Điều ước

Thứ Sáu, 28/03/2025, 16:11 [GMT+7]
In bài này
.

Khi sương còn mờ đục trong buổi sớm mai, ba đã vác cuốc ra rẫy sau chén cơm nguội để lại từ tối hôm qua. Có lần tôi hỏi mẹ, sao không để ba ngủ thêm chút nữa? Mẹ nói phải tranh thủ lúc mặt trời chưa lên, khi đó cắt chồi, cây không bị ảnh hưởng như khi có nắng. Vì vậy mà ba phải tranh thủ đi thật sớm. Nắng lên, ba sẽ làm công việc khác.

Có lần, ba xoa đầu tôi nói: “Con gái sau này chăm chỉ học hành, đừng phải làm vườn cực khổ như ba nha”. Hình như đó trở thành “khẩu lệnh” của những thế hệ đi trước phơi sương, phơi nắng để kiếm tiền nuôi con. Cuộc sống chỉ hằn lên nỗi nhọc nhằn và chỉ biết dồn niềm hy vọng cho con cái.

Những năm đầu đi làm, tôi càng ao ước có thể mạnh dạn chìa ra tờ đơn nghỉ việc trước mặt sếp - người phụ nữ luống tuổi 40, nhìn mặt là đoán được chị ta không hạnh phúc với nét cau có thành điển hình. Dù ước mơ vậy, nhưng tôi buộc phải ngoan ngoãn ngồi lại, hít thở sâu để cân bằng mỗi khi có chuyện. Bởi bên ngoài kia, biết bao người thất nghiệp.

Trong buổi liên hoan công ty cuối năm, ở tiết mục “hãy nói tôi nghe điều ước của bạn”, micro được truyền đi từng bàn, từng người. Đến lượt tôi, tôi đã thốt ra câu đó giữa nơi mình đang làm việc: “Không phải đi làm”, khiến mọi người đứng hình. Cả tôi cũng bất ngờ với màn thổ lộ liều mạng, chếnh choáng hơi men.

Khi ấy, Trí đã ghé tai nói với tôi điều đó: “Tưởng gì, điều đó thì anh có thể đáp ứng cho em”. Câu nói ấy lọt ngay vào tai Duy - cấp trên của tôi. Duy đoán ra điều gì đó, rỉ tai tôi: “Số em đỏ đấy!”. Khi ấy, tôi mới để ý Trí. Anh nhảy điệu nghệ ở các thể loại nhạc. Cách mà anh cầm ly cũng sành điệu hơn người.

Lần thứ hai tôi chứng kiến Trí nhảy nhót tưng bừng đó là trong đám cưới của tôi và Trí. Đồng nghiệp đến chúc mừng rất đông. Khỏi nói tôi cũng cảm nhận được niềm vui long lanh trong mắt ba mẹ mình, khi tôi được gả vào gia đình giàu có.

Trí là người uy tín, anh thực hiện ngay lời hứa với tôi: không phải đi làm. Về làm dâu tôi mới biết có một thế giới khác trong thế giới mà tôi từng sống, đó là họ không phải đi làm. Nhà trí có nhiều nhà, căn hộ cho thuê. Việc phải làm của họ là mỗi tháng thu tiền, tính toán các khoản chi trả cho việc tu bổ, sửa chữa, thống kê số người trả nhà và thuê mới… Xem thử tháng này thu được bao nhiêu, lại dồn vào để mua những căn nhà giá hời mà chủ kẹt tiền chịu bán lỗ. Thỉnh thoảng đi ngang phòng làm việc của ba chồng, tôi thấy những cuốn sổ hồng xếp thành chồng, được bó lại cẩn thận. Cái tấm giấy màu hồng ấy, là ước mơ của bao nhiêu người.

Sinh liền 2 bé trong 3 năm, tôi đã quen với cuộc sống trong căn biệt thự rộng có bức tường kiên cố cao quá đầu người. Ban đầu, tôi rất thích những cây tùng cổ thụ mà Trí nói trị giá lên đến tiền tỷ, xòe tán mát rượi cho bộ bàn ghế xinh xinh để ai đó nhã hứng thì dọn thức ăn ra ngồi ăn cho mát, hoặc thỉnh thoảng Trí pha ly cà phê sữa đậm đặc vừa nhâm nhi vừa chơi game. Nơi này đẹp hơn bất cứ view quán cà phê nào trong thành phố, bởi có thể phóng tầm nhìn ra khu vườn rộng mênh mông.

Nhưng một ngày, tôi bỗng thèm hơi thở của phố xá. Thèm cảm giác đi giữa lòng đường đông đúc, giữa cơn mưa, tấp vào lề đường thưởng thức bắp nóng, hay sà vào gánh bún quen, gọi tô canh bún cho chút ớt xay, dĩa rau muống luộc xanh dờn, đậm đà đến giọt nước cuối cùng.

Có phải tôi đang mâu thuẫn với chính mình?

Hôm Trí chiều theo tôi, lái xe chở 3 mẹ con ra quán cà phê gần chỗ làm cũ ngồi, không dưng ở khoảnh khắc nhìn dòng người hối hả qua lại, ý nghĩ muốn đi làm, hòa vào đường phố mỗi ngày dấy lên trong tôi. Tôi nói ngay với Trí.

Anh dừng chơi game trên điện thoại, nhìn tôi như nhìn người đến từ hành tinh khác: “Em có khùng không?”. Tôi không giận câu nói thô thiển của Trí. Bởi cả tôi cũng thấy mình không bình thường. Nói như mẹ tôi, có lần bà quát vào điện thoại với tôi: “Sướng quá hóa rồ à con?”. Là khi tôi nói với mẹ: “Quanh quẩn mãi trong nhà cũng chán mẹ ạ”. Khi đó, tôi thẳng thừng bật lại mẹ: “Chẳng lẽ việc của con bây giờ đến cuối đời chỉ là sinh con, nuôi con thôi sao?”. Mẹ có lẽ đã ức lên đến ngực nên tôi dằn lòng im lặng.

Con người quả là một sinh vật lạ kỳ, khi ngay chính mình cũng không hiểu được bản thân. Cái ý nghĩ muốn đi làm ngày càng mãnh liệt trong tôi. Cảm giác như nó còn mạnh mẽ hơn khát khao nghỉ việc ở thời điểm tôi gặp Trí. Trong lòng tôi như thể có con quái thú chẳng thể nào điều khiển được, nhất là khi Trí quyết liệt cản ý định mà Trí gọi là dở hơi của tôi.

Buổi chiều. Nhìn đám mây trắng lững thững bay trên không trung, đi đến nơi nào nó muốn, chỉ vậy thôi mà lòng tôi chùng xuống. May sao, cậu con trai lên 4 ngày càng liếng loắt, bé hát cho tôi nghe một bài hát về mây trời mới được cô giáo dạy. Nhìn con trẻ hồn nhiên, lòng tôi phấn chấn lại phần nào.

Ôm con trong lòng, tôi hỏi cậu bé: “Cô giáo còn dạy bài nào khác không, hát cho mẹ nghe nào?”. Thằng bé phúng phính má, ánh mắt trong veo: “Hôm nay cô giáo không dạy hát. Cô chỉ hỏi ước mơ của con sau này sẽ làm gì?”. Tôi cũng tò mò theo câu chuyện của con: “Vậy con nói với cô giáo con sẽ làm gì?”. “Con không biết”. Tôi hơi chột dạ, mềm giọng hỏi con: “Vậy con muốn làm gì, nói cho mẹ nghe nào?”. Thằng bé chỉ sang ba đang ngồi chơi game dưới gốc cây bàng: “Con muốn có điện thoại để chơi game giống ba”. Tôi tái mặt nhìn con. Lòng tưởng chừng như có cơn sóng dữ cuộn trào.

Buổi tối, tôi nói với Trí: “Anh có thể ngừng chơi game trước mặt con không?”. Trí buông máy, chiếu cái nhìn khó chịu vào tôi: “Em có cần thêm tiền tiêu vặt, hay lo cho gia đình gì thì nói với anh, chứ sao cứ như vậy?”. Tôi ngỡ ngàng nhìn Trí. Từ ngày lấy Trí, tôi chưa bao giờ cầm bất cứ đồng tiền nào của Trí để dùng cho bản thân, hay cho cha mẹ mình, sao Trí có thể nói như vậy?. “Anh nói vậy là ý gì?”. “Chứ em nghĩ lại đi, đang yên đang lành, em khuấy mọi thứ lên, rồi còn cấm cản việc này việc nọ”.

Tôi cố hạ giọng: “Con chúng ta lớn rồi. Em không muốn nó tập thói quen chơi game rồi bỏ bê học hành”. Trí nói như gào lên: “Chơi game thì đã sao?”. Vẻ lấn tới của Trí khiến tôi không còn kìm lòng được: “Con mình phải học hành, có nghề nghiệp chuyên môn, chứ không chỉ chơi game như anh”. Mắt Trí long lên sòng sọc, tưởng chừng bàn tay anh có thể giáng xuống tôi bất cứ giây nào, nhưng Trí dừng lại. Trí quay vào nói với tôi: “Nhà mình đâu thiếu tiền. Con cái sau này cũng vậy”.

Trí nói đúng. Chẳng phải tôi từng ước bản thân và cha mẹ mình có thật nhiều tiền, khi ấy chẳng phải làm gì. Hóa ra, “chẳng phải làm gì” không là thiên đường như tôi từng nghĩ. Có những ngày ở trong căn biệt thự sang trọng, việc của tôi chỉ là ăn thật nhiều để có sữa cho con. Sữa mẹ dù sao cũng tốt hơn sữa ngoài ở những tháng đầu đời. Bữa ăn với khoanh giò to gần bằng miệng tô, vừa nhìn đã muốn trào ngược ra, nhưng tôi vẫn cố nuốt vào. Những bữa cơm trên chiếc bàn xoay với đủ món ngon được đầu bếp có tay nghề đến nấu mỗi ngày, vẫn chẳng hào hứng bằng những món dân dã mà tôi được thưởng thức sau ngày làm việc mệt mỏi nơi công sở khi xưa.

Nếu như mọi thứ chỉ dừng lại ở lựa chọn sai lầm của bản thân, tôi đành lòng chấp nhận, nhưng giờ đây, mọi chuyện đã trở nên trầm trọng hơn. Tôi không muốn những đứa con của mình cứ thế lớn lên trong nhung lụa, chẳng biết bất cứ điều gì đang xảy ra bên ngoài, không ước mơ, không thấu cảm, không cần phấn đấu.

Buổi sáng. Tôi tiếp tục đề cập đến vấn đề đi làm với Trí. Lần này, anh có vẻ mất hết kiên nhẫn, quát vào mặt tôi: “Cô có giỏi thì đi đi. Ra khỏi căn nhà này, để con lại tôi nuôi”. Tôi không khóc, nhưng nước mắt từ đâu trực trào không kìm lại được.

“Mọi thứ cứ phải từ từ, đừng gấp gáp”- ba nói với tôi qua điện thoại như vậy. Tôi cũng không thể có quyết định gì, khi mà Trí khăng khăng giữ hai đứa trẻ lại bên mình. Không có con, tôi biết sống ra sao?.

Buổi trưa. Trong căn phòng ngủ của hai vợ chồng, điện thoại rơi khỏi bàn tay Trí, còn nguyên màn hình game và âm thanh nho nhỏ. Tôi với lấy điện thoại, tắt đi. Ở khoảnh khắc thật gần ấy, tôi thấy vài sợi tóc rũ một bên trán Trí. Mái tóc nhìn vào có chút nghệ sĩ mà lần gặp ở buổi liên hoan tôi khá ấn tượng.

Ba tôi sau lần đầu gặp Trí thì bảo: “Ba nhìn người không sai đâu, thằng Trí nó lành tính lắm!”. Lần điện thoại gần nhất, ba ôn tồn nói với tôi: “Những đứa lành tính như thằng Trí, sẽ không làm gì hại đến con đâu. Có gì cứ từ từ trò chuyện, bàn bạc với nhau. Ngày mai nắng sẽ lại lên thôi mà!”.

Tôi nhớ lại ánh mắt long lên sòng sọc của Trí, hôm tôi đã nói câu từ xúc phạm đến anh. Anh đã chọn buông thõng bàn tay, thay vì cú tát nảy lửa của sức thanh niên.

Tôi chạm vào lọn tóc anh, vén lên cao. Vừa lúc Trí trở mình, theo thói quen, anh kéo tôi vào lòng, quên mất cuộc cãi vã chưa lâu trước đó. Cơn buồn ngủ ập đến rất nhanh. Chẳng phải ở tư thế này, tôi đã chìm vào những giấc ngủ bình yên trong suốt những năm tháng đã qua?

Và Trí - không ai khác chính là người giúp tôi thực hiện điều ước của mình.

Truyện ngắn của LA THỊ ÁNH HƯỜNG

 
;
.