Mới hơn năm giờ chiều mà trời đã xâm xẩm tối. Ông Khải lẩm bẩm: “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”, đó là câu cửa miệng của cụ cố nội ngày trước. Ông Khải buột thở dài, chợt nhớ những năm tháng còn nhỏ sống cùng đại gia đình ở quê. Sau một ngày tất bật cày bừa, gặt hái ngoài đồng cả nhà lại quây quần quanh mâm cơm thơm nức mùi lúa mới.
![]() |
Minh họa: MINH SƠN |
Nhà ông đông người, được người làng khen là tứ đại đồng đường. Trên có cụ cố nội, dưới có bố mẹ rồi anh chị em ông gồm sáu người, ông là con út. Anh cả hơn ông hai chục tuổi, có vợ và hai con nhỏ. Anh thứ hai cũng đã có vợ và một con trai. Trừ ba chị gái đi lấy chồng, còn lại tất cả đều ở chung dưới một mái nhà. Gia đình ông không giàu nhưng cũng đủ cơm ăn, áo mặc, con cháu được cắp sách tới trường. Mỗi lần đi học về, bé Khải thấy ông nội ngồi uống trà một mình lại mời ông nội chơi cờ tướng. Hai ông cháu ngang sức ngang tài nên mỗi ván cờ thường kéo dài mấy tiếng đồng hồ… Những ngày ấy hạnh phúc biết bao. Nhưng không ai có thể kéo thời gian trở lại. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, thầy giáo Khải được điều động vào dạy học ở một trường cấp ba miền Đông Nam bộ. Rồi ông xây dựng gia đình riêng. Vợ ông cũng là một cô giáo dạy môn toán cùng trường. Thời ấy cuộc sống còn nhiều khó khăn nên năm thì mười họa vợ chồng ông mới có dịp về quê.
***
Cất chiếc kéo cắt tỉa cây vào góc sân, ông Khải bước vào phòng khách bật hai bóng đèn led điện quang 30W, căn phòng sáng rực. Mâm cơm đặt trên bàn đã nguội lạnh nhưng ông vẫn chưa muốn ăn. Cổ nhân bảo: “Ăn một mình đau tức, ở một mình cực thân”, bây giờ ông mới thấm thía điều đó. Mà ông đâu phải người sống độc thân. Vợ chồng ông lấy nhau đã gần ba mươi năm, sinh hạ được hai cô con gái thông minh, xinh đẹp. Cả hai con gái ông đều học giỏi. Con Minh Ngọc thi đại học đỗ thủ khoa, được học bổng du học ở Úc. Tốt nghiệp, Ngọc ở lại làm việc rồi lấy chồng là một cậu Việt kiều đã có quốc tịch Úc. Thế là Ngọc cũng trở thành Việt kiều định cư ở Úc.
Con gái thứ hai của ông tên Minh Ngà, kém chị hai tuổi. Sau khi tốt nghiệp đại học Bách khoa, Ngà xin du học thạc sĩ ở Pháp, rồi lấy chồng Tây, ở luôn bên ấy. Nhìn bề ngoài ai cũng khen vợ chồng ông sung sướng, hạnh phúc. Nhà cao cửa rộng, lại có hai con là Việt kiều ở những nước giàu có. Đời người được như thế, ai mà chẳng mơ!
Nhưng ở trong chăn mới biết chăn có rận. Từ ngày nghỉ hưu trong nhà chỉ có hai vợ chồng, ông mới cảm thấy hụt hẫng. Dẫu nhà cửa rộng rãi, khang trang nhưng chỉ có hai vợ chồng già càng thêm trống trải. Nhìn sang nhà hàng xóm thấy nhà người ta đông đúc, ông bà, con cháu ríu rít quây quần mình lại thấy tủi thân. Nhiều lúc muốn sang nhà ông hàng xóm chơi nhưng thấy người ta bận rộn việc nhà, nào chăm sóc cháu nhỏ, nào đưa đón cháu lớn đi học, nếu mình sang đó, quá đỗi vô duyên. Ngẫm ra cổ nhân nói đúng, hạnh phúc của một gia đình là con cháu đề huề, là tam tứ đại đồng đường.
Năm ngoái vợ chồng ông sang Pháp thăm con Minh Ngà. Những ngày ở Pháp con Ngà dẫn bố mẹ đi thăm thú nhiều nước Tây Âu. Ban đầu cũng cảm thấy hào hứng lắm. Nhưng chục ngày sau vợ ông kêu mệt, không muốn đi đâu nữa. Mà mệt thật. Bọn trẻ khỏe mạnh lại ham vui, ham chụp hình tự sướng nên thích du lịch đây đó, chứ ở tuổi vợ chồng ông đi Tây đi Tàu chỉ tổ nhọc thân. Sau đợt sang Pháp, vợ chồng ông Khải không muốn đi du lịch ở đâu nữa.
Cuộc sống bây giờ không thiếu thứ gì. Trên mâm cơm của hai vợ chồng già có đủ các món ăn mà ngày trước chỉ xuất hiện trong ba ngày Tết như thịt gà, tôm cua, giò, chả… Vậy mà suốt bữa ăn ông Khải không muốn đụng đũa. Bà Loan, vợ ông, gắp thức ăn cho ông, ông lại gắp trả lại.
- Mấy món này tôi ngán lắm rồi.
- Vậy ông muốn ăn gì?
Ông Khải chán nản bảo, hồi này tôi không muốn ăn gì cả.
Bà Loan biết chồng buồn vì nhớ con, nhớ cháu, tuy chẳng nói ra nhưng tâm trạng bà cũng giống ông thôi. Để giải tỏa nỗi buồn bà Loan thường theo mấy người bạn cùng trang lứa đi tập thể dục, tập nhảy ở câu lạc bộ thành phố. Nhưng cứ nghĩ đến ông Khải lọ mọ ở nhà một mình chăm mấy cây cảnh, chẳng có ai chuyện trò, bà lại thấy thương ông, không muốn vui chơi cùng mấy bà bạn nữa. Hoàn cảnh họ khác bà, hầu hết đều là những góa phụ ở cùng con cháu, họ muốn đàn đúm vui chơi cả ngày cũng chả sao.
Tháng trước con Minh Ngọc ở Úc gọi điện về bảo con nó bị khối u ở não, hiện đang điều trị, muốn nhờ mẹ sang giúp chăm cháu để Ngọc đi làm. Rõ khổ! Chuyện lớn như vậy mà nó không báo sớm. Ông Khải vội vã đi xin Visa để bà Loan sang Úc chăm cháu. Cũng từ hôm ấy ông Khải thành hộ độc thân.
Vốn là người thương yêu vợ con, khi còn trẻ ông Khải vẫn giúp vợ lau dọn nhà cửa hoặc vào bếp phụ vợ nấu cơm, rửa bát, không từ việc gì. Giờ tuy lớn tuổi ông Khải vẫn có thể tự lo cơm nước, tự chăm sóc mình. Nhưng vợ con vắng nhà, sống một mình ông đâm ngại việc nấu nướng, thường ăn uống qua loa. Hầu như ngày nào ông cũng gọi điện thoại qua mạng zalo, rồi bật video để nhìn vợ và con cháu. Ông hỏi bà đủ chuyện, nói liên tục hơn một giờ đồng hồ, khi pin điện thoại gần hết ông mới dừng lại.
***
Ở một mình Ông Khải cảm thấy căn nhà quá rộng, quá lạnh lẽo. Quanh quẩn mấy việc lau dọn nhà, tưới xén cây cảnh, ông lại ra phòng khách bật ti vi. Xem hết chương trình thời sự, ông đã thấy buồn ngủ. Khổ nỗi ngồi xem ti vi thì ngủ gà ngủ gật nhưng lúc lên giường lại tỉnh như sáo, trằn trọc lăn lộn đủ kiểu vẫn không tài nào ngủ được. Ông đi khám bệnh, bác sĩ bảo, không sao đâu, người lớn tuổi thường bị rối loạn giấc ngủ. Bác sĩ kê đơn để mua thuốc ngủ thảo dược. Về ông uống liều cao, một lúc hơn 5 viên, vẫn không ngủ được. Ông tự nhủ, có lẽ bệnh mình là tâm bệnh. Sống độc thân chưa quen nên mất ngủ. Thôi mặc kệ, dần dần sẽ quen thôi. Mà hơn tháng nữa Visa vợ ông hết hạn, bà Loan sẽ về nhà, ông không còn phải sống như một hộ độc thân nữa.
Truyện ngắn của TRẦN QUANG VINH