Người bạn đường và những khúc ca

Thứ Sáu, 05/07/2024, 15:24 [GMT+7]
In bài này
.

Vào một buổi sáng mưa dầm năm 1972, từ trường đại học sơ tán nơi Hà Bắc, tôi có việc gấp cần phải về Hà Nội. Mới ba giờ sáng trời còn tối đen như mực, tôi khoác áo mưa đạp xe trong đêm.

 Nhà dân ở cách khá xa, hai bên đường đồng ruộng mịt mùng. Trong tiếng mưa rả rích chợt thấy phía trước mờ mờ có bóng người, căng mắt nhìn thì đúng một bóng người cũng đang đạp xe. Toàn thân tôi trở nên lạnh cóng, rón rén đặt chân trên pê đan và chỉ dám đạp rất nhẹ, từ từ giảm tốc độ đi sau họ. Chiếc xe kia hình như cố tình đi rất chậm, buộc tôi lấy can đảm phóng qua thật nhanh. Khi xe tôi vừa vượt lên một quãng ngắn thì chiếc xe kia cũng tăng tốc bám theo. Mấy phút rồi mà tôi không thể đi xa hơn họ được đoạn nào, cả hai xe cứ song song đua tốc độ ngang nhau. Đành lấm lét cố nhìn cho được mặt người lạ… Trời tối quá chẳng thấy gì ngoài cái mũ người kia chụp lên đầu và chiếc áo mưa đang khoác trùm lên cả xe.

Ngờ vực làm tôi hoảng thêm… Nhỡ xảy ra sự cố nguy hiểm gì thì làm sao, ai giúp mình trên cung đường hun hút lạnh lẽo này? Trời đang mưa mà người tôi mồ hôi túa chảy dọc sống lưng lạnh buốt. Tim đập loạn xạ, hai bắp chân cứ tê cóng lại.  Phía trước còn xa mù mịt. Tâm trạng càng lúc càng hoang mang bấn loạn.

Thế rồi, bất chợt văng vẳng tiếng hát… Căng tai cố nghe, nhận ra chính người ấy hát, giọng đàn ông.

Đường bì bõm ổ gà, tiếng mưa lẫn tiếng bánh xe lội nước cùng giọng hát lúc rõ lúc nhòa… Chân vẫn bám chắc vào pê đan tôi vội vã phóng nhanh về phía trước, vậy mà giọng hát như cố đuổi theo bắt mình phải nghe bằng được.

Rồi dần nhận ra các tựa bài quen thuộc “Nổi lửa lên em” “Quê em miền Trung du” và cả “Tiểu đoàn 307”… Trời đất tối mịt và mưa gió thế này họ hát vì nỗi gì? Hát cho quên lạnh? Hay thuộc tạng người hồn nhiên hát được mọi lúc mọi nơi?

Miền Bắc suốt những năm chống Mĩ nhiều “Ca khúc đỏ” được người dân từ già đến trẻ, từ lớn đến bé đều say mê hát trong niềm tự hào lạc quan. Tiếng hát át tiếng bom, tiếng hát lay động tinh thần khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, tiếng hát tiếp sức cho bao chàng trai cô gái lên đường đánh Mĩ. Và cũng thời ấy những bản nhạc xếp loại “Vàng” như “Giọt mưa thu” “Cô lái đò”..., thỉnh thoảng muốn trộn vào để nghe cho mùi mẫn hơn cũng chỉ dám lén lút hát thầm hát vụng thôi.  

 Tôi lặng lẽ đạp xe, người đàn ông vẫn hát. Rồi trời tạnh, bình minh rạng đỏ chân trời.

Khi thoáng nhìn được nhau, lấy can đảm nhìn thẳng tôi nhận ra đó là chàng trai trẻ gương mặt sáng nét thư sinh, tuổi cũng chừng xấp xỉ với tôi. Gió cuối thu từ cánh đồng thổi về rời rợi man mác, nỗi lo lắng dần tan biến trước ban mai yên ả...

Cách mấy hôm sau tôi từ Hà Nội quay trở lại Hà Bắc để tiếp tục đi học.

Khi đến gần thị trấn V, hình ảnh người thanh niên hát trong đêm mưa chợt hiện lên càng rõ. May mà đêm hôm ấy anh ta nhanh trí nghĩ cách: “Hát cho bạn đỡ run”, không thì suốt chặng đường dài căng thẳng tim mình chắc rớt. Tôi khấp khởi vui và  mong điều gì đó lại đến như một bài hát dịu dàng, như một tình cờ may mắn dịu dàng…  

HUỲNH NGỌC LAN

;
.