Tết "đoàn viên" của những đứa trẻ "không được đoàn viên"

Thứ Ba, 21/01/2025, 11:09 [GMT+7]
In bài này
.

Còn mấy ngày nữa là đến Tết. Đi đâu tôi cũng nghe những giai điệu của mùa xuân vang lên: “Dù đi đâu ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình".

“Dù đi đâu ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình
“Dù đi đâu ai cũng nhớ về chung vui bên gia đình" (Nguồn: Internet)

Đúng vậy, Tết là dịp để mỗi gia đình đoàn tụ, để “trẻ có bát canh, già có manh áo mới", là dịp để người ta trò chuyện, chia sẻ... với nhau. Nhưng đối với hai chị em tôi, những năm 12-13 tuổi ấy, Tết còn là dịp để chúng tôi biết rằng cuộc đời thật đáng sống, thật tươi đẹp, thật nghĩa tình.

Nhà tôi rất nghèo. Đó là một căn nhà tranh đắp bằng rơm và đất sét, nằm xiêu vẹo bên dòng sông quê. Có lẽ vì thế mà nhà tôi cứ đơn độc mãi ở bên kia sông, chẳng có hàng xóm láng giềng nào. Chúng tôi cứ ngây thơ lớn lên như thế cho đến khi... Tôi còn nhớ như in đó là một ngày mùa hè oi bức, sau vài tháng mẹ tôi vì không thể chịu đựng được cái đói nghèo, đành dứt áo ra đi làm giúp việc, bỏ lại hai đứa trẻ mới lớp 6, lớp 7, bố tôi cũng phải bỏ chúng tôi lại để vào trại giam (suốt gần 10 năm trời)...

Chúng tôi cứ lặng lẽ đi học, làm việc, mưu sinh mãi ở căn nhà ấy, chẳng ai để ý tới. Tết, hai chị em tôi cũng không quan tâm vì chẳng có bố mẹ ở nhà. Thế mà chiều 30 tết ấy, rét căm căm, gió tát vào mặt từng cơn, Tú bạn cùng lớp với tôi, đạp xe lên nhà, mang cho chúng tôi cặp bánh chưng nóng hổi. Nhìn cặp bánh chưng, đôi mắt của chị em tôi sáng rực lên như có ngọn lửa ấm áp sười ấm trái tìm bé bỏng, sưởi ấm mùa đông lạnh giá và sưởi ấm cả cuộc đời sau này của chúng tôi.

Nó đảo một vòng quanh nhà như ông cụ non, rồi nói: "Mẹ tớ bảo cậu lấy hai cái bánh chưng này để thắp hương. Năm nay, mẹ chỉ gói có vài cặp. Cậu có cần dọn dẹp gì không để tớ làm luôn". Và 9 cái tết sau, đúng ngày 30, cậu ấy cũng “làm thủ tục" y chang như vậy. Tôi lắc đầu và báo cậu ấy về chuẩn bị tất niên với gia đình đi.

Đêm 30 tết đầu tiên không có bố mẹ bên cạnh, sau khi cắt nải chuối và một vài thứ quả trong vườn, đặt hai chiếc bánh chưng và mấy túi oản rẻ tiền lên bàn thờ, thắp nén nhang cho ông bà, hai chị em tôi đắp chăn đi ngủ. Chẳng đứa nào ngủ được, bên kia sông, người ta rủ nhau đi chùa, đi chúc tết, đi lễ nhà thờ, còn chúng tôi....

Gần hai giờ sáng, chúng tôi đang mơ màng trong giấc ngủ, nghĩ về mâm cơm đêm giao thừa thì nghe tiếng đập cửa. Mở cửa ra, thật bất ngờ, mấy đứa trẻ bên kia sông ào ào vào nhà, mang đồ ăn thức uống. Nhanh như một tia chớp, chúng nó bày biện ra một mâm cỗ rất ra trò. Chúng tôi chơi đùa, trò chuyện cùng nhau đến sáng, tiếng râm ran vang đến tận bây giờ.

Thật bất ngờ! Mùng 1, mùng 2,... dù nằm ở nơi rất hẻo lánh, nhà chúng tôi luôn đầy ắp bạn bè, thầy cô, người làng qua lại, thăm hỏi. Người cho tấm bánh, người cho khoanh giò, người cho mấy trăm đồng mừng tuổi... Cứ thế, tết của chị em tôi thật đầy đủ, ấm áp. Suốt 9 năm sau đó, chẳng phải người thân ruột thịt nhưng mọi người đều quan tâm đến chúng tôi như thế. Đó chính là nguồn động viên to lớn giúp chị em tôi cố gắng học hành giỏi giang, thành đạt như ngày hôm nay.

Chiều nay, tôi ghé nhà học trò, mẹ thằng bé đi làm, bố cũng đi tù như bố tôi, ngôi nhà cũng xiêu vẹo như nhà chúng tôi... lòng tôi đau thắt lại. Đây không phải là trường hợp duy nhất, trong những lớp học trò tôi dạy. Học trò của tôi, đứa thì bố đi trại giam, đứa thì bố nghiện hút, đứa thì không có cha hoặc mẹ... Sao mà đáng thương đến thế! Chắc hẳn, những cái tết mà người ta gọi là “Tết đoàn viên” sẽ rất xa lạ với chúng. Và tôi biết giờ là lúc tôi trả lại ân tình cho cuộc đời này. Tôi sẽ cố gắng hết sức mang đến cho những đứa trẻ ấy hơi ấm của tình người, để các con thấy rằng mình không đơn độc trong cuộc đời này. Tôi tin rằng không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người trong xã hội này sẽ cùng chung tay với tôi giúp đỡ những mảnh đời cơ nhỡ ấy.

Hai mươi năm đã trôi qua. Thời gian không ngắn, cũng chưa đủ dài với đời người nhưng nó có thể xóa nhòa nhiều kỉ niệm, phai nhòa những tình cảm yêu thương giữa người với người. Tuy nhiên, đối với chúng tôi, những đứa trẻ nghèo và thiếu cha vắng mẹ, dù là hai mươi năm hay hàng trăm năm đi nữa, cũng không thể nào quên ân tình mà cuộc đời dành cho mình. Xin cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những người đã cho chúng tôi những cái tết yêu thương như thế.

NGỌA CƯƠNG

;
.