Có một ngày xưa như thế...

Thứ Sáu, 19/07/2024, 15:48 [GMT+7]
In bài này
.

Năm tôi học lớp Hai, trong lớp có thằng Đào ngồi sau tôi một dãy bàn, nó hiền lắm nhưng tôi không chơi vì hồi nhỏ tôi rụt rè, đến lớp là ngồi im thin thít. Một lần, hết giờ ra chơi, vào lớp tôi thò tay vào ngăn bàn lấy vở, phát hiện một hộp diêm nằm trong đó. Tôi mở ra, có mấy viên phấn màu được bẻ nhỏ và xếp ngay ngắn. Ngày đó, chúng tôi viết lên bảng con bằng phấn trắng, ít đứa nào có phấn màu, nên rất quý. Tôi băn khoăn không biết của ai, tình cờ quay xuống thấy thằng Đào nhìn tôi, mắt chớp chớp, tủm tỉm cười. Tôi hiểu, của nó cho tôi.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Từ ngày đó, thỉnh thoảng nó lại âm thầm đặt vào ngăn bàn tôi những hộp diêm đựng đầy phấn màu, rồi lại chớp mắt nhìn tôi chờ đợi. Tôi bắt đầu để ý đến nó hơn. Tôi biết mẹ nó bán cá ngoài chợ, nó học không giỏi, chỉ được cái hiền, nhưng tôi ngán nhất mỗi khi quay xuống nhìn, mũi nó luôn thò lò hai con giun xanh lè. Kinh khủng khiếp! Chắc nó cũng biết nên mỗi khi chớp mắt nhìn tôi, miệng mỉm cười, bao giờ nó cũng ý thức hít mũi cái rột, thấy ớn. Tôi ớn mũi nó chứ đâu có ớn phấn màu của nó, vậy là tôi cũng cười lại với nó.

Cuối năm lớp Hai, gia đình tôi chuyển đến nơi ở mới, vậy là tôi chuyển trường. Tạm biệt những viên phấn màu xinh xinh. Ngày cuối đi học, chia tay với lớp, lúc ra đến sân trường tôi nghe tiếng thằng Đào gọi. Nó đến gần dúi vào tay tôi cục tẩy tròn như cái bánh xe rồi nói nhỏ “Cho nè, hết phấn rồi”. Ngồi sau xe đạp bố tôi chở, xa rồi tôi ngoái lại còn thấy nó đứng đó, cái áo màu mận chín như một cái chấm nhỏ xa dần…

Vào lớp Ba, đến trường mới, tôi quên mất nó, nhưng bệnh “tự kỷ” thì vẫn còn. Ngày đầu đến lớp, bố dắt tôi vào, lúc đó các bạn đã vào lớp đông đủ, có cả cô giáo chủ nhiệm. Cô hỏi tên tôi, tôi im lặng cúi đầu, bố tôi phải trả lời thay. Cô cười hiền lành dắt tôi đến chỗ ngồi, cô xếp tôi ngồi gần một đứa con trai. Tôi xấu hổ ngồi im thin thít, còn thằng con trai thì liếng thoắng làm quen “Tau tên Hoàng, mi tên chi, mi ở trường mô tới?” Tôi yên lặng vì không thích cái “thể loại” này.  Học một thời gian tôi mới biết thằng Hoàng học rất giỏi nhưng nghịch ngợm và đặc biệt quan tâm đến tôi. Nghe đâu mẹ nó cũng bán cá ngoài chợ thì phải (Ôi trời đất! đúng là duyên).

Ngày nào đến lớp trong cặp thằng Hoàng cũng có kẹo, thường có nhất là ú, ngày đó chúng tôi thường chỉ biết đến loại kẹo dân dã này. Nói là kẹo nhưng gọi là cục đường thì đúng hơn, nó to bằng một đốt ngón tay, bên ngoài phủ bột mì cho khỏi chảy nước, mỗi khi ăn phải quăng xuống bàn ầm ầm cho bay hết bột ra mới ăn được.

Bao giờ trong cặp thằng Hoàng cũng có ít nhất một cục kẹo ú. Ngồi vào chỗ, nó bắt đầu mở cặp lấy cây thước ê ke chặt “bụp” một phát thành hai cục. Cái thằng chặt thiệt tài! Bao giờ cũng bằng nhau, hôm nào lỡ miếng to miếng nhỏ là nó nhường tôi miếng to, ngậm ngùi ăn miếng nhỏ. Oái ăm nhất là nó cũng giống thằng Đào, mũi lúc nào cũng rột rột, tôi ớn kinh khủng, nhưng vì cục kẹo ú, tôi cũng cố ngó lơ.

Một lần trong giờ học, cô đang giảng bài, nhìn thấy nó quay qua quay lại, cô gọi nó đứng dậy trả lời. Lúc tôi nhìn sang, thấy miệng nó lúng búng cục kẹo ú to đùng. Rất nhanh, nó nhổ cục kẹo vào lòng bàn tay, rồi cho vào túi quần tỉnh bơ. Trả lời xong nó ngồi xuống, thò tay vào túi quần móc cục kẹo ra bỏ vào miệng mút tiếp, rồi khịt mũi cái rột, nhoe nhoét! Lúc đó tôi “choáng” cũng phải đến mấy phút. Đã vậy, ra chơi nó còn quay sang tôi cười cười rủ “Đi Giao, ra đây quay kẹo kéo ăn, tau có tiền”, tôi ngồi yên mà lòng “tan nát”. Lớp tôi vẫn ghép đôi nó với tôi, mỗi khi như vậy mặt nó câng câng cười rất sung sướng, mắt lấp lánh nhìn tôi. Từ ngày nó móc cục kẹo ú trong túi quần ra mút đó, mỗi khi nó chặt cục kẹo chia cho tôi, tôi lơ đãng quay đi...

Lên lớp Bảy, bố tôi lại chuyển trường cho tôi. Có lẽ bố tôi muốn tôi có môi trường học hành tốt hơn. Ngày chia tay với lớp, thằng Hoàng kín đáo dúi vào tay tôi mẩu giấy. Về nhà mở ra thấy nó viết thế này: “Mãi mãi không bao giờ quên. Anh: Nguyễn Hoàng”. Ôi trời đất! Nó xưng anh với tôi mới kinh chớ! Xong, bên dưới nó còn vẽ một trái tim có mũi tên xuyên qua, có mấy giọt máu nhỏ xuống. Nó vẽ bằng bút mực xanh, nên trái tim nhòe nhoẹt. Tôi tưởng tượng ra cái cảnh thằng Hoàng ngồi vẽ trái tim rướm máu tặng tôi, chắc nó phải hít mũi rột rột đến mấy lần.

Ngôi trường mới tôi chuyển đến to lớn, khang trang. Tôi được chuyển vào lớp toàn các bạn người Hoa. Giờ ra chơi tụi nó tụm lại nói chuyện với nhau bằng tiếng Hoa. Dĩ nhiên là tôi lại tiếp tục “tự kỷ”.

Ngày đầu nhận lớp cũng y chang năm lớp Ba, cả lớp nhớn nhác nhìn tôi chỉ trỏ. Cô giáo chủ nhiệm tôi năm lớp Bảy tên Mùi, dạy môn Vật lí. Lần này, cô cũng xếp cho tôi ngồi gần một đứa con trai, nó tên Đồng. Thằng Đồng đen như cục than hầm, hàm răng trắng toát, mỗi khi nó cười trông như người châu Phi.

Ngày đầu của tôi cũng là ngày lớp phân công “chức vụ”. Không hiểu sao cả lớp cứ nhao nhao bầu tôi làm lớp phó văn thể mỹ, phụ trách văn nghệ cho lớp, gì chứ hát là tôi nhận liền, dù khi tôi hát chẳng ai muốn nghe.

Vậy là hai năm liền tôi luôn đi thi văn nghệ cho lớp, khi thì tôi đơn ca, khi thì tôi tự viết kịch, nhờ bố tôi xem qua rồi rủ mấy đứa trong lớp diễn kịch. Thành tích văn nghệ của lớp tôi qua hai năm tôi phụ trách đã gặt hái được bốn mươi mấy cái chép miệng tiếc rẻ của cả lớp “thầy phụ trách không công bằng...” “tiết mục lớp mình hay rứa mà...” bla bla... Riêng tôi, tôi bình tĩnh, không buồn, không tiếc vì tôi biết từ lâu, ở nhà mỗi khi tôi cất tiếng hát là mẹ tôi lầm bầm “Suốt ngày tra tấn”.

Những lần thất bại đó, thằng Đồng luôn an ủi tôi. Nhà nó có quán cơm gà, mẹ nó người Hoa nên làm món gà quay rất ngon, có lần nó gói cho tôi cái cánh gà quay rồi an ủi “Tau thấy mi hát rứa là được rồi” xong còn rủ “Bữa mô về nhà tau chơi”.

Một lần tôi theo nó về nhà với lý do hai đứa vẽ chung bản đồ Địa lí. Mẹ nó thấy tôi cười rất tươi rồi quay sang ba nó đứng cạnh đấy đang chặt gà “Bạn thằng Đồng nhà mình”. Thằng Đồng nghe vậy gục gặc cái đầu cười nhe hàm răng trắng như Phi châu.

Đột ngột giữa năm lớp Tám thằng Đồng theo gia đình đi xa, còn lại tôi ngồi một mình một bàn rộng thênh. Trước lúc đi, nó tặng tôi một quyển sổ nhỏ được gói cẩn thận, bảo tôi về nhà mới được mở ra.

Về nhà tôi hồi hộp mở ra, là quyển nhật ký của thằng Đồng. Trang đầu tiên nó dán cái hình nó hồi còn nhỏ đang đứng ở công viên, đầu đội mũ len, mặc áo len, ở dưới mặc… quần đùi. Bên cạnh tấm hình nó vẽ một đứa con gái buộc tóc đuôi gà, vẽ thêm cái tay đứa con gái ngoắc sang nắm tay nó. Một dòng chữ in đậm nắn nót  “Hiểu Đồng-Ngọc Giao”. Tôi buồn cười quá đi mất! Tò mò giở những trang tiếp theo: “Ngày tháng năm, hôm nay Giao nghỉ học vì bị đau, ngồi một mình buồn dễ sợ… Ngày tháng năm… chiều nay coi Giao thi văn nghệ, Giao hát trên nớ mà dưới ni mình run… Ngày tháng năm… không hiểu sao Giao im lặng với mình, hay tại hôm trước mình nói chuyện với Tường Vi?... Ngày tháng năm… mình gần đi xa rồi, chắc sẽ nhớ Giao nhiều lắm… Ngày tháng năm… chỉ còn 2 ngày nữa là mình đi rồi, ước chi mai ngủ dậy, tới lớp Giao gọi mình bằng anh…”. Tôi cất quyển sổ vào một ngăn tủ, giấu thật kỹ, sợ bố mẹ tôi đọc được.

Mới đó thôi, đã mấy mươi năm…

Cho đến bây giờ, đôi khi tôi chợt nhớ lại, hình ảnh thằng Đào với cái hộp diêm đựng phấn màu, thằng Hoàng mũi hít rột rột với cục kẹo ú, thằng Đồng đen nhẻm với cái cánh gà quay… Tôi tự hỏi không biết giờ tụi nó đang ở phương trời nào, có lẽ đứa nào giờ cũng con đàn con đống.

Hôm đi làm về thấy trên vỉa hè hai bạn nhỏ dễ thương, một gái một trai học chừng lớp Hai, cười nói thân thương lắm. Tôi bỗng nhớ đến mình ngày xưa… Vậy là về cắm cúi viết, để nhớ, mình cũng có một ngày xưa như thế...

Truyện ngắn của: VŨ NGỌC GIAO

;
.