Từ Dinh Cô nghĩ về sức hút của lễ hội truyền thống
Các lễ hội truyền thống ở Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng được đầu tư công phu phần lễ và phong phú các hoạt động ở phần hội, tạo cho người dân và du khách những trải nghiệm độc đáo, thú vị.
Nghi lễ rước Cô từ biển trở về Dinh Cô. |
Lễ hội Dinh Cô (TT. Long Hải, huyện Long Điền) đang diễn ra, là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân vùng biển Nam bộ, được Bộ VHTTDL quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 14/2/2023.
Qua mỗi năm tổ chức, ban tổ chức đều có sự đầu tư nâng tầm, để lễ hội không chỉ trở thành nét đẹp văn hóa của ngư dân miền biển, mà còn có sức hút mạnh mẽ đối với người dân địa phương và du khách. Lễ hội Dinh Cô 2024 được ban tổ chức đầu tư, nâng tầm quy mô và thời gian so với những năm trước kéo dài từ ngày 17 đến 25/3/2024.
Chính lễ của lễ hội Dinh Cô năm nay đã diễn ra vào 21/3 (nhằm ngày 12 tháng 2 Giáp Thìn) với lễ nghinh Bà Thủy thần nhập điện và nghi lễ cúng Cô. Đây là năm đầu tiên mà người dân, du khách được trực tiếp chiêm bái nghi thức đoàn rước Long vị từ ngoài biển Long Hải vào bờ và đi qua “cầu tâm linh”.
Phần hội được tổ chức xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao như: biểu diễn đờn ca tài tử, sân khấu hóa tái hiện lịch sử hình thành di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Dinh Cô, Mộ Cô; hội thi đan lưới, cột lưới, khiêng cá; đi cà kheo trên cát; thi thả diều bãi biển, biểu diễn diều nghệ thuật; bóng đá bãi biển; thi ném còn; biểu diễn lân-sư-rồng… Tính đến ngày 22/3, lễ hội đã thu hút khoảng 250 ngàn lượt khách, tăng 17,2% so với năm 2023; đạt doanh thu ước hơn 70 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng, du khách đến từ tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Lễ Nghinh Cô tại lễ hội Dinh Cô có tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng không trộn lẫn với các địa phương khác. Cùng với đó là các hoạt động trò chơi dân gian, thả diều, sân khấu hàng đêm rất đặc sắc. Lễ hội năm sau tôi sẽ quay trở lại…”.
Một trong những lễ hội của Bà Rịa-Vũng Tàu gây ấn tượng, hấp dẫn người dân và du khách là lễ hội tại quần thể kiến trúc Nhà Lớn Long Sơn (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu). Hàng năm, vào dịp lễ hội Trùng Cửu (9/9 âm lịch) và ngày mất của ông Trần (19/2 âm lịch), người dân khắp nơi lại đến thắp nhang, dâng lễ. Khám phá nét độc đáo quần thể kiến trúc Nhà Lớn, thưởng thức các món đặc sản đặc trưng của Long Sơn.
Theo Sở VH-TT, trên địa bàn tỉnh có 12 lễ hội truyền thống, trong đó các lễ hội lớn diễn ra thường niên phải kể đến là: lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam, lễ hội Trùng Cửu, lễ hội Dinh Cô Long Hải, lễ hội Miễu Bà Ngũ Hành, lễ giỗ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, lễ giỗ bà Phi Yến…
Tại lễ khai mạc tuần lễ du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023 diễn ra ngày 17/11/2023, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin, tỉnh mong muốn xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao nên luôn quan tâm làm mới các lễ hội, các sự kiện mang tính đặc trưng của địa phương.
Bài, ảnh: HOÀNG BÁCH