Bé đi mẫu giáo

Thứ Sáu, 02/08/2024, 21:49 [GMT+7]
In bài này
.

Ngoài ba mươi, Nhi vẫn thuộc dạng độc thân vui tính. Ba lăm tuổi, bà chị cả gọi Nhi đến nhà, thẳng đuột: “Thôi, không có chồng cũng phải có đứa con”. Thế là, ba bảy tuổi, Nhi có Bi. Khi Bi vừa sinh ra, bạn thân của mẹ Bi, hiệu trưởng trường mầm non Sao Mai, gọi điện chúc mừng một cách rất thực tế: “Tao không nuôi được thì ít nhất nó cũng được học ở nhà trẻ công tới năm sáu tuổi. Yên tâm!”.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Bi được hơn một tuổi. Nhi tính tới việc phải gửi con đi làm lại. Đâu có thể ở nhà ôm con nghỉ không lương mãi được. Nhi chở Bi tới trường bạn “ăn vạ”.

- Non quá, quậy quá! Cố lên vài tháng nữa vừa là đầu năm học mới cũng là để Bi cứng cáp hơn.

Nhi đành mang Bi đi gửi thử trường tư gần nhà. Trường tư giữ cả ngày thứ Bảy các cô cũng chăm và quý Bi. Học phí là hai triệu, linh tinh, quà cáp, lặt vặt tặng cô, thêm tiền bỉm, tiền sữa, quần áo, đồ chơi, thuốc men một mớ nữa, tốn phết.

Bi được hai mươi tháng, cô bạn nhắn tin: “Có cho đi học hè thì mai ra trường nha! Học hè là sao? Là học sinh được nghỉ hè nhưng bố mẹ chúng nó đi làm không ai trông nên trường tổ chức dạy hè vừa đáp ứng nhu cầu của phụ huynh vừa tăng thu nhập cho các cô. Hiểu không, ngốc!? Hiểu, một hình thức dạy thêm chứ gì!”

Bi đi học được vài ngày. Các cô nể bạn mẹ nên Bi rất được chăm chiều. Điều kiện ở trường công cũng hơn trường tư, từ trình độ các cô cho đến đồ chơi và chế độ ăn uống… Nhi yên tâm đi làm lại.

Mọi chuyện tạm ổn được một tháng. Cô bạn mang sữa đến thăm Bi kèm thông báo sắp có quyết định chuyển trường. Ác là trường đó đã xa lại ngược đường Nhi đi làm tới mấy cây số.

Nhi bắt đầu vất cái chắc chắn là Bi sẽ đến học ở trường Sao Mai để đi tìm hiểu kinh nghiệm của những cô những chị có con nhỏ khác. Ai mà chẳng từng kinh qua chuyện “Bé lên ba, bé đi mẫu giáo. Đi mẫu giáo mà bé không có trường, không có trường mẹ phải dậy từ sớm, chen vào đăng ký nếu mà may mới có trường”.

- Không có tiền học trường quốc tế thì phải chạy cho nó vào trường công!

Đó là câu trả lời dứt khoát của chị bạn có hai con nhỏ. Một vừa rời trường, một bằng tuổi Bi. Chạy không phải là thế mạnh của Nhi. Vốn dĩ từ nhỏ môn điểm thấp nhất của Nhi là thể dục. “Không biết thì hỏi, không giỏi thì học”. Câu nói này Nhi hay dùng khi cho ai lời khuyên, bây giờ Nhi đem áp dụng cho bản thân. Nhi tập chạy.

Hộ khẩu của Bi về mầm non 1/6 là đúng tuyến! Nhưng ngược đường đi làm. Thường thì đúng tuyến phải gần nhà nhưng đây lại là kiểu “gần nhà xa ngõ” đi vòng có khi phải ba cây. Các trường khác như Hoa Sen, Sơn Ca, Tuổi Thơ Xanh thì trái tuyến lại không quen. Chả biết chạy kiểu gì nhưng Nhi vẫn phải cố.

Nhật ký “chạy trường” cho con được đọc cho mấy cô bạn khá thường xuyên: “Trường Hoa Sen chẳng hy vọng gì. Hiệu trưởng thấy có vẻ nguyên tắc lắm! Trường Tuổi Thơ Xanh có vẻ dễ hơn…”

Còn mấy ngày nữa là đến kỳ tuyển sinh. Sốt ruột, Nhi lại phải gọi cho bạn.

Tính thì chắc bạn cũng tính nhưng mà bạn cũng đang rối vì công việc ở trường mới, lớp mới nên kinh nghiệm là cứ phải việc mình mình lo thôi. Sáng sớm ngày hai mươi, Nhi chạy ra trường mầm non 1-6 xếp hàng xin đơn. Dự tính của Nhi là sẽ nộp đơn đủ cả bốn trường, cộng với trường của nhỏ bạn là năm. Không trúng trường này cũng trúng trường kia. Hy vọng tràn trề, Nhi về ngồi viết đơn, đi photo giấy khai sinh, hộ khẩu… mất đúng buổi sáng. Trường mầm non 1-6 đầu tiên. Đúng tuyến, nhận hồ sơ. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp nộp hồ sơ Nhi gặp đều thuộc dạng ưu tiên. Có rất nhiều dạng ưu tiên, cô hiệu phó kể tới mười lăm phút vẫn không hết nhưng cuối cùng Nhi cũng nghe được thông tin cần nhất đó là: Bi cũng thuộc dạng ưu tiên, ưu tiên con cán bộ công nhân viên chức. Lật đật chạy về nhà xin chữ ký của sếp, đóng dấu xác nhận của cơ quan. Cô nhận hồ sơ, ngồi bàn tuyển sinh liếc mắt qua, thủng thẳng: Phải là quyết định tuyển dụng hoặc bảng lương tháng gần nhất. Giấy xác nhận và hợp đồng lao động quen thân là có thể ghi, ký cho nhau được. Cũng đúng. Lại long tong đi về cơ quan photo bảng lương, tới trưa mới xong. Xong một phần năm công việc.

Tới trường Tuổi Thơ Xanh. Cô giáo ngồi bàn tuyển sinh giận dữ: “Chị không đọc thông báo à? Đây là phường 6 mà. Dạ có nhưng cô cứ cho em nộp hồ sơ vào. Không, chị ơi! Phường 6 làm sao mà tuyển sinh phường 7 được ạ”. Gọi cho hiệu trưởng thì máy ò í e, cũng đúng thôi, đang trong thời điểm bận rộn này ai người ta tiếp mình được. Thôi về trường Anh Đào phường 7 xem sao. Đông. Một bà sồn sồn đang gắng vừa tranh cãi vừa la lối cô tuyển sinh: “Nhà tôi ở khu phố 4, cách trường có một con đường... sao lại lấy 5 lấy 3 lấy 7, 8 mà bỏ 4...” Thôi xong, Nhi cũng ở khu phố 4. Đành về đã, tính sau.

Bi đang sốt. Buổi tuyển sinh cuối cùng. Tranh thủ lúc Bi ngủ. Nhi quay lại trường mầm non Hoa Sen. Trường đã bớt người. Cô giáo ngồi bàn tuyển sinh đọc hộ khẩu thường trú trên đơn, phán ngay: “Khu phố 4 năm nay không nhận đơn...” Năn nỉ ỉ ôi, cô giáo bàn bên nhẹ giọng: “Tôi dạy ở trường này hơn chục năm rồi mà mấy đứa cháu tôi chưa đứa nào được học ở đây hết. Tôi cũng ở khu phố 4. Khốn khổ thế”. Nhi cứ đứng tần ngần mãi với bộ hồ sơ trên tay. May, cô hiệu trưởng có khuôn mặt ngăm ngăm nhang nhác như Bao Công đi xuống. Nhi lấy hết can đảm, chạy tới:

- Cô ơi, hoàn cảnh em khó khăn, mẹ già con dại chỉ có Hoa Sen gần nhà, cô giúp em với!

- Tiếc quá, năm nay không tuyển khu phố 4 bạn ạ. Mà bạn thấy đấy có đến gần năm trăm hồ sơ mà chỉ có một trăm năm mươi chỉ tiêu thôi. Tôi có nhận cũng không chắc trúng mà những nhà đúng tuyến người ta kiện tôi chết.

Hết hy vọng. Cái mặt Nhi dài ra. Suýt khóc. Cô hiệu trưởng thấy thế thương hại. Cô cầm bộ hồ sơ, lật qua rồi đi tới bàn tiếp nhận: “Phụ huynh tha thiết quá nên cô cứ nhận nhé. Ghi vào đấy trái tuyến cho tôi”. Thôi, cũng coi như may!

Thông báo trên giấy biên nhận hồ sơ ghi một tuần sau sẽ có kết quả. Thuyết tương đối của Anhxtanh luôn đúng trong mọi trường hợp. Khi ta chờ đợi thì mười phút thành cả tiếng. Một tiếng thành cả tuần và một tuần dài hơn một năm. Mấy ngày sau, cô bạn nhắn mang hồ sơ lên cô nộp vào đợt chót, chưa kịp nộp thì ông ngoại Bi đi họp đảng ủy về bảo. Các cô trên phường bảo Bi trúng vào mầm non 1/6 rồi. Nhân tiện nhà có khách, ông bà ngoại mở tiệc ăn mừng. Bi vẫn còn đang sốt. Kệ, con nít con nôi, ốm đau là chuyện vặt. Được vào học ở trường công mới là chuyện lớn.

Chiều tối ngày 28. Nhi hoang mang và hồi hộp ra trường mầm non 1/6. Thực ra trong giấy mời ghi ngày 29 mới có kết quả nhưng Nhi đoán sáng mai phụ huynh tới xem thì chiều chắc người ta đã phải dán danh sách rồi.  Đúng như dự đoán, bác bảo vệ vừa chỉnh sửa lại bảng thông báo trên có dán mấy tờ A3 kín chữ vừa tò mò nhìn Nhi. Mặc kệ, Nhi lần mò danh sách. Đọc đi đọc lại: Không có tên Bi. Xem kỹ trong danh sách trúng tuyển thấy có 56 trường hợp ưu tiên có nghĩa là có tới mười chín trường hợp không ưu tiên vẫn được nhận. Điên quá! Nhi nhảy ba bậc cầu thang, lên thẳng phòng giám hiệu rồi mới nhớ ra đã gần 6h tối, làm gì có ai mà kiện cáo chứ. Cả đêm hôm đó mất ngủ. Gần sáng Nhi quyết định phải lên trường hỏi cho rõ nguyên nhân.

8h sáng, lại gọi điện xin nghỉ ở cơ quan. Cũng may cơ quan Nhi không đến nỗi khắt khe giờ giấc. Bi cũng đã bớt sốt. Hai mẹ con dắt díu nhau lên trường. Không có đông phụ huynh. Chắc là biết kết quả từ trước rồi chứ gì?! Vác bộ mặt in dấu “gây sự” Nhi đi thẳng lên lầu, gặp ngay cô hiệu phó quen mặt.

- Thưa cô! Tại sao…?

- Ơ, trường hợp của bé Bùi Minh Huy hả, chúc mừng nha! Cô hiệu trưởng trường Hoa Sen nói.

- Thấy mẹ cháu tha thiết vào trường, hoàn cảnh lại khó khăn nên dù trái tuyến cũng ưu tiên nhận cháu rồi. Sao không tới trường lấy thông báo nhập học?

Nhi ớ người, lắp bắp:

- Có… có thật không cô? Ô, thế mẹ bé không biết sao”. Bên đó có kết quả từ hôm qua rồi cơ mà.

- Dạ, cô ơi, tại… em cứ nghĩ không vào được nên em có đi sang xem kết quả đâu ạ. Nhưng có chắc không cô? Cô có nhầm bé Huy với bé Huy nào không ạ?

- Làm sao mà nhầm được em. Trên phường nói trường hợp này đã có tên trong danh sách trúng tuyển của trường Hoa Sen rồi thì phải gạch tên ở 1/6 đi. Trường hợp duy nhất nên tôi nhớ rõ lắm. Không tin cứ chạy lại Hoa Sen, hay nếu em muốn quay lại đây. Chúng tôi sẽ nhận cháu vào đợt II.

- Dạ, không, dạ cảm ơn cô!

Trường Hoa Sen. Trưa. Nắng và vắng. Đọc đi đọc lại tên Bi trong danh sách. Nhi ứa nước mắt: “Ôi, con trai, con trai bé nhỏ của mẹ. Mẹ không dám mong đường đời con sẽ trải toàn hoa hồng nhưng cầu cho con luôn gặp may mắn thuận lợi trong tất cả mọi sự như những bước đầu tiên này. Cả chặng đường dài trước mắt đang chờ con. Tân sinh viên trường mầm non!”.

Truyện ngắn của BÙI ĐẾ YÊN

 

 

;
.