Nhà thơ Gánh nước chiều ba mươi

Thứ Sáu, 04/10/2024, 16:59 [GMT+7]
In bài này
.

Với chùm thơ gồm hai bài “Viết phía sau tháp Po Sah Inư” và “Hoa bí vàng và anh lính Trường Sa,” nhà thơ Bùi Ngọc Phúc (71 tuổi), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội VH-NT Bà Rịa - Vũng Tàu, đã giành giải Nhì tại “Cuộc thi sáng tác thơ khu vực Đông Nam Bộ lần thứ I,” được trao tại lễ tổng kết vào ngày 20/9 vừa qua tại tỉnh Bình Thuận.

Nhà thơ Bùi Ngọc Phúc (thứ 2 từ trái qua) nhận giải Nhì cuộc thi sáng tác thơ khu vực Đông Nam Bộ lần thứ I - năm 2024 vào ngày 20/9/2024 được tổ chức tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: NVCC.
Nhà thơ Bùi Ngọc Phúc (thứ 2 từ trái qua) nhận giải Nhì cuộc thi sáng tác thơ khu vực Đông Nam Bộ lần thứ I - năm 2024 vào ngày 20/9/2024 được tổ chức tại tỉnh Bình Thuận. Ảnh: NVCC.

Khi nhắc đến nhà thơ Bùi Ngọc Phúc, giới chuyên môn và những người yêu thơ không thể không nhớ đến bài thơ “Gánh nước chiều ba mươi,” tác phẩm đầu tay của ông. Bài thơ này cũng được chọn vào tuyển tập “Tuyển tập văn học 1.000 năm” của tỉnh Ninh Bình, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội. Bạn bè yêu thơ thường gọi đùa ông là nhà thơ “Gánh nước chiều ba mươi.”

Nhà thơ Bùi Ngọc Phúc chia sẻ rằng, sau giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, vào tháng 10/1976, thầy giáo Bùi Ngọc Phúc rời quê Ninh Bình để chuyển đến Đồng Nai công tác theo sự điều động của Ty Giáo dục Hà Nam Ninh.

Ông trở thành hội viên của Hội VH-NT tỉnh Đồng Nai từ năm 1978, gia nhập Hội VH-NT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 1991 và trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2018. Từ năm 1996 đến 2011, ông cũng làm phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đam mê thơ ca từ những năm còn học sinh, trong suốt thời gian qua, ông đã miệt mài đi thực tế và sáng tác. Gửi đến cuộc thi sáng tác thơ khu vực Đông Nam Bộ lần thứ I - năm 2024, nhà thơ Bùi Ngọc Phúc đã chọn hai chùm tác phẩm (bao gồm 10 bài thơ), trong đó có hai bài thơ đạt giải Nhì: “Viết phía sau tháp Po Sah Inư” và “Hoa bí vàng và anh lính Trường Sa.”

Chia sẻ về các tác phẩm đạt giải, nhà thơ Bùi Ngọc Phúc bày tỏ: “Mỗi bài thơ tôi đều gửi gắm vào đó những nỗi niềm. Bài thơ “Hoa bí vàng và anh lính Trường Sa” thể hiện xúc cảm đối với cuộc sống bình dị của những người lính Trường Sa, những người ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Tác phẩm như một bản hòa ca thể hiện tấm lòng của người dân đất Việt đối với những người lính nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa”.

Nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc kiêm Chủ biên Trang Thông tin điện tử của Hội, Trưởng Ban Giám khảo vòng chung khảo cuộc thi trên, nhận xét: “Thơ Bùi Ngọc Phúc đi từ hướng ngoại vào hướng nội, giàu sức liên tưởng và chất hiện sinh. Ngắm hoa bí vàng và ngôi sao trên mũ anh lính Trường Sa, ta chợt phát hiện sự tương đồng. Hoa bí cũng là hình ảnh tượng trưng cho đất liền, quê hương trong những giây phút mềm lòng nhớ thương: “Có anh lính ghé môi hôn hoa bí vàng và bật khóc / Vọng quê nhà bầu, bí trập trùng xa!”.

Tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Bùi Ngọc Phúc: “Gánh nước chiều ba mươi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn); “Những nơi chưa đến” (Nhà xuất bản Thanh niên); “Cái nhìn ngược” (Nhà xuất bản Trẻ). Sắp xuất bản: “Những đôi dép bị cắt mũi”; “Đợi bão.”

Về bài thơ “Viết phía sau tháp Po Sah Inư,” với xúc cảm thăng hoa, tác phẩm đã đến với nhà thơ rất nhanh trong buổi chiều trước khi rời tháp Po Sah Inư (trong chuyến tham quan thực tế sáng tác của Hội VH-NT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Trước quần thể di tích cổ kính, vẻ đẹp kỳ bí của tháp Po Sah Inư, nhà thơ đã xúc động mãnh liệt khi biết đến truyền thuyết về nàng công chúa Chăm xinh đẹp Pô Sah Inư, người đã gặp nhiều trắc trở trong tình yêu. Nàng sống một cuộc đời bình yên và truyền dạy cho dân chúng cách trồng trọt, dệt vải và chăn nuôi. Để tưởng nhớ công ơn và tài năng của công chúa Pô Sah Inư, người dân đã xây dựng tháp Pô Sah Inư để thể hiện lòng tri ân và thờ phụng nàng.

Xúc động trước câu chuyện, nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh nàng Pô Sah Inư. Trong một chiều hoàng hôn, cảm xúc của nhà thơ như hòa quyện giữa tiếc nuối và lòng khâm phục, tri ân: “Có phải em là Po Sah Inư? Xin ngàn lần tạ ơn những đền đài, cổ tháp / Xin ngàn lần tạ ơn thần Shiva, thần Lửa / đã ban em cho anh / Không có hoàng hôn nào đẹp như hoàng hôn chiều này / Không có cô gái nào đẹp như cô gái Chăm chiều nay anh gặp…”.

Thơ của ông chạm đến trái tim người đọc bởi sự trong trẻo và chân thật. Ở tuổi xưa nay hiếm, nhà thơ đã xuất bản và sắp xuất bản nhiều tập thơ, tạo nên dấu ấn của mình trong hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh.

HOÀNG BÁCH

;
.