Những ngư dân mê đờn ca tài tử

Thứ Sáu, 02/08/2024, 21:59 [GMT+7]
In bài này
.

Sau chuỗi ngày đi biển, những ngư dân mê đờn ca tài tử ngồi lại với nhau, ngân nga câu hát...

CLB Đờn ca tài tử thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn ở bãi biển, bờ kè, nhà văn hóa, khu đông dân cư.
CLB Đờn ca tài tử thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn ở bãi biển, bờ kè, nhà văn hóa, khu đông dân cư.

Những người chơi nghiệp dư

Ông Nguyễn Thanh Sơn (69 tuổi),Tổ trưởng Tổ đoàn kết của hơn 20 chiếc xuồng lưới cá trích ở khu phố Hải Vân, Hải Hà (TT.Long Hải, huyện Long Điền) kể, ông đã được thưởng thức những “giọng ca vàng” ca cổ, đờn ca tài tử ngay những ngày đầu làm ngư dân khi mới mười mấy tuổi.

"Đi biển những lúc rảnh, buồn không biết làm gì, vài người sẽ hát, có tân nhạc, có ca cổ, có bolero hoặc dân ca. Nhưng mọi người chuộng nhất vẫn là ca cổ cải lương. Trong tổ đoàn kết có giọng ca của Bảy Ót mùi lắm, lại biết đàn cổ”, ông Sơn kể.

Bảy Ót trong lời kể của ông Sơn tên đầy đủ là Trương Văn Ót (SN 1968), ngụ tại khu phố Hải Hà 1, TT.Long Hải, thích ca hát từ nhỏ. Mê cải lương nên từ năm 13 tuổi, ông Bảy đã đi học đàn cổ, sau đó bắt đầu nghiệp cầm đàn đánh cho người nhà, hàng xóm, bạn ghe hát, đờn ca tài tử, hoặc bản thân vừa đàn vừa hát suốt gần 40 năm qua.

“Tôi từng là trưởng nhóm đờn ca tài tử ở Nhà văn hóa thị trấn năm 18 tuổi. Đến năm 22 tuổi đi biển thì không còn đàn thường xuyên nữa, nhưng những thăng trầm trong cuộc đời tôi đều gắn với đờn ca tài tử”, ông Bảy Ót kể. Những lúc vui bạn ghe tụ tập ca hát không tính, nhiều lúc buồn, làm ăn thất bát, ông ôm đàn tỉ tê, rồi vượt qua.

Có người mộ tài, tìm đến bái sư, ông vui vẻ chỉ hết mọi ngón nghề. Ngày học trò thành tài, mua tặng ông 2 cây đàn cổ, ông Bảy vui lắm, ôm đàn hát suốt. Con trai thấy cha mê đàn cổ, lập tài khoản Youtube, Tiktok để cha và mẹ lên livestream, đờn ca tài tử giao lưu với những người cùng sở thích khắp cả nước. Hiện các tài khoản “Đờn ca tài tử Long Hải”, hay “Trần Bảy Văn Ót” (tên vợ, chồng ông Bảy) đã có được gần ngàn người theo dõi.

Ở các địa phương có biển trong tỉnh, việc ngư dân mê đờn ca tài tử, không chỉ hát vui ở nhà mà tham gia các CLB, đội, nhóm chuyên nghiệp, đi giao lưu, thi thố khắp nơi khá phổ biến. Như chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền ở khu phố Hải Lộc (TT.Long Hải), ba mẹ đều xuất thân là văn công, từ nhỏ đã lớn lên trong lời ca, tiếng hát nên mê ca hát từ nhỏ.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình không theo con đường chuyên nghiệp được, nhưng từ nhỏ đến lúc lấy chồng làm nghề biển, bận bịu mưu sinh, chị Tuyền vẫn không quên trau dồi kỹ năng thanh nhạc. Cứ có thời gian rảnh là chị luyện hát, chồng con nghe rất thích và ủng hộ chị tham gia CLB đờn ca tài tử của thị trấn, thường xuyên diễn hát ở địa phương và giao lưu, học hỏi, thi thố với các nghệ danh trong nghề. Năm ngoái, Hội thi tiếng hát ca cổ huyện Long Điền, chị giành giải Nhì.

Một buổi tập họp đờn ca tài tử của ngư dân Long Hải (huyện Long Điền) tại nhà ông Bảy Ót.
Một buổi tập họp đờn ca tài tử của ngư dân Long Hải (huyện Long Điền) tại nhà ông Bảy Ót.

Món ăn tinh thần không thể thiếu

Nghệ nhân Trần Hoàng Hưng (SN 1957, ngụ ở KP.Phước Trung, TT.Phước Hải, huyện Đất Đỏ), Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử TT.Phước Hải, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử huyện Đất Đỏ và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, phong trào đờn ca tài tử đã có nhiều năm. Bản thân ông là Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử TT.Phước Hải từ những ngày đầu mới thành lập đến nay đã 21 năm. Do đặc thù địa phương có biển nên ngư dân tham gia CLB khá nhiều. “Thành viên CLB dù không trực tiếp đi biển thì cũng làm những nghề có liên quan đến biển như dịch vụ hậu cần, mua bán hải sản, ngư lưới cụ”, ông Hưng nói.

Những năm gần đây, đời sống tinh thần, thưởng thức văn hóa của người dân được nâng cao nên việc chiêu mộ thành viên của ông Hưng càng thuận lợi hơn. CLB thường xuyên tổ chức đêm nhạc đờn ca tài tử ở khu vực đông dân như: bờ kè, bãi trống trước chợ Phước Hải, nhà văn hóa và tham gia hàng trăm cuộc thi lớn nhỏ từ cấp xã, huyện, tỉnh đến quốc gia, đạt nhiều giải thưởng cao nên được nhiều người với đủ các lứa tuổi biết đến xin tham gia CLB.

Ông Nguyễn Văn Hoang, ngư dân ở KP.Phước Trung (TT.Phước Hải) cho biết, ông tham gia CLB Đờn ca tài tử thị trấn đã được 5 năm, được “chiêu dụ” từ người bạn đi biển chung với ông. Lúc đầu, chỉ là anh em cùng hát hò trên ghe những lúc rảnh. Sau thấy ông hát hay, bạn giới thiệu ông vào CLB. Những lúc nghỉ trăng hoặc biển động, ở nhà dài ngày, ông tham gia sinh hoạt trong CLB.

Mặc dù trong CLB có nhiều người hát hay, chuyên nghiệp hơn nhưng ông Hoang vẫn không ngại phô diễn giọng hát của mình, thỉnh thoảng lúc cần có thể tham gia các buổi biểu diễn ở địa phương. Bởi đối với ngư dân như ông, ca cổ hay đờn ca tài tử đã là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống, công việc hàng ngày.

Bài, ảnh: NGỌC MINH

 
;
.