Chiều cuối tháng Tư trong một cánh rừng cao su vùng Đông Nam Bộ, Vũ tách khỏi đội hình, lặng lẽ đi về phía bìa rừng. Anh chọn được một nơi khá thoáng đãng. Ở đây bom đạn đã phạt trụi những gốc cây to, để lộ ra một khoảng sáng yếu ớt giữa màu xanh, nâu mịt mùng. Vũ loay hoay kiếm được mấy tảng đá khá bằng phẳng. Anh ngồi xuống lấy trong ba lô ra mấy tờ giấy trắng và cây bút chì, hý hoáy ghi chép.
![]() |
Minh họa: MINH SƠN |
- Sao lại tách đồng đội ra tận đây thế này?
Vũ giật mình ngẩng đầu lên, thở phào khi thấy người xuất hiện là C trưởng đại đội 7 Nguyễn Chí Tiến.
- Em chào thủ trưởng! Rảnh rỗi, với lại còn dư ít giấy giữ mãi từ hồi đầu năm trên Lâm Đồng em tranh thủ ghi lại vài dòng nhật ký.
- Hơi liều đó nha, tụi biệt động quân nó mà phát hiện…
- Ôi dào, tụi nó lo nhào về Sài Gòn, giành chỗ lên tàu bay chạy còn chẳng kịp. Hơi sức đâu mà đi rình lính mình thủ trưởng ơi!?
- Không được chủ quan.
- Vâng lệnh, thưa thủ trưởng! Thế thủ trưởng lại kiếm chỗ học Kiều đấy ạ?
Anh em cả trung đoàn ai cũng biết đại đội trưởng Nguyễn Chí Tiến là người mê và thuộc Kiều. Trong ba lô chiến trận nặng nề của ông, giữa đạn dược, bản đồ, áo mưa và lương khô, bao giờ cũng có chỗ khô ráo, kín đáo nhất cho cuốn Kiều ông đang cầm trên tay. Gần gũi với ông bao lâu rồi Vũ biết quá mà. Ông giữ cuốn Kiều đó như báu vật, lúc nào rảnh rỗi lại lôi ra học. Dọc đường hành quân, nhiều khi ông đọc cho Vũ và các chiến sĩ khác cả ngàn câu Kiều. Ngoài ra, ông cũng hay chêm Kiều vào câu nói của mình, nhiều đến mức anh em phải đặt biệt danh cho ông là Tiến Kiều để phân biệt với trung đội trưởng Tiến rỗ người Thanh Hóa và binh nhất Tiến hô người Thái Bình.
Ông Tiến cẩn thận đặt cuốn Kiều lên cái “bàn tạm” của Vũ, vần một tảng đá khác lại gần rồi ngồi xuống. Vũ nhẹ tay nâng cuốn sách lên. Đây là lần đầu tiên anh được nhìn kỹ cuốn Kiều của người đại đội trưởng. Đó là một cuốn sổ tay cũ kỹ bên trong là những trang giấy đã đen lại vì thời gian, chứa đầy những hàng chữ nghiêng nghiêng, nét mực đã ố mờ. Cuốn Kiều đã rất cũ, bìa rách, gáy sổ bung, vài trang đã bị cháy xém.
- Cẩn thận đấy, đừng làm rách nó! Ông Tiến nhắc.
Vũ bật cười, trả lại cuốn sách:
- Ai mà chẳng biết thủ trưởng giữ cuốn Kiều như con ngươi trong mắt, mỗi khi nhớ vợ nhớ con thì lại mang cuốn Kiều chép tay này ra đọc. Mà em phục thủ trưởng thật đấy. Bao nhiêu năm, bao nhiêu trận rồi, tới cái gáo dừa còn chẳng giữ nổi nguyên vẹn. Ba lô, dép lốp, khăn tay, tiền bạc, tuốt tuột còn mất hết. Ấy thế mà cuốn Kiều của thủ trưởng vẫn còn gần như nguyên vẹn thế này.
Ông Tiến cười, ánh mắt lấp lánh niềm tự hào:
- Ừ thì kỷ vật của vợ mà cũng là bùa hộ mệnh của tớ. Vợ tớ chép cho tớ học đấy. Nhờ cô ấy mà giờ tớ, thậm chí có thể đọc thuộc được cả 3.254 câu Kiều. Các cậu không biết chứ để chép được cuốn Kiều này cho tớ cô ấy phải thức mấy đêm ròng đấy.
Vũ lại nhẹ tay cầm cuốn sách lên lần giở vài trang xuýt xoa:
- Chữ đẹp, rõ ràng, dễ đọc quá. Bà xã thủ trưởng chắc phải là người hay chữ lắm!
- Ừ, cô ấy giỏi lắm, giáo viên văn, lại còn xinh đẹp nữa. Tớ không bốc phét đâu. Hoa khôi của vùng tớ. Chẳng thế mà dù lớn hơn tớ tận 4 tuổi mà tớ vẫn phải theo đuổi mãi mới được nàng gật đầu đấy.
Ông Tiến dừng lời như đang hồi tưởng lại những chuyện xưa. Vũ trêu:
- Vợ chồng thủ trưởng lãng mạn thật đấy!
- Còn hơn cả lãng mạn ấy chứ. Nói thật, giờ tớ vẫn nhớ cái cảnh cô ấy ngồi nắn nót chép từng câu Kiều lên những trang giấy cũ, bên ánh đèn dầu leo lét. Hồi đó, khó khăn, giấy bút thiếu, yêu Kiều như vậy nhưng nhà tớ cũng chẳng có được một cuốn Kiều đàng hoàng… Cuốn sổ này là quà cưới của ông chú họ làm to tặng đấy, cất trong tủ mấy năm chẳng dám dùng tới… Ấy thế mà... Khổ, ban ngày thì vẫn phải đi làm, đi dạy, chăm mẹ, chăm con. Tối thấy chong đèn khuya, tớ lại tưởng cô ấy soạn giáo án chấm bài... Ngày tớ khoác ba lô lên vai leo lên xe vào chiến trường, cô ấy chạy cả cây số theo xe tới điểm đón quân ở sân đình làng Hạ, chỉ để kịp trông thấy tớ thêm một vài phút nữa. Tớ thương quá đã đánh liều nhảy xuống xe kịp ôm nhau cái nữa rồi lại phải hối hả nhảy lên. Cái hình ảnh cô ấy liêu xiêu chạy theo xe trong ánh chiều tà, vẫn ám ảnh tớ đến tận bây giờ.
- Cuốn sổ bị cháy trong đợt nào vậy thủ trưởng?
- Mấy năm rồi, từ hồi Quảng Trị. Nó bị lửa bén vào trong một trận pháo kích. May mà tớ bọc nó trong mấy lớp nilon, vải dù chứ không thì… trời nghĩ tới chuyện kết thúc chiến dịch, giải phóng Sài Gòn trở về mà lòng nôn nao quá. Bao năm mong chờ, vợ tớ giờ chắc cũng già. Con bé nhà tớ bây giờ chắc cũng lớn lắm rồi.
Vũ thở dài:
- Thủ trưởng còn có vợ con chờ đợi ở nhà, em gần 30 rồi mà chưa biết mùi phụ nữ. Súng đạn đùng đoàng thế này, chẳng biết có còn nguyên vẹn mà về không!
- Phỉ thui cái mồm cậu! Một lời một vận. Đừng có nói bậy, chiến thắng rồi, cậu tha hồ mà kiếm vợ. Tớ ngày xưa cũng gần 30 mới cưới được vợ đấy. Lấy nhau mấy năm, ở với nhau được có mấy tháng. Vậy mà cũng đủ nếp đủ tẻ. Cả đời tớ là chiến trận. Hết đánh Pháp rồi đánh Mỹ. Giờ già rồi, nhiều lúc cũng muốn nghỉ ngơi nhưng mà cứ càng gần ngày chiến thắng thì lại muốn cố thử xem Sài Gòn ngày giải phóng nó thế nào. Bao lâu còn đợi được, huống chi chỉ còn có vài ngày.
- Vâng, nghe các thủ trưởng nói Nguyễn Văn Thiệu từ chức rồi, toàn quân ta đang tiến về Sài Gòn. Chắc chỉ vài ngày nữa thôi. Ôi em chưa từng được gần Sài Gòn như thế này bao giờ. Hồi trước em có chơi với cậu Bảy dân Sài Gòn chính hiệu. Giọng cậu ấy nhẹ như con gái, mỗi tội nó nói em nghe chẳng hiểu. Cái bát nó gọi cái chén. Cái chén nó lại gọi cái ly. Tới khi em hiểu thì nó bị bom chém làm ba phần, thương quá chừng thương.
- Nhiều lúc cũng không hiểu sao bạn bè ai cũng dính hết vậy mà mình vẫn bình yên. Bao nhiêu trận rồi mà tớ chỉ bị mấy cái sẹo thường thôi nha. Chứ mấy đứa bị dính bom, nhất là bom na pan, mặt mày dị dạng trông sợ lắm. Nói thật chứ tớ thà chết còn hơn. Mà này, nói dại tớ mà có làm sao, cậu mang cuốn Kiều này về cho vợ tớ. Nhớ dặn vợ con tớ là tớ lúc nào cũng đẹp trai phong độ nha. Ôi, tiếc là không có cái gương soi xem râu tóc bạc đến đâu rồi.
***
Mấy năm sau…
Một chiếc xe ô tô đen chạy tới trước cổng trường Phổ thông Trung học Nam Duyên Hà, tỉnh Thái Bình. Trong ánh nhìn tò mò, háo hức của những người dân chung quanh, một người thương binh trẻ chống nạng, bước xuống. Trên vai anh là chiếc ba lô bạc màu. Anh hỏi thăm cô giáo Hòa. Bác bảo vệ cho biết cô Hòa đã nghỉ hưu, bác còn tận tình hướng dẫn cho anh cách tìm nhà cô Hòa.
- Anh cứ thấy cái nhà có giàn bầu và cây trứng gà trước cổng là nhà cô ấy đấy. Nhà mới, ngói đỏ, dễ nhận lắm. Cô ấy vợ liệt sĩ, sống một mình. Con gái lớn đã lấy chồng. Con trai thì năm ngoái thi đại học đạt điểm cao, được cử đi học ở Liên Xô.
Cô giáo Hòa, một người phụ nữ đã khá lớn tuổi với mái đầu nhiều sợi bạc, vầng trán và đuôi mắt đã nhiều nếp nhăn nhưng vẫn giữ được nét thanh tú của một thời xuân sắc, lặng lẽ đón Vũ và dẫn anh vào trong căn nhà mới xây, lợp ngói. Chính giữa nhà là bàn thờ. Trên đó đầy đủ tấm bằng Tổ quốc ghi công, chiếc bi đông và cả tấm ảnh phục dựng của ông Tiến. Trong ánh mắt chờ đợi của người phụ nữ, Vũ đặt chiếc ba lô xuống, lấy trong đó ra cuốn Kiều cũ kỹ ngoài những vết cháy cũ còn một lỗ thủng tròn do đầu đạn gây ra, đặt lên bàn thờ. Anh bật diêm châm ba nén nhang và lầm rầm khấn
- Thủ trưởng ơi, em là Vũ, chiến sĩ tiểu đoàn 324, sư đoàn Vinh Quang đây. Mấy năm rồi, bao nhiêu gian khó cuối cùng thì em cũng tìm được nhà thủ trưởng và mang được cuốn Kiều bảo bối của thủ trưởng về.
Người phụ nữ với ánh mắt cương nghị của người hiểu biết, từng trải, bước tới bên bàn thờ. Bàn tay khô nhăn của bà vuốt ve cuốn sách, cảm nhận vết cháy khô của nó. Một giọt nước mắt rơi xuống.
Khi đã bình tĩnh lại, Vũ chậm rãi kể:
- Tối hôm đó em và thủ trưởng còn ngồi nói chuyện về chị và cuốn Kiều... Vậy mà sáng hôm sau... Thủ trưởng dẫn đầu quân vượt qua cánh rừng gần đó để tiến vào giải phóng chi khu Long Bình, bọn địch phản kích ác liệt, thủ trưởng và mấy anh nữa trúng đạn pháo. Mọi người lao đến… phút cuối anh ấy cứ nhìn em, tay còn run run chỉ vào chiếc ba lô trong đó có cuốn Kiều. Em biết ý lấy cuốn Kiều ra, hứa với thủ trưởng là em sẽ mang về trao tận tay cho chị. Anh ấy mới yên tâm nhắm mắt.
Lẽ ra em phải về tìm chị sớm hơn nhưng em cũng bị thương rồi nhộn nhạo thế nào em lại làm thất lạc ba lô của anh ấy, thành ra tận đến hôm nay em mới tìm được địa chỉ để hoàn thành di nguyện... Em cũng đã cho đóng, dán, ép lại cẩn thận cuốn Kiều rồi. Anh ấy là người yêu cái đẹp, thế nên em hy vọng anh ấy sẽ vừa ý… À chị đừng quá buồn, anh ấy ra đi nhẹ nhàng thanh thản lắm… Đến phút cuối thì anh ấy vẫn rất đẹp trai, phong độ…
Bà Hòa bước đến bên bàn thờ. Tay bà run run lần giở cuốn Kiều. Bà khẽ lẩm nhẩm đọc:
“Vầng trăng vằng vặc giữa trời.
Đinh ninh hai mặt một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương”
Vũ đứng lặng, ngoài kia, nắng chiều tháng Tư trải dài trên giàn bầu xanh mướt. Trên bàn thờ khói nhang nghi ngút quyện lấy cuốn Kiều.
Truyện ngắn của BÙI ĐẾ YÊN