Cỏ trên mái nhà

Thứ Sáu, 19/04/2024, 16:47 [GMT+7]
In bài này
.

- Nó không về cùng mày à?

- Anh ấy có vợ rồi…

- Mẹ đã dặn mày, con gái phải biết giữ lấy thân. Sao mày không nghe mẹ? Cái thai… bỏ đi…

- Con xin mẹ. Bác sĩ nói thai lớn quá, không can thiệp được. Chẳng phải ngày xưa mẹ cũng một mình nuôi con khôn lớn…

- Chính vì thế nên mẹ mới khuyên mày như thế. Tủi nhục lắm con ơi.

- Con không sợ. Vả lại, con còn có mẹ.

Minh họa của: MINH SƠN
Minh họa của: MINH SƠN

Tiếng trò chuyện không còn, mọi thứ rơi vào sự lặng lẽ vốn có nơi ngôi nhà nằm tách biệt ở cuối xóm Mòn. Đó là một ngôi nhà cũ, lợp tôn, tường đóng rêu, bong tróc loang lổ nhiều chỗ. Mặt tiền của nó hướng về mấy thửa ruộng, quanh năm nghe tiếng rên rỉ của ếch nhái, tiếng vo ve của muỗi.

Bà Mùi đã ở đó từ ngày còn trẻ. Mang cái tiếng không chồng mà chửa nên cha mẹ bà dắt bà đến đây, tránh lời dị nghị của người đời. Sau này, trước khi mất, cha mẹ muốn bà quay về quê nhà nhưng bà quyết định ở lại. Bà chăm chút cho ngôi nhà, mảnh vườn từng li từng tí. Lối đi vào nhà, dăm bữa nửa tháng bà lại vác cuốc, cầm liềm ra đào từng bụi cỏ gà, cỏ mật, phát sạch từng gốc cỏ may, bụi gai xấu hổ. Bà muốn con mình sinh ra trong ngôi nhà tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, ấm cúng, phần nào bù đắp cho những thiệt thòi mà con bà phải gánh chịu.

Tâm ra đời, hai mẹ con nương tựa vào nhau. Bà quản con rất chặt, uốn nắn, chỉ bảo từ những điều nhỏ nhất. Bà sợ nhất là con sẽ đi vào vết xe đổ của mình. Một lần cả tin, một đời lỡ dở. Tâm lớn lên xinh đẹp, học hành giỏi giang, đậu vào ngôi trường đại học có tiếng. Thế mà…

Thấy Tâm cương quyết, bà Mùi đành chịu. Bà giấu kín khao khát được thấy con mình thành đạt, hạnh phúc. Bà đi làm thuê quanh năm suốt tháng để kiếm tiền nuôi con từ ngày Tâm còn mang bụng bầu vượt mặt cho tới lúc một đứa trẻ đỏ hỏn ra đời, rồi thằng bé ấy biết chập chững đi từng bước xiêu vẹo, cái miệng nhỏ xinh thốt ra những tiếng gọi bà, gọi mẹ. Dù vẫn giận con nhưng tiếng gọi của trẻ nhỏ làm tim bà mềm đi, giọt mồ hôi vừa mới rơi vào mắt cũng đỡ phần cay xè. Tâm tất bật với đứa con và việc vặt trong nhà còn bà thường rời nhà từ lúc sáng sớm cho tới khi trời tắt nắng mới trở về.

Con đường dẫn vào nhà bây giờ cỏ dại mọc đầy hai bên, nếu không để ý người ta sẽ không thấy được. Ai ở xa mới đến nhìn vào dễ tưởng đấy là ngôi nhà hoang không có người ở bởi trên mái nhà cỏ dại mọc đầy, tươi tốt, xanh rì. Khu vườn lâu ngày không có người chăm nom tử tế. Mấy cái cây trong vườn khẳng khiu, vàng vọt. Thời gian trước bà đã chặt bỏ hết, trồng keo lá tràm. Loại này dễ sống, không phải chăm bẵm gì. Coi như trồng giữ đất, ba bốn năm sau có thêm một khoản thu.

Những ngày không có ai thuê đi làm, bà thường chơi với cháu ở sân. Cu Bon say mê với đống cát nhỏ. Cách đây mấy năm, vào mùa mưa gió bão bùng, bà mua cát về, đóng từng bao rồi nhờ một người hàng xóm tốt bụng vác lên, chặn trên mái nhà để tôn khỏi bị gió thổi bay đi. Còn lại chừng nào bà để nguyên ở góc sân. Vừa hay bây giờ lại có chỗ cho thằng bé chơi.

Nghĩ đến đó, bà ngước nhìn lên mái. Những chỗ đặt bao cát bây giờ cỏ mọc dày đặc, tốt um. Thế mà lâu nay bà chẳng biết gì. Rồi bà tặc lưỡi: Biết thế nào được. Suốt ngày sấp ngửa ở bên ngoài. Bà định leo lên dọn cho sạch cỏ nhưng nhớ ra mình đã già, với lại tôn lâu ngày đã hoen gỉ cả. Nghĩ dại, lỡ leo lên, nó sập thì chết chắc nên lại thôi.

Tâm hết nhìn con rồi quay sang nhìn mẹ. Từ ngày cô bụng mang dạ chửa, mẹ cô vẫn luôn lạnh nhạt. Cô biết mẹ giận mình nên không trách. Cô hy vọng sau khi cu Bon ra đời, mẹ sẽ vì thương cháu ngoại mà sẽ khác đi. Nhưng cô đã nhầm. Hiếm khi nào cô thấy mẹ chủ động bế bồng, cưng nựng, chơi đùa với cháu hay nói với mình một câu nhẹ nhàng, tình cảm. Cô lại mong mỏi vô cùng cái ngày bức tường vô hình ngăn cách giữa mẹ con, bà cháu sẽ không còn nữa.

Vườn keo lá tràm đã đến lúc thu hoạch. Mấy người thương buôn vào hỏi mua liên tục nhưng chưa được giá nên bà Mùi chưa bán. Chiều hôm ấy lại có người đến. Người đàn ông còn trẻ, da đen nhẻm, hay cười. Chẳng biết vì cái giá anh ta đưa ra hợp lý hay vì tính tình của người mua xởi lởi, dễ gần mà mẹ con bà Mùi quyết định bán. Ngày đưa tiền đến cọc, anh ta còn mua cho thằng bé bịch kẹo to. Hai chú cháu ngồi chơi với nhau cả tiếng đồng hồ.

“Chơi với trẻ con khéo thế thì chắc anh ta có vợ con đề huề rồi” - Tâm nghĩ bụng.

- Anh trai tôi cũng có con trạc tuổi con cô. Tôi thích chơi với nó lắm. Nên nhìn thấy cu Bon, tôi có cảm tình liền. Hình như đoán được cô đang nghĩ gì nên người đàn ông tên Hà lên tiếng.

Khu vườn được dọn dẹp trở nên quang đãng, ngôi nhà bớt đi phần âm u, lạnh lẽo. Cỏ mọc hai bên lối đi dẫn vào nhà bị bánh của xe chở gỗ đè nát thành ra lối đi nhìn rộng và sạch hơn nhiều. Cầm số tiền bán keo trong tay, bà Mùi quyết định hỏi ý Tâm xem nên dùng để làm gì. Dù sao, sau này tất cả mọi thứ ở đây cũng là của mẹ con nó.

- Mình đừng trồng keo nữa, rậm rạp lắm. Trồng mấy loại cây ăn quả thôi. Từ nay con sẽ đi làm. Mẹ đã lớn tuổi, ở nhà trông nom nhà cửa với chăm sóc cây cối trong vườn là được. Cu Bon thì đủ tuổi đi nhà trẻ rồi.

- Nhưng mày định làm gì? 

Ở đâu?

- Có nhà cô Thủy ở đầu xóm chuẩn bị mở trại heo đang cần người làm. Hôm bữa con có sang hỏi, cô nhận con rồi mẹ ạ. Tiền bán keo cộng với tiền vay vốn từ ngân hàng chính sách dành cho hộ gia đình khó khăn mình sẽ khoan giếng, mua giống cây, phân bón, làm hệ thống tưới phun sương. Kỳ này, con quyết tâm cải tạo khu vườn cho đàng hoàng, không bỏ bê như dạo trước nữa, uổng lắm.

- Tính toán này nọ kỹ càng phết nhỉ?

- Mẹ quên con mẹ từng là sinh viên ngành trồng trọt à!

Nói đến đây, cả hai mẹ con tự nhiên thấy lòng chùng xuống. Giá như mọi thứ suôn sẻ, tuổi trẻ không mắc sai lầm thì giờ này Tâm đã là kĩ sư nông nghiệp với tương lai rộng mở phía trước.

- Con nghĩ, mấy tấm tôn…  Tâm lên tiếng phá tan sự yên lặng.

- Chú Hà bảo hôm nào sẽ đến giúp dọn sạch cỏ trên mái nhà. Cu Bon cắt ngang lời mẹ.

Bà Mùi nhìn cháu rồi lại nhìn con gái. Tâm ngượng ngùng khẽ quát:

- Bon! Không được nói leo. Mấy tấm tôn cũng hư gần hết rồi, nhân dịp này mình thay mới luôn, kẻo mai mốt mùa mưa về lại khổ.

- Tùy mày.

Tâm đang sửa soạn đi ra trại cây giống thì nghe có tiếng bước chân của ai đó ở ngoài sân. Tâm ngó ra. Người đàn ông ấy… Cô chết sững…

- Anh tìm em và con bao lâu nay. Sao ngày đó em lại bỏ đi?

- Anh có vợ con đầy đủ rồi nhưng lại lừa tôi là còn độc thân. Một con bé sinh viên mới chân ướt chân ráo lên thành phố chưa trải đời vì sự khốn nạn của anh mà dang dở hết cả.

- Anh xin em. Ngày ấy, anh yêu em thật lòng…

- Anh cất lòng dạ của anh vào. Tôi bây giờ không dễ bị dụ như mấy năm trước nữa. Anh đi đi.

- Em cho anh nhận lại con. Dù sao anh cũng là bố ruột của thằng bé.

- Anh không có tư cách làm 

bố nó.

Anh ta bỗng đứng phắt dậy, chạy lại chỗ thằng bé.

- Này anh kia! Anh muốn làm gì cháu tôi đấy? Cút khỏi đây ngay. Tôi la làng lên bây giờ.  Bà Mùi ở đâu chạy tới, mặt mũi đỏ bừng, tay lăm lăm cầm chiếc đòn gánh, giằng cu Bon ra khỏi tay người đàn ông, đứng chặn ở giữa.

- Kìa bác. Cháu chỉ muốn trò chuyện với con trai một chút.

- Nhà tôi chả bác cháu, cha con gì với cái ngữ như anh cả. Tâm, mày gọi cho công an xã, bảo có người đến quấy rối nhà mình.

- Được rồi. Cháu đi.

- Đừng bao giờ quay lại đây nữa. Con tôi, cháu tôi đừng hòng có ai đụng được đến chúng nó.

Người đàn ông rời đi lâu rồi nhưng Tâm vẫn ngồi yên trên ghế. Cô vẫn luôn muốn cho con mình có cha vì hơn ai hết cô hiểu sự thiệt thòi của đứa trẻ sinh ra trong một gia đình không trọn vẹn. Nhưng cô không thể nhẫn tâm để một gia đình phải tan nát vì mẹ con cô. Còn mẹ nữa, mẹ đã khổ vì cô quá nhiều. Cô không muốn vì mình mà bà phải chịu thêm sự xấu hổ và nhục nhã. Hồi nãy, nếu không có mẹ thì sự thể chẳng biết sẽ tồi tệ như thế nào nữa. Thì ra, mẹ vẫn luôn yêu thương mẹ con cô chứ không hề hắt hủi hay lạnh nhạt. Vậy mà bao lâu nay cô đã trách nhầm.

- Người hồi nãy là ai vậy mẹ?-Con trai đã đứng bên cô từ lúc nào.

- À, chú ấy bị lạc đường nên vào đây hỏi thăm thôi.

Cô ôm con vào lòng, nước mắt lặng lẽ rơi.

Tâm quẹt nước mắt đứng dậy, dắt tay cu Bon đưa sang cho bà Mùi:

- Mẹ trông thằng bé giúp con. Con ra trại cây giống xem thử thế nào.

- Đi đi.

Bà Mùi dắt cháu ra đống cát chơi như thường lệ. Bà ngước lên nhìn mái nhà. Cỏ trên đấy vẫn xanh rì như cũ. Nhưng bà không khó chịu khi nhìn chúng nữa. Mai mốt, mái nhà được thay mới, đám cỏ cũng chẳng còn. Cây cối trong vườn sẽ được trồng lại, bà sẽ chăm cho chúng tươi tốt mỡ màng. Rồi biết đâu, con gái bà sẽ gặp được một người đàn ông tốt. Cái anh chàng tên Hà mua vườn keo bữa trước cũng không đến nỗi nào.

Bà Mùi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Nắng chiếu xuống mấy bụi hoa giấy nơi hàng rào khiến những chùm hoa ánh lên màu đỏ rực rỡ, lóa mắt người.

Truyện ngắn của: NGUYỄN HIÊN

;
.