Nhà văn Trương Minh Đức, tên thật là Trương Công Đức, quê gốc ở thị trấn Thứa (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Ông là một kỹ sư xây dựng dân dụng, đã nhiều năm làm việc tại Công ty Dịch vụ Du lịch Dầu khí (OSC Việt Nam). Sau một thời gian lâm bệnh nặng, ông thanh thản ra đi, hưởng thọ 92 tuổi, để lại nhiều kỷ niệm và dấu ấn trong lòng người thân và đồng nghiệp.
Chân dung nhà văn Trương Minh Đức và các tác phẩm ông đã xuất bản. |
Hành trình của một trí thức
Trương Minh Đức nổi tiếng là người học giỏi từ thời còn trẻ, tốt nghiệp Khoa Xây dựng, khóa 3, Đại học Bách khoa Hà Nội vào những năm đầu thập niên 1960. Ông có nhiều năm làm việc trong ngành xây dựng và giao thông vận tải tại Hà Nội và quê nhà, trước khi chuyển vào Vũng Tàu để tiếp tục gắn bó với nghề kỹ sư xây dựng dân dụng.
Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học tại vùng Kinh Bắc, nơi mà các thành viên đều yêu mến văn thơ và gắn bó với văn hóa Tràng An. Ông là một học sinh của Trường Chu Văn An nổi tiếng đất Thăng Long. Cũng như nhiều người trong gia đình, ông có năng khiếu văn chương. Người em trai thứ ba của ông-một thầy thuốc, đã xuất bản tập thơ riêng. Người em trai út, Tiến sĩ Trương Thành Công, nguyên Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là cây viết bút ký, làm thơ, yêu hội họa, đã xuất bản nhiều tập sách và tham gia triển lãm hội họa.
Gia đình Trương Minh Đức nổi tiếng với truyền thống văn thơ. Tập thơ “Lời Quê” (NXB Quân đội Nhân dân, 2019) là minh chứng cho tài năng văn chương của ông và gia đình, với những áng thơ mượt mà, sâu lắng và mang đậm triết lý sống. Trong tập thơ, Trương Minh Đức viết những dòng thơ triết lý, mang tầm vóc vượt ra ngoài cuộc đời trần thế: “Tài năng vay ở cõi đời/Tiếng thơm vay của miệng người thế gian/Nếu là hạt cát hạt vàng/Thì xin vay tới ngút ngàn hư vô”.
Thơ của ông về biển cả cũng rất giàu cảm xúc, như trong câu: “Thuyền trăng bạc lạc sao mai/Biển khuya lạnh trắng bờ vai nhân tình/Sóng nhào nặn cát nguyên trinh/Có còn in dấu chân mình, chân ta?”.
Dưới bút danh Trương Minh Đức, ông cho ra đời nhiều tác phẩm nổi bật. Tiểu thuyết “Cô Thoan” (NXB TH Đồng Nai, tái bản 2007) viết về cuộc sống nông thôn miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, là một tác phẩm được nhiều độc giả yêu thích. Ông còn viết tập truyện ngắn “Trái tim sọ dừa” (NXB TH Đồng Nai, 2007) gồm 8 truyện ngắn đặc sắc, tập thơ “Lời Ru” (NXB Thanh Niên, 1998) và tập phê bình “Tính lưỡng phân trong Truyện Kiều” (NXB Thanh Niên, 2005).
“Tính lưỡng phân trong Truyện Kiều” là một công trình nghiên cứu mang tính học thuật sâu sắc, độc đáo, được đánh giá cao và khác biệt so với nhiều nghiên cứu trước đó về tác phẩm nổi tiếng này của Nguyễn Du.
Người cộng tác viên đáng kính
Dù làm kỹ sư xây dựng với uy tín cao, Trương Minh Đức vẫn luôn dành tình yêu đặc biệt cho văn thơ. Ông là cộng tác viên quen thuộc của các tờ báo như: Văn nghệ Việt Nam, Văn nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu, Văn nghệ Hà Nội và Văn nghệ Bắc Ninh.
Nhiều năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ hình ảnh ông, cộng tác viên Trương Minh Đức, cùng nhà văn Xuân Sách khi cả hai làm việc tại Tạp chí Văn Nghệ đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo. Hai bậc đàn anh ấy đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về sự uyên thâm, nho nhã và đức độ.
Tôi nhớ một lần, khi ông gửi bài tiểu luận nhỏ về tiểu thuyết “Người đẹp tỉnh lẻ” của nhà văn Lê Quốc Minh, vì nhiều lý do, tôi phải từ chối đăng bài vào thời điểm đó. Trái với sự lo lắng của tôi, ông nhẹ nhàng đồng ý và chia sẻ chân tình: “Tôi sẽ gửi lại bài sau, có dịp ta sẽ trao đổi kỹ hơn”. Cách ông ứng xử, tôn trọng ý kiến và giữ mối quan hệ hợp tác tốt đẹp khiến tôi thực sự cảm phục.
PHẠM QUỐC TOÀN