Căn nhà nhỏ lợp tranh của vợ chồng ông Nịnh trông như tổ chim chích, nằm chênh chếch trên một đồi cao chỉ toàn là đất sét với đá ong, cạnh nhà thằng Nguyệt, bạn học trường làng với tôi, ở phía nam khu rừng Phú Quý, còn gọi là rừng Nổng thuộc xã Kỳ Sanh. Bấy giờ nhà tôi lại ở đầu bên kia thuộc ấp Nam Mú, lệch về phía Bắc của khu rừng này. Tôi đi học, phải băng ngang con đường mòn khoảng vài cây số qua ngõ nhà ông Nịnh rồi mới rẽ xuống trường tiểu học.
Minh họa: MINH SƠN |
Nhà tôi ở sát rừng Nổng, chỉ cách vài chân ruộng, qua một con mương đào được bắc bởi một cây gỗ tròn mỏng manh và một cây sào nhỏ phía trên làm tay vịn để qua cầu. Mùa nước lớn chảy xiết, mấp mé bờ mương, tôi rất sợ, nên mỗi lần đi học mẹ phải dẫn qua cầu. Hành trình băng rừng đến trường tuy vắng vẻ nhưng tôi cố bấm bụng một mình lầm lũi đi… Người mà tôi hay gặp dọc đường là ông Nịnh. Ông thường mặc chiếc áo bà ba đen, cái quần cộc, vác trên vai cái rìu bổ củi, chân mang dôi dép cao su mòn vẹt như một tiều phu mà tôi đã đọc trong truyện cổ tích. Tôi hay chào ông trước. Ông cười và bao giờ cũng hỏi câu đầu môi: Dinh, đi học hả cháu?
Mỗi lần, khi đi học hay trở về gặp được ông là tôi mừng. Vì đang lúc cô độc giữa rừng mà thấy có người quen thì yên tâm hơn, bớt đi nỗi sợ mông lung trong thinh vắng. Đến nỗi, đang lủi thủi đi, bỗng một cành cây khô rụng xuống, thậm chí chiếc lá rơi bất chợt cũng khiến tôi giật mình.
Mẹ tôi nói, tôi tuổi Mùi - con dê, mệnh sa trung kim, bản tính nhút nhát, ngày thì sợ người dọa nạt, đêm thì sợ ma. Những lúc như thế tôi thường nghĩ đến ông Nịnh đang quẩn quanh đâu đây và có cảm giác mình được bảo vệ. Ông là người gác rừng và luôn che chở cho tôi. Những ngày mưa bão, mẹ thường gửi tôi ở lại nhà ông Nịnh để đi học cho thuận tiện hơn. Khi nào nước rút mẹ mới nhờ ông ấy dẫn tôi về nhà. Ông bà Nịnh không có con cháu nên rất quý tôi. Bữa cơm nào ông bà cũng lựa khoai đơm đầy chén mình, dành phần cơm nóng không độn cho tôi. Dù chỉ với chút cá đồng kho nghệ nhưng bữa cơm nào ở nhà ông Nịnh tôi cũng ăn ngon hơn so với những bữa cơm nhà mình.
Hai vợ chồng ông sống cô độc và hết sức đạm bạc giữa khu đồi trơ trọi với chỉ hai nóc nhà tranh vách đất, một của ông Nịnh và một của gia đình thằng Nguyệt. Chung quanh đồi ít cây cối, chỉ có những bụi móc, bụi mua mọc đầy gò. Ông Nịnh thì sớm hôm lo canh gác khu rừng trong thôn, bà Nịnh đi làm thuê, từ cấy hái, làm cỏ, trồng khoai. Ông bà Nịnh trông tuổi tác lớn hơn cha mẹ tôi nhưng không có đứa con nào. Còn nhà thằng Nguyệt bên cạnh, cha mẹ làm nghề đốt than tít trên núi cao, cứ vài ba hôm mới gánh than về chợ bán; ông bà ở nhà vài hôm rồi lại quay lên núi. Những hôm đi học buổi chiều về muộn, tôi với thằng Nguyệt lang thang trên gò hái sim, hái móc, có lúc nó kéo tôi lại chỉ lên mấy cột khói trắng bay lên từ núi cao:
- Đấy, cha mẹ tao đang ở chỗ cột khói đó!
- Ồ xa nhỉ. Mầy đã lên đến đó chưa?
- Chưa đâu. Cha tao bảo đi cả ngày đường lận.
- Chắc ở đó có nhiều cọp nhỉ?
- Cha tao nói cọp sợ lửa lắm. Nó không dám đến gần chỗ hầm than của cha tao đâu.
- Vậy có khi nào cọp xuống núi rồi về đến rừng mình không?
- Không có đâu! Ông Nịnh gác rừng chỉ kể với cha tao là lũ heo rừng hay kéo về đông lắm; nó ủi mấy vườn khoai xiêm bên xóm Phú Quý trốc gốc la liệt.
Hôm ấy, một ngày cuối Thu, tôi đi học về muộn vì mải chơi đá bóng với bạn cùng lớp xóm dưới. Khi trận cầu kết thúc thì mặt trời đã chạm đến chân núi. Phần vì sợ mẹ la rầy phần vì đường rừng âm u với nhiều tiếng kêu đầy ma quái dội lại mỗi khi hoàng hôn buông xuống khiến tôi chùn bước. Tôi nghĩ mình phải ghé lại nhà ông Nịnh để nhờ ông dẫn về. Từ xa nhìn thấy khói lam chiều bao phủ mái tranh trên đồi, tôi biết giờ này ông bà Nịnh đang ở nhà, chuẩn bị cho bữa cơm tối. Thấy tôi bước vào cửa, bà Nịnh ngồi trong bếp ngạc nhiên: Sao cháu bây giờ mới về? Chết rồi, ông mày đang đi họp dưới xã. Thôi, cứ ngồi chơi tí nữa, ông xong việc sẽ đưa cháu về nhà kẻo mẹ trông.
Tôi ngồi đợi một lát thì ông Nịnh về. Thấy tôi, ông trợn mắt: Cháu lại chơi với bạn quên đường về chứ gì? Thôi ở lại đây đến mai đi học tiếp nhé… Tôi năn nỉ xin ông đưa về. Hai ông cháu vội vàng băng rừng. Giờ này đủ thứ chim chóc tìm về nơi trú ngụ, chúng kêu inh ỏi một góc rừng. Trên những cây cầy lớn, cây trâm cổ thụ những bầy chim khứu đang chuyện trò líu lo, tràn ngập trên tàn cây cao. Đi tới chỗ gốc cây cầy, bỗng ông Nịnh bảo tôi dừng lại, dường như ông đang lắng nghe tiếng động lạ. Ông hạ cái rựa trên vai xuống cầm tay và bảo tôi đứng yên đó, ông băng qua đám bụi rậm cố tìm con vật gì gây ra tiếng động khiến ông chú ý. Tôi đứng một mình chờ ông mà cũng hơi run. Một chặp ông quay lại chỗ tôi và lầm bầm con heo rừng con chạy lạc, chắc hồi chiều bị săn đuổi quá nên chạy lạc bầy. Nó kêu ụt… ụt cháu không nghe à ?
- Sao ông không đuổi bắt nó về nuôi?
- Trông vậy chứ nó lanh lắm, dí không kịp đâu. Nhưng thôi để nó ở rừng mình cho dui; nhỏ xíu bắt làm gì. Để nó đi tìm mẹ; chắc giờ này mẹ nó cũng đang tìm con lạc bầy. Ôi, muộn quá rồi, ông cháu mình đi nhanh lên chứ mẹ con cũng đang ngóng dài cổ ra đấy! Ông Nịnh giục và nắm tay tôi dắt đi.
Quả vậy, về đến nhà thì mẹ tôi đang ra đứng chờ ở đầu ngõ. Thấy ông Nịnh dắt tay tôi, mẹ vừa mừng vừa giận.
- Con lại chơi quên trưa quên tối, còn hành ông đưa về thế này thì đáng tội không?.
- Thôi, có gì đâu. Đưa cháu về tôi sẵn dịp đi thăm rừng luôn thể. Chuẩn bị cho mùa đốn củi rồi nên mấy đứa thanh niên xóm dưới hay lợi dụng đêm tối đi chặt trộm cây để làm nhà.
Ông Nịnh nói vậy rồi vội vàng chào mẹ tôi và quay lại khu rừng Nổng lúc trời đã chạng vạng, vài con dơi ăn đêm đã đảo quanh lùm chuối sau nhà. Tôi thả sách vở trên bàn rồi đi rửa tay chân.
Mẹ nói, mùa này heo rừng về nhiều lắm, chúng đi cả bầy, đêm đêm phá khoai của dân khiến họ bực tức nhưng chưa biết làm sao đuổi chúng đi.
Ngày hôm sau, đến giờ đi học nhưng tôi cứ chần chừ...
- Con lại sợ gặp heo rừng chứ gì? Dạ…
Tôi lý nhí trong miệng vì ngại ngùng khi bảo mẹ đưa đi học, nhỡ mấy đứa bạn biết được nó trêu chọc “lớn đầu rồi mà còn níu mẹ”. Gác lại công việc, mẹ đưa tôi băng qua khu rừng khi trời đứng bóng. Nắng không xuyên qua được những tàn cây rậm rạp, rừng giữa trưa yên tĩnh lạ thường. Con đường mòn mát rượi, thi thoảng những chiếc lá vàng bay vèo trong gió ngàn cuốn theo chân hai mẹ con. Mẹ bảo tôi, chiều cứ ghé nhà ông Nịnh chơi, đợi mẹ qua dẫn về. Tôi không chịu và hứa với mẹ là tan học sẽ về ngay không chơi đá bóng nữa.
Đang nghĩ đến ông Nịnh, tôi hỏi:
- Ông Nịnh gác rừng cho thôn người ta có trả tiền công không mẹ? À, không!
Người ta quy định, sau ba năm, chính quyền cho dân đốn củi một lần và chỉ được chặt những cây nhỏ bằng bắp tay trở lại còn những cây lớn vẫn để nguyên. Những gia đình có khai thác củi từ rừng này thì đóng một số tiền nhất định. Tổng số tiền thu được trong đợt bán củi họ sẽ chia cho người gác rừng một phần ba. Ngoài ra, ông Nịnh được quyền khai thác các loại cây chết khô, gãy đổ từ rừng. Nhưng không được lạm dụng xâm hại đến lâm đặc sản của rừng.
Câu chuyện đang dở dang thì hai mẹ con đã bước đến cửa nhà ông Nịnh. Tôi bảo mẹ về, còn mình thẳng bước đến trường. Mẹ tôi dường như không về ngay mà ghé vào nhà ông Nịnh chơi.
Chẳng hiểu câu chuyện về rừng của tôi có đến tai ông Nịnh không… Nhưng một hôm nhằm vào ngày nghỉ học, chiều đó ông Nịnh đi thăm rừng rồi ghé vào nhà tôi. Từ đầu ngõ, tôi phát hiện ông xách một cái giỏ như cái lồng chim đi vào. Tôi chạy ra lễ phép: “Cháu chào ông chào ông”.
- Cháu biết con gì trong lồng đây không? Thưởng cho cháu đấy vì cái sáng kiến bảo vệ động vật rừng của cháu. Ông vừa nói rồi đưa cái lồng cho tôi cầm. Ôi, con sóc con, trông dễ thương quá. Nó nhảy nhót quanh chiếc lồng tre, mắt láo liêng như đang tìm đường thoát ra ngoài.
- Ông làm sao bắt được nó vậy?
- Dễ ợt! Nhử nó như nhử chuột thôi cháu ạ.
- Cháu thích nuôi sóc nhưng không biết nó có sống được không, ông nhỉ?
- Cháu cứ chơi với nó ít ngày, nhớ cho nó ăn trái cây đều đều. Khi nào cháu thấy nó buồn không thích chơi nữa thì thả nó về rừng.
- Cháu thì thích chơi với nó. Nhưng làm sao cháu biết nó buồn hay vui?
- Ngày nào cháu thấy nó biếng ăn thì là nó buồn đó.
- Vậy thì cháu sẽ làm theo lời ông. Tôi hứa với ông Nịnh.
Nhớ lại chuyện săn bắt thú rừng, tôi hỏi ông Nịnh: Như thế thì từ nay ông sẽ không cho người ta đi săn bắn trái phép trong rừng của mình phải không?
- Ừ, ý của cháu, ông đã đề xuất với chính quyền xã rồi. Họ hứa là sẽ xem xét và trả lời cho ông bằng văn bản...
Tôi cảm thấy vui, không những ý của mình được người lớn quan tâm mà nếu rừng được giữ gìn thì chim thú sẽ càng nhiều hơn. Tôi nghĩ, mình chỉ chơi với sóc con mấy ngày thôi, rồi cũng thả nó về rừng vì nhà của nó là rừng mà.
* * *
Tôi nhớ không chính xác lắm, nhưng có lẽ cả thời tuổi thơ mình đã gắn bó với khu rừng Nổng. Những ký ức xanh tươi nhất, đẹp đẽ nhất trong tôi còn lại đến bây giờ là những chuyện chung quanh với khu rừng bên làng quê Nam Mú. Từ những buổi hái sim, chặt củi đến những ngày chăn bò, bắt chim, đuổi bướm… đều gắn bó với khu rừng mà mình yêu quý. Khu rừng thân thiết ấy và người giữ rừng - ông Nịnh đáng yêu năm nào nay đã không còn nữa.
Tôi trở về quê sau bao năm xa cách, cảnh cũ người xưa giờ đổi thay nhiều. Rừng Nổng giờ là bãi đồi hoang, người ta trồng lưa thưa những cây bạch đàn như những cây tăm nhang trên nấm mộ khổng lồ. Và con sóc con ngày nào tôi thả về rừng, nó đã về đâu rồi? Rừng xưa với cây cao bóng cả, chim thú từng bầy chọn làm nơi trú ngụ, nơi tôi từng tự hào mình có một miền quê yên ả, nay đã như một giấc mơ.
Người gác rừng năm ấy cũng đã là người thiên cổ. Mộ ông giờ cũng hoang lạnh, chơ vơ trên đồi. Rừng Nổng đã theo ông về với thế giới người hiền. Bây giờ tôi cũng là người lạc lõng, cô đơn trong một làng quê… hiện đại.
Truyện ngắn của BÙI QUANG VINH