Lòng nghĩa hiệp hợp lý
Là một tài xế xe ôm công nghệ, tôi thường xuyên di chuyển và chứng kiến nhiều vụ xô xát trên đường. Có lần tôi bắt gặp hai người đàn ông đi xe máy chặn đầu và dùng viên đá nhặt dưới đường đập rạn cửa kính chiếc ô tô do một thanh niên cầm lái vì mâu thuẫn khi tham gia giao thông.
Nhận thấy sự việc có thể dẫn tới hậu quả nặng nề hơn, tôi quyết định tìm cách can thiệp. Tự hiểu bản thân không biết võ thuật, tầm vóc và sức khỏe bình thường, tôi chọn cách rút điện thoại ra quay lại những hình ảnh trước mắt, vừa hô hoán kêu gọi dừng tay vừa giữ khoảng cách để bảo vệ an toàn cho mình. Một số người đi đường cũng dừng lại làm điều tương tự. Hai người đàn ông thấy đám đông vây quanh phản đối gay gắt cùng nhiều ống kính điện thoại chĩa vào mình đành dừng tay, rút lui. Sau đó, tôi cùng mấy người đem đoạn video đến trình báo công an, nhờ vậy hai người này đã bị truy bắt, xử lý.
Lần khác, giữa lúc dừng xe chờ khách trong hẻm, tôi bắt gặp một đứa trẻ vừa vùng chạy ra khỏi nhà vừa cự cãi, phía sau người mẹ giận dữ lao theo. Khi túm được, người mẹ đánh tới tấp vào lưng, mông của con vừa mắng bé hư hỏng dám lấy trộm tiền để tiêu xài. Giữa lúc người mẹ đang trút giận, một phụ nữ hàng xóm đứng gần đó từ từ tiến lại. Thấy vậy, người nhẹ tay rồi dừng hẳn, giọng mắng mỏ cũng dịu đi. Chị hàng xóm mỉm cười, nói như thủ thỉ: “Thôi chị cứ từ từ bảo ban cháu”. Câu nói nhẹ mà có tác dụng tức thì, người mẹ không nặng lời nữa, bước vào trong nhà, đứa trẻ hiểu mẹ đã bỏ qua cũng lặng lẽ theo sau. Lúc đó tôi thắc mắc sao người phụ nữ hàng xóm không chạy đến nhanh hơn, giữ lấy tay người mẹ để ngăn việc đánh con lập tức.
Ít lâu sau, tôi lại chứng kiến bốn người ngồi trên hai xe máy to tiếng cự cãi sau va chạm giao thông. Giữa lúc hai bên cầm mũ bảo hiểm và hung khí mang theo chực xáp vào đánh nhau thì một người đàn ông xuất hiện. Người này rút tấm thẻ ra rồi nói: “Tôi thuộc tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, nếu mọi người không dừng tay, tôi sẽ làm chứng vào báo công an”. Nói rồi, anh dứt khoát bước vào giữa, tách hai bên ra, vãn hồi trật tự. Anh chia sẻ với những người vây quanh: “Nếu xô xát xảy ra, tôi sẽ báo về tổ bảo vệ an ninh trật tự gần đây để cử thêm người mặc áo giáp, khiên xuống hỗ trợ, trước khi công an làm nhiệm vụ”.
Tôi hiểu rằng trong ba tình huống trên, mỗi người đã chọn cho mình một cách can thiệp vào va chạm nơi công cộng. Hành động của tôi là hợp lý trong hoàn cảnh của mình. Hành động của người phụ nữ hàng xóm cũng hợp lý vì nếu chị can thiệp gay gắt hơn thì rất có thể xảy ra mâu thuẫn, phản tác dụng. Còn người đàn ông thuộc tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở làm được thế vì anh chuyên trách việc này, lại có đủ kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết và sự hỗ trợ nếu cần.
Những chuyện tôi chứng kiến rất dễ gặp trong cuộc sống hối hả hiện nay. Một loạt vụ hành hung, đánh ghen giữa đường, nơi công cộng thời gian qua đặt ra dấu hỏi về cách hành xử hợp lý khi thấy “chuyện bất bình”. Chứng kiến những vụ việc này, chúng ta không thể đứng nhìn rồi bỏ đi vô cảm, thậm chí cổ súy cho hành vi manh động dẫn tới bị truy cứu trách nhiệm. Để góp phần ngăn chặn những va chạm dẫn tới hậu quả đau lòng, hãy chọn cách can thiệp phù hợp với từng tình huống cụ thể, điều kiện của bản thân để vừa đạt được hiệu quả như mong muốn, vừa không bị cuốn vào vụ việc, thậm chí bị hành hung, trở thành người gây án vì đánh trả.
PHẠM CƯỜNG