.

Cuộc sống hòa bình là điều quý nhất

Cập nhật: 14:59, 18/04/2025 (GMT+7)

Bộ phim “Địa đạo-Mặt trời trong bóng tối” (gọi tắt là phim “Địa đạo”) được trình chiếu rộng rãi tại Bà Rịa-Vũng Tàu và các rạp chiếu trên cả nước trước thềm đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Báo chí và mạng xã hội dành nhiều lời khen cho phim “Địa đạo”. Đây là một bộ phim về lịch sử chiến tranh không thực hiện từ nguồn kinh phí ngân sách nhưng vẫn cuốn hút, thu hút đông đảo khán giả quan tâm. Doanh thu tăng từng ngày, đến nay đã ngót nghét trăm tỉ đồng. Có ngày lên tới 4.800-4.850 suất chiếu. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ở một số rạp, phim được chiếu từ sáng trưa đến đêm muộn.

“Địa đạo” quả là một bộ phim lịch sử chiến tranh ăn khách, được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Tôi đặt vé online giá 100.000 đồng/vé trước hai ngày, cùng vợ chồng cô con gái đến rạp Lotte Mart xem phim.

Khi cùng xem phim bên cạnh bố, đến những cảnh nữ chiến sĩ du kích Bình An Đông sống và chiến đấu dưới địa đạo Củ Chi trong thời kỳ chiến tranh ác liệt 1966-1967, những cảnh lính Mỹ bơm nước sâu vào địa đạo, dùng bom na-pan đốt cháy trụi, thổi khói vào hầm sâu... con gái tôi đã thút thít khóc:

- Quá ngưỡng mộ “Đất thép Thành đồng”! Con rất thương cô du kích Ba Hương (do diễn viên Hồ Thu Anh đóng) và các chiến sĩ nữ du kích Bình An Đông, Củ Chi. Sức mạnh nào khiến đội du kích dũng cảm, bất khuất đến vậy? Cái chết với họ nhẹ tênh. Tín hiệu “tích tè” truyền tin tình báo nhận qua giao liên mật từ Sài Gòn gửi về căn cứ, giữa bom đạn khốc liệt, vẫn không hề gián đoạn!

Tôi xúc động nói với con:

- Cuộc sống hòa bình hôm nay phải đánh đổi bằng biết bao hy sinh và xương máu của chiến sĩ và đồng bào. Các chiến sĩ du kích sống trong lòng dân, là biểu tượng tuyệt vời của chiến tranh nhân dân. Có được cuộc sống hòa bình là điều quý giá nhất!

Con gái tôi mê sách, mê phim. Thời chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc, cháu đã cùng mẹ đội bom mang sách ra chiến hào tặng các chú bộ đội. Khi xem phim “Địa đạo”, cháu nhắc lại bối cảnh lịch sử và nói:

- Con đã đọc nhiều sách về địa đạo Củ Chi; xem cuốn “X6-Điệp viên hoàn hảo” về cuộc đời hai mặt phi thường của nhà tình báo chiến lược, Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn; cuốn “Tình báo kể chuyện” của Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), người con ưu tú của quê hương Long Phước, Bà Rịa anh hùng-cụm trưởng cụm tình báo H63. Con tự hỏi: Họ chiến đấu vì điều gì? Bố mẹ chỉ nói rất ngắn gọn: Vì Tổ quốc, vì hòa bình và sự bình yên của Nhân dân!

Dừng lại ở một cảnh phim hấp dẫn, lôi cuốn về nhân vật Bảy Theo (do nghệ sĩ Thái Hòa đóng), người sống và chiến đấu trong hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng dài hơn 200km xuyên lòng đất, con gái tôi tiếp lời:

- Nhân vật Bảy Theo, do diễn viên Thái Hòa thể hiện, nhập vai thật xuất sắc. Phim khiến người xem cảm nhận như thật. Một anh hùng mang đậm phong cách Củ Chi: sống có cảm xúc, không lên gân, không xơ cứng, không phải vĩ nhân. Sự hy sinh thầm lặng của Bảy Theo ở đoạn cuối phim lắng đọng, truyền cảm hứng, toát lên tính chất chính nghĩa và sự vĩ đại của cuộc chiến tranh Nhân dân, thật anh hùng và cảm động!

Các nhà tình báo chiến lược sống trong lòng địch, ngay trong sào huyệt kẻ thù, thu thập được nhiều thông tin tuyệt mật rồi chuyển về các trung tâm tiếp nhận, trong đó có địa đạo Củ Chi, cách trung tâm Sài Gòn 50-60km, để chuyển đến Bộ Chỉ huy tối cao. Củ Chi đã hứng chịu khoảng 500.000 tấn bom đạn từ hàng ngàn cuộc càn quét, nhưng vẫn giữ vững trận địa, bảo đảm an toàn cho mạch máu thông tin chiến lược từ sào huyệt địch về căn cứ cách mạng.

Tôi hỏi con cảm nhận thế nào về phim “Địa đạo”, cháu đáp:

- Phim “Địa đạo…” là bản anh hùng ca bất hủ. Con rất thích. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bộc bạch từ gan ruột rằng: Đã đến lúc báo chí, văn học, điện ảnh cần nói đầy đủ hơn về sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Việc miêu tả chiến tranh với tất cả sự khốc liệt, tàn bạo, sự sòng phẳng và rõ ràng là vô cùng cần thiết. Chỉ như vậy mới có thể tô đậm bản anh hùng ca bất diệt, được đổi bằng xương máu, sự hy sinh to lớn, vì độc lập dân tộc và cuộc sống hòa bình của đất nước, của Nhân dân.

PHẠM QUỐC TOÀN

 
.
.
.