Cô Thư và em học sinh đặc biệt
Chiều hôm ấy, ánh nắng phủ một lớp vàng nhạt lên từng dãy bàn ghế trong phòng học lớp 7.8. Cô Thư đứng trên bục giảng, đôi mắt dịu dàng lướt qua từng gương mặt học trò thân quen. Nhưng rồi ánh mắt ấy dừng lại, chậm rãi trên một cô bé ngồi cuối lớp - My. My, một cô bé gầy gò với mái tóc ngắn ngang vai, trông có vẻ mệt mỏi, đôi mắt lờ đờ, uể oải. Cô bé hay đến muộn, hay quên vở, thường nằm dài ra bàn, không sao tập trung vào bài giảng. Lớp 7.8 không ít lần bị trừ điểm thi đua vì My, điều đó khiến cô Thư không khỏi chạnh lòng, băn khoăn.
Ngày qua ngày, cô Thư vẫn cố gắng động viên My, nhưng lần nào cũng chỉ nhận lại những lời đáp nhỏ bé, xa cách. My tiếp tục đến lớp với dáng vẻ lờ đờ, bài vở vẫn không hoàn thành, kỷ luật lớp cứ vì My mà giảm sút. Một ngày nọ, khi cô bé lại không chép bài đến lần thứ ba trong tuần, cô Thư nghiêm giọng yêu cầu: “Em viết bản kiểm điểm và chịu trách nhiệm làm vệ sinh lớp học sau giờ học một tuần.”
My lặng lẽ gật đầu, nhưng đôi mắt trĩu buồn của em khiến cô Thư thoáng chần chừ. Cô tự nhủ mình làm vậy là vì muốn My có ý thức hơn, để không bị bỏ lại phía sau.
Những ngày tiếp theo, My lặng lẽ quét dọn, lau chùi bàn ghế khi bạn bè đã ra về. Chiều hôm ấy, khi cô Thư quay lại lớp để kiểm tra, hình ảnh My cầm chiếc chổi với đôi tay run run đập vào mắt cô. Rồi, không kịp nói gì, cô bé ngã quỵ xuống sàn, bàn tay buông rơi chiếc chổi. Trái tim cô Thư thắt lại, cô lao đến bên My, lay gọi trong cơn hoảng hốt: “My! Em sao thế này? My!”
Không thấy cô học trò nhỏ phản ứng. Cô tức tốc bế My lên, chạy thẳng đến bệnh viện. Lúc này cô mới mới biết, My mang trong mình mầm bệnh ung thư quái ác. Đứng ngoài phòng cấp cứu, trái tim cô trĩu nặng, vừa lo lắng vừa đong đầy hối hận.
Lòng buồn rười rượi, cô kể cho các em học sinh nghe về hoàn cảnh của My. Kể từ ngày hôm đó, không chỉ cô Thư, mà tất cả bạn bè trong lớp đều cùng nhau chăm sóc, dành tình yêu thương cho My. Họ thay phiên nhau đến bệnh viện thăm, mang theo bài giảng, ghi chép cho My, để em cảm thấy mình không hề đơn độc. Có những buổi tối, cô Thư đến nhà My để giảng bài riêng cho em, chia sẻ những nụ cười, và cả những giọt nước mắt thầm lặng.
Dần dần, dù phải chống chọi với nỗi đau thể xác, nhưng mỗi khi đến trường, My luôn nở một nụ cười. Trong đôi mắt em, dường như ánh lên những tia sáng nhỏ bé nhưng ấm áp, tiếp thêm cho em sức mạnh. Một buổi sinh hoạt lớp, khi cả lớp quây quần bên nhau, My đứng dậy, giọng run run nghẹn ngào: “Em biết ơn cô và các bạn rất nhiều. Nhờ mọi người, em có thêm sức mạnh để đi tiếp. Em xin lỗi vì đã gây phiền lòng cho cô và các bạn.”
Cô Thư bước tới, nhẹ nhàng ôm My vào lòng, giọng trầm xuống, đầy thương yêu: “Cô cũng xin lỗi em, My ạ. Cô đã không đủ tinh tế để hiểu em sớm hơn. Cô sẽ luôn ghi nhớ bài học này. Nghề giáo không chỉ là dạy học, mà còn là yêu thương, là thấu hiểu những tâm hồn non nớt và yếu đuối của các em.”
Chiều hôm ấy, lớp học mênh mang trong ánh hoàng hôn đỏ thắm. Câu chuyện của My để lại trong lòng cô Thư và các bạn một bài học sâu sắc: hãy luôn mở rộng trái tim để thấu hiểu, để yêu thương, để không ai phải gánh chịu nỗi cô đơn, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tình yêu thương ấy sẽ còn mãi, như ánh nắng chiều dìu dịu, lan tỏa ấm áp, nhẹ nhàng đến từng trái tim.
NGÔ THỊ NGỌC NHUNG
(GV Ngữ văn Trường THCS Châu Thành, TP.Vũng Tàu)