Bây giờ, chẳng mấy ai gọi tên tháng Chạp nữa. Tháng Chạp chỉ còn vọng lại từ trong ký ức với bao điều thân thương của bà, của mẹ ngày xưa gọi nơi quê nhà. Ở thành thị, tháng Chạp vẫn là tháng mười hai, tháng cuối năm, tháng bận rộn của những việc tổng kết, của kế hoạch cho năm tới, của cuộc gặp gỡ, tất niên…
Nhưng tôi vẫn thích gọi tháng mười hai là tháng Chạp, bởi những thân thương xa thẳm chỉ cần gọi tên là thức giấc, như mới vừa hôm qua.
Tháng Chạp ở quê là tháng tất bật của nhà vườn, những người trồng cây kiểng chưng Tết. Ba tôi cũng là một trong số ấy. Cứ đến tháng Chạp là ba ở hẳn ngoài vườn, trông cây. Ngắm nghía từng chồi non, nụ hoa, cũng là thành quả sau một năm chăm bẵm của mình. Cây có cho ra hoa đúng hạn, có sai hoa, thu hút người thưởng ngoạn không? Niềm vui của người trồng cây không hẳn ở lợi nhuận, mà còn là sự hài lòng của khách hàng. Vì vậy, ba chỉ vui khi những vị khách của mình đến “đón” từng đứa con tinh thần trong niềm hân hoan, yêu thương và nâng niu. Ba bán cây tại vườn, bao nhiêu năm rồi nên quen khách. Những ngày tháng Chạp, vườn cây của ba tấp nập khách ra vào. Ba lấy đó làm niềm vui.
Tháng Chạp của mẹ cũng tất bật không kém. Mẹ đã ươm từng bầu cải để muối dưa từ những ngày có cơn gió đầu đông phảng phất. Sau này, tôi nghĩ mãi, vì sao mẹ phải cực khổ vun trồng từng bầu dưa, trong khi hàng hóa ngoài chợ ngập tràn, giá thành rẻ. Có lần, chị hai cũng đem lòng thắc mắc với mẹ như vậy. Mẹ không chỉ trồng dưa muối chua, mà còn trồng khổ qua để đúng đêm 30 cả nhà sẽ có nồi canh hầm khổ qua, ăn cho mọi xui rủi năm cũ qua nhanh, năm mới đến với những điều may mắn, thuận lợi và hanh thông. Rồi còn rất nhiều công đoạn cầu kỳ khác để đón một cái Tết sum vầy, đủ đầy, trọn vẹn. Mẹ nói, nếu một cái Tết quá nhàn rỗi, liệu có còn ý nghĩa không? Cực một chút mà vui, có thêm cho con cháu những kỷ niệm về một cái Tết cổ truyền mà bao đời cha ông mình lưu truyền.
Đúng vậy thật. Những cái Tết ở thành thị, mọi thứ tiện nghi hơn. Nếu muốn ăn món truyền thống, chỉ cần đặt trên app, 30 phút sau là ship đến tận cửa. Từ dưa hành, củ kiệu, thịt kho tàu, khổ qua hầm, giò chả, bánh trái theo từng vùng miền… có thể nói, ở thành thị, đặc sản nơi nào cũng có. Vì công việc bận rộn, tôi cũng từng đặt cho gia đình ăn Tết, khỏi phải mất công làm. Nhưng vị thức ăn trong miệng, dù đậm đà mà sao lòng vẫn thấy nhạt, vẫn thấy nhớ không khí tất bật năm xưa của cha mẹ nơi quê nhà, nhớ tháng Chạp thân thương.
Tháng Chạp ở thành thị, những cơn gió thổi vào luồng không khí tươi mới đón chào sắc xuân sắp căng tràn trên những hàng hoa, chậu cây ven đường. Khác hẳn với nền trời bàng bạc, chầm chậm của nhịp bước mùa đông vừa mới hôm qua. Nắng tháng Chạp trong veo mỗi sớm mai.
Trên sân thượng chung cư tôi đang ở, những cây mai cả năm chẳng ai để ý tới nay đã được chủ nhân đặt ở nơi dễ thấy nhất, chuẩn bị cho công đoạn hái lá chờ ngày nụ bật mầm đón mùa xuân vàng rực.
Buổi sáng tháng Chạp, tôi cùng thành viên trong nhà tranh thủ dọn dẹp không gian sống của mình để đón Tết. Trang trí căn nhà cho có sắc xuân, đặt lên bệ cửa những chậu hoa chúm chím nụ, chỉ chờ nắng xuân đến là rực rỡ bung sắc.
Dọn dẹp mọi ngóc ngách trong nhà sao cho sạch tinh tươm. Phải tự tay làm thì mới cảm nhận được thành quả sau lao động của mình, đó là một không gian sống mới hơn, trong lành hơn, thoáng đãng hơn.
Khoảng thời gian lao động đó còn mang lại khoảng lặng quý giá cho tâm hồn mình, cảm giác có những điều cũng đã được thanh tẩy sau chuyến “tổng vệ sinh” nhà cửa cuối năm. Chắc chắn, lòng mình cũng hân hoan hơn, tươi mới hơn lên trong từng ý nghĩ.
Tháng Chạp năm nay sẽ rất khác, vì tôi muốn tạo cho gia đình nhỏ của mình một miền ký ức thân thương về tháng Chạp - tháng cuối cùng của một năm với biết bao vui buồn cũng đã trôi qua!
ÁNH HƯỜNG