Khi nhắc đến nhà tù, người ta thường nghĩ đến những trại giam giữ mà ở đó tù nhân bị giam cầm, mất tự do. Nhưng “nhà tù Văn Ngọc” lại là một không gian tự do độc đáo với nghệ thuật sắp đặt, với kiến trúc mộc mạc nhưng ngập tràn những tác phẩm nghệ thuật.
Họa sĩ Văn Ngọc kể chuyện việc xây dựng “nhà tù Văn Ngọc”. |
Bước qua cánh cửa “nhà tù Văn Ngọc” là một kho tàng hơn 4.000 tác phẩm. Trong khuôn viên 300m2, ngôi nhà của Văn Ngọc không chỉ là nơi để sống, sinh hoạt mà còn giống như một không gian nghệ thuật sống động mà ngồi ở bất cứ góc nào người ta cũng có thể cảm nhận được.
Họa sĩ Văn Ngọc nhớ lại: “Năm 1995 khi xây nhà tôi chỉ nghĩ xây một ngôi nhà nhỏ nhắn với công năng để ở. Qua thời gian, những tác phẩm của tôi càng nhiều, tôi không biết cất đi đâu nên muốn sắp xếp lại trong ngôi nhà của mình. Nhưng là nghệ sĩ thì sắp xếp cũng phải nghệ thuật, để làm sao nhà vừa để ở, nhưng vừa để làm việc, cất giữ và nhìn ngắm những tác phẩm. Nhà tù Văn Ngọc ra đời với ý niệm riêng của tôi như thế”.
Không gian ngoài sân của “nhà tù Văn Ngọc” với lối sắp đặt độc đáo. |
Từ đó, ngoài không gian sinh sống, hầu như cả 3 tầng lầu của ngôi nhà đều được họa sĩ Văn Ngọc dùng để sắp đặt các tác phẩm nghệ thuật. Mỗi tầng được sắp xếp theo một cách khác nhau, gây bất ngờ và tạo ấn tượng mạnh trong những khoảng không gian tưởng chừng như rối rắm thị giác.
Nhưng ở trong “nhà tù” ấy, người ta lại không có cảm giác gò bó hay chật hẹp mà ngược lại đó là hiện hữu của sự sống, sự tái sinh và sự xoay vần. Bởi “nhà tù Văn Ngọc” mang đến hoài niệm với khu tưởng niệm những đồng đội đã mất trong chiến tranh; khu tưởng niệm “cha tôi”; khu sắp đặt đèn lồng...
Xen lẫn những hình khối đó là những câu chuyện như “Ông lão đánh cá và con cá vàng” được làm nên từ bộ máng cũ; bộ đèn lồng độc đáo lấy ý tưởng từ bộ phim “Đèn lồng đỏ treo cao cao” hay bộ tứ bình với xuân, hạ, thu, đông… Lẩn khuất đâu đó là bộ chữ cái, bộ quân cờ, một cuốn sách mở ra hay những hình khối vũ trụ. Những hành lang với lối đi chật hẹp, ánh sáng nhập nhòa; những tấm ván, khối gỗ xù xì, lồi lõm; những khối điêu khắc sừng sững... khiến người xem cảm giác như bị lạc vào một không gian bí ẩn, thực hư lẫn lộn.
“Nhà tù Văn Ngọc” (127/20/22 Phạm Hồng Thái, TP. Vũng Tàu) chỉ mở cửa phục vụ khách tham quan vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần từ 8h đến 11h30 và từ 14h đến 16h. Mỗi lần tham quan không quá 5 người. Giá vé vào cổng 100 ngàn đồng/người. Để tham quan, du khách cần gọi điện trước theo số 0933486246. |
Văn Ngọc cho biết, nghệ thuật sắp đặt phụ thuộc vào kiến trúc ở cấu trúc và hình dạng. Không giống như tác phẩm điêu khắc và hội họa có thể di chuyển đến bất cứ đâu, việc sắp đặt thường hoạt động với các không gian đặc thù. Một trong những đặc trưng của tác phẩm sắp đặt là chúng có tính tương tác cao với người xem. Sự tương tác mạnh mẽ này đòi hỏi người nghệ sĩ phải đảm nhận trách nhiệm kiến trúc: từ thiết kế tác phẩm, xây dựng, lắp đặt, tiến hành đo đạc không gian trưng bày, lên kế hoạch hậu cần để đưa vật liệu sắp đặt vào không gian và thi công. Nghệ thuật sắp đặt vượt ra ngoài bức tường trắng để hoạt động trong không gian ba chiều, bốn chiều.
Sự độc đáo của “nhà tù Văn Ngọc” đã khiến nhiều người tò mò muốn đến xem, chụp ảnh và thưởng lãm. Từ căn nhà bình thường, nhà tù Văn Ngọc mở cửa đón khách vào những khung giờ nhất định và trở thành điểm đến được nhiều khách du lịch ưa thích khi đến Vũng Tàu.
Bài, ảnh: QUANG VŨ