Phong phú "món ăn" tinh thần phục vụ người dân vui Xuân đón Tết

Thứ Năm, 23/01/2025, 17:58 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày này, dạo một vòng từ phố thị đến các vùng quê, thị trường hàng hóa phục vụ Tết khá sôi động. Trên đường phố, các cửa hàng, nhà sách trưng bày khá nhiều sản phẩm lồng đèn; các ông đồ đã rục rịch viết thư pháp, câu đối… góp phần làm phong phú thêm món ăn tinh thần của người dân trong dịp Tết.

Ông đồ Quang Thi tặng câu đối và chữ thư pháp cho chị Kim Ngân ở TP.Vũng Tàu.
Ông đồ Quang Thi tặng câu đối và chữ thư pháp cho chị Kim Ngân ở TP.Vũng Tàu.

Chơi câu đối ngày Tết

Mỗi năm cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người người nhà nhà đều háo hức chuẩn bị đón Tết, sắm sửa đủ thứ với hy vọng đón một cái Tết đầy đủ nhất, sung túc nhất. Vào đầu năm mới, mỗi gia đình đều treo câu đối đỏ trong nhà. Mỗi nhà treo một câu đối khác nhau với một mục đích khác nhau nhưng tất cả đều mong năm mới sẽ mang đến may mắn, bình an và thành công.

Ông Nguyễn Quang Thi, người có thâm niên viết câu đối, thư pháp trên 20 năm ở xã Láng Lớn (huyện Châu Đức) chia sẻ: Trong văn hóa truyền thống của người Việt, tục treo câu đối trong nhà ngày Xuân còn là một thú vui tao nhã thể hiện trí tuệ và nghệ thuật chơi chữ của người sử dụng câu đối. Đây được đánh giá như tinh hoa của nguồn cội, là món ăn tinh thần ngày Tết.

Câu đối còn là cây cầu kết nối giữa những tâm hồn của con người yêu văn thơ, thể hiện tình cảm của người viết. Câu đối cũng chính là lời chúc mà người viết muốn dành tặng cho người xin chữ, làm cho đời sống tinh thần của con người trở nên thi vị hơn.

Câu đối đỏ treo trong nhà hay treo tại cổng các sự kiện được thể hiện bằng chữ quốc ngữ để mọi người dễ đọc, dễ hiểu. Tuy nhiên từng nét chữ hiện lên đều góp phần làm toát lên khí chất của người viết và người mua, người xin câu đối. Câu đối đỏ với những lời chúc ý nghĩa được treo đối xứng trong nhà là biểu trưng cho những lời chúc tốt lành đến tất cả mọi người dịp Tết. 

Theo chị Kim Ngân, người chuyên viết thư pháp ở TP.Vũng Tàu, những câu đối treo trong ngày Tết thường mang ý nghĩa tốt đẹp và đôi khi nhắc nhở con người ta về những điều tốt đẹp, về đạo đức, về lối sống, về cách hành xử hàng ngày, về ước mơ, mong ước một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, thành công. Ngày nay, tục chơi câu đối Tết đang được các địa phương khôi phục.

Đa dạng lồng đèn treo Tết

Ghi nhận tại TP.Bà Rịa, các nhà sách Bích Câu, Phương Nghi, Toàn Cầu… trên đường Nguyễn Thanh Đằng và Cách Mạng Tháng Tám, phía trước treo đủ các loại lồng đèn với hình dáng, màu sắc, kích cỡ đa dạng để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Ông Lê Đức Thọ, chủ nhà sách Toàn Cầu cho biết, Tết Nguyên Đán và Trung Thu là hai dịp người Việt thích treo lồng đèn nhất trong năm. Bởi lồng đèn thường có màu đỏ là biểu tượng của sự may mắn, điềm lành nên người ta thường treo trước cửa nhà với mong muốn rước tài lộc, xua đuổi vận xui cũng như tạo ra không khí lễ hội mùa Xuân. Trong phong thủy, màu đỏ của lồng đèn còn là màu của chu sa, giúp ngăn chặn tà khí và trấn trạch. Thường khi treo lồng đèn, người ta thường treo theo cặp và treo đối xứng hai bên để trông cho hài hòa, đẹp mắt.

Lồng đèn khá đa dạng về hình dáng, kích thước to, nhỏ… nhưng lồng đèn tròn truyền thống, vẫn được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Màu sắc sẽ rất quan trọng trong việc kiến tạo không gian. Lồng đèn có màu vàng ấm cúng sẽ tạo ra sự thư giãn, gần gũi và thân mật. Lồng đèn màu đỏ sẽ mang lại may mắn và sắc đỏ của ngày tết. Mỗi cặp lồng đèn có giá bán từ vài trăm ngàn đồng, loại kích cỡ lớn có chữ thư pháp cả triệu đồng/cặp. “Mọi năm vào dịp này, người dân các nơi đã đến mua khá đông, nhưng năm nay sức mua vẫn chưa nhiều”, ông Thọ cho biết.

Trang trí lồng đèn, treo câu đối Ngày Tết, không chỉ làm đẹp thêm cho không gian sống mà còn thể hiện mong muốn sự sung túc thịnh vượng quanh năm, đem lại hy vọng và may mắn sẽ đến trong năm mới.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.