Những chuyến xe từ thị xã biển ngày ấy

Thứ Sáu, 30/08/2024, 17:57 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày nay hành khách đi trên những chiếc xe sang trọng Mercedes Benz, Ford Transit,… chắc ít ai tưởng tượng ra cảnh đi xe than “gây thương nhớ” hồi thập niên 80 của thế kỷ XX.

Thời đó, không rõ sáng kiến của ai, trong hoàn cảnh xăng dầu thiếu thốn, một số xe tải nhẹ được biến cải thành xe khách nhỏ hoặc tự bản thân xe khách nhỏ thay vì vận hành bằng máy nổ chạy xăng dầu như trước thì được gắn thêm một cái thùng sắt tròn tròn giống bình ga cỡ bự ở đằng sau xe để đốt than chạy máy. Nhìn chiếc xe có vẻ “dị dạng”… như con bò có cái gù lớn.

Tôi nhớ hoài mấy cái xe dạng này bởi khi đó là học viên trường sĩ quan bên Vạn Kiếp, Bà Rịa - Vũng Tàu, thứ Bảy tranh thủ thời gian ngắn ngủi cuối tuần, tụi tôi hay lấy phép về thăm nhà và chiều tối Chủ nhật quay lại trường cũng bằng loại xe này. Cái đó cũng có thể coi là niềm vui nho nhỏ, ghi dấu, tạo nên kỹ niệm đẹp cho các học viên trong mấy tháng huấn luyện ở đây.

Xe chạy than. Ảnh: Tư liệu
Xe chạy than. Ảnh: Tư liệu

Ra khỏi trường là cuốc bộ hai, ba cây số ra Bà Rịa, lúc đó là thị xã, chờ xe đến bến là tranh thủ dọt lên kiếm cho mình một chỗ ngồi. Gọi là bến xe thị xã nhưng thực ra chỉ là khoảnh đất trống nhỏ, đủ chỗ đậu ngót nghét chục chiếc xe chở khách nhiều loại. Trong bến đặt ba, bốn cái bàn thấp dưới mái lá đơn giản dùng làm nơi để lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Thường tụi tôi phải đến sớm để canh giờ xe chạy, bởi ra trễ thì đành buồn hiu trong doanh trại hai ngày cuối tuần. Bận lên lại càng không thể muộn nếu không muốn bị bêu tên ở buổi chào cờ đầu tuần cùng với việc xách ghế lên nhà đại đội mang theo mấy tờ giấy ngồi viết kiểm điểm.

Thực ra, chuyện kiếm chổ ngồi trên chuyến xe Bà Rịa - TP. Hồ Chí Minh không quá khó nếu tụi tôi xùy tiền ra trả cho nhà xe như những hành khách khác. Thế nhưng, theo thói quen hình thành từ nhiều khóa của trường, mấy chú bộ đội nhà ta phần lớn áp dụng chiêu: Thưa bác, thưa anh giúp chúng tôi/chúng em chuyến về nhà có việc. (Thiếu điều, công ơn này tụi con, tụi em xin ghi nhớ đời đời ạ!). Không những chủ xe, các anh lơ xe lúc đầu cũng du di, vui vẻ cho các chú lính quá giang về Sài Gòn, không lấy tiền xe. Tuy nhiên, số khách về tranh thủ theo dạng này ngày càng nhiều, nhà xe có phần bớt vui vì thất thu. Vậy là bên phía nhà xe phát huy sáng kiến, thỏa thuận với nhau vẫn giúp đỡ các anh lính ở cả hai chiều, về nhà và đi từ nhà lên trường với điều kiện mấy anh chịu khó chịu nóng ngồi sát cái bình đốt than, thông than của xe. Lương, phụ cấp tiêu vặt của học viên trường sĩ quan nói chung không dư dả gì. Thôi thì chịu khó chút, đỡ được đồng nào hay đồng dó. Chịu nóng chút xíu, khoảng hơn tiếng nhằm nhò gì với lính!

Trong tôi vẫn còn như in hình ảnh mỗi lần chiếc xe rùng mình hì hục lên dốc, anh lơ xe chạy bộ, cầm thanh sắt gõ gõ vô thùng than cho rơi bớt tro tàn, tăng hiệu suất đốt than. Những hành khách thanh niên cùng ra tay đẩy trợ lực cho xe lên dốc… Ngẫm lại, nhờ những lần “lao động” chung, cả hai phía mướt mồ hôi như vậy, tất cả trở nên thân thuộc như anh em trong nhà.

Một thời gian dài, chính quyền, ban lãnh dạo, ban giám đốc, công đoàn các nơi, các cấp phát động rộng khắp phong trào “sáng kiến cải tiến kỹ thuật” trong cán bộ, công nhân viên. Đến giờ, tôi chưa có thông tin chủ sáng kiến xe than khá độc đáo này có từng được khen thưởng gì chưa nhưng tôi đã từng có ý tưởng: Giờ mà có ai đứng ra tổ chức sưu tầm hay chế tác, mô phỏng, phục chế lại những chiếc xe này thì hay biết mấy! Công ty du lịch nào đó sẽ có cơ hội khai thác “tiềm năng to lớn” này, chẳng những thu hút khách trong nước mà còn với khách nước ngoài.

Những hành khách bất đắc dĩ của loại hình xe than ngày xưa, như chúng tôi, cũng khó nghĩ là có ngày mình được vi vu trên xe sang, đi trên các tuyến đường cao tốc đã và đang mạnh mẽ hình thành, kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh chung quanh.

NGUYỄN HOÀNG

;
.