.

Nhật ký chiến trường của cha tôi

Cập nhật: 15:00, 18/04/2025 (GMT+7)

Cuốn nhật ký được cha tôi xem như là kỷ vật quý báu trong cuộc đời, đã trải qua khói lửa đạn bom của chiến tranh hay di chuyển nhà từ Bắc vào Nam vẫn được nâng niu, cất giữ cẩn thận, dù nhiều trang giấy đã nhòe vết thời gian…

Trong những ngày cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chép lại những dòng nhật ký, để nhắc nhở bản thân sống tốt hơn mỗi ngày.

1. Cuốn nhật ký bắt đầu vào những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Dù vất vả, đau thương mất mát nhưng cũng như bao người lính Cụ Hồ, luôn ngập tràn lý tưởng cách mạng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.

“Mùa xuân năm 1965 tôi lên đường nhập ngũ, là một chiến sĩ Quân đội Nhân dân từ đó. Mới vào bộ đội chưa được mấy ngày thì đơn vị bị máy bay Mỹ oanh tạc vào doanh trại. Lần đó tôi thoát chết, đơn vị sơ tán vào nhà dân. Đơn vị được nghỉ hai ngày bổ sung thêm trang bị công tác rồi tiếp tục mang ba lô trèo đèo lội suối. Cả chặng đường hành quân lúc tới sớm lúc đến muộn, hôm trời nắng lúc trời mưa. Có lúc nhớ nhà quá, không buồn nói cũng chẳng muốn cười nhưng chúng tôi cũng tự động viên nhau và lại tiếp tục lên đường”-trích dòng nhật ký ghi ngày 7/6/1971.

“Tháng 5 năm 1965, tôi được bổ sung cho một đơn vị thồ, gọi là đội 62. Đơn vị mới thành lập cho nên thiếu thốn mọi bề. Là đơn vị thồ, chiến sĩ trong đơn vị đa số là anh em Khu IV. Đến tháng thứ hai, tôi bị cơn sốt rét rừng đầu tiên quật xuống. Sức khoẻ tôi dần sụp xuống vì sốt rét hành hạ. Thồ được hai tháng đơn vị được giao nhiệm vụ khác. Mang vác các loại hàng phục vụ chiến đấu. Đi hết chỗ này đến chỗ khác lúc nhạt muối đói cơm, lúc bị địch đánh phá ác liệt. Đi hết sông Bạc bản Chà Rế, Mừng Noòng, Tà Vàng, Đắc Chưng. Lúc thì vào tận Xê Sụ, bản Phi Hà. Rồi sang đường Quảng Nam khắp vùng Hạ Lào, ở đâu cũng có dấu chân tôi”-trích nhật ký ghi ngày 24/5/1965.

“Một niềm tự hào và sung sướng nhất của tôi là ngày 25/12/1967 được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi nghĩ từ nay mình phải cố gắng nhiều hơn nữa, phấn đấu nhiều hơn nữa để cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc, cho Nhân dân”- (trích nhật ký ghi ngày 29/12/19667).

Có những trang nhật ký viết vội trên đường hành quân, thậm chí tranh thủ lúc thương bệnh binh đang ngủ. Đó là thời điểm cha tôi đi học y tá và nhận nhiệm vụ chăm sóc thương bệnh binh. Những trang viết ấy giờ đọc lại, khiến tôi hình dung rõ nét hơn sự khốc liệt nơi chiến trường, bởi sự sống và cái chết là ranh giới quá mỏng manh.

“Hôm nay trời mưa cả ngày. Như thường lệ mình lại cầm bút ghi vài dòng vào trang nhật ký, công tác trong ngày đã xong, thương bệnh binh vẫn tồn lại quá nhiều. Công tác phục vụ có phần phức tạp, song nhiệm vụ trong ngày đã hoàn thành, không có gì chê trách. Giờ này mọi người đã ngủ say. Riêng mình vẫn còn thức”-(ngày 7/6/1971).

2. Trong những dòng nhật ký của cha tôi ở chiến trường luôn tràn ngập nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương, người thân da diết… Tất cả đều được gửi lại trong từng dòng chữ, trang giấy. Những lá thư chưa kịp gửi. Xúc động nhất là khi tôi đọc được “Lá thư gửi chị Hoài”, viết cho bác dâu trong những năm tháng dài biền biệt không nhận được thư từ quê nhà. Những năm tháng đó thèm nghe tiếng trẻ con khóc, nhớ đến quay quắt mùi khói bếp quê nhà. Trong chuyến xe chở thương binh ra, cũng ngó nhìn xem có gương mặt người con gái nào không.

Chị Hoài thương nhớ!

Cứ mỗi mùa khô đến là một mùa thư của những người chiến sĩ. Ở nơi chiến trường xa xôi cách quê hương hàng ngàn cây số, mặc dù thư đến nơi có thể là 3 tháng, 5 tháng, 7 tháng hay là cả 1 năm song đó cũng là thư mới, là sự thật của quê nhà, là tiếng nói của người thân và trong đó chứa đựng những cái gì yêu quý nhất. Nhưng chị biết không, hôm nay bạn bè người nhận được 2 lá thư, người 3-4 cái và hơn thế nữa có người 6, 7 cái thư. Thật là vui, vui không thể nào tưởng tượng hết được. Riêng em, tưởng rằng qua một năm không thư từ thế nào cũng được 1-2 cái. Mong mãi mong hoài cuối cùng không lại hoàn không, làm cho em băn khoăn khó nghĩ. Trưa nay mọi người say sưa với những lá thư vừa nhận được. Họ quên cả cơm trưa. Nhưng em cầm bát cơm không sao mà nuốt được. Như cái gì chặn ngang cổ mình. Nước mắt chực muốn trào ra, chị có hiểu không? Lòng thương mẹ nhớ cháu cứ thôi thúc. Ngày lại ngày tháng qua tháng không bao giờ nguôi…

…Chị Hoài nhớ thương!

Sức khỏe của chị dạo này ra sao. Mẹ chắc đã già lắm, cái già trước tuổi của những người lam lũ. Lúc ra đi tóc mẹ đã điểm sương, nếp nhăn trên trán một ngày một chen nhau, bây giờ chắc tóc mẹ đã bạc hết rồi phải không chị? Hồi còn ở nhà em thường nhổ tóc bạc cho mẹ, nhổ mãi vẫn không hết được. Ngày đoàn tụ không biết em có được gặp mẹ nữa không! Em lo cho sức khỏe của mẹ lắm. Cái vất vả của những ngày khố rách tất nhiên nó sẽ làm giảm tuổi thọ của con người. Còn cháu chắc đã lớn lắm rồi. Em cứ hình dung những đứa trẻ con ở đây để so sánh về cháu. Nhưng cháu khác những đứa trẻ con ở đây khác. Ở đây nó sống dưới làn bom đạn của giặc Mỹ từ những ngày đang còn trong bụng mẹ, nó thiếu hiểu biết về xã hội. Có đứa lại thiếu cả tình thương của cha mẹ. Chúng nó chỉ có tình thương của Đảng của Cách mạng. Cũng như em, lọt lòng mẹ đã thiếu tình thương của cha. Song em còn tình thương của quê hương. Riêng về cháu, cháu có đủ tất cả. Có lẽ cháu sẽ lớn hơn nhiều so với những đứa trẻ con ở đây bằng tuổi cháu. Nếu em nhớ không nhầm thì đến tháng 8/1972 cháu vừa tròn 8 tuổi. Năm nay cháu đã học lớp 2. Là người mẹ, người giáo viên chị phải có trách nhiệm về việc học tập và sự trưởng thành của cháu. Đừng để cháu bỏ phí những gì đáng tiếc. Phải cho cháu thỏa mãn theo ý muốn có lợi cho bản thân. Bỏ những ngày chua chát của cha chú nó…

…Em chuẩn bị đi công tác tất nhiên sẽ có nhiều khó khăn vất vả. Nhưng chị và mẹ đừng lo, tuy xa gia đình nhưng em luôn có tình thương của Đảng của cán bộ đồng chí và nhân dân. Đã từng trải nhiều gian lao và thử thách em tin chắc rằng em sẽ vượt qua tất cả”-(trích “Lá thư gửi chị Hoài”-15/4/1972).

3. Nhưng ở chiến trường, không chỉ có máu lửa đạn bom, cái đói và những cơn sốt rét triền miên hành hạ, có chết chóc hy sinh mà ở đó còn có mối tình lãng mạn, đẹp đẽ. Bên những hố bom nham nhở còn khét mùi bom đạn, tình yêu vẫn chớm nở. Chiến tranh, dù khốc liệt đến đâu vẫn không hủy diệt được sức sống và ngọn lửa tình yêu trong mỗi người lính, như cha tôi viết trong nhật ký.

“Tiểu đội tôi ở trong một gia đình, hôm nào đi tập về là có khoai luộc chén ngay. Trong nhà có một cô gái tên là Trần Thị Kim Lới, kém tôi một tuổi, vóc người thon thả, da màu mận tóc chảy ngang lưng, mắt dịu hiền. Tuy ít nói nhưng vui tính. Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, Lới có đặc điểm là viết chữ bằng tay trái rất đẹp. Vẻn vẹn có bảy ngày mà Lới đã có cảm tình với tôi, đã mấy lần viết thư cho tôi, còn tặng tôi một tấm hình nữa. Song bấy giờ kỷ luật quân đội nghiêm khắc lắm nên tôi chẳng chuyện trò gì được với Lới cả. Thế rồi một sáng, đơn vị có lệnh hành quân cấp tốc. Vai khoác ba lô ra đi lặng lẽ và tạm biệt gia đình yêu mến đó của tôi mà không một lời từ giã. Rồi ra đi biệt tăm không thư từ và không một ngày gặp lại”- (trích nhật ký ngày 27/5/1966).

Ở đó, còn là niềm tin về chiến thắng, là hòa bình, đất nước thống nhất. “7 mùa đông đã trôi qua. Thật là nhanh, cách mạng đã thay đổi. Công việc mình làm không đếm xuể. Cuộc chiến vẫn đang còn tiếp diễn. Nhưng đất nước nhất định sẽ thái hòa và lúc đó mình sẽ được đoàn tụ với gia đình”-(trích nhật ký ghi ngày 4/12/1972).

THẢO PHƯƠNG

 
.
.
.