Thương ơi về đâu...

Thứ Sáu, 24/05/2024, 17:15 [GMT+7]
In bài này
.

Xóm Thùy vừa dọn đến là xóm lao động nghèo gần đường ray xe lửa. Mỗi khi tàu chạy qua, những nóc nhà tôn thấp lè tè cứ rung lên bần bật. Thời gian đầu Thùy chưa quen, cứ nghe tiếng còi tàu từ xa cô đã thấp thỏm.

Sáng nay Thùy ra chợ, cái chợ chồm hổm chỉ bán vào buổi sáng đến qua trưa. Nắng hầm hập dội xuống những mớ rau héo rũ, cá tôm cũng bắt đầu chảy nước trên những cái mẹt vạ vật ở vỉa hè. Bên cái thùng xốp úp ngược, một ông lão ngồi với mớ bột dẻo đủ màu. Nắng rọi xuống tấm bạt thủng lỗ chỗ trên đầu ông, rọi xuống cả bàn tay gân guốc đang nhào nặn thoăn thoắt, chỉ một loáng lại ra những con thú ngộ ngĩnh, ông gắn vào cây tăm tre dài cắm vào thùng xốp, trên đó la liệt những tò he vừa nặn xong.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

“Đem đi chỗ khác! Chỗ này không phải chỗ ông ngồi!” Tiếng quát lớn khiến ông lão giật nảy. Anh nhân viên quản lý chợ sẵn cái còi thổi toét toét thêm vài tiếng. Ông lão vội vàng đứng lên thu dọn đồ nghề, tay ôm mẹt tò he run run qua đường giữa nắng trưa. Thùy vội vàng đẩy xe lên lề.

“Ông để con giúp một tay”, Thùy cúi xuống vừa nhặt mớ tăm tre, tiện tay bê luôn cái tráp đựng bột màu.

Sang bên kia đường, ông rụt rè trải tấm bạt nhựa đặt thùng xốp lên đó rồi ngồi xuống trước ngôi nhà đang đóng cửa im ỉm. Thùy đặt cái tráp và mớ tăm tre cạnh ông. Ông lão lại cặm cụi soạn mớ bột dẻo bày ra trước mặt. Thùy ái ngại nhìn nắng dội xuống mái đầu trần bạc phơ không mũ nón của ông, cái nắng chang chang không chút gió khiến ai cũng phờ phạc.

“Tấm bạt che đằng kia có phải của ông không?”, cô hỏi. “Cô bảo gì cơ?”, ông lão ngơ ngác.

Có lẽ ông lão nặng tai, cô thầm nghĩ, ngồi xuống bên ông nhắc lại. Ông lão nghe xong gục gặc “Vâng, của tôi!”. “Để con gỡ mang sang căng cho ông ngồi đỡ nắng”. Thùy vừa nhanh nhẹn sang bên kia đường loay hoay gỡ tấm bạt rồi mang sang chỗ ông lão ngồi.

Một chị trong chợ trở ra tay dắt theo đứa con gái nhỏ, đến trước cái mẹt la liệt tò he, cô bé tròn mắt nhìn những hình thù ngộ nghĩnh được nhào nặn thoăn thoắt trong tay ông. “Mẹ mua cho con đi!” cô bé thỏ thẻ. Người phụ nữ cúi xuống chọn một chú gà trống và một con cá vàng đưa cho cô bé, móc ví lấy ra tờ năm mươi ngàn đưa cho ông lão rồi vội vàng dắt cô bé quay đi.

Ông lão cầm tờ tiền dí sát vào mắt một lúc rồi lập cập tìm tiền lẻ trong túi áo. “Cô ơi, cho tôi gửi lại tiền thừa”, ông lão vội chạy theo mẹ con cô bé, giọng khàn đặc. “Không sao đâu, ông cất đi ạ!”, người phụ nữ nhỏ nhẹ.

Thoáng chút ngơ ngác nhưng hiểu ra, ông cũng lom khom lại thùng xốp rút ra một con heo, một con vịt và hai bông hồng vàng mang lại đặt vào tay cô bé. “Ông cho con!”.

Thoáng chút ngại ngùng hiện lên gương mặt người mẹ, rất nhanh, cô cúi xuống nhắc “Cảm ơn ông đi con!”. Cô bé e thẹn cầm mớ tò he, lí nhí “Con cảm ơn ông!”.

Thùy loay hoay tìm cách căng tấm bạt phía trên chỗ ông lão ngồi, lúc ông trở lại, tấm bạt cũng vừa căng xong. “Cảm ơn cô, cô tốt quá!”. “Không sao ạ!”, Thùy cúi xuống mẹt tò he thích thú chọn một nải chuối chín vàng, hai trái cam và một mớ táo đỏ... Chừng này đủ cho con gái có một đĩa trái cây chơi đồ hàng, cô thầm nghĩ.

“Ông cho con gửi tiền!”, Thùy cẩn thận gói mớ tò he vào tờ giấy báo.

“Của cô hết hai mươi ngàn”, ông lão trả lời nói cúi xuống rút thêm một chú cánh cam đang đậu rung rinh trên chiếc tăm dừa “Ông gửi cho bé con!”. Thùy đón lấy chú cánh cam xinh xắn, cảm ơn ông rồi vội vã đi.

Con gái nhỏ đón mẹ ở cửa phụng phịu “Mẹ bảo ra chợ một tí thôi mà con đợi lâu ơi là lâu!”. “Mẹ có tò he cho con đây!”, Thùy dỗ dành.

Cô bé đón từ tay mẹ mớ tò he, tròn mắt ngạc nhiên “Sao lại gọi là tò he hả mẹ?”. “Đó là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em ngày xưa, tò he là tiếng gọi chệch đi của chữ tò te âm thanh phát ra ở đầu kèn khi đồ chơi được gắn vào chiếc kèn ống”, cô giải thích cho con.

Cô bé chưa nghe mẹ nói hết câu đã cầm mớ tò he chạy biến vào phòng.

* * *

Xong việc, ngẩng lên nhìn đồng hồ đã qua mười hai giờ trưa, Thùy vội vã ra về, sực nhớ chưa kịp mua thức ăn, cô tấp vào chợ. Lúc trở ra nghe có tiếng lao xao “Hết chỗ sao ông ngồi chỗ tôi ngồi từ trước đến giờ?”, tiếng một chị lanh lảnh. “Ông ra vỉa hè ngoài kia kìa!”, chị khác chêm vào.

Thùy quay lại. Là ông lão nặn tò he hôm nọ. Ông đang ngồi bên cạnh hàng bán trái cây. “Sao hôm nay ông lại ngồi đây?”, Thùy hỏi.

Ông lão ngẩng lên hấp háy đôi mắt mờ đục, nhận ra Thùy, ông cười như mếu “Đằng kia chủ nhà không cho ngồi nữa, chỗ xe ra vào, vả lại trẻ con cứ bu lại xem, ồn ào họ mắng cô ạ!”. Nói rồi ông loay hoay thu dọn đồ nghề trong tiếng xoe xóe không ngớt của chị bán trái cây.

Thùy nghe sống mũi cay cay, cô nhìn theo bóng ông lão chầm chậm khuất sau con hẻm, tấm lưng còng xuống trong chiếc áo màu nâu đất đã sờn, một tay ông lão ôm chiếc thùng xốp, tay kia ôm mớ lá dừa chưa kịp vót thành que.

…Đến giờ đón con gái nhỏ. Từ xa Thùy đã thấy con gái đứng trước cổng trường đưa mắt tìm mẹ. “Đợi mẹ lâu không?”, Thùy âu yếm hỏi con. “Cũng không lâu mẹ ạ, con đứng xem ông nặn tò he”, cô bé chỉ tay về phía tụi trẻ con đang bu lại trước một ông lão”.

Thùy ghé mắt nhìn vào, là ông lão nặn tò he ngoài chợ, tay đang thoăn thoắt nhào bột, cô vui như thấy người thân.

“Ừ, để ông làm, mình về thôi con!” Vừa lên xe nổ máy bỗng cô nghe tiếng một đứa con trai hét to “Không, cháu không thích cái này đâu, ông nặn cái khác đi!”. “Ông nặn Sơn Tinh đấy, còn đây là Thánh Gióng, hay cháu thích Thạch Sanh, để ông nặn cho?”, tiếng ông cụ dỗ dành. “Không, cháu không thích mấy ông này, ông nặn cho cháu siêu nhân với người nhện í, hoặc Conan cũng được”, đứa con trai dõng dạc.

Một thoáng ngơ ngác, ông cụ thều thào “Ông có biết mấy ông đó đâu”. “Vậy ông có biết nặn Đôrêmon không?” đứa con trai vẫn chưa thôi. Ông cụ lắc đầu buồn bã, chòm râu bạc rung rung “Ông cũng không biết người đó”. “Đó là con mèo Đôrêmon, không phải người, ông chả biết gì cả!”, đứa con trai hét lên hậm hực bỏ đi.

Từ xa Thùy yên lặng dõi theo, cậu bé bỏ đi kéo theo mấy đứa bạn đang đứng vây quanh. Nắm bột xanh đỏ vẫn còn trong tay ông bê bết, ông dõi mắt vào khoảng không, yên lặng.

Con gái nhỏ nhìn theo ông rồi nép đầu vào lòng mẹ. Thùy thoáng nhìn thấy mắt con ươn ướt, cô lục ví lấy tờ hai mươi ngàn đưa cho con gái “Con thích gì lại mua cho ông đi!”.

Cô bé chạy đến bên ông lão, hai ông cháu thầm thì với nhau chuyện gì Thùy không nghe rõ, lát sau cô bé chạy lại bên mẹ, trong tay một nắm tò he “Đây là cô Tấm chui ra từ quả thị, đây là Thạch Sanh cứu công chúa nè mẹ, còn đây là Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc, ông kể cho con nghe thế!”, con gái sung sướng kể.

Thùy lại thấy sống mũi cay cay, cô dịu dàng bảo con “Thôi muộn rồi, lên xe mẹ chở về”.

Cô bé ngoan ngoãn ngồi sau lưng mẹ. Xe nổ máy, Thùy vẫn chưa đi, cô quay lại ôm con thầm thì “Mẹ cảm ơn con!”. “Con phải cảm ơn mẹ chứ, sao mẹ lại cảm ơn con?”, cô bé ngơ ngác nhìn mẹ.

Chiều tắt nắng, cô ngước nhìn trời, chỉ còn chút ráng vàng như một dải lụa vắt ngang trời chiều.

…Giờ tan tầm đường sá đông nghịt. Một ngày làm việc căng thẳng trôi qua, Thùy chỉ mong về đến nhà tắm táp rồi lăn ra sàn nhà vui đùa với con, có lẽ con bé cũng đang ngóng mẹ về. Xe chạy đến ngã tư đèn đỏ, Thùy dừng lại. Một giọng ca nam nhừa nhựa cất lên trong cái loa rè rè “Tình người sau cơn mê vẫn xanh, dù bao tháng năm đau thương dập vùi…”. Từ xa cô nhìn thấy ông lão nặn tò he run run đi trên vỉa hè, một cái khay trên đó la liệt những móc khóa, tăm bông, hộp quẹt… được nối vào một sợi dây quàng qua cổ, cái khay nặng khiến lưng ông còng xuống. Một bên hông ông gắn chiếc loa nhỏ đang phát ra tiếng hát thay cho tiếng rao. Thùy nhìn theo tấm lưng còng của ông cho đến khi mất hút. Vậy là ông đã bỏ nghề nặn tò he, cô thầm nghĩ.

Về đến cửa, con gái nhỏ đón mẹ với miệng cười tươi rói: “Mẹ xem này, cô Tấm chui ra từ quả thị, mấy hôm nay con đợi ông lão nặn tò he để nhờ ông nặn cho con quả thị”. “Ừ, con ra ngoài chơi để mẹ nấu cơm”, Thùy lặng lẽ vào bếp.

Bữa cơm chiều dọn ra trời đã tối, có tiếng sấm đì đùng từ xa vọng lại. Con gái thích thú chạy khắp nhà hét vang: “Thích quá mẹ ơi, sắp mưa rồi!”.

Thùy yên lặng nhìn ra màn trời tối sẫm, tai cô lại vọng lên giọng ông lão khàn khàn “Ông nặn Sơn Tinh đấy, còn đây là Thánh Gióng, hay cháu thích Thạch Sanh, để ông nặn cho?”. Nhìn vào mâm cơm, mắt Thùy nhòa đi, cô như thấy ông lão nặn tò he hai tay bê bết bột màu xanh đỏ với cái khay quàng qua cổ đầy nhóc tăm bông và móc khóa.

Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO

;
.