Cơn gió nhẹ mang hơi nước tràn về, à không, là mưa chứ! Hạt không dày và nặng như mọi khi, chỉ nhè nhẹ phơn phớt tựa sương, nhưng lạnh. Ông Hai ngừng tay cuốc, bần thần nhìn con ngõ đã được rẫy sạch cỏ. Lũ gà túa vào chân ông tìm trùn. Chúng lặng lẽ bới đất, thi thoảng dừng lại nhìn dáo dác khi có tiếng động nhỏ nào đó. Bên hông nhà, ông trồng mớ rau cải, xà lách, ngò rí… Sát hàng rào, ông cắm vài dây khổ qua, mấy dây mướp, thêm ít bầu hồ lô. Ông còn trồng được hàng hướng dương, vài bụi lay ơn, mấy cây hoa cúc, hàng vạn thọ. Chúng tươi tốt, búp nụ mây mẩy. Hướng dương vào chậu, trưng trước thềm hiên, còn lay ơn sẽ lên bàn thờ, chắc vợ ông rất thích.
Ông cứ chăm chút mảnh vườn tươi tốt, đàn gà mập tròn, chờ Huy về. Nhưng năm nào rau cũng già khằn, lên ngồng, đàn gà thì dăm bữa mất một đôi con. Chẳng biết vườn rộng rào thưa thế, gà trốn đi đâu được. Ông vừa xót của, vừa nhớ con. Nhìn vạt rau xanh thẫm rồi chuyển màu vàng úa, mắt ông cũng vàng theo mỗi cái xuân qua.
Ông lôi túm nếp vừa mua được ra hít hà. Ông nhớ Huy, thằng con giống hệt ông cái nết ăn, cứ thèm tất cả các loại bánh liên quan tới gạo nếp. Bánh tét, bánh chưng năm nào cũng nấu nhiều hơn thiên hạ, dù nhà chỉ có hai cha con, với cái gian thờ bé xíu.
“Chỉ có hai cha con”, là trước đây thôi. Lâu lắm rồi Huy quên mất đường về quê, mỗi lần ông gọi nhắc, hắn lại ậm ừ. Cây có cội, người có tông, làm gì làm, ba ngày Tết cũng cố thu xếp mà về. Tết ở đâu cũng không bằng quê mình, sáng mùng một thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên, ra trước sân ngó cây mai vàng rực, nhìn những giọt sương long lanh còn đọng nơi phiến lá, những búp nụ mây mẩy lấp ló như chơi trò trốn tìm trong từng nhánh cành, hít một hơi thật sâu vào tận đáy lồng ngực, nghe hương đất trời thanh mát dịu nhẹ. Vung tay khoan khoái như đón hết thảy những tươi mới đẹp đẽ của đất trời vào lòng, nói cười rổn rảng. Chào hàng xóm một câu đầu năm may mắn qua hàng rào dứa, nhận lại lời chúc phát lộc phát tài, chuẩn bị mớ phong bao lì xì cho bọn con nít. Chúng vòng tay rối rít cảm ơn, rồi chúc sống trăm tuổi, an khang thịnh vượng, phúc lộc đầy nhà. Dù người chúc chẳng hiểu hết ý nghĩa câu chúc, người nhận cũng biết mình chẳng làm được thứ chi to tát cho phúc lộc đầy nhà ngoài mấy thửa ruộng và mảnh vườn, vậy mà vui cả ngày.
Bao nhiêu nồi bánh tét qua rồi, ông vẫn một mình lủi thủi. Không biết ở nơi xa, thằng con ông ăn tết ra sao. Hắn cứ nói cha đừng lo gì cả, thời buổi nào rồi, ới phát đồ ship tận giường. Ờ thì vậy thiệt, nhưng có tiền để ới không mới được.
Đêm ba mươi, ánh sáng ấm rực một góc sân từ bếp nấu bánh tét như thể đang chờ đợi một điều gì đó trong thẳm sâu mênh mông. Nén nhang trên tay ông run run, mắt nhìn lên di ảnh vợ, một vệt sáng mờ nhòa nơi đáy mắt buồn xa xăm. Bức di ảnh ấy, vợ ông mới ngoài đôi mươi.
Ngày vợ ông gặp nạn, thằng Huy mới hơn ba tuổi. Chơi cả ngày thì thôi, tối đến nhớ mẹ lại ngặt nghẽo khóc. Mỗi trưa, Huy ra nằm ở cái võng cột dưới gốc mít, nhiều lần Huy kể thấy mẹ về đưa võng hát ru, mà mắt mẹ buồn lắm cha! Cũng có vài người phụ nữ tỏ ý thương, muốn chia sẻ sớm hôm cùng ông, nhưng họ ở bữa trước, bữa sau lặng lẽ đi không nói một lời. Ông thôi nhận những lời mai mối, an phận nuôi con.
Huy bị cuốn vào giấc mơ đổi đời từ Sài thành hoa lệ. Hắn rời ông khi mới mười lăm. Đi mấy năm thì quên mất mình có một ngôi nhà, thêm mấy năm thì suýt quên luôn mình có một người cha. Lần đó hắn về, dắt theo nhóm bạn tóc vàng, tóc xanh. Ăn uống hát hò chán chê, chúng dắt nhau đi luôn trong đêm, mặc kệ ông với nồi bánh tét đang sôi sùng sục.
Một ngày ra Tết, bất ngờ Huy về cùng người phụ nữ lớn tuổi. Hàng xóm nói thằng Huy có hiếu, kiếm vợ về cho cha. Huy không nói gì, đóng cửa cái rầm. Ông chưng hửng.
Ông lọ mọ làm gà, lặt rau, chờ chúng dậy để cùng ăn. Mãi tới chiều cửa phòng mới hé mở, thằng con nói tối tụi con đi rồi, cha nấu nướng chi nhiều. Ông gói mấy đòn bánh tét vừa nấu lại, nhét vào hành lý con, hắn đẩy ra quầy quậy, thôi ai ăn uống chi mà cha lo. Nhìn ánh mắt thảng thốt buồn của ông, cô ả đi cùng khều tay hắn, vui vẻ nhận lấy mấy đòn bánh, miệng cảm ơn “cha” gượng gạo.
Ở quê chưa quen việc vợ chênh tuổi chồng nhiều quá. Ông buồn nẫu lòng. Cũng có người nói lời phóng khoáng: “Chúng hợp thì sống với nhau, chứ tuổi tác quan trọng gì. Bao nhiêu cặp đẹp như tiên đồng ngọc nữ, cưới hỏi rùm beng, mà tháng trước tháng sau đã giải tán”. Có người còn rỉ tai ông: “Anh khôn anh cưới vợ già, vừa sạch cửa nhà, vừa ngọt cơm canh…”. Ông khẽ cười miễn cưỡng. Bao lâu rồi, cửa nhà cơm canh mình ông thui thủi.
Công việc làm ăn của Huy đang tốt lên thì dịch dã, mọi thứ phút chốc tan tành. Giọng Huy vỡ vụn qua cái điện thoại bé tí khiến lòng ông quặn đau.
Như cái cây đến mùa thì thay lá, đến độ thì nảy lộc đâm chồi, dù chồi có mơn xanh hay cằn cọc. Cứ tháng Chạp đến, khi những đợt mưa phùn phủ xanh đám cỏ sau vườn, vài cây hoa dại bắt đầu trổ những đóa xinh xinh, ông lại tỉ mẩn nhổ cỏ, trồng rau, lại chăm chút đàn gà. Năm nào vườn nhà ông cũng trung thành với mấy dãy cúc vạn thọ, vài bụi lay ơn, mấy chậu thược dược. Cây mai trước sân chờ ông tuốt lá như đứa con chờ mẹ sắm áo mới đón xuân. Cây mai này ông trồng từ năm thằng Huy cất tiếng khóc chào đời, kể ra thì cũng kha khá tuổi rồi, thân cành tỏa ra sum xuê đẹp mắt. Nhiều người qua lại ngó nghiêng thèm thuồng, gạ ông bán lấy tiền dưỡng già. Ông chỉ cười. Đời con người ta không tiền kể cũng khó sống thật, nhưng cứ đâu nhất thiết phải tiền. Cây mai ấy, nó là mùa Xuân của ông, là nỗi mong ngóng thằng Huy mỗi khi mùa trở ấm sau mấy tháng Đông ròng rét mướt.
Từng chiếc lá rơi xuống như chính lòng ông bỏ bớt một nỗi nghi hoặc. Từng nhánh cây đâm chồi cho ông thêm niềm hy vọng về một ngày Xuân sum họp đủ đầy. Ông mân mê từng nhánh cây, nhẹ nhàng thả từng chiếc lá, lá lại về vòng đời cho đất mẹ thêm màu mỡ, cho cây thêm tươi tốt. Ông nghe lòng dâng lên nỗi niềm khó tả. Rồi cũng đến ngày ông về với đất mẹ, về với ông bà, liệu Huy có kịp về nắm lấy tay ông…
Ôi mà ông lẩn thẩn rồi sao, lo chi xa vậy không biết. Nghe hàng xóm mổ heo cúng tất niên, con cháu xúm tụm sau giếng chà lư đồng, rửa chén bát ly tách, hò nhau vần những bộ phản, bộ cửa ra xịt nước tứ tung, cười nói inh ỏi, lòng ông lại rộn ràng. Giá được một ngày vui vậy, ông có ra đi cũng mãn nguyện rồi.
***
Tiếng con Nô, rồi giọng ai đó cười nói. Ông ngó ra cửa, chợt lặng người. Là thằng Huy. Ôi là thằng Huy! Ông sững mất mấy giây, bối rối nhìn đứa bé đang nắm chặt tay Huy, ánh mắt tròn xoe nhìn ông. Ánh mắt này hình như ông đã gặp ở đâu rồi thì phải. Người phụ nữ của Huy không về cùng được, cũng đành.
Huy khều tay con bé:
- Chào nội đi con!
Như chỉ chờ có vậy, ông cúi xuống, hai tay dang rộng đón lấy đứa cháu nhỏ. Con bé sà vào lòng ông không chút ngại ngần. Ông thơm lên mái đầu hoe vàng rồi ôm rịt cháu vào lòng, như sợ phút giây này tan biến. Ông ôm cháu thế hồi lâu. Đáng lý ra, ông đã có thể ôm nó từ nhiều năm trước rồi mới phải, nếu không có dịch.
Ôi dịch dã đã gây bao tang thương, nhưng cũng từ trận dịch kinh hoàng đó, con người ta chịu sống chậm lại một chút, biết lưu giữ, biết trân quý những phút giây hiện tại bên người thân, bên gia đình.
Căn nhà nhỏ phút chốc rộn rã tiếng cười. Huy nói muốn cho con bé biết hương vị Tết quê, mai mốt vô lại Sài Gòn còn có cái để nhớ, để kể với bạn. Huy lên chợ mua la liệt đồ, rồi về tót lên cây dừa, đạp được mấy trái, lăn xả băm chặt. Ông nhìn con loay hoay xắt dừa, sên đường, đổ ra chiếc tràng điệu nghệ như mẹ nó thời xưa. Thì ra, có những cử chỉ tự thành hình trong cốt nhục.
Ông ra sau vườn cắt mớ lá chuối, Huy dặn ông gói hết nếp ăn cho bõ cái Tết đoàn viên. Nhìn con vật lộn với mớ gạo nếp, đậu xanh, lá chuối, dây lạt, ông tưởng như con đang gói cả nỗi niềm mười mấy năm vò võ của mình vào từng lớp lá tươi xanh. Này là lớp thương, này là lớp nhớ, này là lớp hiếu, này là lớp tình, lớp nghĩa nặng dày được rịt bằng những sợi giang chuốt mỏng. Thiệt ra gói bánh tét không khó, cái khó là mình có chịu lưu giữ nét quê muôn đời không thôi.
Ông hái mấy trái khổ qua, khoét ruột, nhét thịt xay với ít nấm mèo vào, bắt lên bếp hầm. Tối ấy, lần đầu tiên trong đời, ba cha con ông cháu trải chiếc chiếu ngay hiên, sát cái bếp đang rừng rực lửa, quây quần bên mâm cơm cuối năm, với dưa hành củ kiệu, cả tô canh khổ qua thơm ngát mùi ngò gai.
Ngoài kia, vài hạt mưa Xuân đang nhẹ bay, hơi lạnh khiến ba con người ngồi sát vào nhau. Bên chiếc bếp dã chiến, ngọn lửa nhảy những vũ điệu thần tiên mà chỉ lửa mới hiểu, chỉ lòng ông mới thấu. Huy đưa tay châm nước vào nồi bánh tét, nghiêng đầu lắng nghe tiếng pháo hoa đì đoàng đâu đó. Con bé thích thú hò hét, cái dáng bé con nhún nhảy theo điệu nhạc trong ánh sáng đủ màu sắc bung tỏa lên nền trời đêm khiến ông nghiêng người lắc lư theo cháu. Tiếng chúc Tết đêm giao thừa vang lên từ chiếc loa ngay bên hông nhà, tiếng nhạc xuân rộn ràng khắp xóm. Ông Hai nheo mắt cười, nghe lòng mình ngân lên từng khúc nhạc Xuân ấm áp.
Truyện ngắn của HỒ LOAN