Đoàn du Xuân của gia đình Nga có hơn chục người lớn và mấy đứa trẻ con. Bao gồm cả đứa bé nhất sắp lên ba và đứa lớn nhất chưa qua mười tám. Ầm ào, ầm ĩ chuẩn bị từ sáng vậy mà mười giờ mới khởi hành. Ghé nhà này ngắm mai, đào. Dừng nhà kia ăn giúp chút đồ ăn Tết để yên tâm đi du lịch. Lấn bấn đến tận trưa đoàn cũng chưa ra khỏi thành phố. Loay hoay vậy rồi cuối cùng thì cả đoàn cũng yên ả trên hai chiếc xe nhà và một chiếc xe thuê mười sáu chỗ ngồi trên đường cao tốc nhằm phía biển Vũng Tàu thẳng tiến. Xe chạy liền mạch với tốc độ khá nhanh, cộng với việc mệt mỏi và no bụng nên hầu hết mọi người trên xe đều tranh thủ chợp mắt. Nga không ngủ, phần vì do sợ lỏng tay ôm thì thằng cháu nhỏ ngồi cạnh đang nằm gối đầu lên đùi dì sẽ rớt xuống, phần vì Nga cũng muốn ngắm quang cảnh bên ngoài.
Khoảng hơn một tiếng sau khi xe qua cổng chào Bà Rịa, anh rể Nga thông báo dừng lại chỗ Long Hương Bà Rịa đợi một chút, sẽ có thêm một vài thành viên nữa, bạn anh nhập cuộc. Không mất nhiều thời gian lắm nhưng vì cũng chẳng có gì phải vội nên mọi người theo yêu cầu của một vài thành viên trong đoàn lượn một vòng quanh khu trung tâm Bà Rịa… lòng vòng thêm một lúc nữa nên gần ba giờ chiều cả đoàn mới tới khách sạn Green trên đường Thùy Vân, nơi họ đã đặt phòng từ trước. Biển bãi Sau Vũng Tàu mấy ngày Tết đông vui nhộn nhịp hơn ngày thường.
![]() |
Minh họa: MINH SƠN |
Trong khi mọi người làm thủ tục check-in ở quầy lễ tân, Nhật anh trai Nga giới thiệu tên họ của các thành viên mới. Nga chẳng để ý lắm, phần vì còn hơi say xe, phần vì lo sắp xếp va li, túi xách rồi còn phải đưa mắt trông chừng đứa cháu nhỏ đang tò mò chạy lung tung trong lúc mẹ nó tới quầy lễ tân làm thủ tục check-in. Phòng của cả đoàn đều ở trên lầu hai. Đợi thang máy hơi lâu nên Nga quyết định xách va li đi cầu thang bộ. Leo được dăm bậc, Nga đã phải dừng lại nghỉ lấy hơi, thoáng chạnh lòng khi thấy cánh đàn ông con trai ai cũng chỉ có một ba lô hoặc một túi xách nho nhỏ. Khổ! Phụ nữ đi đâu cũng tay xách nách mang, nào quần áo, mũ nón, giày dép, nào khăn, túi, phụ kiện rồi còn đồ trang điểm, đồ tẩy trang nữa chứ. Đến chết mệt. Đang tính cúi xuống xách va li lên leo tiếp thì bất ngờ một người đàn ông chạc gần bốn mươi tuổi xuất hiện. Anh cúi xuống xách bổng cái vali của Nga lên.
- Nga ở phòng số mấy?
- Anh là…
Vừa cất lời, Nga lại chợt nhận ra; đây chính là thành viên mới vừa nhập với đoàn ở Bà Rịa. Có điều lúc dừng xe, nghe anh rể giới thiệu, cô không chú ý lắm nên giờ cô thực sự không thể nhớ ra tên anh.
- Tôi là Sơn, bạn anh Nhật. Trước tôi làm cùng anh Nhật trên Sài Gòn. Mấy năm trước trên tập đoàn phân tôi về làm dự án Idico Long Sơn, gặp đợt dịch giã, giãn cách, đi lại khó khăn nên tôi chuyển luôn về Bà Rịa cho tiện đi làm.
- Dạ, cám ơn anh Sơn!
Trùng lặp hay có sự sắp đặt của mấy anh chị trong nhà cho cô gái già đã ngoài ba mươi mà vẫn ế, mà phòng Sơn sát ngay cạnh phòng Nga và cũng là phòng đơn. Hóa ra Sơn cũng đi du lịch một mình. Hai người đi chung xe với Sơn lúc nãy là cặp vợ chồng người em họ, mới cưới. Hiểu thấu sự tế nhị này, Nga ngượng ngùng sang các phòng khác, rủ mấy đứa cháu tới ở cùng. Tất thảy bọn cháu đều không chịu. Đứa lớn thì lấy cớ muốn ở cùng phòng với anh chị trạc tuổi cho vui. Đứa nhỏ thì đòi ở cùng phòng với bố mẹ. Cuối cùng thì Nga cũng đành “dỗi” mà rằng: “Không cần, tui ở một mình càng khỏe! Đỡ có đứa nào tranh nhà tắm với như lần trước!”. Chẳng là dịp Tết mấy năm trước cả nhà cũng đi du lịch Đà Lạt mà do thiếu phòng nên cả bốn dì cháu dồn vào một phòng. Chơi và ngủ thì càng đông càng vui chứ ở đông đến lúc sử dụng nhà vệ sinh thì ôi thôi, đủ chuyện bi hài.
Nga đã lo “con bò trắng răng” vì Vũng Tàu là thành phố biển chứ đâu có như Đà Lạt và hầu hết mọi người trong đoàn cũng ý thức rõ điều này nên ai cũng đều chuẩn bị đồ bơi để chỉ đợi bớt nắng là nhào ra biển, tắm cho thỏa thích. Nga cũng đi cùng nhưng không tắm mà ngồi trên trông đồ. Chiều xuống, bãi biển đông nghẹt. Nga chọn chỗ vắng, ngồi xuống chiếc ghế bố rộng rãi, thoải mái phóng mắt ngắm cảnh biển ngày xuân. Vũng Tàu đẹp thật, núi, biển chập chùng. Mắt Nga hướng ra phía miếu Hòn Bà. Lâu lắm rồi, hồi Nga mới học xong cấp ba. Cả lớp góp tiền xuống Vũng Tàu chơi. Một cậu bạn trai đã kể cho cô về sự tích Miếu Bà linh thiêng khi bị một viên sĩ quan Pháp nã ba viên đạn pháo vào mà miếu không sao còn viên sĩ quan thì sau đó lại bị tử thương do dùng súng bất cẩn. Cậu bạn ấy đã từng theo đuổi Nga, tiếc là khi ấy họ còn quá trẻ, tình yêu học trò không tồn tại được vài tháng. Cậu bạn đi du học rồi ở lại bên đó nghe đâu đã vợ, con đề huề. Nga cũng từng trải qua vài ba mối tình nữa nhưng những mối tình ấy cũng giống như mối tình đầu, nghĩa là qua rất nhanh mà lại kém độ nồng nàn, sâu sắc. Tuy nhiên điều đó cũng có cái may mắn là Nga không cảm thấy tổn thương hay hối tiếc điều gì trong chuyện tình cảm. Ngay giờ đây, ngồi một mình trước hình ảnh nhắc lại chuyện cũ, Nga cũng chỉ thấy hơi tiếc vì chưa có cơ hội ra Miếu lần nào. Biết làm sao, con đường dẫn ra Miếu chỉ có thể đi vào những ngày, giờ nhất định, trong vòng một vài tiếng khi triều xuống. Ngoài ra thì nó quá khấp khểnh, gập ghềnh, không phù hợp với bất kỳ đôi giày phụ nữ nào.
- Sao Nga không xuống tắm?
Câu hỏi bất ngờ vang lên ngay cạnh. Nga ngẩng lên; Sơn, quanh người quấn một chiếc khăn lớn, đầu tóc ướt đẫm đang nhìn cô cười. Anh ta có điệu cười rất sáng giá. Thân hình cũng thật khá, không sáu múi nhưng vạm vỡ, chắc nịch. Sợ Sơn biết mình đang thầm đánh giá anh, Nga luống cuống, thành thật trả lời.
- Em nghĩ thời tiết Tết lạnh nên không chuẩn bị đồ bơi ạ!
Sơn khẽ cười làm Nga bối rối, đỏ mặt.
- Chắc là em sinh ở Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng rồi, còn anh quê gốc ở Lạng Sơn. Hồi bé anh đã được bố mẹ đưa lên đỉnh Mẫu Sơn ngắm tuyết rơi nên thời tiết thế này quá ấm áp đối với anh.
- Ôi, anh cũng quê ở Lạng Sơn ạ? Ngày xưa hồi trước năm 79, ba mẹ em cũng từng ở đó. Bây giờ em vẫn có người nhà ở đấy đấy.
- Anh biết. Anh Nhật có nói với anh.
Câu chuyện của họ bắt đầu từ cái vùng Đông Bắc xa xôi, lạnh lẽo, nơi có con sông Kỳ Cùng chảy ngược, những vườn quýt trĩu trái, đỉnh Chóp Chài quanh năm mây phủ và cả những món ăn ngon, lạ kéo dài sang những chuyện về gia đình, bạn bè, công việc. Qua câu chuyện, Nga biết Sơn hơn cô gần chục tuổi. Anh học đại học bách khoa, khoa công nghệ lọc hóa dầu nên công việc đang làm cũng khá phù hợp. Sơn đã từng lập gia đình và có một cô con gái nhưng do hai vợ chồng không hợp nhau nên họ đã chia tay được mấy năm. Đó cũng chính là lý do anh chuyển việc và chuyển chỗ ở về Bà Rịa.
- Bà Rịa không có bãi biển đẹp như Vũng Tàu nhưng Bà Rịa cũng đang rất phát triển. Mai, nếu em có thời gian anh sẽ dẫn em đi tham quan núi Dinh và vườn hoa thạch thảo cả vườn cây cảnh Lộc Phúc Trần, vườn hồng cổ và cả những cánh đồng trồng rau, dưa lưới rất xịn sò nữa.
- Anh Sơn tâm lý thật đấy. Toàn những nơi mà phụ nữ thích tới thì làm sao em có thể từ chối chứ. Nhưng bây giờ mình phải về thôi kẻo trời tối quá rồi.
Trời bắt đầu tối thật. Mặt trời như một quả cầu lửa đang chìm dần xuống biển. Đa phần những người tắm biển đã dần lên bờ. Tiếng còi cứu hộ vang lên, nhắc nhở những người đang tranh thủ dầm mình thêm một lúc nữa trong thứ nước mà các bác sĩ gọi là nước thuốc giúp chữa bách bệnh, nhanh chóng quay trở lại bờ.
Tối hôm đó, sau khi đã ăn tối cùng đoàn ở nhà hàng gần khách sạn, Nga lấy cớ mệt, từ chối đi sang trung tâm thương mại Imperial mua sắm mà về phòng. Đứa cháu lớn trêu: “Đúng là bà cô già, đi ngủ sớm như gà!”. Chỉ có mấy bà chị Nga là kín đáo liếc mắt, cười với nhau.
Nga vừa lên phòng được mười phút thì chuông điện thoại reo vang bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” quen thuộc. Giọng của Sơn vang lên ấm áp:
- Em đang ở đâu?
- Em… em đang ở trong phòng!
- Ôi, cô gái ơi đi du lịch ngày xuân ai lại nằm nhà như vậy chứ, em xuống dưới quầy lễ tân đi. Có người gửi quà Tết cho em đó!
Nga hồi hộp, tháo dây ruy băng màu đỏ, bóc gói quà nhỏ vuông vắn, và cô đỏ mặt vừa xấu hổ vừa vui thích khi thấy bên trong một bộ đồ bơi màu đỏ đô thật đẹp, đúng loại mà cô dự tính sẽ mua nếu ngày mai họ còn ở lại Vũng Tàu.
Cô rút máy nhắn:
- Lần đầu gặp nhau mà tặng quà như này em không dám nhận đâu.
- Em nghĩ anh có thể mặc bộ quần áo đó đi bơi ngày mai sao?
- Em đâu dám. Nhưng…
- Nếu em ngại thì sao lại không mời anh một ly café nhỉ!?
Dạn dĩ mà lịch sự, hài hước và chu đáo. Trái tim Nga tự nhiên rung lên một nhịp nhẹ. Cô khẽ cười:
- Em sẽ mời anh café khi về Sài Gòn, còn bây giờ thì đợi em nhé, chúng mình sẽ đi một vòng Vũng Tàu ngắm biển.
Truyện ngắn của BÙI ĐẾ YÊN