Gói kẹo Tết của mẹ
Giữa tháng Chạp, trời lất phất mưa. Lạ thật! Miền Nam bây giờ tiết trời cũng nắng mưa đỏng đảnh giống như lây khí hậu miền Bắc vậy, nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường. Thỉnh thoảng vài lọn heo may tinh nghịch len lỏi như muốn cố gắng luồn qua vai áo.
Tôi hất nhẹ mái tóc buông xõa thả bước thỏa thích ngắm nhìn những cô gái xinh tươi mơn mởn đang nô nức dạo phố, những cành đào, mai đang bung nụ, những chậu cúc, chậu hồng được bày bán với đủ màu sắc, đèn lồng xanh đỏ lung linh. Cố mở căng lồng ngực tận hưởng cái mát lạnh của những hạt mưa nhỏ li ti, mát lạnh đậu trên cánh tay trần. Cơn mưa phùn hiếm hoi khiến bao người xa quê như tôi có chút hiếu kỳ kèm theo cảm xúc nôn nao nhớ... và bóng dáng mẹ năm nào trên con đường nhỏ, cũng vào một ngày xuân mưa phùn như một cuốn phim quay chậm lặng lẽ ùa về...
Năm ấy tôi đang là học sinh trung học. Buổi học hôm ấy cũng là buổi học cuối cùng của năm, sau buổi học chúng tôi sẽ có hơn một tuần được nghỉ học đón Tết Nguyên đán. Giờ ra chơi, trời mưa phùn lại khá lạnh nên chẳng đứa nào ra ngoài. Tôi tha thẩn xỏ tay túi áo bước ra ngoài hành lang thích thú ngắm nhìn những tàng cây tầm xuân được mưa tắm ướt, mướt mát xanh, đua nhau vươn cao, từ nhánh cây lú nhú những chùm nụ non xanh lét.
Lơ đãng nhìn ra con đường đất quanh co dẫn từ đầu làng qua trường học. Bất chợt một dáng dấp quen thuộc hiện lên trong tầm mắt. Mẹ tôi đang cúi đầu nhìn chăm chú, thận trọng bước từng bước trên mặt đường mưa trơn trượt, trên vai mẹ là chiếc đòn gánh oằn cong bởi sức nặng từ đôi quang gánh. “Gánh hàng của mẹ ngày chợ phiên đây mà”.
Sáng cuối Đông, từng lọn gió bấc kèm theo mưa phùn cứ từng đợt, từng đợt thổi như muốn bứt tung lớp áo mưa mỏng tang mẹ mặc. Nhìn dáng mẹ trong mưa, trái tim cô bé mười sáu tuổi của tôi chưa một lần biết thế nào là đau đã nhói lên, quặn thắt. Vội vàng lấy cái nón lá của bạn tôi men theo lớp cỏ hai bên vệ đường chạy về phía mẹ. Vừa chạy vừa rối rít gọi.
Mẹ dừng lại một chút rồi đi lại gần vệ đường đặt đôi quang gánh xuống nơi có vạt cỏ sạch sẽ nhất. Tôi cũng vừa lúp xúp chạy tới, vừa cố gắng nghiêng mình che bớt từng hạt mưa phùn theo gió táp vào môi má, vừa nghiêng nghiêng cái đầu trẻ con híp mắt nhìn mẹ. Mẹ vội vàng kéo tôi lại gần, đưa đôi tay lạnh ngắt, ướt át, cứng đờ kéo gọn, che kín hơn cái cổ áo bông to sù của tôi, đôi chân mày hơi cau lại một thoáng không hài lòng. Có lẽ mẹ sợ tôi lại bệnh.
Mẹ nhìn tôi dịu dàng, ánh mắt bao dung lộ rõ vẻ cưng nựng. Rồi mẹ vén lớp áo mưa che bên trên quang gánh, đưa tay vào lấy ra một củ khoai còn ấm dúi vào tay tôi. Tôi nhìn mẹ như muốn hỏi xem mẹ ăn chưa nhưng lại không nói được thành lời. Từ 4h sáng mẹ đã quẩy gánh vào chợ, vừa bán hàng vừa mua hàng thì thời gian đâu mẹ ăn. Lén nhìn đôi quang gánh của mẹ, hàng hóa còn quá nửa, tôi thầm nghĩ: “Vậy là buổi chợ này mẹ không bán hết hàng rồi!”… Vài món đồ dành cho Tết vừa mua được xếp khiêm nhường một góc nhỏ. Chẳng trách đôi gánh của mẹ lại nặng trĩu như thế. Cảm giác xót mẹ dâng lên, ở tuổi này tôi đủ lớn để hiểu gánh nặng lo toan cho một gia đình nó áp lực và vất vả đến thế nào. Tôi dùng dằng phụng phịu muốn ôm chầm lấy mẹ, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại chỉ đứng im đấy, đôi tay mân mê củ khoai, mặt cúi gằm nhìn mãi vào đôi chân đang tím đi vì lạnh của mẹ.
Bỗng cái tiếng trong veo của con bạn tên Hồng vang lên: “Mợ ơi, con chào mợ! Mợ đi chợ về có quà cho chúng con không?”. Nhìn về phía lớp bọn cái Hồng, cái Thảo... tổng cộng gần chục đứa đã đứng đó từ lúc nào.
Mẹ mỉm cười nhìn về phía các bạn, rồi mở thúng lấy ra một gói kẹo mè, loại có tem đỏ hẳn hoi. Mẹ bóc gói kẹo, lấy ra vài cái, lật lớp áo len bên ngoài, cẩn thận để mấy cái vào túi áo cánh bên trong phần cho ba thằng em ở nhà. Số còn lại mẹ dúi vào tay tôi, dặn chia đều cho các bạn, khẽ đẩy vào lưng ra hiệu bảo tôi vào lớp rồi quẩy gánh lên vai. Tôi khư khư ôm gói kẹo nhìn theo mẹ. Chắc chắn mẹ chưa được về đâu, hàng hóa còn nhiều thế cơ mà, mẹ sẽ lại quày đôi gánh nặng trĩu ấy đi rao khắp các ngõ ngách để Tết này chúng tôi được quây quần bên nồi bánh chưng và được mặc trên mình chiếc áo hoa mới.
Chúng tôi chia kẹo cho nhau, híp mắt hít hà, nhấm nháp và tận hưởng cái ngọt của mạch nha, cái thơm của mè, cái bùi bùi của bột nếp và sự ấm áp, dịu mềm tình mẹ. Bỗng dưng cái Hồng thủ thỉ: “Chắc kẹo này mợ mua để cúng Tết rồi”. Không ai bảo ai tất cả chúng tôi cùng lặng lẽ ăn, vừa cùng đưa mắt nhìn hút theo bóng mẹ tôi ngày càng nhỏ hơn, mờ đi trong màn mưa trên con đường trơn năm ấy.
Mới đấy đã mấy chục năm. Những đứa trẻ năm nào giờ cũng đã làm cha làm mẹ, mỗi đứa mỗi nơi. Mỗi khi có dịp gặp nhau lại tụ tập hát hò, vui chơi, trêu đùa nhau chẳng khác gì thời con nít. La hét chán, cười đùa chán cuối cùng câu chuyện lại chìm vào những hoài niệm ngày cũ. Đôi lần vẫn có đứa nhắc tới gói kẹo Tết của mẹ năm ấy. Mỗi lúc được nghe lại tôi rất vui, lòng thầm cảm ơn mẹ đã cho chúng tôi một kỷ niệm rất đỗi bình dị nhưng rất đỗi thân thương. Tôi nghiệm ra mỗi con người dù điều kiện sống ra sao, chỉ cần trong tận sâu tâm hồn có một nơi bình an để nương náu thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua, đều sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc.
TRẦN BÍCH HƯỜNG