Thấm thoắt một năm trôi qua, Xuân về Tết đến. Nhà nhà tất bật lo toan vì gần như không còn dư dả thời gian.
Ngoại hướng dẫn cháu đánh bóng lư đồng đón Tết. |
Dạo ấy, trẻ nhỏ nào mà không mong được mặc bộ đồ mới mẹ mua để diện cùng bạn bè và rủ nhau xúng xa xúng xính, dạo quanh khắp làng khắp xóm, đùa vui trong ba ngày Tết.
Có lẽ, với bao hình ảnh đầy thân thương thuở xưa vẫn còn hằn sâu trong ký ức của tụi mình đến khó mà quên cho được. Và hầu như, vào giáp Tết mọi công việc đều được ngoại cho phụ một tay. Vui lắm! Vì mấy anh chị em nhà mình cứ quanh quẩn trong ngoài, quét tước, sơn phết, lau rửa, dọn dẹp nhà cửa. Qua đó, xúm nhau bưng kê, xếp đặt bàn ghế tủ phên, trang hoàng mọi thứ trong nhà cho tinh tươm, sạch đẹp.
Khoái nhứt là được phụ chà cặp chân đèn bằng đồng cho thật bóng, để thắp sáng trưng trên đôi đèn cầy, đặt giữa gian nhà, với đủ đầy hương hoa. Với bình bông vạn thọ được đươm đầy, luôn lan tỏa mùi thơm ngan ngát, phảng phất đó đây. Đó cũng là dịp chưng chế các lễ vật thôn dã trên bàn thờ tổ tiên cho thêm phần trang trọng, theo phong tục ngày Tết.
Với lư hương bằng đồng, tuy nhỏ nhắn xinh xinh nhưng qua từng đường nét, hoa văn sao mà khéo léo, tinh xảo vô cùng. Lần lượt, từng bộ phận được tháo ra, sắp xếp riêng từng chỗ để sau khi dồi thật bóng sẽ dễ dàng lấp ráp trở lại cho gọn gàng, đồng bộ.
Ban đầu, từng món trên được đem ra phơi dưới ánh sáng ban trưa của những ngày giáp Tết, đầy gắt nắng cho khô ráo mọi thứ, rồi mới dùng khăn lông lau qua một lượt cho sạch bụi. Kế đến, là di chuyển chiếc đỉnh lư hương trên bàn thờ, rồi thận trọng bưng xuống nhẹ nhàng đặt trên bộ ván đã trải sẵn chiếc chiếu, đan bằng cọng cỏ lát in bông, trông thật ngộ nghĩnh, phẳng phiu và lịch sự.
Sau chót là công đoạn đánh bóng. Đương nhiên khâu này cực nhọc nhất và quan trọng hơn hết vì thể hiện thành quả cả ngày tỉ mẩn chà lư. Do vậy, ngày xưa, lúc chưa dùng đến máy móc hay hóa chất để tẩy trắng ten đồng như bây giờ, thì để việc đánh bóng lư đồng đạt độ sáng bóng như ý hay không, còn tùy thuộc bao nguyên vật liệu sẵn có. Nào là dùng tro bếp, cát nhuyễn, giấm nuôi, nước chanh, khế chua hay dùng cả lá gai… Tất thảy, đều không thể thiếu.
Trong số đó, lá cây gai được dùng nhiều hơn cả. Đây là một loai gai có đặc điểm là ở bên trong bẹ lá được đan kết tự nhiên bằng nhiều sợi tơ “nhuyễn bân”. Lá gai to hơn lá thơm (khóm) rất nhiều. Một nét độc đáo nữa là ở đầu mỗi chót lá luôn mang một chiếc gai nhọn hoắt, đen tuyền, cứng chắc nữa chớ. Cho nên, trước khi dùng đến phải cắt bỏ gai đi, giúp tiện lợi trong việc cầm nắm, chà lư được an toàn.
Hồi xửa hồi xưa, loại cây này cùng với cây xương rồng thường mọc hoang dại ngoài trảng hay trải dài theo động cát ở miền biển quê nhà, nhiều vô kể. Nay đã thưa dần.
Từ tảng sáng đến xế chiều cần mẫn, cực nhọc để chà qua, xát lại, kỳ kọ trên từng họa tiết cho hết lớp ten.Vì chúng đã bám từ lâu, làm ố bẩn trên khắp mặt chân đèn. Hẳn nhiên, trong chốc lát bụi bẩn, tì vết ten đồng, dẫu có hoen gỉ, đậm đặc tới đâu cũng trở nên nhẵn nhụi, sạch trơn.
Độ bóng loáng của lư đồng được hiện rõ mồn một, làm sáng chói, soi rọi được mọi vật chung quanh, dưới ánh đèn càng làm chúng thêm kỳ ảo.
Tuy có phần nào vất vả, lắm kỳ công như vậy nhưng ai nấy đều cảm thấy rất vui mừng, mãn nguyện vì đã góp phần trang trọng, tô điểm thêm cho đậm nét tình xuân trên bàn thờ tổ tiên thì phải:
- Như mong ước được thắp sáng lên niềm vui rạng rỡ, chứa chan hạnh phúc đến với từng nhà.
- Như muốn bày tỏ thêm sự thuần khiết, từ hương thơm đang lan tỏa trong bình lư nhang đang đứng vững, trang trọng trên bàn thờ cúng.
- Như cầu mong luôn được khỏe mạnh, làm ăn thành đạt, ấm yên mãi mãi trong gia đình.
- Như dâng lên tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên ngày trước.
Vui Xuân, đón Tết thường là như vậy!
Ngày nay, việc dùng đôi tay đơn thuần để chà lư đánh bóng lư đồng vào giáp Tết, chắc không còn nhiều như thuở xưa nữa do có máy móc hỗ trợ đánh bóng lư đồng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp hơn nhiều. Nhưng dù gì đi nữa, tôi luôn cảm nhận được nhiều niềm vui cao quý và thiêng liêng. Mỗi khi được chà lư vào dịp Tết, được nhìn ngắm cặp lư đồng óng ánh, sáng bóng dưới chụp đèn cọc thắp bằng dầu hôi, hay dưới ngọn đèn “măng xông” xưa cũ, cho đến ánh đèn điện hay bóng đèn điện tử rất tiện ích như bây giờ…
Tất cả cũng đều tô điểm cho cặp lư thêm nổi bật hẳn ở hai bên của chiếc đỉnh đồng, đang nghi ngút tỏa khói hương thơm ngát.
Do vậy, với cặp chân đèn và lư hương dù được đúc bằng đồng hay bằng gỗ đều được tiện, đúc, chạm trổ điêu khắc công phu và khắc họa lên bởi những đường nét tinh xảo, luôn hiện hữu trên bàn thờ gia tiên.
Vật phẩm gần gũi ấy, tuy có sự khác nhau về mẫu mã, to nhỏ khác nhau; với những đường nét tinh tế, hoa văn khéo léo hay đơn sơ thế nào đi chăng nữa nhưng có lẽ, cốt cách của cặp chân đèn, lư đồng vẫn luôn hàm chứa giá trị truyền thống về văn hóa thờ cúng dân gian, đã truyền tục từ xa xưa. Và còn mãi cho đến ngày nay, vẫn tiếp tục gìn giữ, lưu truyền, tỏa sáng trong không gian ngày Tết.
Càng trân quý và biết ơn sâu nặng đối với bao công lao của bao thế hệ trên trước một cách đậm tình. Thật vậy, các bạn cũng như tụi mình không thể quên được về hình ảnh ông bà vui vầy cùng con cháu ở xa nay trở về sum họp quay quần vào dịp Tết. Luôn kề cận bên nhau trên tấm đệm đan bằng cọng cỏ bàng trơn láng, trải trước hiên nhà để ngồi chuyện trò vui vẻ với nhau. Rồi cùng xắn tay nhau đánh bóng lư đồng vào dịp Tết, mà đến nay, bao kỷ niệm trân quý ấy vẫn ươm đầy niềm vui trong ký ức tuổi thơ:
Người xưa cảnh cũ/Chà lư đánh bóng/Nét đẹp hồn quê/Vui Xuân mừng Tết.
Ngày nay, mặc cho mưu sinh ở tận nơi đâu, dẫu cách biệt, xa xôi làng quê đi chăng nữa, chí ít cũng phải một lần về thăm lại chốn cũ quê xưa vào mỗi độ Xuân về, Tết nhất dần sang. Để rồi, mỗi khi được chứng dự cảnh đánh bóng chà lư vào dịp Tết, chắc hẳn từ trong tâm thức và đến tận sâu thẳm của con tim mình, ai nấy cũng sẽ ít nhiều không thể nào quên và luôn tưởng nhớ đến công ơn sâu nặng của tổ tiên ông bà ngày trước.
Như thầm nhắn nhủ cùng nhau luôn tôn kính, luôn giữ gìn bảo tồn, phát huy bao nét đẹp hồn quê, gợi nhớ về cảnh quê dạo Tết. Như luôn ươm đầy bao cốt cách văn hóa dân gian độc đáo của ngày Tết Việt đã có từ xưa đến nay, mà quý bạn cũng như chúng tôi, đều hết lòng trân quý, nhất là vào mỗi bận: Xuân sang Tết đến.
HẢI NGUYÊN