Cấp bách trùng tu, phục hồi di tích khảo cổ

Thứ Sáu, 03/01/2025, 16:24 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều di sản khảo cổ học có quy mô lớn của tỉnh đã và đang được được phát hiện, khai quật và nghiên cứu, cần được bảo tồn và phát huy giá trị.

Các di vật khai quật được tại di chỉ khảo cổ học Kim Long, Cù Bị và Quảng Thành (huyện Châu Đức).
Các di vật khai quật được tại di chỉ khảo cổ học Kim Long, Cù Bị và Quảng Thành (huyện Châu Đức).

Vướng mắc trong việc trùng tu

Năm 2024, Bảo tàng tỉnh phối hợp Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ hoàn thành công tác khai quật khảo cổ tại 3 xã: Kim Long, Cù Bị, Quảng Thành (huyện Châu Đức).

Trong đó, tại di tích xã Kim Long, hiện trường hố khai quật có khoảng 30 mộ táng, trong các mộ táng có đồ tùy táng gồm: Đồ gốm chiếm đa số với khoảng 60 đến 70 hiện vật gốm nhưng bị vỡ nhiều, trong đó khoảng 50% có khả năng phục chế. Đồ kim loại có một số công cụ sắt, gươm, giáo, kiếm, thuổng, búa… Đồ trang sức bằng đá, hạt chuỗi thủy tinh, mã não, hồng ngọc, trong đó có 1 vòng tay đá rất có giá trị là vòng tay đá ngọc...

TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết, những hiện vật tìm thấy phản ánh quan hệ giao lưu văn hóa, mua bán trao đổi sản phẩm hàng hải thời tiền sử. Những tín hiệu đó cho thấy, khu vực biển ở Vịnh Gành Rái của Bà Rịa-Vũng Tàu và bên kia là khu vực Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh rất phát triển ở giai đoạn 500 năm trước Công nguyên. Tại đây, người dân đã giao lưu văn hóa với nước ngoài, chứng tích quá trình thương mại này đi sâu vào nội địa cho đến tận huyện Châu Đức... góp phần hiểu biết đầy đủ hơn về lịch sử vùng đất này.

Trước đó, năm 2023, Bảo tàng tỉnh tỉnh phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ khai quật di chỉ Vòng thành Đá Trắng tại huyện Xuyên Mộc. Các nhà khảo cổ học tìm thấy hàng ngàn cổ vật thời tiền sử đến Chân Lạp, Chăm Pa tại thành cổ duy nhất hiện hữu ở vùng Nam Bộ.

Tuy nhiên, việc cấp bách là làm hồ sơ xếp di chỉ Vòng thành Đá Trắng là di tích cấp tỉnh và hướng tới nâng cấp di tích cấp quốc gia để có cơ sở tu bổ, trùng tu, phục hồi di tích đang gặp trở ngại lớn, chưa hoàn thành trong năm 2024. Nguyên nhân do đất của di tích đang thuộc quyền sở hữu của người dân, doanh nghiệp nên khó khăn trong công tác thu hồi đất để phục vụ việc khoanh vùng bảo vệ di tích.

Ông Trần Anh Thiện, Giám đốc Bảo tàng cho hay, Bảo tàng tỉnh đã có văn bản gửi Sở VH-TT đề nghị điều chuyển thời gian hoàn thành nhiệm vụ xây dựng hồ sơ khoa học di chỉ khảo cổ Vòng thành Đá Trắng sang năm 2025. Bên cạnh đó, Sở VH-TT đã có văn bản xin ý kiến gửi Cục Di sản văn hóa về phạm vi, quy mô khoanh vùng bảo vệ di tích, làm cơ sở để báo cáo, tham mưu đề xuất UBND tỉnh có giải pháp giải quyết vướng mắc kể trên.

Trưng bày, quảng bá hiện vật

Các cuộc khai quật khảo cổ đã cung cấp hàng ngàn hiện vật để lưu giữ, trưng bày, góp phần quảng bá di sản văn hóa của Bà Rịa-Vũng Tàu đến công chúng tham quan, học tập và nghiên cứu.

Đặc sắc nhất trong số 2.308 hiện vật được tìm thấy tại Giồng Lớn Long Sơn ở đợt khảo cổ vào các năm 2003 và 2005 là 3 chiếc mặt nạ bằng vàng tại 3 ngôi mộ khác nhau. 3 mặt nạ vàng có niên đại cách ngày nay khoảng hơn 2.000 năm, là giai đoạn chuyển tiếp từ tiền Óc Eo lên Văn hóa Óc Eo. Các hiện vật này có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, phản ánh những yếu tố về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo xuất hiện tại khu vực ven biển Đông Nam Bộ. Năm 2021, ba mặt nạ vàng này được công nhận là Bảo vật quốc gia và được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh phục vụ người dân và du khách tham quan, chiêm ngưỡng.

TS. Nguyễn Đình Thống, Phó Chủ tịch Hội Khoa học - lịch sử tỉnh cho rằng, kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ phát hiện thêm nhiều hiện vật giá trị, với nhiều phát hiện quan trọng, cho chúng ta những nhận thức mới trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều quan trong trọng là chú trọng ưu tiên những địa điểm khai quật khảo cổ phù hợp, cũng như trưng bày, quảng bá hiện vật sau khai quật khảo cổ sao cho đem lại hiệu quả cao.

Tại buổi họp nghiệm thu kết quả khai quật 3 di chỉ khảo cổ học Kim Long, Cù Bị, Quảng Thành (huyện Châu Đức) do Bảo tàng tỉnh tổ chức vào ngày 10/12/2024, TS. Cao Thu Nga, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử-Văn hóa, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh kiến nghị, tỉnh cần hệ thống lại di tích tiền sử để quy hoạch thành hệ thống di tích khảo cổ, tiến hành khảo sát và khai quật diện rộng để phát hiện thêm nhiều địa điểm khảo cổ học tiền sử ở Bà Rịa-Vũng Tàu...

Cùng với đó, số hóa di tích, hiện vật và đưa vào hệ thống trưng bày ở bảo tàng để thế hệ trẻ được tiếp cận và học lịch sử ở vùng đất này thời tiền sử, biết được nguồn gốc của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Trần Anh Thiện, năm 2025, Bảo tàng tỉnh tiếp tục công tác khai quật khảo cổ học tại di tích Gò Đất Nại, Gò Nần, huyện Long Đất và tập trung xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Vòng thành Đá Trắng để được công nhận di tích tạo cơ sở bảo tồn, phát triển di tích.

Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH

;
.