Kể từ khi bộ phim điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ khởi chiếu vào năm 2015, Phú Yên trở nên hấp dẫn hơn trong những chuyến khám phá, du khảo. Thế nhưng, nơi đây không chỉ có danh thắng nổi tiếng mà còn là vùng đất gắn với huyền thoại Đoàn tàu không số lịch sử.
Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Bà Rịa Vũng Tàu bên bia tưởng niệm và dấu tích tàu C143 bị đắm. |
Huyền thoại Vũng Rô
Từ trung tâm thành phố Tuy Hòa, chiếc xe 16 chỗ chở đoàn chúng tôi đến Vũng Rô vào buổi chiều tháng Tư nắng như đổ lửa. Vậy nhưng, không một ai cảm thấy nóng bức khi đứng trước vẻ đẹp đến say mê lòng người của cảnh sắc kỳ thú biển trời, đồi núi, rừng cây, bờ bãi mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này. Nước biển xanh như ngọc bích, phẳng lặng, bình yên đến lạ. Nhưng trong sự phẳng lặng, yên ả này là khúc tráng ca bi hùng về Đoàn tàu không số Vũng Rô huyền thoại.
Ông Phạm Văn Sơn, bảo vệ và cũng là hướng dẫn viên khu Di tích lịch sử Vũng Rô thuộc “nằm lòng” về vùng đất này. Bằng chất giọng trầm ấm cộng với nỗi xúc động qua mỗi câu chuyện kể, ông nói về Đoàn tàu không số với tình yêu xen lẫn niềm tự hào: “Nhờ có vị trí địa lý đặc biệt, Vũng Rô trở thành một mắt xích quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ đây, hàng trăm tấn vũ khí đã được chuyển tiếp, chi viện cho chiến trường khu 5 và Tây Nguyên, góp phần làm nên những chiến công vang dội”.
Câu chuyện bắt đầu vào những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đó là trước yêu cầu vận chuyển vũ khí, khí tài chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng lớn, đoàn vận tải quân sự với mật danh “Đoàn tàu không số” (Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay) được thành lập ngày 23/10/1961 có nhiệm vụ mở tuyến đường chiến lược đến những nơi mà đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa thể vươn tới được. Những chuyến tàu không chỉ mang theo quân nhu, đạn dược chi viện cho tiền tuyến, mà bên cạnh đó là những khối thuốc nổ để sẵn sàng hy sinh cả người lẫn tàu nếu chẳng may bị lộ.
Tháng 10/1964, Trung ương giao Tỉnh ủy Phú Yên chuẩn bị mở bến tiếp nhận vũ khí. Vũng Rô là nơi được lựa chọn để tiếp nhận những chuyến tàu không số trên hành trình đường Hồ Chí Minh trên biển. Nơi đây có diện tích đủ lớn với hơn 16km2, độ sâu trung bình từ 14-19m, có thể tiếp nhận tàu tải trọng trên 5.000 tấn, bao quanh có nhiều bãi bốc dỡ, các dãy núi thuận lợi cho việc trú ngụ và cất giấu vũ khí.
Tuy nhiên, đây cũng là một quyết định táo bạo, bất ngờ của Quân ủy Trung ương vì Vũng Rô gần hệ thống đồn bốt dày đặc của địch. Ngày 16/11/1964, tàu C41 thuộc Đoàn 125 chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc men do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, một người con của Phú Yên và chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy rời cảng Hải Phòng theo đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường Phú Yên, Khánh Hòa và Tây Nguyên. Vượt sóng to gió lớn, tránh hết các chuyến tàu tuần tiễu của địch, vào khoảng 1 giờ sáng ngày 28/11/1964, chuyến tàu không số đầu tiên cập bến Vũng Rô an toàn.
Theo lời kể của AHLLVT Nhân dân Hồ Đắc Thạnh thì, khác với các chiến sĩ không quân, lục quân tìm địch mà đánh, nhiệm vụ của người chiến sĩ hải quân trên chuyến tàu không số ngày ấy là tìm cách tránh địch để bảo vệ hàng hóa. Vì phải giữ bí mật, tuyệt đối không để địch phát hiện ra tuyến vận tải đặc biệt này, mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ ở mũi, thân và đuôi tàu với các loại kíp nổ tức thì được khởi động bằng tay và bằng điện. Hơn 200 tấn vũ khí từ miền Bắc chi viện chiến trường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cập bến Vũng Rô, vượt qua hành trình gian nan vào sâu trong lòng địch.
Và chỉ trong vòng 3 tháng, đã có 3 lần tàu không số vận chuyển thành công từ cảng Hải Phòng cập bến Vũng Rô.
Nhưng cũng chính ở đây vài tháng sau chuyến tàu thành công thứ 3 của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh là chuyến tàu định mệnh C143 bị lộ, suốt 3 ngày đêm quân và dân ta chiến đấu quyết liệt nhưng cuối cùng phải phá tàu để vũ khí không lọt vào tay địch, mang theo bí mật của đường Hồ Chí Minh trên biển.
“Kể từ sau sự kiện Vũng Rô này, đường Hồ Chí Minh trên biển phải chuyển hướng đi xa bờ, đi bằng phương pháp hàng hải thiên văn, có những chuyến phải đến 3 tháng mới tới nơi”, ông Phạm Văn Sơn kể thêm.
Dư âm
Dẫn chúng tôi tham quan khu di tích Vũng Rô, nhà báo Phạm Thị Minh Nguyệt, Phó Tổng Biên tập Báo Phú Yên đã rất tự hào khi kể thêm về vùng đất Phú Yên anh hùng - nơi chị sinh ra và lớn lên này. Chị nói, trong cuộc đời làm báo của mình, chị không còn nhớ đã bao lần đến và viết về Đoàn tàu không số. Nhưng lần nào cũng xúc động như buổi đầu tiên, đặc biệt là được nghe chính người thuyền trưởng của tàu C143 - AHLLVT Nhân dân Hồ Đắc Thạnh kể lại.
Những chiến sĩ trên chuyến tàu không số năm xưa đã biến điều không thể thành có thể, viết nên câu chuyện huyền thoại và mốc son đầy tự hào trong lịch sử dân tộc, đã trở thành khúc tráng ca đường Hồ Chí Minh trên biển trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nói ra suy nghĩ của mình, nhà báo Nguyễn Minh Nguyệt cho rằng, sức mạnh làm nên sự kỳ diệu của đường Hồ Chí Minh trên biển không chỉ bởi sự hy sinh và lòng quả cảm của chiến sĩ tàu không số mà còn được vun bồi bằng chính những tình cảm thiêng liêng nhất.
Đó là câu chuyện về một nữ dân quân Phú Yên gửi nắm đất ở cảng Vũng Rô cho thuyền trưởng tàu 41 trong đêm 30 Tết Ất Tỵ năm 1965. Đó là cành đào được các chiến sĩ giữ gìn cẩn thận trên chuyến tàu cùng với vũ khí đạn dược, mang hương xuân miền Bắc để cùng đón Tết với những em gái du kích Phú Yên.
Chúng tôi xúc động đọc tên và thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân 12 liệt sĩ đã nằm lại trong lòng Vũng Rô. Dưới chân nhà tưởng niệm, nhìn ra Bãi Chùa vẫn còn dấu tích nơi tàu C143 bị đánh đắm. Trong không khí trang nghiêm ấy, tôi bất chợt nhớ đến câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về đường Hồ Chí Minh trên biển được khắc trên tảng đá dọc con đường nhỏ men theo vịnh Vũng Rô: “Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng của sự quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, của ý chí và tình cảm thống nhất đất nước, của sức mạnh tinh thần và trí tuệ dân tộc Việt Nam đã đánh thắng sức mạnh vật chất, kỹ thuật hiện đại của đế quốc Mỹ”.
Theo các tư liệu được công bố, trong suốt 15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Đoàn 125 đã huy động được gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam. Những con tàu ấy đã vượt hàng ngàn hải lý, khắc phục hơn 4.000 quả thủy lôi, chống chọi với hơn 20 cơn bão, chiến đấu hơn 30 lần với tàu địch, đánh trả 1.200 lần máy bay địch tập kích, bắn rơi 5 chiếc và bắn cháy nhiều tàu xuồng của địch. Những chuyến tàu không số lặng lẽ vượt sóng gió, vượt hiểm nguy và tai mắt kẻ thù, chở nặng vũ khí, hàng hóa cùng nghĩa tình miền Bắc đến với chiến trường miền Nam. |
Câu nói như một minh chứng sinh động của bản lĩnh kiên cường, của tư duy nghệ thuật quân sự, là kết tinh vĩ đại của sức mạnh toàn dân tộc, là bản thiên anh hùng ca bất diệt được viết nên bằng bản lĩnh, ý chí, trí tuệ tuyệt vời của dân tộc Việt Nam.
Chúng tôi cũng đã từng đến bến tàu không số Lộc An tại Bà Rịa - Vũng Tàu, điểm tiếp nhận 3 chuyến hàng chiến lược quan trọng, cũng đã từng xúc động khi được nghe về câu chuyện làm nên chiến thắng Bình Giã lịch sử. Nhưng thêm một lần nữa, nơi bến tàu không số Vũng Rô, nước mắt chúng tôi đã chảy, không chỉ là xúc động mà xen lẫn ở đó, còn có cả niềm tự hào bất tận.
Trở ra xe để về lại thành phố Tuy Hòa, nán thêm một chút chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ, đan xen giữa nét hùng vĩ của núi, nét thơ mộng của biển. Trong lòng vịnh vốn mang đầy kỷ niệm đau thương ấy bây giờ bình yên đến lạ. Dường như, trong lòng vịnh vẫn vang mãi khúc tráng ca bi hùng về Đoàn tàu không số huyền thoại…
Bút ký của THẢO PHƯƠNG