.
Truyện ngắn của: Nguyễn Hiên

Tìm thấy mùa Xuân

Cập nhật: 17:46, 10/01/2025 (GMT+7)

Chú Sáu lụi cụi cầm cây chổi quét đám lá vàng rụng đầy khoảng vỉa hè chú mượn tạm để bán hàng. Khi chú Sáu xin phép anh chủ nhà cho bày hàng, anh ấy vui vẻ đồng ý ngay:

- Chú cứ bán ở đây, chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ là được.

- Anh yên tâm. Tui hứa dọn dẹp gọn gàng.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Để giữ lời hứa và cũng để gian hàng của mình trông có vẻ sáng sủa, tươm tất nên chú với thằng Đen quét tước luôn tay. Nhìn ra xung quanh, chỗ nào cũng rực rỡ sắc màu: cúc, lan, mai, đào… đua nhau nở. Hoa tươi tắn, rạng rỡ nhưng mấy người bạn hàng của chú thì lòng héo rũ. Chưa tết mà hoa đã nở hết cỡ thế kia. Bao nhiêu đêm dầm gió dầm sương chắc gì đã đổi lại được một cái tết no ấm như họ hằng trông đợi? Trồng hoa cả năm trông vào cả mấy ngày này. Nhưng coi bộ năm nay, tình hình không khả quan cho lắm.

Hai cha con chú Sáu không bán hoa mà bán thứ khác. Đó là những đôi dép với đủ kích cỡ, màu sắc, mẫu mã. Chú thường nhập loại có giá cả bình dân, phù hợp với túi tiền của người lao động nghèo. Chú không có nhiều vốn để lấy loại đắt đỏ. Vả lại bày bán vỉa hè, dù có xịn thật thì nói ra được bao nhiêu người tin. Mấy người mua hàng của chú thường nhìn chú với thằng Đen bằng con mắt tò mò xen lẫn chút thương cảm bởi chú chỉ còn một chân. Chú bán dép cho người khác nhưng bản thân lại không còn đủ hai bàn chân để đi một đôi dép. Sự đối lập ấy dễ gợi trong lòng người ta sự xót xa, đồng cảm. Chú gắn bó với chiếc nạng từ ngày bị một chiếc xe máy đi quá tốc độ tông trúng lúc đang chạy xe trên đường. Nhìn người mẹ già nghèo khổ, còm cõi chăm đứa con trai nằm im lìm trên giường bệnh, chú không nỡ đòi bồi thường. Hơn ai hết, chú hiểu sâu sắc cái tình cảnh “nghèo còn gặp cái eo”. Chú không nỡ khoét sâu vào nỗi đau, sự héo úa của người đàn bà đang chết dần chết mòn khi hàng ngày nhìn khúc ruột của mình vật lộn với thần chết. Thời gian ấy phần vì chủ quan, phần vì tiền nong eo hẹp nên chú vẫn mải miết bán buôn như thường lệ. Một thời gian sau chân sưng, mưng mủ rồi loét ra, người lên cơn sốt mới tới bệnh viện khám thì đã muộn. Bác sĩ nói phải cưa một bên chân.

Gian hàng của chú đặt bên cạnh mấy hàng hoa càng tô đậm sự khác biệt. Bên cạnh vô số chậu hoa đang bung nở đợi xuân như muốn gom hết mọi đẹp đẽ của đất trời là những đôi dép màu nâu, màu xanh, màu đen, màu trắng…

Đôi lần, thằng Đen hỏi dò:

- Ba, sao mình không bán hoa như người ta? Hoa đẹp quá trời. Mấy đôi dép của ba con mình thì…

Thằng Đen bỏ lửng câu nói vì sợ lỡ lời nhưng chú Sáu thì để trong lòng cái sự lửng lơ ấy mãi.

- Miễn là cái người ta cần, bán gì chả như nhau-Trả lời con mà tâm trí chú đang để tận đâu đâu.

Chú Sáu biết rõ, món hàng mình bán không hấp dẫn, thu hút ánh mắt của người qua đường. Mấy hàng hoa người đến người đi tấp nập còn hàng dép của chú thỉnh thoảng mới có người đến hỏi. Nhiều lúc không có khách, chú với thằng Đen ngồi thu lu, bó gối một góc nhìn dòng người xuôi ngược trên đường mà nhớ nhà đứt ruột. Chú không đủ tiền để mở cửa hàng, thuê ki-ốt ở chợ nên đành đi bán rong, nay chỗ này mai chỗ kia nhưng không vì thế mà mua gian bán lận. Chú bán hàng xởi lởi, giá cả phải chăng, hay bớt đồng nọ đồng kia nên người mua đồ của chú hầu như ai nấy đều vui vẻ, thoải mái.

Ngày trước, mỗi lần nhìn mấy đôi dép bày trước mặt mình, trong chú lại dậy lên khao khát: Phải chi chân còn lành lặn như hồi xưa, mình sẽ để dành đôi đẹp nhất mà đi cho thỏa. Nhưng chân đã cưa rồi làm sao mọc lại như cây ra cành non? Thành ra khao khát thầm kín đó như một cái nhọt, trái gió trở trời là trồi lên hành hạ chú. Bây giờ chú quen rồi, chẳng còn nghĩ tới nó nữa, có nghĩ tới cũng chỉ thoáng qua, kịp gợn chút sóng trong lòng rồi tan biến ngay. Chú thường chọn cho mình đôi nào bị lỗi, không bán được để đi. Đằng nào cũng chỉ đi một chiếc, lấy đôi đẹp chi cho phí, để đó bán lấy tiền đặng nuôi vợ con. Vợ chú đau yếu quanh năm, chủ yếu ở nhà chăm con, coi sóc mảnh vườn nhỏ. Ngoài thằng Đen chú còn có đứa con gái tên Đan. Nó nhỏ xíu, thua thằng Đen ba tuổi. Cả gia đình đều trông cậy vào chú nên vất vả mấy chú cũng chẳng nề hà, kêu ca, than vãn gì. Người ta cố gắng một, chú phải cố gắng gấp năm gấp mười để kiếm tiền miễn là không trái với lương tâm. Hai mẹ con chắc đang trông ngóng chú và thằng Đen dữ lắm. Tết đến không chỉ khiến lòng dạ người ở xa nôn nao mà nó còn thiêu đốt tâm trí người đang chờ đợi cuộc trở về của chồng con để trọn vẹn phút giây sum họp.

Trước khi đi, chú nói với vợ:

- Lần này tui đi bán cách nhà hơi xa.

- Khi nào hai cha con về?

- Chưa biết. Nhưng chắc chắn sẽ đón giao thừa ở nhà.

Chú có dự tính riêng nhưng chưa nói cho vợ biết vì sợ nói trước bước không qua. Nếu trời thương, có lẽ mong mỏi của chú sẽ thành sự thật.

Mới đó lá vàng đã lại rụng đầy xung quanh. Mấy hôm nay anh chủ nhà cứ đi ra đi vào miết. Mỗi lần ngó đống dép còn cao chất ngất là anh lại thở dài. Chú Sáu thấy vậy cũng ngại, sợ cha con mình phiền người ta quá nhiều. Chú đâu có muồn ngồi rề rà ở đây lâu nhưng tình cảnh này thì đành chịu. Đôi lần hai chú cháu có nói qua về cảnh nhà, chuyện buôn bán…

Chú Sáu thôi nghĩ ngợi, chống nạng đứng lên, lấy chổi quét đều tay. Tiếng chổi quẹt xuống mặt đường nghe đanh và gắt, không mỏng và nhẹ như tiếng lá rơi.

- Ra bán hàng cho khách nhanh kìa-Vừa làm chú vừa đảo mắt tới chỗ người thanh niên vừa mới xuống xe, tắt máy.

Thằng Đen nghe chú Sáu kêu liền bỏ ngay cuốn truyện tranh đang đọc dở, chạy lại chỗ khách đang đứng. Đen mười tuổi, gầy gò, da đen nhẻm nhưng cái miệng lanh phải biết bởi nó đã có thâm niên đi bán rong với cha từ hồi mới năm, sáu tuổi. Nó nhìn thoáng qua là biết khách đang ưng loại nào, nhìn xuống chân khách nó liền đoán được khách đi size gì. Chú Sáu thường chỉ đem theo Đen mỗi khi nó được nghỉ hè, nghỉ tết vì chú không muốn làm dang dở chuyện học của thằng con thông minh, nhanh nhẹn.

Thằng Đen đi theo, chú Sáu đỡ cực bao nhiêu. Nghĩ về con, chú thấy mình may mắn, rồi lại thấy có lỗi. Con nhà người ta giờ này đang xúng xính đồ mới, nô đùa, háo hức đợi Tết. Phải chí thằng Đen không phải con mình thì tốt cho nó biết bao.

Cha mẹ giàu con thong thả

Cha mẹ nghèo con vất vả gian nan

Nước mắt chú muốn ứa ra rồi lại chảy ngược vào trong để nhường chỗ cho nụ cười vồn vã với người khách đang đứng trước mặt.

- Buôn bán có thuận không anh Sáu?-Thím Sương ở hàng hoa bên cạnh hỏi với sang.

- Rầu lắm. Năm nay khó khăn, ai cũng nghèo, đến sắm đôi dép mới cũng phải đắn đo…

- Chuyến này chắc nhà em cũng lỗ-Thím Sương chép miệng nhìn mớ bông trước mặt.

Chú Sáu định bán hết ngày 29 rồi nghỉ để về nhà cuối cùng lại ráng bán tới tận chiều 30. Đống dép đã với đi quá nửa. Có lẽ ông trời nghe được nỗi lòng của chú nên sáng nay người mua chen chúc nhau. Hai cha con tất bật không ngơi tay. Mệt mà vui quá chừng. Chú Sáu thấy cố gắng ở lại bán cho tới tận giờ này là quyết định đúng đắn. Vận may đã mỉm cười sau bao ngày mặt ủ mày chau. Niềm vui lấp lánh trong đôi mắt chú và thằng Đen.

Hai cha con dọn dẹp, bỏ gọn những đôi dép còn lại vào mấy cái bao chất lên xe. Trong lúc thằng Đen quét dọn lại một lần nữa nơi họ bán hàng suốt thời gian qua, chú Sáu tranh thủ kiểm đếm lại số tiền thu được.

- Chuẩn bị về hả chú Sáu?-Anh chủ nhà đi ra, trên tay xách theo đòn bánh tét.

- Tui đang định vào gặp anh đây. Cảm ơn gia đình anh vì thời gian qua đã cho cha con tui bày hàng ở đây. Có điều chi phiền hà mong anh chị thông cảm.

- Ơn huệ gì đâu. Nhờ cha con chú mà cổng nhà con lúc nào cũng sạch tinh, không có một chút rác bẩn nào. Con phải cảm ơn chú mới đúng. Buôn bán lời lãi sao rồi chú?

- Nhờ trời thương, đủ tiền lợp lại mái nhà bị dột rồi. Bữa trước kể chuyện với anh tui tưởng chuyến này thất bại. Ai ngờ lại suôn sẻ ngoài mong đợi. May tui nghe anh, ráng bán đến hôm nay.

- Chú nói vậy con cũng mừng. Hai cha con tranh thủ về sớm đi. Chắc cô và cháu ở nhà đang mong dữ lắm. À, có đòn bánh tét, cháu biếu nhà mình ăn lấy thảo.

Chú Sáu và thằng Đen chào tạm biệt mấy người quen và anh chủ nhà.

- Tặng anh và cháu hai chậu bông vạn thọ về chưng Tết. Chúc gia đình anh năm mới có thiệt nhiều sức khỏe, vạn sự như ý nghe. Năm sau có duyên, ta gặp lại-Thím Sương cười nói rổn rảng cả một đoạn đường. Số chậu bông phải chở về trên xe của thím cũng không nhiều lắm.

Chiếc xe ba gác đi xa dần. Những hàng hoa gần đó đã thu dọn xong. Ai nấy đều hối hả trở về nhà. Buồn vui một năm theo đó mà xếp lại sau lưng. Hai bên đường đèn đuốc sáng trưng. Lá rụng đã được mọi người quét dọn sạch sẽ, gom đốt. Khói bay lên vấn vít, quẩn trong tán cây trên cao. Mùi nhang trầm theo gió lan đi khắp nơi mang theo sự ấm áp xua đi cái lạnh của ngày cuối năm nhiều nỗi niềm.

Anh chủ nhà cứ nhìn theo hai cha con mãi cho đến khi chiếc xe ba gác chỉ còn là một chấm nhỏ xíu rồi biến mất vào chập choạng chiều. Nghe chú Sáu kể chuyện nhà, anh thương cho những khó khăn, vất vả của họ. Nhìn cách chú chăm con, bán hàng, dọn dẹp nơi mà anh đã cho cha con chú mượn tạm, anh cảm mến sự hồn hậu, tử tế của người đàn ông bôn ba hơn nửa đời người. Anh nghĩ, mình phải tìm cách giúp đỡ. Tối hôm ấy, anh đã nhắn tin cho tất cả mọi người ở gần đó mà anh biết. Anh còn nhờ họ nói lại với người thân, bạn bè tới mua ủng hộ. Thật may, anh đã được nhìn thấy nụ cười mãn nguyện của chú trước lúc chia tay.

Anh thở phào nhẹ nhõm, quay trở vào, cùng vợ con chuẩn bị mọi thứ để đón giao thừa. Với anh, giao thừa năm nay vui hơn mọi năm.

N.H

 
.
.
.