gửi kín các bãi. Biển quê bà dài tít tắp, bãi rộng và thoáng. Người đến thật sớm, hì hục đào những chiếc hố nhỏ tự chôn mình. Họ nằm đấy đến khi mặt trời chói chang mới thong thả về. Mà lúc đó, ghe con trai bà cũng vừa cập bờ, thế là dù cá còn trong lưới họ vẫn xúm vào mua. Những con cá tươi nhay nhảy, trơn tuột, óng ánh vảy xanh vảy vàng thích mắt.
Bà ra biển sớm như một thói quen cố hữu của người dân làng chài, từ khi mặt trời còn là cái lòng hồng đào, đến lúc chúng vén mây rực rỡ chiếu những tia nắng đầu tiên. Đứng trước biển, nghe sóng ầm ào, nghe từng tia nắng nhảy múa trên da thịt, lắng nghe cát lạo xạo dưới bàn chân, cảm giác khoan khoái dễ chịu vô cùng. Nhờ cái nắng ấy, những đợt sóng trào và bờ cát thoi mịn mà bao đời nay, dân vùng biển cứ trùi trũi, khỏe khoắn, vạm vỡ. Không chi bằng cái cảm giác được thỏa mình với thiên nhiên, hít thở từng làn khí mặn hoi hoi mùi rong, nghe buồng phổi căng tràn nhựa sống.
Cảm giác đi đâu về có người đứng đợi nó hạnh phúc lắm. Bà vô tình nghe được những lời trên khi con trai ngồi uống rượu cùng bạn. Phải rồi, hơn một đêm lênh đênh ngoài biển, sáng ra chỉ mong vào bờ. Tưởng chỉ là cuộc mưu sinh vạn kiếp, nhưng càng ngày cuộc sống càng vô thường, những người dù ngang tàng vùng vẫy biển trời rồi cũng đến lúc rút cái chí khí dọc ngang ấy lại mà vun vén cho tổ ấm. Không ai biết chắc ngày mai sẽ ra sao, nhưng đã biết mỗi ngày phải sống thật trọn vẹn.
Nhìn lên những bát hương không có di ảnh, tự nhiên nước mắt bà rơm rớm. Nghĩ đến hai chữ “Đợi chờ” mà thương cha, nhớ mẹ, nhớ những mòn mỏi chờ đợi của gần 70 năm trước. Là bà nghe mẹ kể lại thôi, ba bà làm cách mạng chống Pháp, thời ấy hoạt động cực kỳ khó khăn, mà kể ra làm cách mạng thời nào cũng khó khăn.
Cưới nhau chưa được bao lâu thì ba bị truy bắt. Cuộc sinh ly đã sẵn chờ phút tử biệt, lúc đó mẹ mới vừa mang thai chị. Ba trốn vào Sài Gòn hoạt động không biết sống chết thế nào. Một mình mẹ lầm lũi sinh con, lầm lũi sống và đợi chờ. Một đêm mùa đông đầy gió, cánh cửa nhẹ rung, một giọng nói nhẹ luồn qua khe hở, mẹ giật thốt bàng hoàng, tay ôm ngực, tay rón rén mở then. Người và gió ùa vào căn phòng nhỏ. Không nói hết những đợi chờ, không kịp nói bao nhớ thương, chỉ có nước mắt và những nụ hôn. Để lại xấp vải làm quà tặng vợ và đứa con thơ, ba lại nhảy núi tiếp tục sự nghiệp.
Chiến tranh là con quái vật, là cỗ máy kinh hoàng nuốt chửng bao người. Những chàng trai cô gái đã gửi mãi thanh xuân ở những chiến trường khốc liệt. Sau đêm đông đầy gió, mẹ có thêm bà. Những nhọc nhằn mưu sinh chưa là gì với người đang ở đầu chiến tuyến, họ cứ sống như phải sống thế thôi. Sống để đợi chờ. Chỉ có con đường sống mới còn hi vọng cho ngày gặp lại. Mỗi lần buồn đau, bà lại nghĩ đến mẹ. Đời mẹ, có bao nhiêu ngày vui đâu, vậy mà cũng sống được. Vui hay buồn là do số phận, còn sống được hay không là tự mỗi người, mẹ nói vậy.
Tuổi trẻ của bà cũng đầy nhiệt huyết, nhìn bạn bè rủ nhau lên chiến khu, bà muốn theo nhưng mẹ cứ buồn buồn bảo chờ ba về. Chờ mãi, đợi mãi, đến năm 20 tuổi thì biết ba không về được nữa rồi. Bà theo chúng bạn đi dân quân, đồn dựng trên núi, cách nhà khá xa nhưng thật háo hức. Những gùi gạo, những giỏ hàng nặng không làm đôi vai thiếu nữ chùng xuống, bởi phía trước còn bao người đang chờ. Này An, này Thao, này Kẹo… cả xóm bà mười mấy đứa bạn, cả anh người yêu.
Người yêu đi được 2 năm thì giấy về thay người. Cả làng để tang cho những người trai…
***
Con dâu bà tất bật bán buôn, tụi nhỏ mỗi đứa ôm cái điện thoại chẳng buồn nhớ nhà còn có một người bà. Nhiều lúc tủi thân, bà ôm con Vàng thủ thỉ. Con vật thế mà khôn đáo để, cứ quấn vào chân bà. Bữa nào mệt không ra biển, nó kéo mãi không được thì cuộn tròn ngay dưới chân giường chờ bà dậy. Nhiều lúc muốn ốm mà không ốm được với nó.
Rảnh rỗi, chiếc tivi như một người bạn thứ hai thân thiết, sau con Vàng. Vô tình xem một buổi đối thoại của người trẻ mà lòng bà ray rứt mãi. Bà lạ lẫm với những câu từ, bà hoang mang với nhiều diễn thuyết. Một đứa trẻ sống trong giai đoạn khủng hoảng truyền thông và những thứ văn minh du nhập bừa bãi thì phải làm sao? Bao câu hỏi được đặt ra, bao diễn ngôn rầm trời và cả mấy câu phông bạt, rằng không thể buông xuôi nhìn thế hệ trẻ sa vào những vũng lầy tăm tối mang mấy cái mác rặt ngoại. Mái đầu xanh đỏ, hình xăm ma quái, cả những chiếc quần rách đến lố lăng… Bà thở dài bất lực. Cả xã hội đang trăn trở với bài toán hội nhập nhưng chưa có phép giải, một bà lão gần đất xa trời như bà thì làm được gì.
Đận dịch nghiệt ngã là vậy, nhưng cũng từ đó gia đình có sự tương tác lớn, ăn cùng nhau, trò chuyện vui vẻ cùng nhau, họ gọi là sống chậm. Nhưng cũng từ những buổi học qua mạng ấy mà từ đứa lớn đến đứa bé choét đều được trang bị một cái điện thoại. Thứ văn hóa trực truyến gì đó nghe nói hiệu quả lắm, nhưng là hiệu quả với người bận rộn lắm công nhiều việc, chứ như bọn trẻ xóm bà, mỗi đứa phải mang một đôi kính dày cộp, mặt cứ nghễnh ra. Biểu chi nói chi cũng ngơ ngác chặp lâu mới hiểu, kiểu thụ động. Con trai bà nói giống tụi bò sữa nông trại!
Bây giờ nếp sống đô thị tràn về từng ngõ quê, bức tử những trò chơi thơ trẻ. Ở cái xóm này lâu rồi không còn ai làm nghề nữa. Bà nhìn chiếc máy làm dây dừa bỏ lăn lóc sau chái mà cám cảnh, nhớ một thời lăn lộn đói kém. Giá bây giờ còn nghề này thì vui biết mấy. Bọn trẻ sẽ không chúi mũi vào mấy cái điện thoại bé tí rồi gào thét điên cuồng bởi những trò chém giết đầy máu. Ngoài mạng xã hội, bọn trẻ biết chơi gì, ba mẹ chúng tự thú nhận với nhau, bất lực nhìn con lao vào những trào lưu mới đầy rủi ro.
Thôn của bà nằm trên doi đất rộng. Nhờ phù sa sông bồi đắp, lại ảnh hưởng của nước mặn lúc triều lên nên ở đây toàn dừa là dừa. Quanh làng dừa bao phủ, dừa chắn gió bão, dừa cho bóng mát, dừa nuôi sống bao người.
Bà nhớ mãi cái thời cả làng cả xóm làm dây dừa ấy, công việc nhẹ nhàng vừa sức người già và cả trẻ con khi chúng được nghỉ hè. Chỉ cần siêng năng phụ xé sợi thì tiền bút vở không còn là áp lực lớn mỗi đận tựu trường.
Những gánh vỏ dừa oằn vai được vùi dưới bùn sâu, phải đến nửa năm mới vác lên phơi khô, xé sợi rồi xe dây. Mái hiên được nới rộng, câu chuyện nối tiếp câu chuyện. Tiếng ới ời chọc nhau vui nhộn, những đôi tay xác xơ như vỏ dừa mà nụ cười luôn lấp lánh.
Người ta lên Sao Hỏa rồi mẹ ơi, chừ còn đòi xe sợi, tụt hậu! Con dâu nói vậy. Bà chẳng biết trên Sao Hỏa có chi hay ho, có bãi biển đầy gió với những hang còng và cỏ lông chông lăn lóc không, có những sáng an lành nghe sóng rì rào đưa những chiếc thuyền mãi tận khơi xa về đất liền mang theo những người con của biển với cá tôm đầy ắp, có những buổi chiều biển động gió tù mù quật tán dừa và bờ cát xoáy tít hồi hộp đến nghẹt thở không?
Sao Hỏa ấy liệu có bình yên không, có những đận dịch bệnh cướp đi hàng vạn sinh mệnh oan ức, có những cuộc tranh giành đẫm máu để rồi gây nên bao cuộc chia ly đầy nước mắt, những oán hận thiên cổ và nghìn đời sau sử sách còn bận rộn với những cuộc án oan.
Chẳng biết ở đâu thế nào, bà vẫn yêu quả địa cầu xanh này biết mấy. Mỗi sáng, bà cùng con Vàng ra nơi mép sóng, vùi chân dưới cát nghe đất mẹ ôm ấp vỗ về, ngắm bình minh vén sương thổn thức, chờ những bóng thuyền nhấp nhô vượt sóng mang cá tôm về. Lũ trẻ tung tăng trên bờ cát, những trò chơi dân gian lại được người lớn truyền dạy rồi lưu giữ cho muôn đời sau. Này đánh trận giả, này năm mười, này u ma trên dải cát dài thoi thỏi. Ôi cuộc sống chỉ cần bình yên thế.
HỒ LOAN