Đứa con tật nguyền

Thứ Sáu, 20/09/2024, 18:43 [GMT+7]
In bài này
.

Phía Tây những đám mây gấp gáp bay về tạo thành quầng trời đỏ rực. Mặt trời cũng dần khép lại hành trình xuống núi. Bà Hạnh ra rừng nhặt củi áng chừng đã đến giờ về lo cơm nước cho chồng con, khẽ buông tiếng thở dài giữa triền đồi vắng. Bà rất sợ phải trở về nhà sau một ngày lên đồi làm việc.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Sợ phải đối mặt với nỗi ám ảnh luôn thường trực trong lòng. Sợ phải gặp ánh mắt buồn hoang hoải của chồng và bà sợ… Sợ phải nhìn thấy ánh mắt trẻ thơ của đứa con đã gần ba mươi tuổi đời, suốt ngày chỉ biết u ơ nói vào khoảng không bất tận. Chiến tranh đã đi qua mấy mươi năm rồi còn gì nữa, nhưng nỗi đau mà nó để lại vẫn từng ngày, từng giờ làm buốt nhói tim bà.

Bà và ông quen nhau giữa trận đánh ác liệt năm 1972. Bà là thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường trên đoạn đường Trường Sơn ngút ngàn tít tắp. Còn ông là lính miền Bắc vào chi viện cho miền Nam yêu dấu. Tình yêu thời chiến với những nhớ mong mỏi mòn vời vợi. Có những buổi chiều trong cuộc đời bà ngóng về phía mù mịt khói bom cầu cho nơi ấy bình yên sau những đợt bom.

Trời như thương bà nên sau ngày giải phóng thống nhất đất nước ông trở về lành lặn cùng bà trở ra Bắc xây dựng một gia đình nho nhỏ. Những tưởng thế là may mắn hạnh phúc hơn so với bao người đồng đội ngã xuống. Nhưng cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy cũng không được bao lâu. Bà Hạnh mang thai cậu Bảy, lúc ấy cuộc sống sau chiến tranh còn nhiều khó khăn, nhưng ông cố gắng hết sức để bù đắp lại cho bà. Hàng ngày ông lên rừng kiếm mật ong và hái rau dại cho bà.

Người thân không còn ai nữa, ông dành hết tình yêu thương cho người vợ và đứa con sắp chào đời. Nhiều lúc đứng giữa những dải đồi nối đuôi nhau bất tận. Ông càng mong đứa con ra đời sẽ là một chàng trai khỏe mạnh, để lớn lên cùng mình khai phá mảnh đất cỗi cằn và tật nguyền này. Ông dự tính quả đồi này đất màu mỡ hơn nên sẽ khai phá trồng hoa màu.

Quả đồi kia đất cỗi cằn ông sẽ cuốc hết mua, sim để trồng bạch đàn, keo, trẩu. Còn đất vườn thì sẽ quy hoạch thuê người đào ao thả cá, quây vào chăn nuôi như một trang trại. Rồi chỉ mươi năm nữa là nơi này sẽ trở nên trù phú, mướt xanh sự sống, sẽ không còn dấu vết của chiến tranh từng quần phá nơi này. Ông nghĩ mà trong lòng trào lên một niềm sung sướng.

Mỗi lúc lên đồi khai hoang ông đều nhìn thấy hình ảnh đứa con bụ bẫm của mình chạy nhảy khắp nơi và hỏi đủ mọi điều. Nó cười đôi mắt long lanh, hỏi nhiều đến mức ông không làm sao trả lời hết được. Con có đôi bàn tay giống bố, cái miệng nhỏ xinh giống mẹ. Sau này lớn lên con ông sẽ là một chàng trai vạm vỡ, có lý tưởng dám làm những gì mà cha nó đã không làm được. Chỉ cần nghĩ thế thôi là ông thấy bao nhiêu mệt mỏi cứ bay biến đi đâu hết. Thấy cuộc đời đáng sống biết bao. Thấy cần phải chờ đợi và hy vọng.

Bà Hạnh đếm từng ngày chờ đứa con ra đời mạnh khỏe. Bà lắng nghe những âm thanh khác lạ của cơ thể mình đang từng ngày biến chuyển. Nhưng lạ thay đứa con trong bụng bà rất hiếm khi cựa đạp như những đứa trẻ khác. Đêm ngủ gặp ác mộng, bà sờ vào bụng mình cầu mong bình an sẽ đến với đứa con bé bỏng. Bà không dám kể với ông về những giấc mơ khủng khiếp và nỗi hoang mang trong lòng mình. Nỗi hoang mang hệt như những buổi chiều trong kháng chiến bà ngóng về phía bom rơi, đạn nổ.

* * *

Bà Hạnh sáng nào cũng dậy từ tờ mờ sớm để còn lo cơm nước cho cậu Bảy. Rồi dọn dẹp nhà cửa còn lên rừng làm việc trước khi mặt trời lên cao. Đã từ rất lâu rồi bà sống trong sự câm lặng như thế. Hàng ngày bà chỉ tìm thấy sự khuây khỏa trong hàng đống công việc đang đợi chờ mình. Bà rất sợ phải ở nhà, phải bắt gặp ánh mắt thơ ngây và nụ cười ngô nghê hiền hậu của cậu Bảy. Bà thấy mình có lỗi khi sinh cậu Bảy tật nguyền.

Phải! Chỉ có người làm cha, làm mẹ mới thấy được nỗi khổ ẩn sâu trong đôi mắt con mình, day dứt và ám ảnh. Có nhiều đêm bà thức giấc nhìn sang vẫn thấy con đang thức. Bảy nhìn lên trần nhà và nơi khóe mắt thánh thiện ấy chảy ra hai giọt nước mắt hiếm hoi. Giọt nước mắt cũng tật nguyền như cậu vậy.

Bảy là một đứa trẻ không bao giờ lớn. Lúc mới được sinh ra ông bế cậu lọt thỏm trong đôi tay chắc khỏe của mình. Bây giờ ông bà đã già, lưng đã còng, tóc bạc màu mưa nắng mà Bảy cũng vẫn lọt thỏm trong tay cha mẹ. Bảy không đi được, cậu không thể đặt nổi đôi bàn chân teo tóp xuống mặt đất. Đã rất nhiều lần cậu cố gắng nhưng những bước đi chỉ có thể thực hiện trong suy nghĩ của mình.

Cậu như một đứa trẻ con ngoan ngoãn, không cáu bẳn, không kêu gào, cho ăn thì ăn, cho đi tắm thì tắm, đặt xuống giường bảo ngủ là nhắm mắt. Mỗi buổi chiều buồn ông vẫn ngồi nói tha thẩn những chuyện đẩu đâu với cậu. Chuyện thằng Năm, thằng Tú hy sinh không kịp trăn trối lời nào. Chuyện thằng Linh lúc nào cũng ao ước cho mau hết chiến tranh để về nhà lấy vợ đẻ con. Nó bảo nó sẽ đẻ cho đến khi đủ một đội bóng vậy mà mấy ngày sau nó hy sinh.

Rồi chuyện tháng này dịch bệnh gà qué chết nhiều quá, giá phân đạm thì ngày càng tăng cao, cứ cái đà này thì nông dân chết đói… Hàng trăm thứ chuyện trên trời, dưới biển, chuyện vui, chuyện buồn. Thế mà cậu Bảy cũng chỉ nhìn và cười ngô nghê. Nhiều lúc bực quá ông quát:

- Cười chi mà mày cười mãi. Mày sinh ra làm chi cho khổ một đời.

Cậu lại cười ngô nghê. Ông úp mặt xuống hai bàn tay già nua bật khóc. Đôi bàn tay từng xông pha trận mạc không quản hiểm nguy. Đôi bàn tay biến dải đất khô cằn thành trù phú không ngại khó khăn vất vả. Nhưng giờ đây đôi bàn tay ấy trở nên yếu mềm trước nỗi đau số phận.

Chiến tranh! Phải! Chính là chiến tranh đã gieo rắc thứ chất độc màu da cam xuống đất nước này. Thứ chất độc đã ngấm vào cơ thể ông tự lúc nào. Nó đã hủy hoại cả giấc mơ nhỏ bé, bình dị nhất của ông là có một đứa con lành lặn để chăm lo nuôi dạy nó lên người. Cứ tưởng những nỗi đau chiến tranh cũng đã đến lúc ngủ yên không còn làm nhức nhối tim người nữa. Nhưng không ngờ nỗi đau ấy đang hiện hữu trên cơ thể con ông. Cậu Bảy như là một nhân chứng của chiến tranh, của nỗi đau khôn nguôi giày xéo. Ông bà cam lòng hứng chịu nỗi đau ấy và không dám nghĩ đến việc sinh thêm đứa con nào nữa. Họ không dám đánh cược với số phận cuộc đời. Ông luôn có cảm giác ân hận, khi chính đã mang cái tội ác ấy gieo cấy thành một hình hài.

Câm lặng!

* * *

Mấy con gà trong xóm đã đồng loạt gáy sang canh. Hai ông bà ngồi bên nhau ngoài hiên vắng khá lâu. Mải suy nghĩ miên man về cuộc đời mà họ quên mất rằng đêm cũng sắp tàn, những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi trong ngày cũng sắp hết. Tiếng gà gáy lanh lảnh khiến ông bà giật mình trở về hiện tại. Bà Hạnh lại thở dài:

- Nếu sau này…

Bà ấp úng bỏ lửng lời nói, mắt lại nhìn về phía xa xăm bóng tối. Trong nhà tiếng mấy con thạch sùng tặc lưỡi buồn não ruột. Ông quay phía bà gợi chuyện:

- “Nếu sau này…” thì làm sao hả bà?

- Sau này tôi và ông chết đi thì lấy ai chăm sóc thằng Bảy hả ông?

Ông im lặng, mắt nheo lại như cố không để cảm xúc tràn qua khóe mắt. Bà đang nói trúng những trăn trở của ông suốt bao đêm ông không tài nào chợp mắt. Ông sợ… Sợ đến cái ngày ấy. Cái ngày cả ông và bà đều ra đi trước thì lấy ai yêu thương và chăm sóc đứa con tội nghiệp. Hàng ngày ai sẽ bón cho cậu ăn, ai sẽ bế cậu đi tắm và lo việc vệ sinh cho cậu? Sau chiến tranh, người thân thích cả hai bên gia đình đều không còn ai nữa. Bảy bị tật nguyền, người trong nhà chăm lo còn thấy khó khăn làm sao ông yên tâm khi nhờ cậy người ngoài. Mà biết phải nhờ cậy ai bây giờ nữa? Càng nghĩ lòng người cha càng buồn bã. Ông nói bâng quơ:

- Hôm nay là trăng tròn nhất rồi đấy bà nhỉ? Thế là ngày mai lại là chợ phiên, bà có định đi chợ mua gì cải thiện bữa ăn không đấy?

Bà Hạnh im lặng hồi lâu cuối cùng cũng cất tiếng:

- Ông này…

- Sao cơ bà?

- Hay là… Tôi định thế này không biết có được không ông nhỉ?

- Có chuyện gì mà bà cứ ấp úng mãi thế? Bà định nói gì thì cứ thử nói tôi nghe xem.

Bà Hạnh lại buông tiếng thở dài rồi nói nhanh như thể nếu không cất lời bà sẽ chẳng bao giờ dám nói nữa:

- Tôi tính thằng Bảy nhà mình sống cũng là sống khổ, sống cực chứ chẳng sung sướng gì. Khi tôi và ông còn sống thì chúng ta yêu thương, chăm sóc nó. Còn sau này khi tôi và ông sức tàn lực liệt có lẽ chúng ta cũng nên mang nó đi theo ông ạ.

Ông bất thần quay lại nhìn bà, nơi khóe mắt chảy ra hai dòng nước đục ngầu. Ông khóc. Ông lắp bắp hỏi bà:

- Ý bà là…Thôi! Ác lắm.

Trên trời trăng thấp thoáng lúc ẩn, lúc hiện sau dải mây mờ nhạt. Tiếng gà lác đác gáy gần xa nghe như những tiếng cựa mình, trằn trọc của đêm. Trong nhà tiếng cậu Bảy ú ớ như đang gặp cơn ác mộng. Ông vội lau nước mắt, quay lại giục bà:

- Bà vào xem con thế nào kìa. Ngày mai đi chợ phiên bà nhớ mua ít tâm sen cho con ăn, dạo này tôi thấy giấc ngủ nó không được sâu, không được ngon giấc. Mà mùa này tâm sen nhiều lắm, mua nhiều về cả bà cũng ăn vào cho dễ ngủ. Chúng ta còn phải giữ gìn sức khỏe để lo cho thằng Bảy. Cuộc đời này vẫn còn dài lắm bà nó ạ.

Bà Hạnh lật đật đi vào buồng, cậu Bảy thấy tiếng bước chân nên vội vàng nhắm mắt. Bà Hạnh vừa vén lại màn cho con miệng vừa lẩm bẩm: “Khổ thân con tôi, cái của tội của nợ. Mày sinh ra làm gì cho khổ hả con?”. Rồi bà khóc, bà lại lật đật đi ra. Bảy vẫn nhắm nghiền mắt, cậu không cười ngô nghê nữa. Cậu khóc, người tật nguyền như cậu khi khóc không có tay để tự lau nước mắt cho mình. Những ngón tay nhỏ xíu muốn cựa quậy, nhúc nhích nhưng bất lực. Bàn chân cũng nhỏ xíu muốn được xỏ chân vào đôi dép mẹ mua từ thời thơ nhỏ để đi trên mặt đất. Cậu muốn đi ra chỗ bố, muốn chạy lại ôm mẹ nhưng đôi dép rộng quá, mấy mươi năm cậu vẫn chưa đi vừa. Cậu thấy mình đang đi. Không! Bảy đang bay, cậu nhìn mọi người bằng đôi mắt thiên thần và cười ngô nghê nắng.

Truyện ngắn của: VŨ THỊ HUYỀN TRANG

;
.