Nhà văn Hàn Quốc tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ Sáu, 26/07/2024, 15:23 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi quen thân Giáo sư Ahn Kyong Hwan, một chuyên gia ngôn ngữ người Hàn Quốc yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt Nam, người đã dịch tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, nhật ký Đặng Thùy Trâm… sang tiếng Hàn, in và xuất bản tại Hàn Quốc.

Chân dung nhà văn Hàn Quốc Cho Chul Hyeon & Bìa sách tác phẩm “NGUYỄN PHÚ TRỌNG” của nhà văn Cho Chul Hyeon.
Bìa sách tác phẩm “NGUYỄN PHÚ TRỌNG” của nhà văn Cho Chul Hyeon & Chân dung nhà văn Hàn Quốc Cho Chul Hyeon.

Từ sự kết nối của Giáo sư Ahn Kyyong Hwan tôi quen biết, kết bạn với nhà văn người Hàn yêu văn hóa Việt, người vừa hoàn thành tác phẩm hơn 400 trang in mang tên “Nguyễn Phú Trọng”. Đó là nhà văn Cho Chul Hyeon, người đã một đời đam mê gắn bó với cây bút và những trang văn.

Thật lạ và cũng thật đặc biệt về tình cảm dành cho Việt Nam của Giáo sư Ahn Kyong Hwan và nhà văn Cho Chul Hyeon. Giáo sư Ahn Kyong Hwan rất yêu cây dừa Việt Nam, yêu bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Từ tình yêu cây dừa mà ông đã chuyên tâm học tiếng Việt tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, trở thành nhà giáo của nhiều học trò Việt và Hàn.

Nhà văn Cho Chul Hyeon yêu cây tre Việt Nam, đọc gần như gần thuộc lòng bài tùy bút Cây tre Việt Nam của nhà văn, nhà báo Thép Mới, từ cây tre ông mê “ngoại giao cây tre” – một trường phái ngoại giao đặc biệt mà người khởi xướng là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Giáo sư Ahn Kyong Hwan và nhà văn Cho Chul Hyeon tự thân trở thành những người kết nối hai nền văn hóa Hàn Quốc - Việt Nam.

Đêm 19/7/2024, từ thủ đô Seoul của Hàn Quốc nhà văn Cho Chul Hyeon bàng hoàng và xúc động nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Ông nghẹn ngào, giọng nói như lạc đi khi điện thoại cho bạn là Giáo sư Ahn Kyong Hwan đang ở Hà Nội trong vai Đại sứ du lịch Việt Nam:

- Bạn ơi, vậy là một người Việt Nam rất đặc biệt trong trái tim tôi đã ra đi. Thật may mắn tác phẩm Nguyễn Phú Trọng của tôi đã kịp hoàn thành, đã được mang đến Hà Nội, bản tôi ký tặng Tổng Bí thư đã kịp tới tay.

Giáo sư Ahn Kyong Hwan đã gửi thư, nhắn tin qua zalo và điện thoại kể cho tôi, người viết bài báo ngắn này nghe nhiều câu chuyện xúc động mà nhà văn Hàn Quốc Cho Chul Hyeon đã dày công trong nhiều năm, những chuyến bay Seoul-Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, nhiều lần vào các thư viện Việt Nam, gặp những người cần gặp tìm kiếm tài liệu để viết tác phẩm Nguyễn Phú Trọng. Ông đọc trực tiếp khóa luận thi tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội cuối những năm 60 của thế kỷ trước của sinh viên Nguyễn Phú Trọng; đi về quê hương của Tổng Bí thư ở ngoại thành Hà Nội để tìm hiểu về gia đình, nơi sinh thành, thời kỳ niên thiếu của Tổng Bí thư.

Nhà văn Cho Chul Hyeon viết: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về nền Ngoại giao cây tre của Việt Nam, cái hay cái đẹp về cây tre Việt Nam. Tôi đã hiểu cây tre Việt Nam bền gốc, chí lớn, thân tre và ngọn tre uyển chuyển, dẻo dai”.

Tác phẩm NGUYỄN PHÚ TRỌNG của nhà văn Hàn Quốc Cho Chul Hyeon đã viết khá sâu đậm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà lãnh đạo, nhà lý luận tài năng xuất sắc, mẫu mực, uy tín, sống cuộc đời giản dị, gân dân, yêu dân, người chiến sĩ tiên phong “Đốt lò” chống tham nhũng, tiêu cực. Những trang viết, những chương sách trong trong tác phẩm tô đậm nét đẹp mẫu mực của một Nguyễn Phú Trọng thời tuổi trẻ, thời kỳ làm nhà báo và làm Bí thư thành phố Hà Nội, làm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, những trang viết tình cảm nét đẹp phi thường những năm giữ cương vị cao nhất, Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - nhà lãnh đạo có sự đóng góp to lớn kiến tạo tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác Việt Nam và Hàn Quốc.

Tác phẩm Nguyễn Phú Trọng của nhà văn Cho Chul Hyeon sẽ được dịch sang tiếng Việt trong thời gian tới, bởi một nhà xuất bản uy tín của Việt Nam. Nhà văn Hàn Quốc Cho Chul Hyeon bày tỏ: “Tác phẩm Nguyễn Phú Trọng xin được là một nén nhang lòng để tưởng nhớ - vô cùng thương tiếc, thật sự ngưỡng một một trong những nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, đất nước mà ông coi là quê hương thứ hai của chính mình”.

PHẠM QUỐC TOÀN

;
.