.

Nàng Meggie phiên bản Việt

Cập nhật: 16:25, 03/01/2025 (GMT+7)

Tháng Chạp, gần giáp Tết, công việc cơ quan vừa bớt, Lê lại phải đối mặt với bài ca muôn thủa của ba mẹ về chuyện ế chơ, ế chỏng, ế bền vững của mình. Mệt mỏi, Lê quyết định đăng ký đi thực tế, kết hợp tham quan du lịch mấy tỉnh miền Đông cùng với mấy anh em văn nghệ sĩ của Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh, dù Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương và nhất là Bà Ria-Vũng Tàu vốn chẳng xa lạ gì với anh. Cái chuyến đi như trốn chạy, tưởng chẳng có gì hay ho ấy lại giúp anh có được cuộc gặp gỡ định mệnh của đời mình.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Đó là ngày cuối cùng của chuyến tham quan. Đoàn đi hầu hết các điểm du lịch mới nổi của Bà Rịa-Vũng Tàu từ Buôn Grin-Châu Đức, Cầu ngắm biển-Xuyên Mộc, đến đền thờ chị Võ Thị Sáu-Đất Đỏ, các vườn hoa Bà Rịa. Bãi Trước, Bãi Sau, Niết bàn Tịnh xá, Thích Ca Phật đài… và nhiều di tích, thắng cảnh khác của Vũng Tàu gần như đã quá quen thuộc với hầu hết các thành viên trong đoàn. Trưởng đoàn, vốn là một nhiếp ảnh gia tên tuổi đề nghị: “Anh em mình là nghệ sĩ không khám phá ra điểm gì mới hay hay lạ lạ thì cứ việc lên Bạch Dinh chĩa máy xuống chụp hoa sứ, cây rừng, tàu thuyền ngoài biển chẳng thích hơn à?”. Và thế là cả đoàn kéo nhau lên Bạch Dinh. Do một thành viên trong đoàn là bạn với phó giám đốc bảo tàng nên cả đoàn không chỉ được đi tham quan miễn phí mà còn được bảo tàng cử thuyết minh viên “trẻ, xinh nhất bảo tàng” ra đón tiếp.

- Dạ, Bạch Dinh xin kính chào quý khách! Em xin tự giới thiệu em là Trịnh Mai Hương, em hân hạnh được làm thuyết minh viên cho đoàn mình. Xin mời đoàn chúng ta đi lên thăm quan khu di tích lịch sử văn hóa Bạch Dinh… Bạch Dinh có tên tiếng Pháp là Villa Blanche, được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1902. Đây là nơi nghỉ mát của toàn quyền Đông Dương, vua Bảo Đại và các đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Đây cũng là nơi chính quyền thuộc địa Pháp giam lỏng vua Thành Thái gần chục năm trời…

Lê sững người, chen lên phía trước, đưa mắt nhìn chằm chằm vào cô hướng dẫn viên xinh xắn phía trước. Dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo, vầng trán cao, cặp kính cận dầy không giấu được cặp mắt thông minh nhanh nhạy, nụ cười vui tươi rạng rỡ và nhất là cái giọng trong vắt cũng như phong cách nói chuyện tự tin, chuyên nghiệp của cô tạo cho anh một cảm giác gần gũi, quen thuộc vô cùng. Rõ ràng là anh đã gặp cô ở đâu rồi. Ở đâu, trong trường hợp nào nhỉ? Thời gian anh sống ở Vũng Tàu không nhiều, cũng không có nhiều kỷ niệm đặc biệt ở đây, vậy mà lục tung bộ nhớ, soi xét từng mẩu từng mảnh ký ức, anh vẫn không thể nhớ ra kỷ niệm nào gắn với cái dáng vẻ gần gũi thân quen kia.

Cô gái cũng hơi cau mày, nhìn anh với thái độ dò xét khiến anh bối rối quay mặt đi. Không muốn bị hiểu lầm là gã trai háo sắc, với những câu tán tỉnh sáo mòn: Anh thấy em rất quen. Hình như … Anh đành đợi khi Hương thuyết minh xong, mọi người tản mát ra xung quanh mải mê với những vật dụng mà vua Bảo Đại từng dùng, loay hoay với những khẩu súng thần công lạnh lùng và hàng cây hoa sứ trắng khẳng khiu để tiến tới gần Hương.

- Chào Hương. Tôi là Lê, tôi có thể xin Hương số điện thoại được không?

Nụ cười của Hương khiến Lê hơi bối rối, anh vội nói như thanh minh:

- Tôi đoán chắc có rất nhiều người xin số của Hương như tôi nhưng tôi thật sự cần một số tư liệu về các di tích lịch sử của Vũng Tàu-Côn Đảo-Ngần ngừ một chút anh quyết định thêm-Hơn chục năm trước tôi cũng từng sống và dạy học ở đây nên…

- Ôi, anh Lê! Nhà văn, họa sĩ, thầy giáo Phan Lê!? Lúc nãy em đã ngờ ngợ rồi mà cứ sợ mình nhầm thì lại thành ra vô duyên. Anh không nhận ra em sao? Em là Hương. Mai Hương của “Sự tích hoa mai vàng” lớp 6A4 trường Võ Trường Toản. Cô bé Meggie phiên bản Việt, thư viện thành phố, quán kem mùa đông…

- Trời ơi, Hương! Trái đất mới hẹp làm sao!?

12 năm trước, khi vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, anh xin được vào dạy trong một trường cấp III của thành phố. Do trước đó có nhiều tác phẩm được giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tác cả văn lẫn họa nên anh cũng nhanh chóng được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh, trở thành hội viên trẻ xuất sắc nhất của Hội, vốn toàn những U50, U60. Là thầy giáo, lại trẻ, độc thân và có nhiều thành tích, anh luôn được báo, đài ưu ái. Các cơ quan, trường học, thư viện cũng thường xuyên mời anh tham gia các sự kiện văn hóa, nghệ thuật.

Chương trình “Ngày hội kể chuyện cho thiếu nhi” của thành phố vào dịp Tết năm đó, anh là giám khảo trẻ tuổi nhất còn Mai Hương là một trong số các thí sinh đoạt giải. Anh không nhớ gì nhiều về cuộc thi và giải thưởng, ngoài việc nó được tổ chức khá quy mô ở thư viện thành phố. Anh cũng không nhớ chính xác Hương đoạt giải gì; nhất, nhì, ba hay khuyến khích. Tuy nhiên, câu chuyện và nhất là dáng vẻ dễ thương của cô bé thí sinh thì anh vẫn nhớ. Đó là câu chuyện cổ tích quen thuộc của Việt Nam “Sự tích hoa mai vàng”. Câu chuyện phù hợp với chủ đề, lại được diễn tả một cách khá hấp dẫn bởi một cô bé mặc bộ võ phục màu vàng, khuôn mặt thanh tú, nước da trắng trẻo, múa võ cũng rất siêu. Trông cô bé thật đáng yêu. Lê nhớ khi anh trực tiếp trao giải và xoa đầu cô bé, cô bé đã vui sướng ngước mắt lên và gọi tên anh. Lúc đó anh cho rằng, đó là biểu hiện bình thường của tất cả những người vui mừng vì thắng cuộc nên chẳng nghĩ ngợi gì.

Hội thi kết thúc, anh cùng các thành viên khác trong ban giám khảo được Ban tổ chức mời dự cơm trưa ở nhà hàng Gành Hào Bãi Dâu. Cuối năm nhiều việc, lại cũng không muốn mất thời gian ở những nơi tiệc tùng ăn uống, anh xin phép về trước. Anh đã quên các cô cậu bé học trò và những câu chuyện đoạt giải cũng như không đoạt giải chúng. Suy nghĩ của anh tập trung vào những cuốn báo Xuân có đăng bài của mình. Mặc dù đã có bài đăng trên cả trăm tờ báo trong cả nước nhưng việc có bài xuất hiện trong các tờ báo xuân in màu trên giấy cứng, trắng bóng vẫn là một niềm vui không nhỏ với bất kỳ người viết nào đâu chỉ riêng anh.

Khi quay lại Hội báo Xuân ở thư viện để lấy xe, anh kinh ngạc khi thấy cô bé mai vàng vẫn đứng đó. Trên tay cô là cuốn truyện dài “Mùa hè ở biển” mới xuất bản của anh. Cô bé lí nhí: “Cháu là Mai Hương học sinh lớp 6 trường Võ Trường Toản, tình cờ cháu lại đang đọc cuốn sách này của chú. Cháu và các bạn cùng lớp rất hâm mộ chú, chú có thể cho cháu xin chữ ký được không ạ!?”. Đương nhiên là anh ký, còn hào phóng mua tặng cô cả mấy đầu sách của mình đang được trưng bày ở đó. Chị thủ thư vui tính đã dùng số tiền bán sách đó dẫn cả tác giả lẫn độc giả quen thuộc đi ăn quán Kem mùa đông, trên đường Bacu gần đó. Câu chuyện của ba người một nhà văn, một thủ thư và một người ham đọc đương nhiên chỉ chuyên về sách. Anh kể về cơ duyên đưa một họa sĩ như anh đến với nghề viết, về niềm vui khi lần đầu tiên thấy truyện ngắn của mình được đăng báo. Chị thủ thư kể về nỗi xúc động khi có những bạn nhỏ yêu sách như cô bé.

Chị khoe: “Thầy biết không mới lớp 6 nhưng Hương đã đăng ký mượn nhiều những cuốn sách dành cho người lớn từ Cuốn theo chiều gió, Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà Pari, Đồi gió hú, Đất vỡ hoang”… Hương nói thêm: “Con còn đọc cả Tiếng chim hót trong bụi mận gai nữa!”.

Khi ấy cô mới 12 tuổi và anh tuyệt nhiên không nghĩ là có ẩn ý gì trong câu nói đó nên khi chia tay anh đã xoa đầu cô và nói rất vô tư: “Tạm biệt bé nhé, nàng Meggie phiên bản Việt!”.

Nhiều năm sau mỗi lần nhớ lại cái kỷ niệm nhạt nhòa đó anh lại tự hỏi không biết cô bé giờ ra sao và tự trách vì ba, bốn lần ký tặng vẫn chẳng nhớ nổi họ của cô bé, còn tên thì anh biết, riêng lớp anh dạy đã có tới ba em tên Hương rồi. Một cái tên đẹp như thế.

 “Vật đổi sao rời”, mười năm trước, anh chuyển lên TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Công việc, gia đình, tình cảm và những biến cố lớn lao khác của số phận đã khiến anh như bao người bình thường khác, quên hẳn những sự việc, những con người chỉ thoáng gặp một đôi lần. Vậy mà định mệnh sắp đặt thế nào, sau bao năm xa cách anh lại gặp cô. Ánh mắt và cách nói của cô khiến trong anh dâng trào một cảm xúc khó tả.

- Mười mấy năm rồi mà anh chẳng khác trước chút nào.

- Còn em thì không chỉ khác mà còn quá khác, Meggie ơi!

Giao thừa năm ấy, trên đường Trần Phú dưới chân Núi Lớn, Hương úp mặt vào ngực anh thì thầm:

- 12 năm rồi, cuối cùng thì cô bé Meggie cũng có được đức cha Ralph* của mình!

Truyện ngắn của: BÙI ĐẾ YÊN

(*) Meggie, đức cha Ralph: hai nhân vật chính trong tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai của nữ văn sĩ người Úc Colleen McCullough, được xuất bản năm 1977.

 
.
.
.