Đã nhiều lần Loan bàn với chồng xin ba mẹ ra ngoài thuê nhà ở riêng, nhưng lần nào chồng Loan cũng gạt phắt. Sơn, chồng Loan bảo, nhà ba mẹ mấy tầng lầu, rộng rãi, thoáng mát, tại sao phải thuê nhà ở riêng?
- Nhưng không ở riêng, không tự lập, cứ bám vào ba mẹ mãi thì bao giờ vợ chồng mình mới khá lên được? Anh thử nhìn người ta xem, ví như vợ chồng chị Hà gần nhà mình đó, mới ở riêng gần mười năm mà đã tậu được nhà lầu, mua được xe hơi…
- Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà một cảnh. Vợ chồng chị Hà đều làm ngành dầu khí, chồng chị còn làm sếp, thu nhập vợ chồng anh chị ấy cao gấp chục lần lương của vợ chồng mình, không thể so bì với họ được. Vả lại, anh làm xây dựng phải theo công trình, nay đây mai đó, thường xuyên xa nhà. Em thì sức khỏe yếu, lại phải nuôi hai con nhỏ, nếu không ở với ba mẹ một mình em có cáng đáng được mọi việc không?
- Trời sinh voi sinh cỏ! Mình ở riêng không có ba mẹ hỗ trợ tuy có khó khăn, nhưng mình cố gắng chắc chắn sẽ làm được.
Nói là vậy, nhưng thật ra lý do chính khiến Loan muốn ở riêng là vì cô ngán cảnh làm dâu, không được sống tự do thoải mái, luôn bị gò bó trong khuôn phép của nhà chồng. Nếu nhìn bề ngoài ai cũng tưởng làm dâu như Loan quá sướng. Ba mẹ chồng không bắt Loan phải làm việc nhà, các công việc nấu cơm, nội trợ, rửa bát, lau nhà đều một tay bà Biên, mẹ chồng Loan, đảm nhiệm.
Buổi sáng nếu không đi làm Loan có thể ngủ nướng, muốn dậy giờ nào tùy thích, không bao giờ bị ba mẹ chồng lớn tiếng la mắng. Đã thế ông bà nội lại rất mực thương yêu, chiều chuộng chăm sóc cháu… vậy mà, trong thâm tâm Loan nghĩ mẹ chồng coi thường mình, bởi thế cô luôn cảm thấy bị áp lực, tìm mọi cách để tránh mặt mẹ chồng.
* * *
Xuất thân trong một gia đình trí thức ở thành phố, thân phụ bà Biên là bác sĩ quân y. Trước ngày hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cụ ghé thăm nhà ba ngày. Hơn chín tháng sau con gái cụ chào đời, nhưng cụ đã hy sinh trước ngày chiến thắng. Để tưởng nhớ người chồng thân yêu đã ra đi mà chưa được nhìn mặt con, thân mẫu bà mới đặt tên con gái là Biên, tên của Chiến dịch Điện Biên nổi tiếng. Dù còn trẻ đẹp nhưng bà không đi bước nữa, cụ dồn hết tâm sức nuôi dạy Biên khôn lớn.
Tốt nghiệp đại học sư phạm, cô giáo Biên về thành phố quê hương dạy học để chăm lo mẹ già. Thế rồi cô giáo Biên xinh đẹp lấy chồng là một sĩ quan hải quân làm nhiệm vụ ở vùng biển phía Nam.
Khi thân mẫu qua đời, cô giáo Biên cùng hai con, một trai, một gái, theo chồng vào thành phố biển phía Nam lập nghiệp. Sau khi con gái lớn lập gia đình riêng, con trai thứ hai cưới vợ, bà Biên nghỉ hưu ở nhà làm nội trợ và chăm sóc cháu.
* * *
Từng là cô giáo dạy văn, trong giao tiếp bà Biên luôn lịch thiệp, vui vẻ, nhưng cá tính cực kỳ sạch sẽ, kỹ tính. Mỗi ngày bà lau nhà đến hai ba lần. Gạch ốp nền nhà sáng bóng như gương. Mỗi lần Loan đưa con đi đâu về, vừa đến cổng bà đã nhắc nhở phải bỏ dép bên ngoài, vào toa lét rửa chân tay thật sạch sẽ mới được lên phòng riêng.
Là con út của một gia đình đông con ở vùng quê nghèo khó, học hết lớp 12 Loan phải nghỉ học vào phía Nam xin làm công nhân may mặc xuất khẩu. Qua một người bạn giới thiệu Loan gặp Sơn, rồi hai người yêu nhau. Lần đầu tiên Sơn dẫn Loan về nhà, nhìn phong cách lịch sự, sang trọng của mẹ chồng tương lai, Loan lúng búng cất tiếng chào. Bà Biên hỏi, bố mẹ con làm gì? Loan đáp lí nhí, làm ruộng! Thế quê con ở tỉnh nào? Dạ… Vốn quen với nếp sống chân chất, xuề xòa của người vùng quê, Loan cứ trả lời cộc lốc như thế. Mặc dầu không cảm tình với Loan, nhưng bà Biên vẫn chiều ý con trai chấp nhận để Sơn cưới Loan làm vợ.
Về làm dâu nhà chồng đã hơn mười năm Loan vẫn chưa quen với nếp sinh hoạt của nhà chồng, cô luôn cảm thấy gò bó, không tự nhiên. Hôm ấy Loan đưa hai con đi dự sinh nhật nhà nhỏ bạn nhưng quên không nói gì với mẹ chồng. Hơn 9 giờ tối bà Biên không thấy Loan đưa con về, bà vô cùng sốt ruột. Bà lo bọn trẻ về khuya dễ bị cảm mạo. Bà bấm điện thoại gọi nhưng Loan không bắt máy.
Đã rất nhiều lần bà nhắc nhở Loan đi đâu phải nói rõ kẻo ở nhà lo lắng, nhưng con dâu bà vẫn chứng nào tật ấy, đi chẳng ai biết, về chẳng ai hay. Nếu là con nhà gia giáo, ra khỏi nhà phải xin phép, về đến nhà phải chào hỏi.
Đằng này nó không hiểu thế nào là lễ phép, coi nhà như cái chợ, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi. Vì thương con trai làm việc xa nhà, bà đã bỏ qua thái độ sai trái của dâu vì không muốn con trai khó xử chuyện của gia đình. Nhưng lần này nó thật quá quắt, dẫn hai đứa trẻ đi chơi khuya không nói nửa lời, gọi điện thoại nó không thèm bắt máy. Nếu xảy ra chuyện không hay thì sao? Nhìn đồng hồ đã hơn 22 giờ, bà Biên vừa lo lắng vừa tức giận. Không thể nhân nhượng mãi với đứa con dâu hỗn láo này nữa, nhất định bà phải nghiêm khắc dạy dỗ. Nếu nó không chịu nghe lời bà phải gọi điện cho bố mẹ nó để họ dạy bảo con cách thức cư xử với nhà chồng. Mãi 22 giờ 30 phút Loan mới về đến nhà. Bà Biên ngồi ở phòng khách cau mày khó chịu.
Chúng con chào nội ạ! Hai đứa nhỏ ríu rít cất tiếng chào khiến cơn tức giận của bà Biên giảm đi phần nào. Bà ôm hai cháu vào lòng trìu mến hỏi, bọn con đi chơi ở đâu mà về muộn thế? Bé út Sushi ba tuổi, nhanh miệng kể, bọn con đi ăn sinh nhật, vui lắm nội à.
Bà Biên bảo, lần sau đi đâu phải nói với nội đàng hoàng. Không được học cái thói vô luân, vô phép như những đứa con nhà vô giáo dục.
Nếu là người khôn ngoan Loan chỉ cần nói lời xin lỗi chắc chắn mẹ chồng sẽ bỏ qua. Nhưng đã quá quen với nếp sống xuề xòa ở vùng quê nên chưa bao giờ cô biết nói lời xin lỗi. Ngược lại, Loan còn tỏ ra ấm ức vì cho rằng mẹ chồng chửi khéo mình, hậm hực cãi:
- Mẹ đi ra ngoài cũng nói gì với con đâu!
A, con này hỗn quá! Chị là con dâu trong nhà mà đòi ngồi lên đầu mẹ chồng cơ à? Bà Biên đanh giọng bảo:
- Chị là bà cố trong nhà hay sao mà đòi tôi đi đâu phải xin phép. Để tôi gọi điện hỏi bố mẹ chị xem chị nói với tôi như vậy có được không?
Loan vùng vằng lên phòng riêng ở tầng hai, dấm dứt khóc. Ngay tối hôm ấy Loan gọi điện thoại kể với chồng sự việc vừa diễn ra. Cô nhất định đòi thuê nhà ở riêng. Loan bực bội nói rằng, không có gì quý hơn độc lập tự do. Bạn em bảo, chỉ có đứa ngu mới chịu làm dâu hơn chục năm như mày. Đấy mày xem, bọn tao lương còn kém xa vợ chồng mày vậy mà vẫn ở riêng, vẫn tự tung tự tác có chết đâu?
Sơn, chồng Loan, luôn thông cảm với hoàn cảnh làm dâu xa nhà của vợ nên anh không muốn đôi co với Loan. Dẫu biết cung cách ứng xử của Loan chưa ổn nhưng anh không chê trách mà chỉ động viên an ủi vợ, khuyên Loan bình tĩnh suy nghĩ. Thuê nhà ở riêng thời điểm làm ăn khó khăn này sẽ rất vất vả. Hơn nữa bọn trẻ còn nhỏ, ở cùng ông bà nội sẽ tốt hơn.
- Nhưng em không thể làm vừa lòng mẹ anh! Nếu cứ ở chung với ba mẹ anh đầu óc em luôn căng thẳng, mệt mỏi, chắc em không chịu nổi.
Nghe Loan nói vậy Sơn thở dài bảo, thôi được, mấy hôm nữa anh về nghỉ phép sẽ giải quyết dứt điểm vụ này. Anh muốn giải quyết kiểu gì? Em nói trước, nhất định lần này vợ chồng mình phải ra ở riêng. Em không thể chịu đựng thêm được nữa.
Loan cúp máy ngồi khóc. Bé Mimi đã sáu tuổi, ra dáng chị hai buồn rầu ngồi nhìn mẹ. Bé Sushi sán lại gần ngây thơ ôm cổ mẹ hỏi, tại sao mẹ lại khóc nhè? Khóc nhè là hư đó mẹ ơi!
Loan gượng cười ôm con vào lòng ôn tồn bảo, mẹ có khóc đâu. Tại con muỗi nó chui vào mắt mẹ đó…
Nhìn hai đứa con nhỏ dại ngây thơ Loan bỗng cảm thấy lòng dạ nguôi ngoai hơn. Bình tĩnh suy ngẫm về những điều mẹ chồng nói, cô nhận ra rằng bà không hề ác ý. Nước mắt chảy xuống, cha mẹ nào cũng hết lòng thương yêu con cháu…
“Con xin lỗi mẹ!” Loan choàng tỉnh giấc, cô với tay bấm điện thoại, đã là 5 giờ 30 phút sáng.
HẢI BÌNH