Những ngày đầu tháng tư, nước rút, đất bắt đầu khô dần từ cái nắng nóng gay gắt sau khi mùa xuân qua đi. Xách những xô nước từ cái mái bên hiên nhà đi tưới hoa, cho gà vịt uống, có đôi lúc tôi từng thấy mình nứt nẻ như bao cục đất quê. Đó là mái hứng nước khi mùa mưa về, có đôi khi rọng cá để dành ăn hoặc như bây giờ, chứa nước để sử dụng cho mùa khô.
Anh hai của tôi mấy ngày nay lội dưới mương nhà, mặc chiếc áo tay dài và quần đùi hì hục xúc đất. Từng lớp, từng lớp đất sét được anh quăng lên bờ theo ý định. Nếu là tôi của hai mươi năm trước sẽ cười thật tươi chạy đến bốc từng miếng đất vừa dẻo vừa mịn ấy mà nắn đồ chơi, nào xe, bông hoa, nhà cửa,... Những thứ mà một đứa con nít ước mơ. Anh bảo múc đất lên cho có thêm nước, cá có thể sống và những cây dừa, cây ăn trái có thêm đất bồi nương tựa. Làm xong cái này anh lại bắt tay vào làm cái mương khác, khi thấy nó chưa có nước thì quay lại đào sâu hơn, tay chân không ngơi nghỉ.
Ao, mương sâu hơn khi mùa nước về, nước sẽ ít khi ngập hết bao bờ, cá sẽ không theo đường nước đó mà ra ruộng đồng hay qua mương khác. Thằng em út của tôi thì đi theo những con mương của nhà, tìm bắt, vớt những con cá, ốc mắc cạn. Nếu mùa nắng kéo dài có khi đáy mương khô cứng hết. Ngày xưa tôi từng được đi mò cá với anh em trong nhà vào mùa này khi nước chỉ còn gần đầu gối. Nếu nước nhiều quá thì đắp bờ nhỏ để tát bắt hoặc chài, kéo lưới.
Những con cá lớn, nhỏ, tôm tép các loại và cua dính đầy bùn được đem về chia ra, có khi nhiều quá thì đem bán hoặc làm khô, để dành ăn dần dần. Khi nước gần cạn, đàn cò mỗi ngày đều đến để tìm bắt, khúc mương cứ ngỡ hiu hắt thì thêm sinh động hơn. Sau này vì các mương bị bắt bằng điện nhiều và thường xuyên nên số lượng ít dần đi. Và việc mò cá, bắt hôi đã trở thành kỷ niệm. Mùa trở nên thật khô khốc.
Tôi cầm chiếc hột quẹt và ít giấy vụn ra ngoài vườn. Vườn nhà tôi cũng bao nhiêu vườn khác ở xung quanh đây, sau bao nhiêu năm trồng trọt cây trái, rau màu thì mọi người chuyển qua trồng dừa.
Trồng dừa được cái là ít chăm sóc, cho trái mỗi tháng. Nhưng đôi khi giá cũng bấp bênh, chao đảo vô cùng. Giữa những liếp dừa đều có mương để cung cấp nước và có khi dùng để chứa lá dừa rụng. Ngày tôi còn bé hay theo bà đi mua lá, củi dừa về nấu ăn và cự củi được xếp ngay ngắn bên mé hè luôn trong kí ức tuổi thơ tôi qua. Càng ngày người ta sử dụng bếp ga, bếp điện, lá dừa từng được mua bán rất đắt, rất chạy bây giờ chỉ dành độn dưới mương. Cứ mỗi khi vào mùa cạn, tôi thường đốt nó đi cho sạch sẽ và để có chỗ trống cho mùa sau. Đôi khi nhiều nhà ở quê thường dùng mương để chứa rác. Vào mùa khô thì sẽ đem ung cho rụi cả. Đất đai vì thế mà dày hơn bởi phân tro.
Những ngọn lửa cháy rực, nóng ran làm chiếc áo của tôi ướt đẫm, tay chân lem luốc khói bụi và chút đất. Sau bao ngày đầu năm, cây cỏ sinh sôi khắp nơi, đây cũng là lúc tôi dọn dẹp vườn tược cho gọn gàng.
Và vào mùa này, nước ở sông cũng ít đi, việc đánh bắt cá trên sông cũng trở nên khó khăn hơn. Da cha, dượng, và anh tôi hình như cũng đã rám thêm rất nhiều. Cái lưng chẳng chứa hết những gay gắt này. Ít lâu nữa khi mùa mưa xuống, dầm dề từng chỗ đất khô rồi tan ra, ướt đẫm. Cây cối cũng sẽ được dịp tua tủa. Lúc ấy sẽ có dịp tắm mưa, khai thoát nước,... Mùa nào việc ấy, niềm vui và vất vả cũng rất riêng.
Mùa cạn được chan hòa bằng những giọt mồ hôi. Nụ cười cũng biết mặn môi. Tôi vẫn bồi đắp từng giấc mơ, đôi lúc khi khô khi ướt đẫm, đôi lúc xa xôi và lặng lẽ. Trong nhiều lúc chơi vơi ấy thì ngọn cỏ quê bương qua kẽ chân như nói rất nhiều lời cùng tôi.
LÊ TUYẾT LAN