Con chim yến xấu số

Thứ Sáu, 27/12/2024, 17:23 [GMT+7]
In bài này
.

Tiết Đông Chí, miền Bắc rét hại. Trên sườn núi Sapa dưới 10 độ C. Đỉnh núi Fansipan tuyết phủ trắng xóa. Thấm thía với rét hại phía Bắc mới càng cảm nhận hạnh phúc được trời đất ban tặng vùng biển phương Nam ấm áp quanh năm, du lịch bốn mùa. Hà Nội mưa phùn gió bấc thì biển phương Nam dịu mát. Chiều tây những giọt nắng vàng rung rinh theo gió neo đậu trên các thảm cây dọc đại lộ biển.

Minh họa của MINH SƠN
Minh họa của MINH SƠN

Vợ chồng ông giáo Sử nghỉ hưu, mỗi tháng lĩnh vài chục triệu rời xứ Thanh chọn xứ biển hạ cánh tuổi già. Con cháu trưởng thành, chăm ngoan… theo cách mà ông giáo Sử nói đủ bản lĩnh tự lực tự cường. Con cháu ở riêng cách nhà ông bà dăm bảy trăm mét, sớm tối khuya khoắt có chuyện gì, chỉ cần ới nhẹ là chúng có mặt. Ông làm nghề giáo dạy môn lịch sử, bạn bè gọi luôn giáo Sử, thông thạo đông tây kim cổ. Bà giáo dạy địa lý, am tường địa chí học. Cặp đôi Sử và Địa nhân hậu, phúc đức ở chung nhà thì khỏi chê, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý.

Vài ba năm trước, nơi quê mới, bà giáo đích thân đưa ông giáo Sử gia nhập nhóm hội cà phê sáng “MLKH” ngay tại nhà hàng xứ Nghệ này - Xứ Thanh học sư phạm thành Vinh mê món ăn Nghệ. Người ta nói cháo lươn Nghệ không nằm trên đầu lưỡi mà lưu giữ ở trái tim mỗi người Nghệ. Quán MLKH có bà chủ vui tính xa quê Nghệ vào Nam đã vài chục năm, có nhóm khách thân đến thưởng thức món lươn, bà chủ cứ tỉnh queo: “Ông anh thích xào khô hay xào nước?”; “Xin thưa, bữa trước đã xào khô, hôm nay cho anh xào nước!”. Như có ẩn ý trêu đùa, cả chủ và khách tủm tỉm cười. Đời là vậy, nụ cười hơn thang thuốc bổ (!). Lươn thuộc nhóm hàn tính, bổ khí huyết, mạnh gân cốt, tốt cho sức khỏe tuổi già.

Ông giáo Sử nhập hội MLKH, thứ ba hằng tuần tụ hội đông đủ chuyện xa chuyện gần nở như bắp rang. Cuộc sống thường ngày của ông bà giáo Sử không là đại gia, nhờ chất nho nhã, lịch sự, tâm phúc nên nhiều bạn quý. Đêm nằm, bà giáo thúc thắc cù cho ông giáo cười: “Nhất nhà ta, tiền bạc không rủng riểng, có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, hạnh phúc đong đầy, vậy là em vui!”.

Chuyện nhà chuyện hội của ông bà giáo Sử không có gì để bàn thêm nếu không gặp sự cố, nói vui là… đại âm nhạc của tay chơi láng giềng. Chủ nhân đại âm nhạc tên Tèo - Đinh Ngọc Tèo. Nảy nói Tèo quen ông nhạc sỹ nhà quê, tí toáy học âm nhạc. Bà Hỡm hàng xóm nảy nọc yêu hắn, đẻ cho hắn đủ trai đủ gái, hắn cho cậu út đi học âm nhạc. Khốn nỗi, đối với cậu chủ nhạc chỉ là đàn gảy tai trâu. Cha con hắn vào hùa mở nhạc thật to, cả khu phố đinh tai nhức óc.

Đinh Ngọc Tèo cũng là vô tình dọn về ở cạnh nhà ông bà giáo Sử mới vài ba năm nay chẳng đụng chạm gì nhau. Ngõ ai nấy đi, nhà ai nấy ở. Xui xẻo mấy nhà hang xóm trong đó có nhà ông bà giáo Sử,  ai cũng khiếp, cũng tởn về dàn loa…  thùng của lão Tèo. Lão  không rành nhạc tiền chiến, càng ất ơ nhạc cổ điển. Từ sáng đến đêm khuya vẫn cứ  mấy bài nhạc Đỏ mà tấu.  Con trai Tèo còn mang về  bản nhạc Rock nhảy dựng lên, buốt tai nhức  óc láng giềng.

Sau tiết Đông Chí, buổi chiều muộn ông giáo Sử đi dạo chung quanh khuôn viên nhà, bỗng ông giáo giật cả mình khi nhìn thấy con chim yến ủ rũ nằm bên viên gạch lát sân. Như điềm chẳng lành, ông dừng bước cúi xuống nhẹ nhàng ẵm con chim yến dậy. Than ôi tim con chim yến đã ngừng đập, nó đã không bước qua một tai nạn.

Ông giáo gọi bà giáo tạm ngừng tay khi đang chuẩn bị bữa cơm chiều:

-  Bà nó ơi, không hiểu sao con chim yến nhà hàng xóm đã chết, rơi xuống bờ vườn nhà ta từ lúc nào?

Bà giáo đứng im  không nói không rằng. Bà lẳng lặng vào nhà trong lấy chiếc túi ni long đem ra cho ông giáo. Họ buồn bã và im lặng, đôi mắt ông giáo chơm chớp như muốn khóc. Năm trước, con chó nhà ông bà giáo đặt tên là Gấu bị ai bã thuốc đã lặng lẽ ra đi. Rạng sáng ông giáo dậy đi tập thể dục, mọi lần Gấu chạy theo ông vẫy đuôi mừng rỡ. Vậy mà hôm nay ông giáo  dậy mở cổng  Gấu vẫn nằm im, sủi bọt bên mép.

Ông  thức bà dậy, nấu nước đậu xanh đổ vào miệng Gấu, nhưng nó đã mệt lả do trúng độc. Bà giáo tức tưởi:

- Tôi thương nó lắm, ông ơi…

Bà giáo tiếp lời:

- Quân bã chó … thật dã man!

Ông giáo Sử lẳng lặng ẵm Gấu đặt lên bàn đá, tắm gội sạch sẽ cho nó, lấy tấm vải ni long bọc Gấu  ngay ngắn. Ông  giáo Sử chuẩn bị chiếc thùng gỗ nhỏ vừa vặn, mai táng gấu góc vườn nhà, đốt cho gấu một nén nhang “Gấu yêu của cả nhà yên nghỉ nhé …”.  chôn cất cho Gấu, coi như sự chia tay một phận đời con thú cưng thân thiết làm bạn trong nhà. Ông giáo thẫn thờ đi ra đi vào lầm bầm nguyền rủa bọn bã chó súc sinh. Nhớ thương Gấu ông bà giáo vù đi chơi với mấy bạn già  dăm bữa rồi về lại ngôi nhà thân thương của mình nhưng không còn Gấu.

Chiều muộn! Sau đận con Gấu ra đi, nay là con chim yến. Gấu do mình nuôi, sống với nhà mình. Chim yến dù là của nhà hàng xóm, ông bà giáo không có công nuôi dưỡng gây tổ, nhưng ông bà giáo rất quý và thương yêu, đi đâu dăm bữa nửa tháng lại nhớ tiếng ríu rít của đàn yến. Ông bà giáo vẫn thường để tô nước mát, chút ít thức ăn mỗi ngày cho chim ghé chơi thưởng thức. Nó có tội tình gì đâu, chỉ lo đem đến cái lợi cho người, vậy mà sao nó lại ra đi tức tưởi?

Ông lên tiếng:

- Bà chịu khó tìm chọn cho tôi cái hộp gỗ nhỏ trong ngăn tủ, kèm cái xẻng nhỏ đào đất, mai táng cho nó, thương chim yến quá đỗi bà ơi.

Ông giáo Sử thì thầm một mình, nhưng như đang nói với bà giáo:

- Ông Nguyễn bạn ta, cựu thanh niên xung phong đường Trường Sơn, tháng nào cũng mua vài chục ký thóc. Sáng dậy ông vãi dăm bảy nắm thóc ra sân, cả đàn chim sẻ từ ngọn cây sà xuống ăn thóc. Dù là chim hay thú, luật nhân quả ai quý nó là nó lại quý mình. Bên nhà ông Nguyễn chim canh kẻ trộm cho chủ, có người lạ lọt vào nhà, vừa lách qua khe cổng, cả đàn chim bay vù lên, tiếng chim thánh thót như là báo động cho chủ biết. Chim vậy, ai mà không yêu, không quý.

Hai ông bà giáo Sử lặng lẽ… cho chim yến vào túi ni lông, lót thêm tờ giấy trắng, trước khi cho vào cái hộp gỗ thông nhỏ xinh xinh. Họ im lặng rảo bước về cuối mảnh vườn nhà, nơi đã từng mai táng cho con Gấu bị trúng độc. Chim yến được “mồ yên mả đẹp”. Ông giáo Sử ngồi một mình nơi góc sân nhà làm bài thơ vịnh con chim yến xấu số:

Mới hôm qua vẫn còn bay

Sáng nay yến đã nằm đây một mình

Thương con chim yến nhỏ xinh

Hãy còn non nớt vội thành “cổ nhân”

Yến ơi nếu có khôn thiêng

Phù hộ chúng bạn mọi miền gần xa

Phù hộ cho vợ con nhà

Sống yên vui, hát hòa ca giữa đời!

Ông giáo Sử trong tâm trạng buồn đang nhẩm đọc bài thơ vịnh con chim yến  thì bỗng dàn nhạc nhà Đinh Ngọc Tèo láng giềng rầm rập chát chúa vang trời. Đàn chim yến đậu trên ngọn cây, mái nhà  bay loạn xạ, thêm một con chim yến vụt bay đâm sầm vào tấm kính nhà, chao đảo liệng xuống sân vườn nhà bên cạnh. Thôi chết, thì ra đây là lý do con chim yến chết. Tiếng loa thùng chát chúa, chim yến  bay nhanh như những kẻ chạy loạn, va phải kính mà rơi xuống vườn, vĩnh biệt cõi đời này!

Tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa thùng  nhà  Đinh Ngọc Tèo đang làm điều không lương thiện, phá hoại môi trường sống bằng tiếng động của âm thanh. Người nổi loạn mà chim chóc cũng nổi điên. Mà sao cu Tèo - cái lão Đinh Ngọc Tèo, với thời đại sống Xanh, kinh tế Xanh thế này mà vẫn ngang nhiên mở nhạc rầm trời như chốn không người, gây họa cho láng giềng và cả chim thú?

Nghe nói bà con lối xóm đã nhiều lần kiến nghị, nhắc nhở nhưng Đinh Ngọc Tèo không nghe, không sợ. Một bận, cơ quan quản lý văn hóa vặn hỏi, Đinh Ngọc Tèo tỉnh bơ, lại còn khùng khùng mà nói: “Tôi chơi nhạc Đỏ - nói chung là yêu… nước, các ông - các bà đã không cấp bằng khen cho Đinh Ngọc Tèo này thì chớ, còn đòi hỏi gì nữa đây?”

Ôi thôi, quả là hết thuốc chữa!...

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.