Cô đưa tay bới tìm dưới ngổn ngang sỏi đá, mái tóc rũ rượi, đôi mắt mọng vô hồn, hai tay không thôi cào cấu, miệng không ngưng gọi tên con. Chiếc áo lệch vai xộc xệch, gấu áo cáu bẩn, nhem nhuốc. Nước mắt bết bùn đất, lá mục khiến khuôn mặt trở nên hoang dại.
Minh họa: MINH SƠN |
Chúng tôi không ai nói với ai lời nào, lặng lẽ bới tìm, lặng lẽ khiêng người ra đường lớn, lặng lẽ đào hố chôn những người xấu số vừa tìm thấy. Người rũ rượi vì mệt, đất dưới chân nhũn ra, trơn tuột như bị đổ mỡ, bùn văng tận mặt, tận đầu. Đâu đâu cũng một lớp bùn quánh đặc. Những chiếc lá bị phủ lớp bùn non.
Chúng tôi thoát chết trong sự bàng hoàng đến khó tin của mọi người. Cả tuần nay tôi cùng đồng đội công tác, ăn ở tại khu làng này. Chiều hôm trước cậu em rủ xuống thị trấn chơi, mấy anh em thuê nhà nghỉ ở lại để khỏi phiền người quen. Nhận được tin dữ, chúng tôi xẻ núi tìm đường về làng.
Một cơn lũ ống bất ngờ ùa về xóa sạch bóng dáng ngôi làng quen thuộc mà mới hôm qua mọi người còn mời nhau chén rượu, còn cười nói xôn xao, trẻ con nô đùa, tiếng cười sằng sặc bên vách. Tôi lặng nhìn xung quanh, màu đất bazan ối đỏ lẫn trong ngổn ngang cây cối. Bàng hoàng. Chúng tôi chết lặng mất hàng giờ, nhưng kịp nhận ra mình còn nhiệm vụ khác gấp rút, khẩn trương, hơn là ngồi mặc niệm.
Đội cứu hộ các nơi đổ về mắc lại nơi hẻm núi. Tiếng loa cảnh báo vang lên lanh lảnh nhắc nhở mọi người cẩn thận. Núi lở. Đường tắc. Mọi nút giao thông bị ngưng trệ. Những ngọn núi trườn mình ra đường lớn, cây cối đất đá ngổn ngang. Đội ứng cứu nhanh đã phải xẻ núi băng rừng, không ngại nguy nan tìm mọi cách tiếp cận nơi vừa xảy ra thảm họa.
Những rừng keo kinh tế mọc lên thế chỗ rừng nguyên sinh. Những ngọn đồi trọc ngâm mình dưới lòng hồ thủy điện lâu ngày, rỗng chân, gặp lũ ống từ thượng nguồn ồ ạt dội về, chúng không trụ được mà đổ ập. Ngôi làng yên bình phút chốc trắng màu tang tóc.
Hành trang mang theo cho người xấu số chỉ mỗi bộ đồ và tấm chiếu mà chúng tôi nhờ dưới xuôi gửi lên. Người dân ở đây không có thói quen cho người đã khuất mặc đồ xô trắng tinh tươm.
Phút mặc niệm tiễn đưa người đi trong vội vã, dưới đống đất đá kia còn bao nhiêu mưa, những cơn mưa ầm ầm từ núi rừng đổ về như thác dội. Mẹ thiên nhiên nổi giận phủ lên mảnh đất nghèo một màu tang thương.
Những người đứng bên cạnh không cầm được lòng, họ cố ôm giữ trấn an cô nhưng dường như mọi thứ đều vô nghĩa. Tất cả đều vô nghĩa. Những lời an ủi cũng trở nên vô nghĩa. Ba mẹ và những người thân cũng bị vùi sâu dưới bao khối đất đá. Đôi tay đã tướm máu, những đầu ngón tay bạnh ra, đất bám sâu vào tận chân móng, đỏ bầm, đen thẫm. Những vết xước trên da thịt có thể lành, nhưng còn nỗi đau này biết bao giờ mới khỏi.
Cô lại gào khóc. Đứt quãng, rời rạc. Tiếng khóc xé lòng vượt rừng xanh. Tiếng khóc bi ai biết có thấu được trời cao hay lại tan ra giữa mịt mùng mưa bão. Cô ngã vật ra thiêm thiếp, dường như chẳng còn sức để gọi tên con. Môi cô nứt nẻ tứa những vệt máu. Cô nằm thế hồi lâu, nghe như có ai đó gọi mình, nghe cả cái lay lay vào tay, nhưng đôi mắt bất lực không thể mở ra được. Cô cố mấp mé môi, vô thức lại đưa cô chìm vào giấc ngủ.
Sao mẹ không về với con? Ôi, là tiếng cái Bông! Mẹ về thăm con đây mà. Con đâu rồi lại đây với mẹ. Ánh mắt Bông thẳm buồn. Cô đưa tay ôm lấy con, mẹ về đây rồi. Mẹ có nhớ mẹ hứa với con chi không? Mẹ nhớ chứ! Mẹ hứa đi làm kiếm tiền về mua đồ đẹp cho con mà! Nhưng con đâu cần đồ đẹp, bộ này con mặc mấy năm rồi có sao đâu.
Cô gục vào con nức nở, mẹ xin lỗi, mẹ chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền để về làm nhà mới cho con ở, nhà mình hư hết rồi còn đâu. Con không cần nhà mới, mẹ đi mấy năm rồi nhà mình có mới lên được chút nào đâu. Cô ôm ghì lấy con, mẹ sai rồi, mẹ về với con đây, Bông đừng giận mẹ nữa, mẹ mua cả đồ chơi cho con đây. Cô luýnh quýnh lục túi lôi ra con búp bê xinh xắn.
Chưa kịp đặt vào tay con thì bỗng một cơn cuồng phong ào tới cuốn phăng mọi thứ, cuốn cả con gái cô vào cái guồng xoáy đen ngòm, hun hút. Tóc con bé xõa ra, người cũng xõa ra, khuôn mặt méo mó xoay tít theo guồng xoáy ấy. Duy chỉ ánh mắt con bé vẫn đau đáu nhìn cô. Cô lao theo thảng thốt, Bông ơi, con ơi!
Bốp! Tiếng va vào cánh cửa kính rõ to khiến mọi người giật mình chạy lại. Trán cô u lên một cục to, sưng mảy. Nhưng đôi môi người mẹ trẻ không thôi gọi tên con, cô giãy giụa hòng thoát khỏi những đôi tay đang giữ rịt ngang người. Bất lực, cô đưa hai tay ôm chặt lấy đầu gào thét. Bác sĩ phải tiêm một liều thuốc an thần cho cô ru giấc.
***
Lại bão. Những bản tin thời sự cập nhật nóng hổi. Những cơn lũ tràn về cuốn phăng làng mạc các huyện trung du sau cơn bão hoành hoành khiến những dòng ký ức như mới hôm nào bỗng chợt bùng thổi. Tôi lôi máy ra hì hụi viết, tim đau nhói như có ai bóp nghẹt không thở được. Nhưng tôi không thể giữ mãi hình ảnh ấy cho riêng mình, và những người anh em của tôi, là những chứng nhân hôm xảy ra cơn sạt lở lịch sử, họ luôn bị ám ảnh.
Còn nhớ, lúc chiếc cuốc chạm nhẹ vào một vật cưng cứng, tôi buông ra lấy tay đào đào, bới bới. Một cánh tay nhô ra từ bùn đất. Cậu em đi cùng, vừa là cộng sự đắc lực, vừa là tri âm trên những nẻo đường đã không khỏi thất đởm hồn vía. Khẽ véo vào tay tôi, cậu nói không thành tiếng, mình về thôi anh, em không thể chịu đựng thêm nữa, cho em về, cho em về với mẹ.
Cậu ta lắp bắp, giọng run lên bất lực, hai đáy mắt đỏ mọng căng thẳng. Tôi nghe cổ họng đắng nghét, tay tê dại. Lồng ngực căng ra như chiếc bong bóng bị bơm quá cỡ, sẵn sàng vỡ tung bất cứ lúc nào. Tim tôi như có ai nắm lấy, đau thắt.
Tôi ngưng bút, đưa mắt ra phía cửa sổ. Căn phòng tôi làm việc nơi tầng áp mái, có hướng nhìn chéo ra cổng. Em vừa đi chợ về, Bông - con cún lông xù của tôi được em gọi với tên Bông trìu mến, nó quấn quýt liếm vào tay, vào cổ em. Tôi nghe giọng em mắng yêu con vật:
- Ngoan nào, để mẹ vào nhà đã, mới đi có tí đã nhớ rồi à! Tiếng con Bông nũng nịu ư ử, tiếng nước xối vào tay, khoát lên mặt.
Tôi thích nghe tiếng suối chảy róc rách, êm êm dịu nhẹ, như thuở còn công tác trên vùng rừng núi. Nhưng cũng cả chục năm rồi tôi không về lại núi. Là vì tôi đang giữ cho mình những ký ức kinh hoàng bi thương như ngày tận thế. Lại như muốn xóa sạch những điều kinh khủng ấy ra khỏi não bộ em.
Tiếng nước rỉ rả nơi hồn non bộ như dòng suối ngọt ngào chảy ra sông nước nẻ. Dòng suối ấy len qua từng hỏm núi, qua từng thung sâu, bào mòn những cạnh góc chông chênh của đời đá - đời tôi, nhẵn thín, trơn tuột.
Sau trận sạt lở lịch sử ấy, tôi về hẳn dưới xuôi công tác. Phần vì gia đình neo người nên mẹ tôi gây sức ép, phần vì em. Sau tất cả mất mát, em bị sang chấn tâm lý, phải về xuôi điều trị. Em may mắn thoát chết nhờ đi làm ăn xa quê. Nhà chẳng còn ai, tôi được buôn làng thương quý, coi như con nên cũng là người thân duy nhất của em.
Những buổi thăm nom động viên của tôi khiến em dần hồi phục. Em mở lòng nhiều hơn, tâm sự nhiều hơn. Bông là kết quả của mối tình đầy nước mắt của em với một anh công nhân thủy điện. Do tai nạn lao động nên người ấy đã vĩnh viễn bỏ mạng dưới lòng hồ sông Tranh. Em gửi con cho ba mẹ, còn mình rời làng đi làm ăn xa. Rồi mọi thứ diễn ra như một cơn ác mộng. Bao nhiêu năm rồi, tôi như muốn quên đi. Lòng hồ vẫn lặng im chẳng buồn gợn sóng. Thời gian sẽ chữa lành mọi vết thương.
Hôn lễ của chúng tôi diễn ra giản đơn ấm áp trong những lời chúc phúc của mọi người. Mẹ tôi run run nắm lấy tay em trao kỷ vật mấy đời nhà nội truyền lại. Mẹ muốn nói mẹ chờ đứa cháu nội nữa thì ra đi thanh thản rồi, nhưng kịp ngưng lại. Tôi nhìn mẹ, nhìn em, hai người phụ nữ quan trọng của đời mình. Tôi nhủ lòng sẽ mang đến cho họ những gì tốt nhất.
Bây giờ, khi đã có với nhau hai mặt con, trải qua nhiều biến cố, dường như em đã vững vàng hơn. Mẹ tôi không muốn tôi đưa em về lại chốn xưa, nơi nhắc nhớ nhiều kỷ niệm đau buồn. Nhưng tôi biết trong sâu thẳm, trái tim em vẫn thổn thức ngày về, vẫn nhớ những cánh rừng bạt ngàn như những cánh tay dang rộng. Và tôi biết, dòng sông xưa vẫn xanh ngát một màu, những con suối nhỏ vẫn nghịch ngợm vạch núi trườn ra đường lớn. Tôi nhớ những mảng đá mang hình thiếu phụ, những mảng đá mang dáng dấp kiêu hùng… Những mảng đá mang trong mình trái tim của núi luôn có sức hấp dẫn kì lạ với tôi. Tôi thương trái tim biết yêu ghét giận hờn của núi. Trái tim dễ dàng nổi loạn bởi sự ngược đãi của con người, nhưng luôn bao la rộng mở, ôm ấp chở che. Tôi tin, một ngày nào đó, tôi cùng em và các con sẽ trở về, sẽ đi thuyền trên dòng sông Tranh thơ mộng, cùng tắm bên dòng suối ngọt lành, cùng ăn những bữa cơm khoai sắn…
Truyện ngắn của: HỒ LOAN