Cuối Chạp rồi mà mưa vẫn nhiều quá. Cái thời tiết thật lạ bởi phương Nam đã bước vào mùa khô. Gặp bạn bè, ai cũng bảo sao giống mùa Đông ở quê đến thế. Một chút lạnh, một chút âm u của mây trời đã khiến cho những người con xa quê trở nên yếu đuối đến lạ thường. Và sự khao khát được về quê ăn Tết cũng vì thế mà trở nên khắc khoải hơn.
Ngang qua xóm cũ gặp dì Ba đang hì hụi lau lá chuối khô để dành giáp Tết gói bánh. Vậy mà, bỗng da diết nhớ căn bếp nhỏ của mẹ hàng chục năm về trước. Căn bếp đã cũ kỹ, bám đầy mạng nhện. Mẹ treo đủ thứ ở trên đó, có những thứ đủ lâu, đã bám dày khói bếp trở nên đen nhánh. Có khi đó là chùm tỏi, xâu bồ kết, hoặc cũng có khi niêu cá bống kho nghệ. Một góc bếp như thế cùng với dáng mẹ tất tả lo toan, chạy vạy lo sắm Tết đang cùng với Chạp ùa vào lòng tôi gợi lên bao điều nhớ thương.
Những ngày này của nhiều năm về trước, mẹ tôi thường ra vườn chọn những chiếc lá dong to, lành lặn. Bên bếp lửa nghi ngút khói, mẹ ngồi đó lặng lẽ, cần mẫn lau khô sạch sẽ. Chờ thêm vài hôm, cha đi xay nếp về, đụng thịt heo nữa là mang ra gói bánh chưng.
Ký ức vụn vặt, nhưng lại hiện lên rất rõ như vừa mới hôm qua.
Trong giấc mơ chập chờn làn khói bếp, luôn phảng phất mùi hương rất quen thuộc, đó là mùi sương giăng còn vương trên vai áo mẹ trong một sớm mai ra vườn nhổ cây cải già, li ti nụ vào muối dưa. Gian bếp của mẹ những ngày cuối Chạp năm nào cũng có vại dưa cải, dành để ăn Tết. Trên mâm cỗ ú hụ thịt cá, nhìn thôi đã ngắc ngứ. Ấy vậy mà chỉ một đĩa dưa cải vàng rộm, giản dị, dân dã, khiêm nhường mẹ đặt vào giữa mâm đã làm hòa dịu và tan đi cái cảm giác ấy. Vị chua thanh của dưa, ăn kèm với thịt đông, Tết cũng trở thành hương vị rất riêng, khắc sâu vào tâm khảm.
Vùng ký ức hiện rõ những buổi tối mùa Đông rét mướt, cả nhà quây quần bên mươn tre, đặt cạnh bếp. Bữa cơm ngày giáp Tết, cùng với bắp cải xào còn có thêm dĩa cá trắm kho tương. Cơm thì ít, cá lại mặn, mỗi đứa được chia 2 chén, loáng cái đã sạch bong nhưng bụng vẫn còn lóc lẻm.
Ăn cơm xong mẹ ra sau vườn lấy gốc tre khô già nhóm lửa lên, tranh thủ chế biến mấy món thịt kho để sớm mai còn ra đồng cấy xong đám ruộng cho kịp thời vụ. Gian bếp lúc này đã sực nức mùi Tết. Đó là mùi mằn mặn của thịt heo ngâm mắm. Mùi hăng hăng của vại dưa cải vừa chín tới. Mùi nồng nồng của những lát gừng già chị em tôi ngào lên làm mứt.
Cũng là những đêm mùa Đông của cuối Chạp đầy hanh hao ấy, chúng tôi xúm xít bên mẹ làm kẹo bột, để dành đãi khách trong đôi ba ngày Tết. Những viên kẹo được nhào bằng bột nếp trộn với mật mía đã đun nóng già, gừng, đậu phộng rang giã dập rồi viên tròn lại, thả vào thúng bột để chúng khỏi dính vào nhau. Mẹ cất dành riêng trong chiếc lọ, sau khi đã chia cho chị em tôi đứa vài cái và không quên dặn dò, lọ kẹo này dành cho Tết nha mấy đứa.
Nhiều năm sau này, mỗi lần trở về quê vào dịp Tết, ghé thăm nhà các cô, các dì, được mời nhâm nhi viên kẹo bột của tuổi thơ, tôi như được chạm tay vào, được hít thở những nhịp thân quen. Tôi bỗng nhớ mẹ hơn bao giờ hết, nước mắt lại chảy dài… Thế nên, tôi đã bao lần không thôi thao thức, hoài niệm góc bếp của mẹ vào giáp Tết.
Hóa ra, cứ mãi khắc khoải, len lỏi trong giấc mơ tôi - những giấc mơ nhuốm màu khói bếp mà tôi biết sẽ còn gặp mãi gặp hoài trong cuộc đời. Ở đó có nỗi nhọc nhằn của cha, có sự tảo tần của mẹ, có tiếng cười rộn rã, vô tư của mấy chị em tôi.
THẢO PHƯƠNG