Thư cho cô bạn nhỏ

Thứ Sáu, 27/09/2024, 17:17 [GMT+7]
In bài này
.

Tháng 9 bây giờ, tôi đang ở trong một thành phố đầy náo động, có những cây phượng hiếm hoi già cỗi trổ hoa trên đường. Mới hôm qua kia, cô bé 12 tuổi ở đầu ngõ gửi cho tôi bức thư nhỏ, viết bằng bút mực trên mảnh giấy học trò xé nửa nhét qua cửa sổ báo tin cô bé vừa thi đậu vào Trưng Vương. Bức thư nhỏ kia và màu mực tím run rẩy, với một cái tin vui cho cả một quãng đời dài làm tôi xúc động. Cánh cửa sổ khép hờ tránh những giọt nước mưa bất ngờ hắt vào những chồng sách trên bàn viết, là một đường dây liên lạc thường xuyên của người bạn nhỏ đến cho tôi. Nhà cô bé ở đầu ngõ, một ngôi nhà thật đẹp mà tôi chỉ có thể đứng nhìn sang trong mỗi buổi chiều rảnh rỗi.

Lúc đó, xóm nhà đông đảo nhuộm nắng vàng trên mái, những đỉnh cây già vừa thay lá non sung sướng thả bóng mình trong chiều tà. Những đường dây điện rối rắm nối những cánh chim vô tình bay ngang qua một bầu trời hiền dịu và mỏng manh. Cô bé đứng khum khum tưới hoa trên bao lơn, mái tóc hãy còn ngắn lắm, nhưng những sợi tóc thì nối dài cả đường gió thơm hương thoảng bay đến nhà tôi. Cánh cửa sổ đó, những hôm tôi về, nó cũng chỉ khép hờ như lúc tôi đi, nhưng trên bàn viết có những trái mận, trái ổi, những miếng kẹo ngọt bọc giấy… Và đôi khi, có những bức thư gấp làm tư, với vài dòng chữ mực tím vội vàng trên giấy học trò, nói về một nỗi vui, một nỗi buồn, những điều nhỏ nhoi đầy chi tiết trong một ngày của cô bé.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Tên cô bé là gì tôi cũng chưa biết. Bởi dưới những dòng chữ dễ thương kia, cô bé chỉ ký một cái tên vội vàng, run rẩy. Tôi đoán mãi vẫn không hiểu được. Chúng tôi quen nhau trong một cơn mưa buổi chiều. Lúc tôi đứng trú mưa dưới cái mái che nhà cô bé thì cô bé đứng trên bao lơn nhìn xuống. Chẳng hiểu sao cô bé ném xuống cho tôi một đóa cúc vàng vừa hái, đẫm nước long lanh như ướp sương. Đóa cúc vàng rớt trúng đầu tôi và tôi nghe tiếng cười. Nhìn lên tôi bắt gặp đôi mắt của cô bé đang mở to, nụ cười còn ngượng ngập trên môi, gương mặt như một vầng trăng lồng lộng giữa những chùm lá xanh của cây mận cao, giữa những giọt nước mưa nhỏ bé mù đục. Tạnh mưa tôi cầm đóa cúc vàng về nhà. Cô bé biết nhà tôi từ đó, và những trái mận đầu mùa của cô bé gửi cho tôi nơi cửa sổ. Tôi và cô bé trở thành hai người bạn dễ thương và khờ khạo nhất trên đời.

Bức thư báo tin thi đậu vào Trưng Vương của cô bé làm tôi xúc động cả ngày. Tôi đợi gặp cô bé trước cổng nhà để khen một câu. Nhưng cô bé đã đi vắng cả tuần liền. Tôi đoán có lẽ cô bé đã đi chơi ở một nơi nào đó, mà ngày trở về của cô sẽ là ngày tựu trường. Lúc những cây phượng trên đường tôi đi đã tàn bông. Những con ve sầu bặt tiếng và thành phố êm đềm buồn lặng với những ngày mưa buổi chiều tôi đứng trên gác nhà tôi nhìn sang bao lơn nhà cô bé với cửa đóng mưa mù, và những chậu cúc vàng thay hoa không ai tưới. Tôi giữ kỹ cái tin vui của cô bé vào ngăn kéo bàn viết, như giữ kỹ cho tôi một quãng đời dài không có một ngày thi huy hoàng như cô bé.

Năm 12 tuổi của tôi là một năm buồn bã. Tôi cũng vừa học hết lớp nhất trường quận, nhưng thay vì sửa soạn bài vở cho những ngày thi vào đệ thất trường tỉnh tôi lại thảnh thơi xách ná thun vào vườn lùng kiếm lũ chim, nằm trên nhánh cây ngắm mây trời bay qua và không biết chúng bay về tới đâu. Hoặc tẩn mẩn đi dài theo con sông tìm những thứ trái cây nhỏ bé, lạc loài nhai lóc cóc như một con sóc để quên hết mùa hè, quên hết những ngày thi mơ  hồ, xa lánh bạn bè có hoàn cảnh may mắn hơn tôi.

Tôi không thể nào quên được những chùm phượng của năm 12 tuổi. Màu đỏ của nó trơ vơ giữa một khoảng trời nhiều mây, cao lừng lững. Tiếng những con ve sầu rỉ rả như một khúc hát buồn rúc vọng trong hồn tôi. Ngày bãi trường năm đó cánh cổng trường khép lại, với đêm kịch cuối cùng chấm dứt. Tôi đi về một mình trên đường. Tôi không dám quay lại nhìn cánh cổng nằm im lìm trong bóng trăng thượng tuần chênh chếch trên ngọn lá. Cánh cổng im lặng với những chấn song như những đôi mắt đau buốt nhìn tôi. Sau lưng tôi là một khoảng đời bỏ lại. Những ngày vàng, những tháng loáng bạc, những tuần lễ lóng lánh gương soi. Tôi sẽ từ giã nó, mãi mãi, vào ngày mai. Khi những tiếng chim tíu tít gọi tôi sau nhà. Tôi thức dậy, và nhớ ra rằng. Sáng hôm nay ta không còn đi học.

Mọi ngày, vào giờ này, cậu học trò nhỏ bé quạnh hiu nhất đã ôm cặp, đã có sẵn một gàu-mên cơm với thức ăn đạm bạc do mẹ cậu nấu sẵn trước khi nghe tiếng hú của cánh thợ cấy trong làng rúc gọi. Cậu học trò nhỏ, áo ngắn tay quần đùi, tóc xơ rơ như chùm mạ cháy vàng tươi trên đồng, với một con đường dài 2 cây số từ làng qua chợ quận. Buổi sáng tinh sương, trăng hãy còn như một ngọn đèn mờ ảo lung linh. Cậu đi với gió lạnh, với đồng ruộng bát ngát, với cây cỏ ngậm sầu. Xa xa ở một ngã tư đường, đám học trò đi trước gom lá khô đốt lửa. Ánh lửa bập bùng đuổi hơi sương băng băng trên ngọn cỏ, làm đẹp não nùng một buổi sáng, đẹp não nùng một mùa đời. Cậu học trò kia, từ sáng hôm nay, chỉ còn nằm nghe tiếng chim kêu từ hàng tre rì rào. Và lạc lõng giữa những ngày tháng mênh mông mở ra trước mắt. Bởi vì cổng trường đã đóng, không phải đóng như lần nào. Bởi vì năm học cuối cùng đã chấm dứt. Và không phải chấm dứt như lần nào.

Tôi đã không được lên tỉnh thi vào đệ thất. Mặc dù trong danh sách đề nghị cho đi thi có tên tôi. Đám học trò được tuyển chọn đưa đi thi vỏn vẹn có 30 đứa, mỗi đứa sẽ phải đóng cho ông thầy hướng dẫn một trăm rưỡi bạc, đó là tiền phí tổn của mấy ngày ăn và ở trên tỉnh. Má tôi đã không thể vay mượn ai món tiền nhỏ bé nhưng lớn lao đối với gia đình tôi lúc đó. Sáng hôm lên tỉnh, học trò tập hợp ở trường để lên xe, tôi cũng có mặt, nhưng thay vì nộp tiền tôi lặng lẽ nói với thầy lý do. Thầy chỉ an ủi tôi mấy câu. Tôi đứng thẳng người, vẫy tay cùng đám bạn may mắn đã ngồi yên trên xe với quần áo mới, với gương mặt rạng rỡ hân hoan. Tiếng kèn xe tu tu lên đường nghe buồn bã làm sao. Tôi muốn khóc lắm, nhưng không khóc được. Tôi chạy theo chiếc xe đò sơn hai màu vàng xanh lao vào bóng sương còn đầy trên đường. Một khoảng xa tôi dừng lại để thở. Chiếc xe mất hút chỉ còn mùi xăng bỏ lại. Tôi uống mùi xăng nồng nồng trong gió, và lúc bấy giờ tôi nghe tiếng kèn xe rúc ở xa hu hu chứ không phải tu tu nữa.

Cô bé yêu mến, năm nay tôi 26 tuổi. Hình như từ một nỗi bất hạnh của một cậu học trò trường quận xa xưa, tôi lại tiếp nối những nỗi bất hạnh khác. Những mùa thi đối với tôi là những mùa buồn. Trường lớp đối với tôi là một nơi chen chân chật vật. Học hành đối với tôi là một giấc chiêm bao tình cờ thấy được. Giấc chiêm bao không biết kéo dài tới bao giờ, không biết chấm dứt từ lúc nào. Cũng như tôi có những ngày ngồi trong lớp học, không biết ngày này, tháng tới tôi còn được ngồi học nữa hay không. Những kỳ thi đối với tôi hụt hẫng, vất vả, rượt đuổi, như một người thiếu sức mà muốn về nhất trong cuộc đua đường trường. Tôi không có một mùa thi nào chuẩn bị kỹ càng, bài vở vá chắp, chỉ học vào phút cuối. Có những kỳ thi tôi đậu, có những kỳ thi tôi rớt, không buồn, không vui. Bởi đậu không có ai mừng, rớt không có chia sẻ nỗi buồn.

Tôi dửng dưng, và đau đớn với chính lòng mình. Tôi yêu mến cái xôn xao của cô bé. Tin cô bé đậu là một loại tin hồng, tôi phải nhớ ở đầu một ngày khi gỡ tờ lịch cũ. Tôi yêu mến năm 12 tuổi của cô bé như yêu mến năm 12 tuổi của tôi. Hai mươi sáu năm vừa làm một người học trò vừa làm một người tích cực trong đời sống. Tôi có quá nhiều những ngày tháng dài, quá nhiều những nỗi vui nỗi buồn, nhưng so lại không bằng một ngày vui của cô bạn nhỏ. Tôi sung sướng và thầm lặng chia sẻ niềm vui đó, như một cánh lá hân hoan ngửa mình hứng giọt mưa tinh khiết trong đêm.

Ngày cô bé trở lại thành phố này, đứng trên bao lơn tưới những giọt nước mưa hiền lành cho những chậu cúc vàng, tôi biết mùa hè đã hết. Ngày tựu trường cô bé sẽ mặc quần áo mới, một chiếc áo dài trắng đồng phục với bảng tên đỏ xinh xắn ở cổ áo. Thay đôi guốc gỗ học trò bằng đôi dép da. Chiếc cặp da sẽ đầy nặng những cuốn sách, và gói theo những chuỗi ngày thơ ấu chưa muốn rời bỏ những bước chân thơ dại của cô bé bước trên đường. Thế là bắt đầu một khoảng đời mới, cô bé sẽ lớn, và sẽ có mùa thi lo âu, sầu héo, những mùa thi lớn, cho một đời làm học trò. Nhưng tôi biết chắc mùa thi của năm 12 tuổi sẽ mãi mãi làm cô bé rung động, nhớ đời. Và ngang qua trường cô bé, ở một ngã ba đường nhiều cây xanh tôi vẫn đi về, vẫn nghĩ cô bé đang ngồi ngoan trong lớp học.

Truyện ngắn của TỪ KẾ TƯỜNG

;
.