Giai điệu của tình đoàn kết, hữu nghị

Thứ Sáu, 19/07/2024, 15:49 [GMT+7]
In bài này
.

Ấn tượng và đầy sắc màu, đó là cảm nhận của những khán giả khi thưởng thức các tiết mục ca, múa tại Liên hoan Giai điệu hữu nghị miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2024 vừa được tổ chức tại TP.Vũng Tàu ngày 17/7.

Tiết mục hát múa “Huyền sử Âu Lạc-Hào khí Việt Nam” của đơn vị tỉnh Bình Dương.
Tiết mục hát múa “Huyền sử Âu Lạc-Hào khí Việt Nam” của đơn vị tỉnh Bình Dương.

Mỗi đội một sắc màu

Nếu như đơn vị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Tiền Giang mang đến sự tươi vui của tiết mục múa Bella Ciao (dân ca Ý) và một ca khúc song ngữ Pháp-Việt; đơn vị Tây Ninh lại gây ấn tượng với tiết mục múa trống Chahay-Dăm với các thanh âm được tạo bởi tiếng gõ nhịp của tay, chân các nghệ sĩ; đơn vị Bến Tre đưa khán giả tới văn hóa 3 miền Bắc-Trung-Nam; đơn vị Bình Dương thể hiện vẻ đẹp con Rồng, cháu Tiên với màn ca múa đầy hào hùng… Đặc biệt, nhiều tiết mục giới thiệu văn hóa các nước đã khiến khán giả mãn nhãn bởi sự đầu tư cả về trang phục và vũ đạo, cùng sự nhuần nhuyễn trong từng bước nhảy, điệu xoay trên sân khấu.

Tiết mục múa nhạc Hoa “Chiếc đũa cát tường” của đơn vị Đồng Nai thực sự khiến khán phòng bùng nổ theo từng giai điệu nhạc và nhịp điệu của các nghệ sĩ. Tiết tấu của nhạc khá nhanh, những cô gái trong trang phục khỏe khoắn, mỗi tay cầm đạo cụ là 2 chiếc đũa cách điệu. Giữa những khoảng nhạc, thanh âm từ đôi đũa gõ vào nhau tạo nhịp điệu cho điệu múa và khiến mọi người ấn tượng.

8 nghệ sĩ múa không chuyên là SV các trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Từ Dĩnh Nghi, một thành viên của nhóm múa cho biết: “Chúng tôi phải tập từng đoạn, ban đầu tập theo nhịp đếm, sau đó ráp nhạc. Những động tác gõ đũa vào vai, tay, ban đầu để lại những vết bầm lớn, dần dần mới hết. Nhưng ai cũng cố gắng để có tiết mục hay”, chị Nghi cho biết.

Trong khi đó, tiết mục “Nghìn cánh hoa anh đào” của đơn vị Bình Dương lại mang đến sự khỏe khoắn và sôi động của giới trẻ trong bộ đồ kimono cách điệu. Các diễn viên đã phải tập luyện gần 1 tháng, vượt qua những cú ngã, trầy xước để có bài múa trọn vẹn. 

Đặc biệt, tại Liên hoan còn có những tiết mục của các SV Lào đang học tập tại Việt Nam. Sengchan Thavong Khemphone, SV Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh) đã có 2 năm sống tại Việt Nam. Em là con đỡ đầu của một gia đình người Việt, yêu thích ẩm thực và lối sống Việt. “Tiết mục Tình Việt-Lào của chúng em nhằm lan tỏa tinh thần đoàn kết, hữu nghị, gắn bó sắt son của hai nước”, Khemphone chia sẻ.

Liên hoan thu hút 8 đơn vị, trình diễn 16 tiết mục. Ban Tổ chức đã trao giải Nhất, Nhì, Ba lần lượt cho các đơn vị: Đồng Nai, Bình Dương, Long An.

 

Đậm chất hữu nghị

Liên hoan như một sợi dây gắn kết tình hữu nghị trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa giữa Việt Nam và các nước nói chung, đồng thời quảng bá, lan tỏa văn hóa Việt Nam, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Lê Văn Dàn cho biết, đây là năm thứ 3 Liên hoan Giai điệu hữu nghị miền Đông Nam bộ mở rộng. Đúng như tên gọi, các tiết mục ca múa nhạc đều thể hiện văn hóa các dân tộc có mối quan hệ hữu nghị với Việt Nam, với Bà Rịa - Vũng Tàu. Mỗi tiết mục đều được các hội hữu nghị chuẩn bị chỉn chu, công phu.

Nhạc sĩ Hoàng Lương, Phó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam Bà Rịa - Vũng Tàu, Trưởng Ban giám khảo nhận xét, năm nay, từ công tác tổ chức đến chất lượng chương trình nghệ thuật đều được đầu tư khá tốt. Đây không chỉ là dịp giao lưu, gặp gỡ, học hỏi trong hoạt động văn nghệ quần chúng mà còn có tác dụng giáo dục tính thẩm mỹ đúng đắn về nghệ thuật âm nhạc, múa nói riêng và phong trào văn nghệ nói chung. 

Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH

 
;
.